ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO VÀ HÀNG GIÁO PHẨM BA TAY(BRAZIL)
Lời mở đầu của người dịch:
Từ ngày lên làm giáo hoàng đến nay, tức cho đến chuyến tông du đầu tiên cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII ở Ba Tây 22-29/7/2013 này, không kể bức Thông Điệp Ánh sáng Niềm Tin - Lumen Fidei vừa được ký ban hành ngày 29/6/2013 vừa qua, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói một bài dài nhất của ngài, một bài dài chưa từng có, một bài rất hay về cả nội dung lẫn văn từ, vừa có tính cách chia sẻ cảm nghiệm vừa có tính cách huấn dụ huynh đệ, liên quan đến chung tình hình Giáo Hội ở Ba Tây cũng như đến riêng sứ vụ chủ chiên của hàng giáo phẩm ở xứ sở này, đặc biệt là đến hiện tượng đã và đang xẩy ra ở Ba Tây liên quan đến tình trạng Kitô hữu Công giáo tập thể bỏ đạo sang Tin Lành, một hiện tượng cần phải cấp thời giải quyết bằng đường lối hiệu nghiệm nhất, bao gồm cả thành phần đang 'xuất hành' lên đường về đất hứa Giêrusalem - Giáo Hội.
Nội dung bài nói của ngài về chung tình hình Giáo Hội ở Ba Tây và riêng sứ vụ của Giáo Hội qua hàng giáo phẩm nước này được Đức Thánh Cha khai triển và diễn giải theo chiều hướng Biến Cố Aparecida từ đầu thế kỷ 18 và Hành Trình Emmau ở cuối Phúc Âm Thánh Luca. Bố cục của bài nói bao gồm 4 phần:
1- Aparecida là chìa khóa cho sứ vụ của Giáo Hội;
2- Đường lối đã được Giáo Hội Ba Tây thực hiện;
3- Hình ảnh Emmau liên quan tới hiện tại và tương lai;
4- Những thách đố Giáo Hội ở Ba Tây cần phải đương đầu: a. việc ưu tiên đào luyện nhân sự, b. mối liên kết trong hàng giáo phẩm, c. tình hình truyền giáo và mục vụ, d. công tác của Giáo Hội trong xã hội.
Nói chung phần thứ 1 và 3 của bài nói này rất quan trọng về nội dung, chẳng những cần thiết cho Giáo Hội ở Ba Tây mà còn cho chung Giáo Hội hoàn vũ và riêng các Giáo Hội địa phương trên thế giới, bao gồm cả Giáo Hội ở Việt Nam chúng ta. Bởi thế, xin chuyển ngữ 2 phần này, kèm theo những câu mở đầu và kết thúc cần thiết. Nếu ai cần đọc nguyên văn bài nói bằng Anh ngữ, xin bấm vào cái link dưới đây từ mạng điện toán toàn cầu của Toà Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130727_gmg-episcopato-brasile_en.html Chư Huynh thân mến,
Tốt đẹp biết bao được ở đây với Quí Huynh Giám Mục Ba Tây!
Xin cám ơn quí huynh đã đến và xin cho tôi nói cùng quí huynh như là một trong những người bạn của quí huynh nhé. Đó là lý do tại sao tôi thích nói với quí huynh bằng tiếng Tây Ban Nha, để bày tỏ rõ ràng hơn những gì tôi ấp ủ trong lòng tôi. Xin quí huynh tha lỗi cho tôi.
Chúng ta gặp gỡ nhau đây, một cách nào đó tách biệt hẳn ra, ở đây là một nơi đã được vị anh em của chúng ta là ĐTGM Orani Tempesta sửa soạn cho chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể một mình nói với nhau tận đáy lòng mình như là thành phần mục tử được Thiên Chúa ký thác đàn chiên của Ngài cho. Trên đường phố ở Rio, giới trẻ từ khắp mọi nơi trên thế giới và vô số những người khác đang đợi chờ chúng ta, cần được vươn tới bằng ánh mắt xót thương của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, Đấng chúng ta được kêu gọi để hiện diện hóa Người. Vậy chúng ta hãy hoan hưởng giây phút nghỉ ngơi này để trao đổi với nhau những ý nghĩ và tình huynh đệ chân thực.
