MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (18)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (18)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

Chương Bảy

Người hành hương: Thưa cha, ông giáo sư đây, người anh em tận hiến của con, và con không thể cưỡng nỗi lòng ao ước đi tiếp cuộc hành trình của mình. Trước khi lên đường, chúng con tạt vào chào từ biệt cha và xin lời cầu nguyện của cha.

Ông giáo sư: Đúng thế, sự gần gũi giữa cha và chúng con thật hết sức có ý nghĩa và khiến chúng con được vui hưởng những cuộc đàm đạo sinh ích về các vấn đề tâm linh với các bằng hữu của cha tại nhà cha. Nơi vùng đất xa xôi sắp đặt chân tới, chúng con sẽ giữ trong lòng trọn vẹn ký ức ấy làm bằng chứng cho tình đồng đạo và tình yêu thương của người Kitô hữu.

Cha linh hướng: Cám ơn hai anh em đã có lòng tưởng đến tôi. Cũng vào dịp hai vị tới đây, tôi hiện có hai lữ khách vừa ghé lại nhà mình: một tu sĩ người Moldavia và một nhà ẩn tu sống tịnh khẩu trong rừng hai mươi lăm năm nay. Cả hai đều muốn gặp hai vị. Tôi mời họ ra đây ngay. Đây, họ đây.

Người hành hương: Ôi cuộc sống cô tịch đầy ơn sủng biết mấy! và thích hợp biết mấy cho việc đem linh hồn tới sự hiệp nhất nguyên vẹn với Thiên Chúa! Rừng sâu êm ả thì đâu khác gì Vườn Địa đàng nơi cây hoan lạc của sự sống mọc lên trong con tim nguyện cầu của người tu hành ẩn dật. Nếu con tiếp tục sống thêm ngày nào, thì con nghĩ, không có gì ngăn trở con khỏi sống đời ẩn tu.

Ông giáo sư: Nhìn từ xa, mọi sự dường như đáng cho chúng con khao khát cách riêng. Nhưng qua kinh nghiệm, chúng con đều nhận thấy bất cứ nơi nào, dù có thể có lợi thế của riêng nó, cũng có những mặt không thuận lợi. Dĩ nhiên nếu tính khí ta u sầu và có ý thích sự tịnh khẩu, thì sống cô đơn là một niềm an ủi. Nhưng trên đường ấy có vô số nguy cơ. Lịch sử cuộc sống ẩn tu cung cấp nhiều thí dụ cho thấy trong khi hoàn toàn tách biệt mình khỏi xã hội, vô số người ẩn tu và ẩn dật đã sa vào sự tự dối mình và các cám dỗ sâu xa.

Nhà ẩn tu: Tôi ngạc nhiên khi thường hay nghe người ta nói như thế tại nước Nga, không chỉ trong các nhà dòng mà còn giữa những giáo dân kính sợ Thiên Chúa, rằng nhiều người ao ước sống đời ẩn tu, hoặc trau dồi việc cầu nguyện trong lòng, đã lui bước, không dám theo đuổi sở thích đó vì sợ rằng các cám dỗ sẽ thiêu rụi mình. Trong khi khẳng định như thế, họ nêu lên các thí dụ chứng minh cho những gì mà tâm trí họ kết luận, như một lý do thích đáng để giữ cho mình khỏi sống đời nội tâm và cũng để giữ cho người khác đừng sống theo lối đó. Theo ý kiến của tôi, thì việc đó phát sinh từ hai lý do: hoặc từ sự không am hiểu công cuộc đó và thiếu sự thức ngộ tâm linh; hoặc từ lòng mình thờ ơ sự thành tựu về chiêm nghiệm hay quán tưởng hoặc lòng mình ganh tị rằng những người khác, những kẻ có trình độ thấp hơn mình lại vượt trội hơn mình trong sự am hiểu cao hơn đó.

Thật hết sức đáng thương cho những người tin như thế mà không thẩm tra lời giảng dạy của các Giáo phụ thánh thiện về vấn đề ấy, vì các vị đã dạy dứt khoát rằng ta không được sợ hãi hoặc không được nghi ngờ khi kêu tên Thiên Chúa. Nếu có người nào đó trong họ đã thật sự sa vào sự tự lừa dối và sự cuồng tín ấy, thì đó là kết quả của lòng kiêu hãnh, của việc không có người linh hướng và của việc lấy bề ngoài và tưởng tượng làm thực tại. Nếu sau một thời gian xảy ra thử thách như thế mà họ tiếp tục, thì ắt hẳn nó có thể dẫn tới nếm trải và đỉnh vinh quang, nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa đến một cách lẹ làng để bảo vệ khi điều như thế được để cho xảy ra. Hãy can đảm. Đức Giêsu Kitô đã nói: "Ta ở với các anh em, chớ sợ."

