TAM ĐIỂM 5, TOÀN CẦU HÓA DUY NHÂN BẢN
Sau khi phổ biến về "Tam Điểm phần 3 - Toàn Cầu Hóa", tôi nhận được một email của một người anh em nhận định về câu tôi viết mào đầu trong email: "bởi vì, về phương diện kinh tế, toàn cầu hóa càng làm cho các nước giầu thêm giầu các nước nghèo càng nghèo", và người anh em đã thêm như sau: "Không hẳn đúng. Dân nghèo ở các nước nghèo tương đối đã dễ thở hơn một chút đấy chứ! Lý do dân nghèo các nước không khá hơn nhiều là vì lãnh đạo của các dân tộc đó đớp hít hết còn đâu cho dân". Tôi đã trả lời người anh em này như sau: "Nhận xét được tôi nêu lên là theo nhận xét của chính Giáo Hội đấy. Tuy nhiên, nhận xét của người anh cũng không sai đâu. Thế nhưng, vấn đề ở đây là nhờ thành phần lãnh đạo ở các nước nhược tiểu, như ở VN ta hay các quốc gia Phi Châu chẳng hạn, ăn bớt tiền viện trợ của dân và cho dân từ các cường quốc này mà chính sách tân thực dân đế quốc mới càng dễ thực hiện. Bởi vì thành phần này sẽ trở thành tay sai đắc lực cho các cường quốc cho đến khi không xài được nữa thì lập tức bị hạ bệ hay bị tru diệt như thực tế cho thấy trên trường chính trị. Và trong khi còn được sử dụng như công cụ chính trị thì thành phần này sẽ thực hiện tất cả những gì được sai bảo một cách hết sức ngoan ngoãn. Thật vậy, nếu không có ĐTC GPII đơn thân độc mã can đảm và hết mình can thiệp vào Hội Nghị Dân Số ở Cairo năm 1994 thì thế giới này đã bị toàn cầu hóa theo luật phá thai do Hoa Kỳ (qua vận động và hỗ trợ mãnh liệt của chính phủ Clinton bấy giờ) từ lâu rồi. Chúng ta hãy cầu nguyện với tất cả lòng tin tưởng nhé". Phải, trong bài Tam Điểm phần 3 về Toàn Cầu Hóa, chúng ta đã thấy được các cơ quan ở Hoa Kỳ, thực hiện các "âm mưu lịch sử" mà chủ chốt là Hội Đồng Liên Hệ Ngoại Giao (Hoa Kỳ), Pratt House, Cơ Quan Rockefeller, tờ phát hành Foreign Affairs v.v. Chủ trương toàn cầu hóa vấn đề phá thai thời chính phủ Clinton là một "âm mưu lịch sử" làm sao không xuất phát từ các trụ sở then chốt chủ yếu này. Nếu ai theo dõi diễn tiến của Hội Nghị về Dân Số ở Cairo Ai Cập năm 1994 sẽ không thể nào phủ nhận được vai trò chủ chốt của ĐTC GPII, vị không thể thiếu trong biến cố Cộng Sản Đông Âu sụp đổ vào hạ bán năm 1989, trong biến cố Hội Nghị về Dân Số ở Cairô năm 1994, ở chỗ ngài cương quyết ngăn chặn một trào lưu hết sức hùng hậu và hùng hổ đang ào ạt xông lên bấy giờ nhắm đến mục tiêu toàn cầu hóa việc phá thai. Bằng không, một khi luật phá thai đã được hợp thức một cách toàn cầu hóa từ Hội Nghị về Dân Số ở Cairô năm 1994 này, thì không biết từ đó đến nay biết bao nhiêu và gấp bao nhiều lần số thai nhi tử vong đã bị cưỡng buộc phá đi ở các nước nghèo thuộc Phi Châu, Á Châu hay Nam Mỹ, cho dù người mẹ không muốn v.v. Sau đây là 2 biến cố điển hình liên quan đến nữ giới cho thấy hiện tượng toàn cầu hóa duy nhân bản như là một lò hỏa diệm sơn đã từng bùng nổ qua Hội Nghị Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh năm 1995, ngay năm sau Hội Nghị về Dân Số ở Cairô 1994, như để phản kháng lại cái thua bại chua cay không ngờ của hội nghị dân số một năm trước đó, cũng như qua Hội Nghị Phụ Nữ về Truyền Chức trong Giáo Hội Công Giáo. Hiện tượng duy nhân bản chuyên biệt và nổi bật nhất hiện nay, ngoài trào lưu luân lý nhân tạo, phải kể đến "phong trào nữ giới quá khích" (feminism), cả lãnh vực đời cũng như đạo. Về đời, có luật pháp "pro-choice", cho phép người phụ nữ có quyền phá thai, và về đạo, có áp lực "inclusive language", sửa lại ngôn ngữ có vẻ mang tính cách kỳ thị phái tính trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, gần đây cho thấy mức độ quá khích của phong trào nữ giới đã được tỏ ra qua hai biến cố: thuộc lãnh vực trần thế, có Hội Nghị Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc (lần thứ 4) ở Bắc Kinh Trung Cộng nhóm họp từ 4 đến 15-9-1995, và thuộc lãnh vực đạo giáo, có Hội Nghị Phụ Nữ về Truyền Chức (Women's Ordination Conference) nhóm họp vào cuối tuần lễ 10-12/11/1995 ở Washington D.C.