Bắt đầu từ Vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục và ĐTGM Rio de Janeiro, tôi muốn ôm hôn mỗi người và mọi người trong chư huynh, nhất là các vị Giám Mục Hưu Trí.
Tôi xin trân trọng chia sẻ cùng chư huynh một vài suy tư.
Trước hết là âm hưởng của việc tôi viếng thăm Đền Thánh Mẫu Aparecida. Ở đó, dưới chân tượng của Đấng Hoài Thai Vô Nhiễm, tôi đã cầu nguyện cho chư huynh, cho Giáo Hội của chư huynh, cho các linh mục của chư huynh, cho thành phần tu sĩ nam nữ, cho các chủng sinh, cho giáo dân và gia đình họ, nhất là cho giới trẻ và giới già là hai thành phần hy vọng của một quốc gia; giới trẻ là vì họ mang lại sức mạnh, lý tưởng và hy vọng cho tương lai; giới già là vì họ tiêu biểu cho ký ức, cho khôn ngoan của con người (The Aparecida Document stresses how children, young people and the elderly build the future of peoples [cf. No. 447]).
1- Aparecida là chìa khóa cho sứ vụ của Giáo Hội
Ở Aparecida Thiên Chúa đã cống hiến cho Ba Tây Mẹ của Ngài. Thế nhưng, ở Ba Tây, Thiên Chúa cũng ban cho Ba Tây một bài học về chính Ngài, về đường lối hiện hữu và tác hành của Ngài. Một bài học về sự khiêm nhượng là một trong những đặc tính thiết yếu của Thiên Chúa, và thuộc về di truyền thể (DNA) của Thiên Chúa. Aparecida cống hiến cho chúng ta một giáo huấn trường tồn về Thiên Chúa cũng như về Giáo Hội; một giáo huấn mà cả Giáo Hội ở Ba Tây lẫn chính quốc gia này không được lãng quên.
Mở đầu biến cố Apacerida là có những người đánh cá nghèo kiếm sống. Quá nhiều người đói mà lại quá ít tài nguyên. Dân chúng bao giờ cũng cần bánh ăn. Dân chúng bao giờ cũng bắt đầu bằng các nhu cầu của mình, bao gồm cả ngày hôm nay đây.
Họ chỉ có một con thuyền mong manh ọp ẹp; lưới của họ thì cũ và có lẽ thủng lỗ, rách đầu này hở đầu kia.
Trước tiên là nỗ lực có lẽ mệt mỏi của họ trong việc đánh cá mà thành quả đã hiện lên hiển nhiên trước mắt đó là thất bại, là mất giờ. Bởi tất cả việc họ làm chỉ là cái lưỡi trống rỗng.
Thế rồi, vào thời điểm ấn định, Thiên Chúa đã mầu nhiệm nhúng tay vào sự việc. Nước thì sâu nhưng nó bao giờ cũng che giấu cái cơ hội cho việc tỏ mình ra của Thiên Chúa. Ngài đã xuất hiện từ mầu xanh, ai biết được là bao lâu, khi Ngài không còn được chờ mong nữa. Sự nhẫn nại của những ai đợi chờ Ngài bao giờ cũng bị thử thách. Và Thiên Chúa đã đến một cách mới mẻ, vì Thiên Chúa thì thần diệu, ở chỗ như một bức tượng bằng đất xét mỏng dòn, đã trở nên đen đủi bởi giòng nước của con sông và đã trải qua lâu đời theo giòng thời gian trôi qua. Thiên Chúa luôn ẩn mình dưới dạng thức nghèo khổ, nhỏ mọn.
