MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: lòng thương xót chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Giáo Hạt Gia Định: Ban Chấp Hành Lctx Tuyên Hứa
Thứ Ba, Ngày 10 tháng 9-2013

Giáo hạt Gia Định: Ban chấp hành LCTX tuyên hứa

Giơ tay thề giữa Đất Trời:
Mến Chúa yêu người suốt cả đời con!

TGP SAIGON – 9 giờ sáng thứ Ba, ngày 10-9-2013, tại Gx Thanh Đa có Thánh lễ tuyên hứa của tân Ban chấp hành Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (CĐ LCTX) giáo hạt Gia Định, nhiệm kỳ 2013-2018. Chủ tế là Lm G.B. Võ Văn Ánh (tổng linh hước CĐ LCTX TGP Saigon), đồng tế có Lm Đa-minh Nguyễn Đình Tân (hạt trưởng hạt Gia Định, kiêm linh hướng CĐ LCTX hạt Gia Định) và 8 linh mục, còn có thêm 1 phó tế.

Phúc âm hôm này là trình thuật Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Rồi Ngài thổi hơi và ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Chúa Giêsu chúc bình an cho các ông, đó cũng chính là hồng ân Ngài ban để các ông can đảm sống giữa lòng dân tộc mà loan báo Tin Mừng về LCTX. Đó cũng là ơn Chúa thêm đức tin cho các ông, như Chúa Giêsu xác định: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Ai trong chúng ta cũng cần xin thêm đức tin, nhất là trong Năm Đức Tin này.

Sau đó là nghi thức tuyên thệ của 15 thành viên trong Ban chấp hành CĐ LCTX hạt Gia Định, và họ được trao Ủy Nhiệm Thư qua tay LM tổng linh hướng. Ủy Nhiệm Thư là lời sai đi của Chúa: Loan báo Tin Mừng cứu độ và LCTX.

Tuyên hứa là gì? Hứa là thề, thề thì phải giữ, không thể chỉ hứa suông theo nghi thức. Thật vậy, tuyên hứa hoặc tuyên thệ là lời hứa công khai với Thiên Chúa và cộng đoàn dân Chúa – và thường có giơ tay, dấu bề ngoài nhưng thể hiện tâm nguyện nội tâm. Trong cuộc sống có nhiều dạng thề hứa: chung hoặc riêng, công khai hoặc thầm kín, hữu hạn hoặc vĩnh viễn. Công giáo còn gọi lời thề hứa là “khấn hứa”.

Người Công giáo nào cũng đã thề hứa nhiều điều (tin yêu Thiên Chúa và từ bỏ ma quỷ) ngay khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, và lời thề hứa đó được lặp lại hằng năm vào đêm vọng phục sinh. Tiếp theo là lời thề hứa khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Sau đó, ai lập gia đình thì thề hứa chung thủy hôn nhân, ai đi tu thì thề hứa vâng lời, nghèo khó và khiết tịnh – gọi là “lời khấn”. Ngoài ra còn có những lời thề hứa riêng của mỗi người với Thiên Chúa hoặc với tha nhân. Đời người là một chuỗi thề hứa, dạng nào cũng tầm quan trọng nhất định và đặc trưng.

Trong sách “Hướng Đạo Cho Nam” (năm 1908), tướng Robert Baden-Powell ghi lời hứa hướng đạo như sau:

Trước khi một em bé trở thành một hướng đạo sinh, cậu ta phải giơ tay khi đọc lời tuyên thệ: Tôi xin lấy danh dự hứa rằng...

1. Tôi sẽ làm nhiệm vụ đối với Thượng đế và Nhà vua (ngày nay là Tổng thống);

2. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình giúp đỡ người khác bất cứ giá nào;

3. Tôi biết luật Hướng đạo và sẽ tuân giữ.

Trong lúc đọc lời tuyên thệ, hướng đạo sinh đứng, đưa tay phải lên ngang tầm vai, lòng bàn tay đưa về phía trước, ngón tay cái đặt lên móng tay của ngón út và ba ngón còn lại duỗi thẳng và đưa thẳng lên. Hướng đạo có những lời thề hứa thật là độc đáo!