Trước hết là biến cố Hội Nghị Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh. Một trong những điểm được tranh luận và tranh đấu quyết liệt nhất, bởi những nhân vật đại diện trí thức tiêu biểu của các quốc gia ở vào thời điểm loài người văn minh tuyệt vời ngày nay, có thể nói là phải kể đến ý niệm về nam tính và nữ tính của con người đã được phần đông không muốn gọi là phái tính (sex) xứng danh con người là loài "nhân linh ư vạn vật" nữa, mà là giống đực và giống cái ("gender") chẳng khác gì như loài vật. Tổng quan về "Quan Điểm Giống Tính" (Gender Perspective) của thành phần chủ trương nam tính và nữ tính theo giống đực và giống cái, đã được nguyệt san CWR (Catholic World Report), trong số báo tháng 5-1995 và số báo tháng 11-1995, tóm kết như sau: 1. Chủ trương phá thai là một nhân quyền, phổ biến rộng rãi pháp quyền phá thai: "freedom of reproductive choice" (nguyên văn của tài liệu do INSTRAW phổ biến trong Hội Nghị), giáo dục phái tính và những quyền được phép liên hệ dục tính cho vị thành niên cũng như những ai chưa lập gia đình. (INSTRAW là chữ viết tắt của International Research and Training Institute for the Advancement of Woman, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc được thành lập nhằm phục vụ việc thăng tiến cho những phúc lợi của giới phụ nữ) 2. Chủ trương quyền được đồng tính luyến ái (homosexual) và đồng nữ luyến ái (lesbian). 3. Chủ trương xác định giống tính như một cấu trúc xã hội và chống lại quan niệm 'sinh lý định mệnh' (biology is destiny). 4. Tin tưởng rằng tình trạng nghèo nàn của phụ nữ là do bởi phụ nữ thiếu tự lập về kinh tế. 5. Cổ võ hành nghề không theo truyền thống và công việc ngoài gia đình, và lên án những nghề nghiệp truyền thống và những khuôn mẫu. 6. Chống lại việc bạo hành phụ nữ, vì tin rằng việc bạo hành như vậy là do quyền lực của phái nam và gia đình. 7. Đề xướng đẳng số giống tính (gender quotas) 50-50 trong tất cả mọi cơ quan chính quyền, dù được bầu cử cũng như được bổ nhiệm: "political equality between women and men" (nguyên văn của tài liệu do INSTRAW phổ biến dịp Hội Nghị), trong tất cả mọi ngành nghề kinh tế, làm việc nhà cũng như coi con cái. 8. Muốn thay đổi định nghĩa về gia đình, hay chữ 'gia đình' (family) phải được thay thế bằng chữ 'gia cư' (household). 9. Tin tưởng rằng tôn giáo 'thủ cựu' (fundamentalist) phải chịu trách nhiệm về tình trạng nữ giới bị bạo hành và về việc chối bỏ những quyền bình đẳng của nữ giới.