Bấy giờ có một bức tượng Đấng Hoài Thai Vô Nhiễm. Đầu tiên là thân mình, rồi đến cái đầu được gắn vào thân mình ấy, trở thành hiệp nhất. Những gì là đổ vỡ được phục hồi và nên một. Ba Tây thuộc địa đã bị phân chia bởi bức tường nô lệ đáng xấu hổ. Đức Mẹ Aparecida xuất hiện với một gương mặt đen đủi, đầu tiên là tách biệt rồi nên một trong bàn tay của những tay chài lưới.
Ở đây Thiên Chúa muốn dạy chúng ta một sứ điệp. Vẻ đẹp của Ngài, được phản ảnh nơi Mẹ của Ngài là người được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, hiện lên từ cái tăm tối của giòng sông. Ở Aparecida, từ ban đầu, sứ điệp của Thiên Chúa là một sứ điệp phục hồi những gì bị đổ vỡ, tái hiệp những gì bị phân chia. Những bức tường, những rạn nứt, những khác biệt là những gì vẫn còn cho tới ngày nay đều cần phải tiến đến chỗ biến khuất. Giáo Hội không thể bỏ qua bài học này: Giáo Hội được kêu gọi trở thành phương tiện của việc hòa giải.
Những người chài lưới không bỏ qua mầu nhiệm thấy được trong giòng sông, cho dù nó là một huyền nhiệm dường như không trọn vẹn. Họ không quẳng đi những mảnh của huyền nhiệm này. Họ chờ đợi việc hoàn trọn của nó. Và điều này đã không cần phải chờ đợi lâu. Chúng ta cần phải học ở đây một sự khôn ngoan. Có những mảnh huyền nhiệm, như các vụn đá trong một bức thạch họa chúng ta trông thấy. Chúng ta bất nhẫn, háo hức muốn thấy được toàn thể bức hình, thế nhưng Thiên Chúa để cho chúng ta thấy sự việc xẩy ra một cách chầm chậm, lặng lẽ. Giáo Hội cũng cần phải biết phải chờ đợi như thế nào.
Thế rồi những người đánh cá mang huyền nhiệm này về nhà. Thành phần dân thường bao giờ cũng có chỗ để chấp nhận huyền nhiệm. Có lẽ chúng ta đã biến cách thức nói về huyền nhiệm thành những thứ giải thích theo lý lẽ; thế nhưng đối với thành phần dân thường thì huyền nhiệm thấm nhập vào tấm lòng của họ. Nơi các ngôi nhà của người nghèo Thiên Chúa bao giờ cũng có được một chỗ nào đó.
Những người đánh cá 'bó lấy' huyền nhiệm, họ mặc cho Vị Trinh Nữ được vớt từ nước lên như thể Người bị lạnh và cần được ấm áp. Thiên Chúa muốn trú ngụ nơi phần ấm áp nhất của bản thân chúng ta đó là con tim. Chính Thiên Chúa tỏa ra một thứ nhiệt năng chúng ta cần đến, thế nhưng trước hết Ngài tiến vào như là một kẻ ăn mày rét mướt. Những người chài lưới gói huyền nhiệm về Vị Trinh Nữ bằng tấm áo choàng đức tin hèn mọn của họ. Họ gọi hàng xóm láng giềng của họ đến nhìn vẻ đẹp được phục hồi của huyền nhiệm này; mọi người họ qui tụ lại với nhau và thuật lại những trục trặc của mình trước sự hiện diện của huyền nhiệm ấy và họ phó mình cho huyền nhiệm này. Nhờ đó họ giúp cho dự án của Thiên Chúa được hoàn thành: trước hết là ơn này, rồi đến ơn khác; từ ơn này đến ơn khác; từ ơn này mở đường cho ơn khác. Thiên Chúa dần dần mở ra cái khiêm hạ huyền diệu quyền năng của Ngài.
