AI LÀ NGƯỜI SẼ ĐƯỢC
CỨU RỖI ?
Đúng ra nguyên văn câu người ta hỏi
chúa Giêsu là “Có phải chỉ một số ít
người được cứu rỗi phải không?” Chúa
đã không trả lời trực tiếp câu hỏi,
nhưng nói rằng cửa vào nước trời thì
hẹp và đòi hỏi nhiều điều khác
thường nữa. Thực sự là “cánh cửa cơ
hội” sẽ không mở mãi mãi. Thí dụ Chúa dẫn
đưa đến kết thúc là ‘một khi cửa đã
đóng thì đóng luôn và không mở ra nữa’.
Chắc chắn cửa sẽ không mở trở
lại cho những người thưa với Chúa
là Ngài đã từng có lần đến thị
trấn và làng mạc của họ hay đã giảng
dạy trên những đường phố của họ
và họ đã trông thấy Chúa, đám đông và các môn
đệ của Chúa. Những lời biện minh như
thế đã không có giá trị mà còn tự tố cáo mình có
lỗi vì đã không nắm lấy những cơ hội
đó là những điều kiện bắt buộc
phải có.
Thêm vào nỗi đau khổ phải đứng
chờ trước cánh cửa đã đóng, họ lại
thấy rất nhiều người được
nhận. Những người này không phải là những
tín hữu Israel cũ mà là dân ngoại xa xôi không ai ngờ.
Họ là những người đã nghe và tin Chúa, là cơ
hội tốt mà chúng ta và những người Do Thái đã
có nhưng lại để vuột mất.
THẾ NÀO LÀ CỨU RỖI ?
Để được cứu rỗi với
tư cách là Kito hữu, chúng ta phải nhận biết chúa
Giêsu là Thầy ngay từ bây giờ. Theo bài Tin Mừng hôm
nay, chúng ta thấy có lẽ chúa Giesu không biết tất
cả mọi người mang danh là Kito hữu, nhưng
Người sẽ nhận ra ngay lập tức tất
cả những ai mà cuộc sống của họ mang
dấu ấn “Kito hữu”. Mỗi người chúng ta
cần suy nghĩ lại xem chúng ta đã quan niệm về
vương quốc Thiên Chúa như thế nào, và ai sẽ
được cứu rỗi. Những người mà chúng
ta nghĩ là rất khó có thể vào đó được thì
có thể lại là những người đầu tiên
được vào hoặc ngược lại.
Sư cứu rỗi là cả một cuộc hành
trình dài mà xuyên suốt đoạn đường đó
Thiên Chúa đã tìm kiếm và chọn chúng ta. Trên hành trình
đó chúng ta đã trở thành bạn đường
với Chúa và với nhau, để rồi chìm sâu hơn
nữa vào mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa. Ngoài ra,
toàn thể cuộc hành trình biến đổi đó
đều được xây dựng trong tình thương
yêu.
SỰ CỨU RỖI QUA CHÚA GIÊSU KITÔ.
Cái khó khăn chúng ta gặp phải trong khi rao
truyền Tin Mừng Chúa là ở chỗ ơn cứu
chuộc của những người bề ngoài xem ra không
thuộc về Giáo Hội. Trong một tông thư lừng
danh “Redemptoris Missio / Sứ Mệnh Cứu Chuộc”,
đức Gioan Phaolo II đã viết rằng “tặng
phẩm cứu chuộc không thể chỉ giới hạn
cho “những người rõ ràng đã tin vào Chúa Kito và ở
trong Giáo Hội. Vì ơn cứu chuộc
được ban cho tất cả mọi người thì
nó phải được sẵn sàng cho tất cả
mọi người một cách cụ thể”. Và,
cũng để công nhận rằng có nhiều
người không thể tiếp cận được
với sứ điệp Tin Mừng, Ngài đã nói: “Họ
là những người không có cơ hội để
biết và đón nhận mạc khải Phúc Âm hoặc gia
nhập Giáo Hội. Những điều kiện văn hóa
xã hội mà họ sống không cho phép họ, và
thường thì họ lại được đưa
đẩy đến những truyền thống tôn giáo
khác” (Số 10).
Chúng ta không nên và không bao giờ được
chấp nhận thuyết tương đối cho
rằng ơn cứu chuộc có thể thấy ở
bất cứ tôn giáo nào khác như ta thường hay nói
“đạo nào cũng tốt, miễn là ăn ngay ở
lành là được”, ngay cả ở những tôn giáo tin
vào Chúa Kito là đấng cứu chuộc theo cách thức
riêng và độc lập của họ, và rằng
đối thoại liên tôn phải được
đặt căn bản trên ý tưởng tương
đối mơ hồ này. Giải quyết vấn
đề cứu chuộc cho những ai không tin vào Chúa Kito
như tuyên xưng trong kinh tin kính thì không thích hợp
với Tin Mừng Phúc Âm. Chúng ta phải giữ vững
lập trường cứu chuộc là phải qua Chúa Kito.