Sau biến cố Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Phụ Nữ thuộc lãnh vực trần thế, tiếp đến là Hội Nghị Phụ Nữ về Truyền Chức trong lãnh vực đạo giáo, một biến cố đã được nhen nhúm và sửa soạn từ năm 1993. Nguyệt san Catholic World Report, số tháng 1/1996, đã phổ biến một bài báo dưới tựa đề "Strange Sisters: Feminists are ready to abandon the hiearchy, the priesthood, the sacraments - but not their positions at Catholic institutions" (Những Nữ Tu Kỳ Lạ: Các Giới Nữ không ngần ngại bãi bỏ hàng giáo phẩm, chức linh mục và các bí tích, nhưng vẫn giữ lấy chỗ đứng của mình ở tại các học viện Công Giáo) đã tiết lộ như thế. Căn cứ vào những tường trình của bài báo, diễn tiến và nội dung của biến cố có tính cách bùng nổ vô tiền khoáng hậu này có thể được phân tách và đúc kết như sau.:
Chủ đề của Hội Nghị là "A Discipleship of Equals" (Một Mối Liên Hệ Môn Đồ Bình Đẳng), nhan đề của một cuốn sách đã gợi hứng cho Hội Nghị này. Bởi thế, những nhân vật điều hành chương trình Hội Nghị mặc áo linh mục và cả bộ giám mục. Và cũng bởi thế, một đám đông cả gần 1000 nữ tu, toàn là các giáo chức hay các thần học gia, trong ánh sáng mờ ảo của một hội trường, đã có những mục cùng nhau cử hành các nghi thức tương tự như thánh lễ và giờ kinh. Trong phần làm phép bánh, họ đồng thanh đọc lên sau đây: Chúc tụng ngài, Thần Linh Tồn Dưỡng, vì từ Hành Tinh của Trái Đất ngài mang lại nhiều hạt lúa miến. Chúng tôi nhận lấy, chúc tụng, bẻ ra và dùng bánh này, khi chúng tôi nhận thức được vẻ đẹp và quyền năng của sự khác biệt để thực hiện mối liên hệ môn đồ bình đẳng. Cũng thế, qua phần làm phép chén, họ cũng đồng thanh đọc: Chúng tôi nhận lãnh, chúc tụng và uống hoa trái này của cây nho, trong liên đới với tất cả những ai được Thần kêu gọi nhập cuộc cho một sứ vụ tư tế cải cách, đó là một mối liên hệ môn đồ bình đẳng. (Thế rồi, trên chén rượu của từng người, họ hát một bản nhạc trong đó có lời này:) "Chớ gì máu của tôi là một mầm mống cho việc giải phóng". Sang phần Giờ Kinh Phụng Vụ, họ hát xướng như sau: Chúc tụng Sophia. Chúc tụng danh thánh của bà. Chúc tụng tất cả mọi phụ nữ: được trẻ trung, phong phú và khôn ngoan. Chúc tụng những chị em của Sophia là những người làm tồn tại cho một mối liên hệ môn đồ bình đẳng. Chúc tụng tất cả mọi đứa con kể lại các truyện về những vị tiền mẫu của mình..." (phụ chú: theo thuyết chủ đạo thức, Sophia là một Đại Mẫu, Nữ Chúa Trời Cao đã xuống thế giới vật chất và hạ sinh ra 7 quyền lực)
Qua những trình diễn trên đây, mục tiêu của Hội Nghị là có ý lật đổ chế độ "phẩm trật" (Kyriarchy là chữ cố ý được dùng thay cho chữ Patriarchy, chữ ám chỉ phẩm trật), vì Hội Nghị chủ trương: "Ordination means subordination" (Chịu Chức tức là lụy thuộc). Do đó, họ tỏ ra không thèm "phẩm trật" nữa. Trong một tờ phát hành của Hội Nghị, "Tân Nữ Giới, Tân Giáo Hội", Janet Kalven viết: "Những nhà thần học của chúng ta vạch ra rằng chức linh mục là một quan niệm phẩm trật thừa kế, được Giáo Hội thiết lập theo ảnh hưởng của Do Thái cũng như theo những khuôn mẫu của người Rôma, mà hiện nay nó được gắn liền với những thể thức được giáo sĩ hoá có tính cách trịch thượng kỳ thị phụ nữ. Nó thật sự phản lại với những sứ vụ của nữ giới mà phụ nữ đang tạo lập nên... Chúng ta đang đi một bước rất tốt đẹp: một đàng nhấn mạnh rằng việc loại trừ không cho phụ nữ chịu chức là bất công. Đàng khác, đẩy mạnh một loại sứ vụ rất khác biệt trong một giáo hội cộng đồng chuyên nghiệp".
Sau đây là hai lời phát biểu của hai nhân vật chính trong nhóm họ, lời thứ nhất của Elisabeth Schussler Fiorenza, tác giả cuốn "Một Mối Liên Hệ Môn Đồ Bình Đẳng" (A Discipleship of Equals), và lời thứ hai của Donna Steichen, tác giả cuốn "Cơn Hận Nộ Thách Trời: Dung Nhan Kín Nhiệm của Phong Trào Nữ Giới Công Giáo" (Ungodly Rage: the Hidden Face of Catholic Feminism). 1. "Cái mơ mộng còn cần phải được nhận thức là gì? Phải chăng, đó là phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo Rôma sau cùng rồi cũng có thể được gọi là 'Reverend', được mặc bộ giáo sĩ, được khoác những phẩm phục giáo sĩ hay là nhận được những đặc ân giáo sĩ, nhận được một ấn dấu không thể xoá bỏ của sự khác biệt chính yếu, của việc tiến lên một cấp trật cao hơn, chẳng những trong Giáo Hội mà còn trên cả thiên đàng nữa? Phải chăng đó là một mộng mơ cần phải chiếm lấy mẩu bánh giáo sĩ, cho dù có vì thế mà chúng ta bị mắc nghẹn hay chăng?" 2. "Người ta khó mà tin được, song thực sự là giới lãnh đạo của phong trào nữ tu giới đã lâu lắm rồi không hề chú trọng đến chức linh mục, một khi chúng ta hiểu được từ ngữ đó. Họ sẽ không tuyên hứa vâng phục một vị giám mục và họ chắc chắn cũng không thi hành đức vâng phục nếu họ có hứa."
