Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp nối loạt bài giáo lý cho Năm Đức Tin này của Vị Tiền Nhiệm, bắt đầu vào Mùa Phục Sinh, bởi thế, ngài đã không trở lại các tín điều của Kinh Tin Kính tiếp theo vị tiền nhiệm mà là đi thẳng vào các tín điều về cuối của Kinh Tin Kính, với bài đầu tiên về tín điều phục sinh của Chúa Kitô đúng vào thời điểm của phụng niên bấy giờ.
Bài 26: Giáo Hội là Người Mẹ nhân hậu
Bài 25: Giáo Hội Mẹ - Mẹ Giáo Hội
Bài 24: Giáo Hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần
Bài 23: Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô
Bài 22: Giáo Hội là Dân Chúa
Bài 21: Giáo Hội là Gia Đình của Chúa
Bài 20: Tác Động Thánh Linh - Sứ Vụ Giáo Hội
Bài 19: Hoạt động của Chúa Thánh Thần
Bài 18: "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống"
Bài 17: Chúa Giêsu "sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết"
Bài 16: Chúa Giêsu "lên trời ngự bên hữu Chúa Cha".
Bài 15: Tầm Quan Trọng của Biến Cố Phục Sinh
Bài 14: "Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh"
Và từ đó, ngài đã tiếp tục cho đến hết các tín điều của Kinh Tin Kính, trong đó, ngài đã hướng dẫn về tín điều Giáo Hội liên quan đến bản chất của Giáo Hội (bài 20-26) và giờ đây ngài tiến đến các đặc tính chính yếu của Giáo Hội, với đặc tính đầu tiên là "duy nhất" như bài ngài hướng dẫn trong buổi triều kiến chung hôm Thứ Tư tuần vừa rồi ngày 25/9/2013 sau đây:
"Tôi tin Giáo Hội duy nhất"
Anh Chị Em thân mến,
Trong "Kinh Tin Kính" chúng ta đọc rằng "Tôi tin Giáo Hội duy nhất", tức là chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội là một và Giáo Hội tự mình là duy nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào Giáo Hội Công Giáo trên thế giới chúng ta lại thấy Giáo Hội có gần 3 ngàn giáo phận rải khắp các Châu Lục: với quá nhiều ngôn ngữ, quá nhiều văn hóa! Tuy nhiên, hàng ngàn cộng đồng Công Giáo làm nên sự hiệp nhất. Làm sao lại như thế được chứ?
Chúng ta thấy được câu trả lời tổng hợp ở Cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trong đó Giáo Hội Công Giáo lan tràn khắp thế giới "chỉ có một đức tin, chỉ có một sự sống về bí tích, chỉ có một thừa kế tông truyền, chỉ có một niềm hy vọng, có cùng một đức ái" (khoản 161). Sự hiệp nhất trong đức tin, đức cậy, đức mến, sự hiệp nhất về các Bí Tích, về Thừa Tác Vụ: chúng là những trụ cột nâng đỡ và cùng nhau làm thành một lâu đài vĩ đại duy nhất Giáo Hội. Bất cứ chúng ta đi đâu, ngay cả khi đến một giáo xứ nhỏ bé nhất, ở một hang cùng ngõ hẻm biệt lập nhất trên trái đất này cũng thấy Giáo Hội duy nhất ở đó; chúng ta như đang ở nhà mình, chúng ta như đang ở trong gia đình của mình, chúng ta đang ở giữa anh chị em chúng ta. Và đó là đại tặng ân của Thiên Chúa! Giáo Hội là một cho tất cả mọi người. Không có vấn đề một Giáo Hội cho dân Âu Châu, một Giáo Hội cho dân Phi Châu, một Giáo Hội cho dân Mỹ Châu, một Giáo Hội cho dân Á Châu, một Giáo Hội cho những ai sống ở Đại Dương Châu, nhưng chỉ là một Giáo Hội duy nhất ở khắp nơi. Như xẩy ra trong gia đình: một gia đình có thể xa cách, sống rải rác khắp thế giới, thế nhưng những mối giây liên hệ sâu xa vẫn nối kết tất cả mọi phần tử của gia đình lại với nhau cách mạnh mẽ bất chấp khoảng cách ra sao. Tôi đang nghĩ đến cái kinh nghiệm về Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janerio: trong đám đông vô vàn vô số giới trẻ ấy trên bờ vịnh Copacabana, rất ư là nhiều những thứ ngôn ngữ được nghe thấy, rất nhiều những nét mặt khác nhau được nhận thấy giữa họ với nhau, những thứ văn hóa khác nhau được gặp gỡ, thế mà vẫn chỉ có một mối hiệp nhất sâu xa, chỉ có một Giáo Hội duy nhất được hình thành, chỉ cảm thấy có một sự hiệp nhất. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: tôi có cảm thấy mối hiệp nhất này hay chăng? Tôi có sống mối hiệp nhất này hay chăng? Hay tôi không cần vì tôi gắn liền với nhóm nhỏ của tôi hay với bản thân tôi? Tôi có phải là một trong những người 'riêng tư hóa' Giáo Hội cho riêng nhóm của tôi, cho quốc gia của tôi, cho bạn bè của tôi hay chăng? Khi tôi nghe thấy có rất nhiều Kitô hữu trên thế giới đang khổ đau, tôi có tỏ ra dửng dưng lạnh lùng hay như thể một người nào đó trong gia đình tôi đang khổ đau hay chăng? Tôi có cầu nguyện cho nhau hay chăng? Cần phải có cái nhìn vượt ra ngoài cái hạn hẹp của mình, để cảm thấy mình là Giáo Hội, là một gia đình duy nhất của Thiên Chúa!
