“Cha mẹ ơi! Xin Hãy dành thêm nhiều thời gian cho con của mình!”
(Viết theo lời tâm tình chia xẻ của chị K.L trong khóa Nazareth 7)
Đó là lời van xin đầy xúc động của chị K.L sau khi kết thúc phần chia xẻ của mình với đề tài giáo dục con cái, mà trong đó “thời gian với con” là yếu tố vô cùng quan trọng, nhất là với các em độ tuổi thiếu niên (12 – 18 tuổi). Chị hiện đang làm việc ở một bịnh viện tâm thần dành cho tuổi thiếu niên, chị đau lòng khi hằng ngày nhìn thấy cảnh các em tìm mọi cách để tự tử vì quá chán chường và thất vọng về cha mẹ, gia đình.
Mỗi mùa lễ lớn ( Holyday season) là chị và các bạn trong bịnh viện phải làm việc cực nhọc hơn, căng thắng hơn vì số bịnh nhân nhập viện gia tăng. Riêng các bịnh nhân trẻ bản chất vốn ham vui chơi, bây giờ bị nhốt, bị canh phòng chặt chẽ. Mùa lễ hội khiến các em nhớ tới những không khí vui vẻ tưng bừng trước đây. Điều này khiến các em càng điên cuồng quay quắt đòi “trở về” với xả hội, với bạn bè xưa cũ. Nhưng than ôi! làm sao các em có thể “trở về” khi nảo bộ các em đã bị tổn thương trầm trọng do xì ke, ma tuý, rượu. Tâm thần các em mất ổn định, trầm cảm, hoảng loạn…Bây giờ các em đã trở thành mối nguy hiểm cho xả hội và cho chính bản thân các em! Điều đáng buồn hơn là thời gian gần đây số bịnh nhân Việt Nam nhập viện mỗi lúc một gia tăng!.
Hằng năm vào mùa kết thúc năm học : Radio, báo chí đều loan tin với niềm tự hào về những con số học sinh Việt Nam thành công, chiếm thủ khoa nhiều trường trung học trong vùng Orange County. Ngoài ra còn những lời Chúc Mừng các Tân khoa Bác Sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, Luật sư… xuất hiện thường xuyên trên các trang báo Việt Ngữ…Nhưng có ai biết đâu phía sau “Những ánh đèn màu sân khấu rực rỡ” đó, là những mãnh đời tuổi trẻ Việt Nam đang bị che lấp bởi những đám mây mù u ám tang thương khi hội nhập vào xứ Mỹ!.
Một bà mẹ Việt Nam đã lấy hết can đảm và nuốt nước mắt vào trong, khi gọi 911 xin giúp đỡ, sau khi bà đã nhẩn nại hết cách mà vẫn phát hiện con gái tiếp tục lén chơi ma túy.Người cảnh sát viên chuyên ngành về nạn nhân ma túy của tuổi trẻ Việt Nam đã chia xẻ với bà : “Cô an tâm và đừng buồn, tụi con biết cách phải làm sao để giúp đở con cô. Tình trạng này bây giờ rất phổ biến trong cộng đồng Việt Nam, nên bây giờ cấp trên đã tuyển thêm nhiều cảnh sát Việt Nam vô ngành này!”. Nghe sao mà đau lòng biết bao ! Những chuyện này thì không bao giờ lên báo, radio để làm hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ khác, vì sĩ diện các cha mẹ này đều lo dấu thật kín, che thật kỹ như là một “bí mật” lớn của gia đình!
