Thứ Sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2013 Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm lẻ
11 tháng 10, Chân Phước Mary Angela Truszkowska (1825-1899) Sinh trưởng ở Kalisz, Ba Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.
Không bao lâu cô được người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm 1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên Các Nữ Tu Thánh Felicia.
Khi công việc chăm sóc người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật, người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.
Vào năm 1863, khi người Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các nữ tu "không được loại trừ ai" và hãy nhớ rằng "mọi người đều là người thân cận của mình."
Trong năm kế đó, vào tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán. Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ lan tràn cho tới bảy giáo phận.
Vào năm 1869, Mẹ Angela từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.
Lời Bàn
Sau khi Mẹ Angela chết không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như "một hiện thân của tình yêu tha nhân. Ðối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết -- ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài... không chỉ để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm trường... Sự đau khổ, sự lo âu của người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành viêïc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn phận của ngài."
Lời Trích
Mẹ Angela có lần khuyên các nữ tu, "Một kinh 'Sáng Danh' được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công."
Trích từ NguoiTinHuu.com
Ngày 11 tháng 10, THÁNH PHÊ-RÔ LÊ TÙY, Linh Mục Tử Đạo
* Gương Thánh nhân
Kinh Thánh thuật lại thời vua Ăn-ti-ô-cô cấm đạo, người ta bắt dân Chúa phải ăn thịt luật cấm, ai bất tuân sẽ bị xử tử. Có cụ Ê-lê-a-xa đã 90 tuổi bị bắt ép ăn thịt, nhưng cụ thà chết hơn là lỗi luật Chúa. Các lý hình thấy cụ già cả thì thương, muốn cứu sống cụ nên bảo: “Cụ hãy đem đến đây loại thịt nào được phép ăn, rồi giả bộ ăn trước mặt vua, để vua tha chết cho cụ.” Nhưng cụ đáp: “Các cậu đã thương tôi, song tôi không dám gian dối lường gạt Thiên Chúa”. Cụ đã bị đánh đòn đến chết, vì trung thành tuân giữ luật Chúa. (2 Mcb. 1).
Thánh Phê-rô Lê Tùy cũng như cụ Ê-lê-a-xa vì không khai gian nói dối mà bị tử hình, chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa. Lúc bị bắt nộp cho quan huyện Thanh Phương, quan bảo ngài khai là thầy thuốc chớ không phải Linh mục, quan sẽ cứu ngài khỏi chết. Nhưng cha từ chối không chịu khai dối, nên bị tống ngục và sau cùng phải trảm quyết (chém đầu).
Phê-rô Tùy sinh năm 1773, tại làng Bằng Sở, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình khá giả đức hạnh.
Ngay từ nhỏ, cậu được Chúa chọn giúp việc Chúa, nên khi lớn lên đã xin gia nhập Chủng viện Kẻ Vĩnh. Trong thời gian tu học ở đây, cậu tỏ ra xuất sắc về trí thông minh và lòng đạo đức, được bề trên cũng như mọi người mến chuộng. Sau khi mãn thần học, Thầy Tùy thụ phong Linh mục, được bổ nhiệm làm phó xứ Đông Thành, rồi Châu Lộc, và sau được cử làm chánh xứ Nam Đường.
Là một Linh mục hiền lành, nhân đức, nhiệt thành trong sứ vụ tông đồ, nên dù ở đâu, với chức vụ nào, cha cũng luôn luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ. Nhờ cha nhiều người chưa biết Chúa được nhận lãnh đức tin, những tín hữu bê bối trở lại đạo đức…
Giữa lúc cha hoạt động tông đồ đắc lực như thế, ngày 6 tháng giêng năm 1833, vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo gắt gao. Và một tháng sau lại xảy ra cuộc nổi loạn của nhóm Lê Văn Khôi ở miền nam. Vua nghi ngờ người Công giáo theo phe phản loạn, nên ra lệnh bắt bớ giết hại dữ dội. Trước tình thế khó khăn, cha Phê-rô cũng như các Linh mục khác phải ẩn lánh rày đây mai đó, không còn hoạt động tông đồ công khai được. Dù vậy, cha cũng cố gắng lén lút thi hành sứ vụ, tìm cách dâng Thánh lễ và ban các Bí tích cho giáo dân, nhất là khích lệ mọi người can đảm trung thành tin theo Chúa.
Ngày 25 tháng 6 năm 1833, có người đến rước cha đi xức dầu cho một giáo hữu bệnh nặng ở gần những người lương. Trong khi cha xức dầu, một nhóm người ngoại đạo bắt trói cha nộp cho quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu nghe tin cha bị bắt rất thương tiếc. Họ không đành để cho một vị cha già hết lòng tận tụy hy sinh cho đoàn chiên phải chịu cực hình khổ sở. Họ hùn tiền đến xin chuộc cha, nhưng sự việc không thành. Thế là cha bị đóng gông giải về tỉnh Nghệ An, tống vào ngục.
Trong thời gian gần bốn tháng bị giam giữ ở đây, nhiều lần quan đòi cha ra công đường tra khảo, bắt ép cha quá khóa (bước qua Thánh giá) chối đạo. Nhưng cha luôn từ chối, thà chịu khổ chịu chết vì Chúa chớ không bao giờ bỏ đạo. Thấy cực hình không khuất phục nổi lòng tin sắt đá của vị anh hùng, quan đổi chiến lược, trở lại dụ dỗ:
- Ai thấy ông bị đòn vọt tra tấn cũng bùi ngùi thương xót. Chính ta đây cũng rất thương ông, muốn cứu sống ông. Ông hãy khai mình là y sĩ chữa bệnh, chớ đừng khai là Linh mục. Ta sẽ thả ông.
Cha khẳng khái nói:
- Thiên Chúa dạy phải tôn trọng sự thật. Tôi là Linh mục, không thể khai gian nói dối. Dù có chết, tôi cũng bằng lòng.
Đứng trước lòng can đảm của bất khuất của người chiến sĩ Chúa Ki-tô, quan không còn cách nào khác hơn là làm án gởi về kinh cho vua định đoạt. Và vua Minh Mạng đã kết án trảm quyết ngài. Sáng ngày 11 tháng 10 năm 1833, ngài chịu chém đầu tại chợ Quân Ban, để làm chứng Chúa là Thiên Chúa thật, luôn dạy sự thật lẽ phải cho con người.
Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong ngài lên Chân phước. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.
* Quyết tâm
Noi gương Thánh Phê-rô Lê Tùy Linh mục tử đạo, luôn luôn nói thật, làm theo sự thật, dù có khổ có chết cũng sẵn lòng chấp nhận, để làm chứng Chúa là Thiên Chúa thật.
* Lời nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. A-men.
|