Với tinh thần của Hội Nghị Nữ (Tu) Giới Công Giáo trên đây, một người bình thường tự nhiên cũng sẽ cảm thấy rằng, phong trào nữ giới quá khích Công Giáo tỏ ra không thèm phẩm trật là vì biết rằng không đòi được nữa. Bởi vì, trước tháng 5-1994, thời điểm Đức Gioan-Phaolô II dứt khoát khẳng định trong tông thư "Ordinatio Sacerdotalis": "Ta tuyên bố là Giáo Hội không có quyền gì cả trong việc truyền chức linh mục cho nữ giới", thì họ còn ham chức vị linh mục, như ấn bản "New Women, New Church" được phổ biến trong dịp Hội Nghị đã tiết lộ: "Vào một cuộc họp (sửa soạn cho Hội Nghị từ tháng 11-1993) có chừng 40 người, trong đó có một giám mục và một linh mục, chúng tôi đã ôm ấp tư tưởng là tìm kiếm một hay hai vị giám mục hưu trí Công Giáo để truyền chức các các phụ nữ vào lúc cao điểm nhất của hội nghị". Tuy nhiên, sau thời điểm bức tông thư oan nghiệt xuất hiện, họ rành rành đã tỏ ra một thái độ "không thèm" hay "cóc cần" chức linh mục nữa, được phản ảnh qua Hội Nghị Nữ Giới về Truyền Chức vào cuối năm 1995.
Nếu thế, không phải hay sao, ý định muốn lãnh chức linh mục của thành phần nữ giới Công Giáo quá khích chỉ là vì địa vị hơn là thuần túy vì "sứ vụ" (theo ý nghĩa của chữ "ministry") và để "phục vụ", một ý định như thế hoàn toàn ngược hẳn lại với tinh thần của Chúa Kitô là Đấng cũng "không tự vinh phong cho mình chức vị thượng tế, mà là nhận lãnh bởi Đấng đã phán: Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con" (DT 5:5), cũng là Đấng "đã đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mt.20:28).
Qua hai biến cố điển hình hết sức cập nhật hoá trên đây của phong trào nữ giới quá khích - Feminism, nhất là của nữ (tu) giới Công Giáo, duy nhân bản quả thật là một biểu hiệu cho tinh thần của phản Kitô và là phản ảnh của tinh thần phản Kitô. Có thể nói, bộ mặt thật của duy nhân bản không gì khác hơn là tinh thần "Pro-Self", tức là tinh thần "tôn sùng thần tôi" của mình, được thể hiện qua thái độ và hành động "Pro-Choice". Đúng thế, theo lý, nếu con người đã tự nhận mình là có quyền tự chọn và tự quyết (như tự do luyến ái), tự chọn cả những việc không thích hợp với thân phận của mình, như chức linh mục nơi giới nữ tu, hay cả những điều không được phép, như phá thai nơi giới nữ trần, thì tự nhiên họ cũng có quyền được tự quyết định hủy bỏ, kể cả những gì "loài người không được phép phân rẽ" (Mt.19:6), như ly dị v.v.
Những hiện tượng duy nhân bản quá cỡ ngày nay, như đến thời điểm không thể nào không bùng nổ của nó, vừa có tính cách toàn cầu, như Hội Nghị Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 9-1995, lại vừa có tính cách trắng trợn, như Hội Nghị Phụ Nữ về Truyền Chức của Nữ Tu Công Giáo vào tháng 11-1995 trên đây. Phải chăng đó là những dấu hiệu báo động "mùa gặt trái đất đã chín mùi" (KH.14:18), cần phải nhổ đi cỏ lùng mà kẻ thù đã được phép gieo vào thế gian (x.Mt.13:29,38,39) để chẳng những chúng không thể lấn át được thành phần hạt giống tốt mà lại còn làm lợi cho thành phần hạt giống tốt, những hạt giống được "chọn" (Gn.15:16) để "Pro-Christ", để "theo Con Chiên đến mọi nơi Con Chiên tới" (KH.14:4). Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Hận Thù Quyết Thắng, phụ bản 4, chương 11, phần II
|