Đa số các em “nạn nhân” đều là con nhà tử tế, khá giả, trí thức nữa là khác, nhưng vì cha mẹ lo mãi mê quay theo “vòng xoáy tiền tài, danh vọng”, họ làm hai job hay theo kiểu “làm ngày không đủ, tranh thủ làm luôn weekend”, họ không còn giờ để ngó ngàng tới con cái. Họ sẳn sàng cung phụng cho con đầy đủ những nhu cầu về vật chất : Games, Ipad, Iphone, Smart phone…xe xịn, xe đời mới… họ tưởng làm như vậy là họ đã chu toàn trách nhiệm làm cha mẹ. Họ đã quên mất một nhu cầu khác tối quan trọng đối với tuổi trẻ, đó là nhu cầu về tinh thần: Tình thương yêu, sự chia xẻ vui buồn, gần gủi thân thiết trò chuyện với con. Thời gian họ dành cho con gần như không có, chắc ai trong chúng ta cũng còn nhớ câu chuyện cảm động về một cậu bé đã ky cóp dành tiền để mua thời gian của cha, hầu cho mình có dịp gần gủi cha! Có những ông bố không hề biết con mình học lớp mấy? trường nào? nói chi tới việc quan tâm buồn vui của con,vì lúc nào họ cũng vô cùng bận rộn “thời gian” đã trở thành món hàng “xa xỉ” đối với họ, nên một nhà giáo dục học đã nhắc nhở : “Xin hãy dành cho con cái món hàng “xa xỉ” đó và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!”
Một bác sĩ tâm lý Việt Nam cho biết : “Rất nhiều con của các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư đang “sống dỡ, chết dỡ” trong các bịnh viện Tâm thần. Các em có thừa tiền bạc và điều kiện vật chất để tiêu xài theo ý thích, nhưng các em không hề có ai để chia xẻ tâm tình, để lắng nghe những băn khoăn của tuổi mới lớn. Cha mẹ nuôi chúng như nuôi những con heo, cho ăn uống phủ phê, nhưng “sân chơi tinh thần”thì bỏ trống, không ai đoái hoài, chúng bèn đi theo lời rủ rê “mật ngọt” của bạn bè, băng đảng…rồi chuyện gì phải tới sẽ tới : chúng sa vào cần sa, ma túy, rượu bia…những thứ này khi đã nghiện rồi thì rất khó lòng mà thoát ra nỗi. Bên cạnh đó điều đáng sợ hơn là những thứ đó sẽ dần dần làm tổn thương và phá hủy nảo bộ của chúng, biến chúng thành nhũng kẻ “tâm thần phân liệt”, hoang tưởng…Khi bịnh trở nặng, cha mẹ mới khám phá ra thì đã muộn! Tôi có một anh bạn nha sĩ, từ bên Việt Nam, sang đây học và thi lại. Anh ra mở office rất thành công, bịnh nhân quá đông, vợ chồng anh bù đầu trong việc kiếm tiền ở office. Con cái ngoài giờ đi học ở trường, về nhà có bà giúp việc trông nom, chúng được hưởng đầy đủ tiện nghi. Con trai lớn của anh mới 17 tuổi vừa có bằng lái là đã yêu cầu có xe mới mà phải là xe xịn de luxe mới chịu, anh cũng vui vẻ chiều con với điều kiện phải lo chăm chỉ học hành!.Anh bắt đầu “để mắt” tới con nhiều hơn và thấy có những biểu hiện đáng ngờ. Anh tới trường liên lạc với thầy cô giáo và hiệu trưởng, cho họ số cell của anh, để khi cần họ có thể liên lạc trực tiếp với anh, thay vì gọi về nhà nhắn tin. Chỉ trong một thời gian ngắn anh đã nhiều lần phải bỏ bịnh nhân để chạy vô trường giải quyết những “vấn đề” của con. Anh chợt giật mình nghĩ lại, mình làm việc kiếm nhiều tiền là để phục vụ cho con, nhưng nếu tương lai con sụp đổ thì đồng tiền làm ra còn có ý nghiã gì? Mỗi đứa con chỉ có một đời sống, nếu không bỏ thời gian chăm sóc, vun đắp cho đời sống con tốt đẹp, nếu đời sống con lỡ bị hủy hoại rồi thì không thể nào có một đời sống thứ hai để bù đắp cho nó, dù cha mẹ có “tiền muôn, bạc triệu” cũng đ ành vậy thôi! Anh bắt đầu bớt giờ làm việc ở office để có nhiều thời gian “sát cánh” và gần gủi với con hơn. Vợ chồng anh chấp nhận dọn nhà từ thành phố này sang thành phố khác, rồi từ Nam lên Bắc Cali để tách con khỏi bạn bè xấu nhưng kết quả cũng không được bao lâu! Cuối cùng anh đành quyết định dẹp offce luôn và dọn đi tới một tiểu bang miền cao, xa xôi, hẻo lánh. Anh ngậm ngùi chia xẻ : “Hy vọng ở nơi đó con tôi sẽ thoát khỏi được vòng vây bạn bè xấu! May là tôi phát hiện kịp thời, nếu không thì sẽ ân hận cho tới chết. Phải chi tôi biết quan tâm dành thời gian cho con sớm hơn, thì vợ chồng tôi đâu có long đong, vất vả dường này”. Thật là một bài học quý cho các bậc làm cha mẹ khi hội nhập vào xứ Mỹ!