2- Chúng ta hãy tiến thêm chút nữa và tự vấn rằng: có những vết thương đối với mối hiệp nhất này hay chăng? Chúng ta có thể làm tổn thương đến mối hiệp nhất này hay chăng? Tiếc thay, chúng ta thấy rằng trong giòng lịch sử, cả hiện nay nữa, chúng ta đã không luôn sống hiệp nhất. Đôi khi những hiểu lầm, những xung khắc, những căng thẳng, những chia rẽ đã gây ra thương tích ấy, thế rồi Giáo Hội không đương đầu như chúng ta mong ước, Giáo Hội không bày tỏ đức ái. Những gì Thiên Chúa muốn. Chúng ta là thành phần tạo nên những rách nát! Và nếu chúng ta nhìn vào những chia rẽ vẫn còn tồn tại nơi thành phần Kitô hữu, Công Giáo hữu, Chính Thống hữu, Tin Lành hữu... chúng ta cảm thấy cái công khó để mang lại mối hiệp nhất này là những gì hoàn toàn hiện tỏ. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, thế nhưng chúng ta thường thấy khó mà thực hiện sự hiệp nhất này. Chúng ta cần phải tìm kiếm, xây dựng mối hiệp thông, và tự giáo huấn mình để sống hiệp thông, để thắng vượt những hiểu lầm và chia rẽ, bắt đầu từ gia đình, từ các thực thể Giáo Hội, bằng việc đối thoại đại đồng. Thế giới của chúng ta đang cần đến mối hiệp nhất, đến việc hòa giải, đến sự hiệp thông và Giáo Hội là Ngôi Nhà của mối hiệp thông. Thánh Phaolô đã viết cho Kitô hữu ở Êphêsô rằng: "Bởi thế, tôi, một tù nhân của Chúa, nài xin anh chị em hãy sống một cuộc đời xứng với ơn gọi mà anh chị em đã lãnh nhận, bằng tất cả tâm tình khiêm tốn và hiền lành, bằng lòng nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong yêu thương, thiết tha bảo tồn mối hiệp nhất của Thần Linh bằng mối liên kết an bình" (4:1-3). Sự khiêm nhượng, dịu dàng, cao thượng, yêu thương là những gì duy trì hiệp nhất! Rồi ngài tiếp: Chỉ có một thân thể, thân thể Chúa Kitô mà chúng ta lãnh nhận nơi Thánh Thể; chỉ có một Thần Linh, Vị Thánh Linh làm sinh động và liên lỉ tái tạo Giáo Hội; chỉ có một niềm hy vọng, một sự sống đời đời; chỉ có một đức tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Chúa của tất cả chúng ta (xem các câu 4-6). Sự phong phú của những gì hiệp nhất chúng ta! Hôm nay, mỗi một người chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: tôi có hay chăng làm cho mối hiệp nhất gia tăng trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đồng, hay tôi là một cớ gây chia rẽ, gây khó khăn? Tôi có khiêm nhượng để nhẫn nại hy sinh chữa lành các thương tích gây ra cho sự hiệp thông hay chăng?
3- Sau hết, điểm cuối cùng trong cái sâu sắc hơn nữa, đó là vấn đề ai là động cơ cho mối hiệp nhất này của Giáo Hội? Chính là Thánh Linh. Mối hiệp nhất của chúng ta không phải chính yếu là hoa trái của việc chúng ta ưng thuận, của việc chúng ta nỗ lực để tiến đến chỗ đồng ý, mà là xuất phát từ Đấng làm cho mối hiệp nhất trong đa dạng này trở thành hòa hợp. Bởi vậy, cầu nguyện là những gì quan trọng, là linh hồn của việc chúng ta dấn thân như những con người nam nữ của mối hiệp thông, của sự hiệp nhất.
Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa: xin hãy giúp cho chúng con có thể trở nên hiệp nhất hơn, đừng bao giờ trở thành dụng cụ gây chia rẽ; xin hãy làm cho chúng con biết dấn thân - như một kinh nguyện của Thánh Phanxicô - mang yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi xúc phạm, đem hiệp nhất đến nơi bất hòa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit - những chỗ in nghiêng và mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh.
http://www.zenit.org/en/articles/on-the-unity-of-the-church