Chúng ta cần phải học nhiều nơi đường lối việc làm của thành phần chài lưới này. Về một Giáo Hội làm sao để có chỗ cho mầu nhiệm của Thiên Chúa; về một Giáo Hội ấp ủ lấy mầu nhiệm ấy đến độ mầu nhiệm này có thể lôi kéo quần chúng, thu hút quần chúng. Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới là những gì thu hút mà thôi. Đường lối của Thiên Chúa qua việc lôi kéo thu hút chúng ta. Thiên Chúa để cho Ngài được mang về nhà. Ngài làm bừng lên trong chúng ta ước muốn giữ lấy Ngài và sự sống của Ngài trong nhà của chúng ta, trong lòng của chúng ta. Ngài làm tái phát trong chúng ta ước muốn kêu gọi hàng xóm láng giềng của chúng ta đến để cho họ thấy vẻ đẹp của Ngài. Việc truyền giáo được xuất phát chính từ cái hấp lực thần linh này, bởi cảm nghiệm ngỡ ngàng hội ngộ này. Chúng ta nói về truyền giáo, về một Giáo Hội truyền giáo. Tôi nghĩ về những con người đánh cá kêu gọi hàng xóm láng giềng của họ đến để thấy mầu nhiệm về Vị Trinh Nữ. Thiếu vắng tính chất đơn sơ giản dị của họ, việc truyền giáo của chúng ta sẽ đi đến chỗ thất bại thôi.
Giáo Hội liên lỉ cần học lại bài học Aparecida; Giáo Hội không được quên bài học ấy. Các thứ lưới của Giáo Hội thì mong manh, có lẽ vá víu; con thuyền của Giáo Hội không to lớn hùng hậu như những chiếc tầu lớn xuyên đại tây dương băng qua biển cả. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại muốn được nhìn thấy chỉ ở nơi những gì chúng ta có được, những cái chúng ta có hạn hẹp thiếu sót, vì Ngài bao giờ cũng là Đấng chủ động.
Chư huynh thân mến, các thành quả trong công việc mục vụ của chúng ta không lệ thuộc vào một thứ dồi dào phong phú về những gì chúng ta có được mà vào tính chất sáng tạo của tình yêu thương. Thật vậy, lòng kiên trì, sự nỗ lực, công khó nhọc, dự án phác họa và việc tổ chức tất cả đều cần đấy, nhưng trước hết và trên hết chúng ta cần ý thức rằng quyền năng của Giáo Hội không ở nơi chính Giáo Hội; quyền năng này được ẩn kín trong lòng nước sâu của Thiên Chúa là nơi Giáo Hội được kêu gọi để thả lưới xuống.
(Biệt chú của người dịch: ở đây ĐTC Phanxicô không hẹn mà hò đã khai triển một cách sâu xa và rõ ràng thêm về chiều hướng 'thả lưới ở chỗ nước sâu - Duc in altum' [Lk 5:4] là những gì đã được chính ĐTC GP II đề ra trong Tông Thư 'Novo Millennio Ineunte - Mở màn cho ngàn năm mới" ban hành ngày 6/1/2001 để chẳng những vừa bế mạc Đại Năm Thánh 2000 mà còn để gợi ý cho Giáo Hội cần phải thực hiện trong một tân thiên niên kỷ Kitô giáo). Một bài học nữa Giáo Hội cần phải liên lỉ nhớ đến đó là không được bỏ qua tính chất đơn sơ giản dị; bằng không Giáo Hội đã quên đi cách thức nói thứ ngôn từ của Mầu Nhiệm, và chính Giáo Hội vẫn ở ngoài ngưỡng cửa của mầu nhiệm, và hiển nhiên là Giáo Hội chứng tỏ cho thấy Giáo Hội không thể nào vươn tới những ai tìm kiếm nơi Giáo Hội một cái gì đó tự mình họ không thể nào có được đó là chính Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta đánh mất đi quần chúng vì họ không hiểu được những gì chúng ta đang nói, vì chúng ta quên đi thứ ngôn từ đơn sơ giản dị và nhập nhiễm một thứ duy lý trí xa lạ với quần chúng của chúng ta. Thiếu vắng thứ văn phạm đơn sơ giản dị này, Giáo Hội đánh mất đi chính những điều kiện làm cho Giáo Hội có thể 'bắt cá' cho Thiên Chúa ở chỗ nước sâu nơi Mầu Nhiệm của Ngài. .... 2- Đường lối đã được Giáo Hội Ba Tây thực hiện ... Giáo Hội ở Ba Tây đã đón nhận và linh động áp dụng Công Đồng Chung Vaticanô II, và trong thời gian qua, mặc dù cần phải thắng vượt một số những vấn đề nhức nhối, cũng đã đưa đến một Giáo Hội dần dần trưởng thành hơn, cởi mở, quảng đại và truyền giáo.