Tại một số quốc gia, chẳng hạn Hoa Kỳ, người nhậm chức tổng thống phải vừa đặt tay trên sách Kinh Thánh vừa đọc lời tuyên thệ trước quốc hội – và cũng là trước toàn dân.

Điều đó chứng tỏ lời thề hứa rất quan trọng, cả với xã hội đời và với tôn giáo. Kinh Thánh đã nói: “Người nào khấn hứa với Chúa hay thề hứa tự buộc mình làm điều gì, thì người ấy sẽ không được lỗi lời mình: người ấy phải thực hiện những gì miệng đã nói ra” (Ds 30:3). Chắc chắn không thể coi thường hoặc khinh suất, dù thề chung hay riêng, vì Thiên Chúa thấu suốt mọi sự.

“Chấp hành” là làm theo những điều lệ do tổ chức đặt ra. Ban chấp hành là những người phải “chống mũi chịu sào”, là “hoa tiêu”, là “hướng dẫn viên”, là “người nối kết”,… vì thế mà phải mẫu mực và nêu gương, không thể coi đó là một chức vụ hoặc một địa vị mang tính “danh vọng” theo nghĩa phàm tục. Chúa Giêsu minh định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:26-28).

Thánh Phaolô nói: “Người tôi tớ Chúa không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ” (2 Tm 2:14). Còn Thánh Phêrô nói: “Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa, ai phục vụ thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (1 Pr 4:11).

Mọi người hãy theo lời khuyên của Thánh Phaolô: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1:10).

Và cũng hãy đặ biệt lưu ý lời cảnh báo của tác giả Thánh Vịnh: “Miệng nói năng ngọt xớt, lòng chỉ muốn chiến tranh; lời trơn tru hơn mỡ, mà bén nhọn như gươm” (Tv 55:22). Thật nguy hiểm nếu chỉ nói bằng môi miệng, thề hứa cho xong lần!

Chúa Giêsu đã nói với Thánh nữ Faustina: “Ta muốn trái tim con được hình thành theo khuôn mẫu Thánh Tâm Thương Xót của Ta. Con phải hoàn toàn thấm đẫm Lòng Thương Xót của Ta” (Nhật Ký, số 167). Và đó cũng là mệnh lệnh Chúa truyền cho mọi người, nhất là những người vừa tuyên hứa công khai hôm nay.

Nhiệm vụ nào cũng khó, trách nhiệm nào cũng nặng, nhưng có Chúa thì tất cả sẽ nhẹ như lông hồng: “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:29-30). Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ kinh nghiệm: “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55:23).

Hãy cẩn trọng với những gì được tuyên thệ, dù chung hay riêng. Tuy nhiên, hãy tin tưởng và thực hành nhờ ơn Chúa, hết lòng phục vụ trong yêu thương, vì Chúa Giêsu đã động viên: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18). Nếu hành động như vậy, mọi điều sẽ tốt đẹp vì hợp Thánh Ý Chúa.

Có một điều nữa phải lưu ý: LCTX là chính Tình Yêu của Thiên Chúa, LCTX không thể tách rời Thánh Thể. Vì thế, ai không yêu mến Thánh Thể thì đừng nói chuyện sùng kính LCTX. Đó là điều minh nhiên và rạch ròi vậy!

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lòng Thương Xót Của Chúa (9/15/2013)
Yêu Thương, Tha Thứ Là Bản Chất Của Thiên Chúa (9/11/2013)
Diễn Từ Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa (9/11/2013)
Đền Thờ Lòng Chúa Thương Xót (9/11/2013)
Ba Dụ Ngôn Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa (luca 15,1-32 – Cn Xxiv - C) (9/11/2013)
Tin/Bài khác
Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa Ngày 7/4/2013 Tại Stockbridge, Ma (5/1/2019)
Ba Dụ Ngôn Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa (9/8/2013)
Thưa Chuyện Với Thiên Chúa Là Cha Giàu Lòng Xót Thương (7/24/2013)
Suy Niệm Về Lòng Chúa Thương Xót (7/15/2013)
Thiên Chúa Thuộc Về Những Ai Có Lòng Thương Xót (7/13/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768