Đó là trường họp những cha mẹ cùng đồng lòng trong việc giáo dục con. Còn biết bao cha mẹ khác chỉ ham kiếm tiền, ích kỷ chỉ lo chạy theo đam mê danh vọng hay hạnh phúc cá nhân cho riêng mình, họ đã biến gia đình thành trở thành địa ngục mà đôi khi con cái còn là nạn nhân bị lôi ra mắng chửi hoăc đánh đập theo kiếu “giận cá chém thớt”…rồi vợ chồng dẫn tới ly thân, ly dị. Họ đã gây ra những tổn thương tâm lý rất nghiêm trọng, khiến con bị trầm cảm, đẩy con vào ngỏ cụt tối tăm, đành tìm lãng quên nơi xí ke ma túy, hủy hoại đời con, bịt mất lối đi tương lai
Hãy nghe tâm sự của một cô gái còn rất trẻ, xinh đẹp, học giỏi ( em có thể nói được 5 ngọai ngữ, vì bố mẹ em làm ngoại giao, em từng sống ở nhiều nước khác nhau).Bố em ngoại tình, đòi ly dị, mẹ em bất mản, hận đời bỏ bê em.Vô bịnh viện, dù đã có người canh chừng cẩn thận, em vẫn tìm mọi cách để tự tử Sau khi được cứu sống, lúc tỉnh táo nghe lời khuyên can:
- Sao con dại vậy! tự tử là có tội sẽ bị đày thẳng xuống địa ngục luôn !
Em cười buồn:
- Đời con vốn dĩ đã là một chuỗi dài những địa ngục rồi : gia đình là một địa ngục trần gian, khiến con đau lòng, ngộp thở nên con phải bung ra ngoài xả hội, nhưng xả hội lại có qúa nhiều cạm bẫy xấu, lôi chân con xuống. Vô bịnh viện thì con bị nhốt, bị canh chừng theo dõi, bị chích thuốc uống thuốc mỗi ngày, rồi ở chung với những thằng điên khùng, lại là một địa ngục khác. Đời con có gì vui đâu mà sao bắt con phải sống? Làm ơn cho con chết để con đi thẳng xuống địa ngục đời sau cho lẹ! thay vì cứ đẩy con từ địa ngục này sang địa ngục khác.Tội nghiệp con quá!
Nghe mà đau lòng rơi lệ ! Đúng là :
“Làm sao biết từng nỗi đời riêng Để yêu thêm, yêu cho nồng nàn” (TCS).