Ngày nay, thời gian đã đổi thay. Như văn kiện Aparecida đã khéo diễn tả: thời đại của chúng ta không phải là một thời đại của đổi thay mà là một thứ đổi thay của thời đại. Bởi thế, hôm nay đây, chúng ta cần khẩn trương đặt vấn đề: Thiên Chúa đang muốn chúng ta làm gì? Giờ đây tôi muốn chấm phá vài tư tưởng để đáp ứng.
3- Hình ảnh Emmau là then chốt cho thấy hiện tại và tương lai
Trước hết, chúng ta không được cảm thấy lo âu sợ hãi trước lời diễn tả được Chân Phước John Henry Newman có lần bày tỏ như sau: '... Thế giới Kitô giáo đang dần dần trở nên khô cằn và kiệt quệ, như mảnh đất đã từng được vun trồng nay trở thành cát bụi' (Letter of 26 January 1833 to his mother, The Letters and Diaries of John Henry Newman, vol. III [Oxford, 1979], p. 204). Chúng ta không được chiều theo những gì là vỡ mộng, thất đảm và than van trách móc. Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều và có những lúc chúng ta thấy dường như bị thất bại. Chúng ta cảm thấy mình như là những người kiểm điểm lại một vụ mùa thua bại, khi chúng ta quan tâm tới những người đã lìa bỏ chúng ta hay không còn coi chúng ta khả tín hoặc thích hợp nữa.
Theo chiều hướng này, chúng ta hãy đọc lại một lần nữa câu truyện Emmau (cf. Lk 24:13-15). Hai môn đệ rời Giêrusalem. Họ bỏ lại sau lưng 'cái trần truồng' của Thiên Chúa. Họ cảm thấy hổ ngươi trước cái thua bại của Đấng Thiên Sai là Đấng họ đã hy vọng và là Đấng bấy giờ đã trở thành hoàn toàn thảm bại, ô nhục, thậm chí sau ngày thứ ba (các câu 17-21).
Ở đây chúng ta cần phải đối diện với mầu nhiệm khó khăn của những con người lìa bỏ Giáo Hội, thành phần, bị ảo tưởng bởi những ý nghĩ khác biệt, giờ đây nghĩ rằng Giáo Hội - Giêrusalem của họ - không còn cống hiến cho họ một cái gì đó ý nghĩa và quan trọng nữa. Thế là họ bắt đầu một mình lên đường mang theo nỗi thất vọng của họ. Giáo Hội có lẽ đã trở thành quá yếu kém, có lẽ quá xa cách với những nhu cầu của họ, có lẽ quá nghèo để có thể đáp ứng với những quan tâm của họ, có lẽ quá lạnh lùng, có lẽ quá bận tâm với chính mình, có lẽ là một tù nhân của những công thức riêng tư cứng ngắc, có lẽ thế giới dường như đã biến Giáo Hội thành một thứ di tích cổ kính xa xưa, không còn thích hợp với những vấn đề mới mẻ; có lẽ Giáo Hội chỉ có thể nói với dân chúng ở độ tuổi ấu thơ của họ mà không nói với những ai đã khôn lớn. (Văn Kiện Aparecida cống hiến một đã trình bày một cách tổng hợp về những lý do sâu xa ở đằng sau hiện tượng này, số 225). Đó là một sự kiện mà ngày nay có nhiều người như hai môn đệ đi Emmau; họ chẳng những là những người tìm kiếm những giải đáp nơi các nhóm đạo giáo mới đang bung tỏa, mà còn là những người dường như vô thần cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Chúng ta phải làm gì đây trước tình trạng ấy?