Do đó Giáo Hội và những nhà truyền giáo của Giáo
Hội có bổn phận làm cho mọi người nhận
biết Chúa và yêu mến Chúa ở mọi thời mọi
lúc và mọi văn hóa. Tách biệt khỏi Chúa Kito thì “không
có ơn cứu độ”.
Thánh Phêro cũng đã tuyên bố trước
Đại Công Nghị/Tòa án tối cao của người
Do Thái là “không có danh nào khác dưới bầu trời này
được ban cho nhân loại mà nhờ đó chúng ta
được cứu rỗi” (cv
4:12).
BẠN CÓ ĐƯỢC CỨU RỖI KHÔNG
?
Nếu có ai hỏi, bạn có được
cứu rỗi không thì bạn nghĩ sao? Không lâu
lắm trước đây trong một buổi học
hỏi kinh thánh ở xứ đạo của tôi, một
học viên trẻ đã hỏi vị linh mục giảng
viên là cha có được cứu rỗi không? Ngay lúc đó
cha đã không trả lời và tiếp tục giảng….,
rồi sau đó chừng mươi phút cha đã nói tôi không
thể trả lời câu hỏi của bạn
được. Cha có vẻ đăm chiêu suy nghĩ.
Nhưng một bạn trẻ khác trong đám học viên
đã trả lời: “Cha là linh mục và là công giáo, cha
không được cứu rỗi, và cha không biết
điều đó ý nghĩa thế nào!”
Đối với cá nhân tôi, câu hỏi đó
đã đè nặng trong đầu, vì thực sự câu
hỏi này chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Nếu
người ta hỏi tôi có được cứu rỗi
không ở một góc phố ồn ào xô bồ nào đó hay
ở lối vào một khu thương mại lớn
ở Los Angeles hay Jacksonville, Florida thì tôi sẽ nghĩ trong
đầu phải chăng những người này
đơn thuần chỉ là thiếu giáo dục, chất
phác hay là những người chủ trương
thuyết cơ bản cố ý phá vỡ bầu khí yên
tịnh trong đầu tôi bằng những câu hỏi
xấc xược như vậy ?
Tuy nhiên, đây là câu hỏi quan trọng chúng ta
cần phải suy nghĩ và đặt thành vấn
đề, nhất là chúng ta là người công giáo lại
ít biết nhiều về danh từ cứu chuộc trong
kinh thánh và cũng không thường phải trả lời
những câu hỏi đặc biệt như thế này.
Nếu sau này có ai hỏi chúng ta có được cứu
rỗi không, thì chúng ta có thể đã có ít nhiều tư
tưởng trong đầu rồi, và có lẽ chúng ta
sẽ vui mừng và ngạc nhiên về kết quả
của những suy nghĩ của chúng ta.
KIẾN TRÚC SƯ CỦA NIỀM TIN KITO
GIÁO
Theo bài đọc 2 hôm nay thư gửi tín hữu
Do Thái (Dt 12:5-7,11-13), đời sống người Kito
hữu đã được truyền hứng không
những bởi đức tin gương mẫu của
các tổ phụ trong cựu ước (12:1) mà còn trên
hết nữa bởi Chúa Giesu. Là kiến trúc sư của
niềm tin Kito giáo, chính Chúa Giesu đã phải chịu
cực hình trên thập giá trước khi khải hoàn vinh
quang (12:2). Suy niệm về sự đau khổ của
Người sẽ giúp chúng ta có can đảm để tiếp
tục chiến đấu, nếu cần cũng phải
đổ máu (12:3-4). Người Kito hữu nên để ý
đến chính những đau khổ của mình như những
sửa đổi dễ thương của Chúa là
đấng yêu thương chúng ta như cha yêu thương
con cái vậy.
CẦU NGUYÊN CHO PHẦN RỖI CỦA THA
NHÂN
Ngày 27 tháng 8 Giáo Hội mừng nhớ thánh Monica, mẹ
thánh Augustine. Nếu ai muốn cầu nguyện cho
người nhà hay người mình yêu thì nên cầu xin thánh
Monica. Tôi đã được nói chuyên với nhiều
bậc cha mẹ rất lo lắng cho con cái, tôi
thường nói với họ về thánh Monica, một
vị thánh rất hay cứu giúp các cha mẹ và con cái trong
những lúc buồn phiền chán nản, bởi vì chính thánh
nhân đã từng thắc măc đặt câu hỏi: “Khi
nào và làm sao để con tôi được cứu rỗi?”.
