Thứ Tư, Ngày 9 tháng 10 năm 2013 Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm lẻ
9 Tháng 10, Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius (c. 258?) Điều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu. Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Ngài sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 ngài được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác. Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium -- sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó ngài được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Ðồ nước Pháp. Ở đây ngài bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và thầy sáu của Ðức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm. Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của ngài mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis. Ðến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định ngài là một vị thánh riêng biệt. Thánh Denis thường được vẽ khi ngài tử đạo -- không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay ngài cầm chính đầu của ngài với nón giám mục. Ðược coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp. Lời Bàn Ðây là trường hợp của một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng ngài là người được sùng kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của ngài chứng tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Ðức Kitô, và Giáo Hội không bao giờ quên họ được -- đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa. Lời Trích "Sự tử đạo là một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô, cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị 'martus' (chứng nhân). Danh từ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học).
Trích từ NguoiTinHuu.com
** THÁNH ĐI-Ô-NI-XI
và các bạn Tử Đạo
* Gương Thánh nhân
Theo truyền thuyết, thánh Đi-ô-ni-xi Giám mục tiên khởi Pa-ri, nước Pháp, chính là A-tê-ni-en được thánh Phao-lô đem trở lại đạo. Và sau khi trở lại, ngài đã từ bỏ danh vọng, của cải, bạn hữu để đi giảng đạo. Nhờ thánh Phao-lô đào tạo, và với trí thông minh, ngài đã làm rạng rỡ danh Chúa khắp nước nầy.
Dựa theo tường thuật của thánh Ghê-gô-ri-ô thành Tua, năm 200, Đức Giáo Hoàng Pha-bi-a-nô đã sai bảy Giám mục đến truyền giáo tại sứ Gôn. (Tên gọi nước Pháp ngày xưa), trong số đó có thánh Đi-ô-ni-xi. Ngài đến tận kinh đô Pa-ri lúc đó gọi là Lu-téc, và đi khắp nơi giảng đạo Chúa. Đi đến đâu, người ta cũng ùn ùn kéo đến nghe ngài giảng, và rất nhiều người trở lại đạo. Ngài cho cất nhiều nhà thờ để tập họ đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và ban các Bí tích cho họ. Với các giáo dân ngày càng đông, thánh nhân thành lập giáo đoàn tại Pa-ri và làm Giám mục tiên khởi giáo phận nầy. Ngài có được hai cộng sự viên là Linh mục Rút-ti-cô và thầy sáu Ê-lên-tê.
Thánh nhân hết sức vui mầng vì thành quả đã đạt được. Và ngài càng nỗ lực truyền giảng đạo Chúa hơn nữa, mong đem hết mọi linh hồn về cho Chúa. Nhưng ma quỷ không bao giờ để cho người của Chúa được thành công dễ dàng. Chúng xúi giục các tư tế dân ngoại tố cáo lên hoàng đế. Ông ta ra lệnh bắt giết người theo đạo Công giáo. Thánh nhân cùng với hai cộng sự viên là Rút-ti-cô và Ê-lên-tê bị bắt tống ngục. Nhưng tù ngục, đòn vọt không lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của Ngài, mặc dầu lúc đó ngài đã trên 100 tuổi. Bị lửa thiêu đốt, ngài vẫn ca tụng Chúa; bị treo lên khổ giá, ngài cao rao mầu nhiệm phục sinh của Chúa và ơn cứu chuộc của Người, khiến cho nhiều người càng tin theo Chúa. Thấy không lợi mà còn tạo thêm dịp cho thánh nhân giảng đạo, nhà vua đã ra lệnh chém đầu ngài cùng với các cộng sự viên của ngài. * Quyết tâm
Noi gương thánh Đi-ô-ni-xi, tôi can đảm làm chứng cho Chúa, bằng lời nói, việc làm và gương tốt đời sống, nhất là bằng sự hy sinh chịu khó hằng ngày. * Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Đi-ô-ni-xi và các bạn đi rao giảng Tin mừng cho lương dân, và ban cho các ngài được can đảm chịu cực hình vì Chúa. Xin nhận lời các ngài nguyện giúp cầu thay, mà ban cho chúng con lúc thịnh đạt biết giữ tâm hồn thanh thoát, và khi gặp nghịch cảnh, không nản chí sờn lòng. Chúng con cầu xin …
|