Chúng ta cần một Giáo Hội không sợ dấn thân vào trong đêm tối. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng gặp gỡ họ trên đường đi của họ. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với họ. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với thành phần môn đệ, sau khi quay lưng lại với Giêrusalem, đang lang thang vô định, lẻ loi một mình, mang theo nỗi chán chường thất vọng của họ, vỡ mộng trước một thứ Kitô giáo giờ đây đã trở nên cằn cỗi, trở thành một mảnh đất trơ trụi không hoa trái, không thể mang lại ý nghĩa cuộc đời.
Thứ tiến trình liên tục toàn cầu hóa, một tiến trình thường bất khả kiểm soát được tình trạng gia tăng thành thị hóa, đã hứa hẹn nhiều điều to lớn. Nhiều người đã say đắm về khả năng của những thứ vĩ đại ấy, một khả năng dĩ nhiên cũng có những yếu tố tích cực, chẳng hạn như vấn đề thu hẹp khoảng cách, kéo các dân tộc và các nền văn hóa lại gần nhau hơn, vấn đề phát tán tín liệu và dịch vụ. Tuy nhiên, ở phương diện khác, nhiều người đang hứng chịu những tác hiệu tiêu cực của những thực tại ấy mà không nhận ra rằng những thực tại này đã ảnh hưởng đến nhãn quan thích đáng về con người và về thế giới ra sao. Tình trạng này gây ra sự nhầm lẫn cả thể và một thứ trống rỗng mà con người không thể giải thích được, liên quan đến mục đích của đời sống, đến vấn đề phân mảnh bản thân, đến cái mất mát nơi cảm nghiệm thuộc về một 'ngôi nhà' và đến sự vắng bóng của khoảng không gian riêng tư cùng với những liên hệ sâu đậm tư riêng.
Và vì không có ai hộ tống họ hay tỏ cho họ thấy, bằng đời sống của riêng mình, đường lối chân thực mà nhiều người đã tìm cách đốt giai đoạn, vì các tiêu chuẩn được Mẹ Giáo Hội đặt ra dường như đòi hỏi quá đáng. Cũng có nhiều người nhìn nhận lý tưởng của con người và đời sống được Giáo Hội nêu lên nhưng họ không có đủ can đảm để theo đuổi nó. Họ nghĩ rằng lý tưởng này quá cao cả đối với họ, vượt ngoài khả năng của họ, và mục tiêu được Giáo Hội đặt ra là những gì bất khả đạt. Tuy nhiên, họ không thể sống mà lại không có tối thiểu một điều gì đó, ngay cả một mô phỏng tầm thường cũng dường như quá vĩ đại và xa cách. Với tâm can thất vọng, họ lao mình đi tìm kiếm một cái gì đó lại càng dẫn họ đến một tình trạng xa lạc hơn nữa, hay những gì mang họ đến một thứ thuộc về tạm thời để rồi cuối cùng không làm viên trọn cuộc đời của họ.
Cảm giác trầm trọng về tình trạng buông thả và cô độc, cảm giác thậm chí không thuộc về bản thân mình, cái cảm giác thường xuất phát từ tình trạng này, là những gì quá đau thương để mà che đậy. Cần có một cái gì đó để xả ra. Bao giờ cũng là cách chọn lựa phán nàn than trách. Thế nhưng, ngay cả việc phàn nàn than trách cũng trở thành một thứ đòn bật; nó bật trở lại và đi đến chỗ gia tăng nỗi bất hạnh của con người. Có một ít người vẫn còn khả năng nghe được tiếng của đớn đau; cách tốt nhất chúng ta có thể làm đó là tê liệt hóa nó.