Thượng đế có thể không công bằng khi cho con người sinh ra trong những hòan cảnh khác nhau : (giàu/nghèo, khỏe mạnh/ yếu đuối…) nhưng ngài rất công bằng khi ban phát thời gian cho mỗi người. Ai cũng đều có 24 giờ/mỗi ngày không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Thời gian không mất tiền mua, nhưng thật vô giá nếu biết sử dụng đúng cách nhất là trong việc dạy dổ, yêu thương con cái. Một tiến sĩ giáo dục đã từng nhắc nhở : Hãy dành nhiều thời gian cho con, thường xuyên trò chuyện, đọc sách với con. Đó là cách tốt nhất để giáo dục tâm hồn và rèn luyện nhân cách của con.. Khi nói về tác dụng của thời gian hằng ngày khi quan tâm tới trẻ, ông nhấn mạnh : “Hãy dành 5 phút mỗi ngày để dạy trẻ học ngoại ngữ, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh”. Đừng nói gì đến học ngoại ngữ, có bao nhiêu gia đình Việt Nam ở Mỹ, cha mẹ chịu khó bỏ ra đều đặn mỗi ngày 5,10 phút dạy con nói tiếng Việt, hoặc chịu khó nói tiếng Việt với con ở nhà, để con có cơ hội thực hành nói tiếng Việt?. Hay là mọi thứ khoán trắng cho nhà trường, mỗi Chúa nhật đem con đến trường học Việt Ngữ vài tiếng là đã cảm thấy xong bổn phận. Ở nhà cứ xài tiếng Mỹ với con cho nó lẹ, khỏi mất thời giờ giải thích lôi thôi. Cứ như vậy thì làm sao con nói tiếng Việt giỏi cho được?. Tình thương yêu con phải coi như là những hy sinh âm thầm trong từng việc nhỏ, nhưng nếu không có những việc nhỏ đó thì sẽ không bao giờ gây dựng được một nhân cách tốt và một tương lai tươi sáng cho con sau này
Có bà mẹ Mỹ ở South Caroline đã chấp nhận “hối lộ” con gái 300$/mỗi tháng để con chấp nhận từ bỏ Face book. Nhờ vậy mẹ con có thêm thời gian trò chuyện, sinh hoạt chung với nhau, đôi khi chỉ là những câu chuyện thời tiết nắng mưa, nhưng mối dây liên hệ mẹ con gắn bó với nhau hơn. Hay như câu chuyện về ông bố, khi I pad ra đời, ông đã vội sắm cho mình một cái để “thưởng thức”. Sau 2 tháng ông suy nghĩ kỹ và quyết định trả lại với lý do: Nó quá hay, quá hữu dụng, quá tuyệt vời. Anh tự nhìn lại trong 2 tháng qua I Pad đã “hút” hết thời giờ của anh, anh gần như không còn giờ cho gia đình, đặc biệt là cho thằng con trai nhỏ của anh. Lương tâm và trách nhiệm của người bố đã thức tỉnh trong anh. Anh tự nhủ : “Phải chọn giải pháp thôi, nó không tự bỏ đi, thì tôi phải bỏ nó”. Sau khi trả lại I Pad rồi anh cảm thấy có thời gian thoải mái hơn với gia đình và với thằng con trai nhỏ của anh. Có khi cha con đạp xe chung với nhau, chơi đùa trong công viên, có lúc chẳng làm gì cả, hai cha con ngồi với nhau cùng ngắm sóng biển, nhưng anh cảm thấy hạnh phúc vì thời gian đó thật có ý nghĩa, mối tương quan cha con anh trở nên gần gủi thân thiết hơn nhiều.
Mỗi gia đình Việt Nam khi bỏ nước ra đi đều mang trong lòng một hoài bảo : “Đi là vì tương lai con cái”. Vậy hãy vui lòng học tập cách sủ dụng thời gian của các bậc cha mẹ nêu trên mà dành thời gian cho con nhiều hơn, để mai kia khi chúng trưởng thành; lúc đó chúng sẽ không còn cần thời gian của cha mẹ nữa , dù có cho chúng cũng không nhận (“No, thank”), chúng ta sẽ không phải tiếc hối
“Thời gian như thể thoi đưa Nó đi đi mất, chẳng chờ đợi ai”
Đúng! thời gian không bao giờ ngoảnh lại và “chẳng chờ đợi ai”, nhất là thời gian với con cái trẻ tuổi cần cha mẹ sẽ qua rất nhanh! Cầu chúc các bậc cha mẹ sẽ không bao giờ phải ân hận và hối tiếc vì “thời gian dành cho con” đã qua mất rồi!
Phượng Vũ
|