Thánh Monica đã phải nhẫn nại chờ đợi
rất lâu để con mình là Augustine trở lại Kito
giáo.
Monica có nhiều lý do để
lo buồn áy náy về cậu quí tử này. Lúc 18 tuổi,
Augustine có bồ và có một đứa con, anh lại gia
nhập đạo Manichees, một lạc giáo
được giảng dạy từ thế kỷ 3
đến thế kỷ 7 do Manichacus, người Ba Tư
khởi xướng, kết hợp giữa các yếu
tố bái hóa giáo (Zoroastrianism), ngộ đạo thuyết
(Gnosticism) và Kito giáo. Đạo này chủ trương
nhị nguyên – thiện và ác song hành - ảnh hưởng
rất mạnh đến các chi nhánh của giáo phái
Cathari…Khuyên răn thế nào cũng không được,
trái lại chỉ làm cho anh chàng càng bướng bỉnh xa
lánh đường ngay nẻo chính. Bà Monica đã phải
đi gặp giám mục để xin giúp đỡ, nhưng
ngài cũng chẳng làm gì khác là khuyên bà: “Đừng
đụng đến hắn nữa, cứ cầu
nguyện đi”. Bà đã cầu nguyện, và hình như
Chúa cũng có vẻ không muốn nghe lời cầu của
bà. Bất thần Augustine căng
buồm đi Rome dù bà cầu khẩn Chúa ngăn cản anh
chàng. Nhưng Thiên Chúa đã hiểu ý muốn chân thành
của bà và ở Rome, Augustine đã học hỏi
đủ, suy nghĩ và từ bỏ Manichees. Nhưng anh ta
vẫn chưa phải là Kito hữu, cho đến khi
....
ĐÔI LỜI KẾT: NHẪN NẠI, TRUNG
THÀNH VÀ HY VỌNG
Thánh Monica là một thánh khá phổ thông
được nhiều người biết đến.
Thánh nhân có nhiều đức tính đặc biệt:
Trước tiên là tính Nhẫn Nại. Bà nhẫn
nại với chồng và với con, đứa con trai tính
tình có thể nói là bất trị. Chỉ đến năm
cuối đời của Monica, Augustine mới trở lại
Kito Giáo. Monica là mẫu mực của lòng Trung Thành. Bà
tin tưởng vào đấng quan phòng trong khi sống trong
đen tối và mơ hồ. Bà là gương mẫu
của Hy Vọng. Trong khi nói chuyện với con trai
ở Ostia / Rome, cả hai cùng đăm chiêu nhìn ra biển
cả và suy nghĩ về vấn đề Sống và
Chết. Chúng ta hãy nghe những lời thú tội của
Augustine về đức tin bền bỉ của mẹ
mình:

“Ngày mẹ con lìa đời đang đến
gần. Lạy Chúa! Chúa biết ngày đó nhưng con không
biết…Mẹ con nói: ‘Con ơi, đối với mẹ,
đời này chẳng có gì làm cho mẹ hạnh phúc cả.
Mẹ không hiểu tại sao mẹ còn hiện diện
ở đây, bởi vì mẹ chẳng còn hy vọng gì
ở trần gian này nữa. Mẹ chỉ có một lý do
muốn sống lâu hơn một chút là để nhìn
thấy con trở thành người Kito hữu Công giáo
trước khi mẹ chết. Thiên Chúa đã không tiếc
cho mẹ đủ thứ quà tặng, vì mẹ biết
rằng con cũng từ chối hạnh phúc trần gian
để làm tôi tớ Người.’”
Những lời cầu khẩn Chúa và sự
chứng giám bền bỉ, dễ thương trong thầm
lặng này của thánh Monica đã mang lại kết
quả cho toàn thể Giáo Hội. Augustine đã chịu phép
rửa tội năm 387 và gần 10 năm sau đó ngài
trở thành giám mục của Hippo ở Bắc Phi Châu.
Chỉ vào năm cuối đời của bà Monica, Augustine
mới trở lại Kito giáo. Như vậy là mất 33
năm trời, nhưng Thiên Chúa đã đáp ứng lời
cầu khẩn của Monica một cách mà bà không thể
ngờ được. Augustine đã trở thành thánh và là
một thánh tiến sĩ của Giáo Hội.
Khi chúng ta mừng kỷ niệm kính nhớ thánh
Monica, chúng ta hãy cám ơn cha mẹ, anh chị em, bạn bè
chúng ta vì niềm tin bình thường của họ. Họ
là những mẫu mực của niềm tin vĩ
đại, lòng trung thành, nhẫn nại và hy vọng
của chúng ta. Những người này đã giúp chúng ta
biết ước mong và tận hưởng ơn
cứu độ bây giờ và mãi mãi về sau.
Fleming Island, Florida
August 25, 2013
NTC
|