Theo quan điểm này thì chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng bước đi bên cạnh quần chúng, dấn thân hơn là chỉ biết lắng nghe họ; một Giáo Hội hỗ trợ họ trong cuộc hành trình của họ; một Giáo Hội có thể hiểu được bóng 'đêm tối' đang bao phủ trong cuộc thoát thân khỏi Giêrusalem của rất nhiều anh chị em chúng ta; một Giáo Hội ý thức rằng những lý do tại sao dân chúng bỏ đi cũng bao gồm cả những lý do tại sao họ có thể từ từ quay đầu trở lại. Thế nhưng chúng ta cần biết can đảm dẫn giải bức tranh bao quát hơn. Chúa Giêsu đã làm ấm lòng các môn đệ trên đường đi Emmau.
Tôi xin tất cả chúng ta hôm nay hãy tự hỏi mình rằng: chúng ta vẫn đang còn là một Giáo Hội có khả năng làm ấm lòng người hay chăng? Một Giáo Hội có khả năng dẫn quần chúng trở về lại Giêrusalem hay chăng? Có khả năng mang họ về nhà hay chăng? Giêrusalem là xuất phát ra các thứ gốc gác của chúng ta: Thánh kinh, giáo lý, các bí tích, cộng đồng, tình thân với Chúa, Mẹ Maria và các tông dồ... Chúng ta vẫn còn có thể nói về các thứ gốc gác này một cách có thể làm sống lại cảm quan lạ lùng về vẻ đẹp của những thứ gốc gác ấy hay chăng?
Nhiều người đã bỏ đi vì họ đã được hứa hẹn một điều gì đó cao quí hơn, mãnh liệt hơn và mau chóng hơn.
Thế nhưng, cái gì cao quí hơn là tình yêu được mạc khải ở Giêrusalem chứ? Không gì cao quí hơn cái hèn hạ của Thập Giá, vì ở đó chúng ta mới thực sự tiến tới tầm mức cao cả của tình yêu! Chúng ta vẫn có thể chứng tỏ cho thấy sự thật này hay chăng cho những ai nghĩ rằng tột đỉnh của đời sống cần phải tìm kiếm ở một nơi nào khác kìa?
Chúng ta có biết được bất cứ sự gì mãnh lực hơn là sức mạnh được ẩn kín bên trong cái yếu kém của tình yêu, của sự thiện, sự thật và sự mỹ hay chăng?
Dân chúng ngày nay gắn bó với những gì là mau chóng hơn và mau chóng hơn: những thứ nối kết mau chóng về điện toán toàn cầu, những chiếc xe và máy bay tốc độ, những mối liên hệ ngay tức khắc. Thế nhưng, đồng thời chúng ta cũng thấy hết sức cần đến sự trầm tĩnh, thậm chí tôi muốn nói là cần đến sự chậm rãi. Phải chăng Giáo Hội vẫn có thể di chuyển một cách chậm rãi, ở chỗ bỏ giờ ra lắng nghe, nhẫn nại may vá và lắp ráp? Hay chính Giáo Hội lại bị chộp bắt vào một cuộc theo đuổi cuồng loạn của tính chất hiệu năng? Chư huynh thân mến, chúng ta hãy phục hồi tính chất trầm tĩnh để có thể bước đi cùng một khoảng không gian như những con người hành hương của chúng ta, ở bên họ, gần gũi họ, giúp họ có thể nói ra những thất vọng ở trong lòng họ và để cho chúng ta giải tỏa chúng. Họ muốn quên đi Giêrusalem, nơi họ có các thứ gốc gác của họ, thế nhưng dần dần họ sẽ cảm thấy khát. Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng hộ tống họ trên đường trở về Giêrusalem! Một Giáo Hội có khả năng giúp cho họ tái khám phá ra những gì là rạng ngời và hoan lạc đã từng nói về Giêrusalem, và hiểu được rằng Giáo Hội là Mẹ của tôi, Mẹ của chúng ta, và chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi! Chúng ta được sinh ra ở nơi Giáo Hội. Không phải là Giêrusalem ở đâu thì chúng ta được sinh ra ở đó hay sao? Ở Phép Rửa, ở cuộc hội ngộ yêu thương đầu tiên, ở nơi ơn gọi của chúng ta, ở nơi phần vụ của chúng ta (Cf. also the four points mentioned by Aparecida [No. 226]). Chúng ta cần một Giáo Hội có thể thắp lên lòng người và sưởi ấm lòng người.
Chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng phục hồi quyền công dân cho nhiều con cái của mình là thành phần đang thực sự hành trình trong 'cuộc xuất hành'.
4- Những thách đố Giáo Hội ở Ba Tây cần phải đương đầu ....
Về vấn đề truyền giáo, chúng ta cần nhớ rằng tính chất khẩn trương của nó xuất phát từ động lực nội tại của nó; nói cách khác, đó là về việc truyền đạt một thứ di sản. Đối với vấn đề về phương pháp, cần phải ý thức rằng di sản liên quan đến chứng từ, nó giống như cái thanh cầm trong một cuộc chạy đua tiếp sức, ở chỗ, quí huynh không tung nó lên trời cho ai có thể chộp được nó thì chộp lấy, để ai không chụp được nó thì không cần làm gì nữa. Để truyền đạt một thứ di sản, người ta cần truyền nó đi một cách tư riêng, cần chạm đến con người mà người ta muốn trao cho, muốn tiếp sức cái gia sản ấy.
Về vấn đề hoán cải mục vụ, tôi xin nhắc lại rằng 'việc chăm sóc mục vụ' không là gì khác hơn là việc thực thi vai trò làm mẹ của Giáo Hội. Giáo Hội hạ sinh, bú mớm, nuôi lớn, sửa dạy, dưỡng nuôi và dẫn dắt bằng bàn tay của mình.... Bởi vậy chúng ta cần một Giáo Hội có thể tái nhận thức tấm lòng xót thương từ mẫu. Không có tình thương ngày nay chúng ta ít có cơ hội trở thành yếu tố cho một thế giới của những con người 'thương tích' đang cần cảm thông, tha thứ, yêu thương.
(Kết)
Chư huynh Giám Mục thân mến, tôi đã cố gắng cống hiến cho chư huynh trong tinh thần huynh đệ một vài suy tư và đường lối cho một Giáo Hội như Giáo Hội ở Ba Tây đây, một Giáo Hội giống như một bức họa vi thạch được làm nên bởi những vụn đá nho nhỏ, những hình ảnh, những hình thức, những vấn đề và những thách đố, thế nhưng cũng chính vì thế mà nó trở thành một kho tàng khổng lồ. Giáo Hội không bao giờ đồng loạt mà là những khác biệt được hòa hợp trong hiệp nhất, và đó là điều đúng cho hết mọi thực tại về giáo hội.
Xin Đức Mẹ Aparecida trở nên ánh sao soi chiếu công việc của chư huynh và cuộc hành trình của chư huynh trong việc mang Chúa Kitô, như Mẹ đã làm, đến cho tất cả mọi con người nam nữ nơi xứ sở rộng lớn của chư huynh. Như Chúa Kitô đã làm cho hai người môn đệ chán nản và vỡ mộng trên đường Emmau, Người cũng sưởi ấm tâm hồn của chư huynh và ban cho chư huynh niềm hy vọng mới mẻ và vững vàng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Toà Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130727_gmg-episcopato-brasile_en.html
|