Và dựa theo lời đã phán ấy thì thật hoang tưởng khi cảm thấy sợ hãi và hoảng hốt về cuộc sống nội tâm lấy cớ là vì nguy cơ của sự tự lừa dối. Vì ý thức khiêm tốn về các tội lỗi của ta, sự phơi mở linh hồn ra cho vị linh hướng mình và sự "không hình không dạng" [formlessness: không có hình dạng, không có hình thức dứt khoát và rõ rệt] trong cầu nguyện thì mạnh mẽ và an toàn, chống trả được các ảo giác cám dỗ mà nhiều người cảm thấy hết sức sợ hãi và do đó không dám đắm mình trong hoạt động tâm linh. Và vì thế, những người ấy lại ngẫu nhiên phơi mình ra cho sự cám dỗ, như những lời khôn ngoan mà Philôthêốt Núi Xinai đã nói với chúng ta, rằng:

- Có nhiều tu sĩ không hiểu rõ ảo giác của chính tâm trí mình, cái mà họ chịu trong bàn tay của ma quỉ - nghĩa là, họ chăm chỉ hiến mình cho chỉ một hình thức hoạt động duy nhất: "những thao tác tốt lành bề ngoài"; còn về tâm trí - nghĩa là về sự chiêm nghiện nội tâm - thì họ ít để ý tới, vì họ u mê và dốt nát về cái đó.

Thánh Grêgôriô Núi Xianai cũng tuyên bố rằng:

- Cho dù họ có nghe từ những người khác rằng ơn sủng hoạt động một cách nội tại bên trong mình, nhưng do lòng ganh tị, họ xem cái đó như một sự tự lừa dối.

Ông giáo sư: Con xin phép nêu câu hỏi. Dĩ nhiên ý thức về các tội lỗi của ta thì có tính cách riêng biệt cho những ai chú ý tới bản thân, nhưng làm thế nào ta xúc tiến việc đó khi không có sẵn vị linh hướng nào trên con đường sống đời nội tâm phát xuất từ những chứng nghiệm riêng của vị ấy cho ta phơi mở lòng ta để được truyền đạt sự am hiểu chính xác và duy nhất đáng tin cậy về cuộc sống tâm linh? Trong trường hợp đó thì rõ ràng cách tốt là thà đừng tính tới chuyện chiêm nghiệm còn hơn là thử nó trên bản thân mình mà không có người hướng dẫn tâm linh. Thêm nữa, về phần con, thì con thấy khó mà hiểu rõ việc, nếu ta đặt bản thân trong sự hiện diện của Thiên Chúa, thì làm thế nào có thể quan sát trọn vẹn sự "không hình không dạng". Việc linh hồn của chúng ta hoặc tâm trí của chúng ta có thể không nảy ra cái gì cả trong trí tưởng tượng không dạng thức, trong không hình không dạng tuyệt đối, thì chẳng tự nhiên chút nào. Và thật ra, khi tâm trí miệt mài trong Thiên Chúa, tại sao ta không để nảy ra trong trí tưởng tượng mình Đức Giêsu Kitô, hoặc Một Chúa Ba Ngôi, và vân vân!

Nhà ẩn tu: Đối với những người có thể hàng ngày mở lòng mình ra mà không trở ngại, với tự tin và thuận lợi, kể các ý nghĩ của mình và những gì mình gặp trên đường tu tập nội tâm, thì sự chỉ bảo của một người linh hướng hoặc tôn sư tâm linh - vị đã chứng nghiệm, có khả năng am hiểu các vấn đề tâm linh và cận kề bên người đang đi vào cuộc sống tịnh khẩu - là điều kiện chính yếu cho việc thực hành sự cầu nguyện trong lòng. Tuy thế, trong trường hợp không tìm được một vị như thế, thì cũng chính các Giáo phụ thánh thiện từng nêu cách trị liệu ấy, đã đưa ra một ngoại lệ. Nicêphôrê Nhà ẩn tu đưa ra những chỉ bảo rõ ràng về vấn đề đó như sau:

- Trong thời gian thực hành những thao tác bên trong tâm hồn thì đòi hỏi một người linh hướng chân thành và thông thạo. Nếu không có được một vị như thế ở kề bên thì bạn phải chuyên chú tìm cho được một vị. Nếu bạn không tìm được vị nào, thì lúc ấy, với lòng thống hối bạn hãy kêu cầu Thiên Chúa, xin Ngài giúp đỡ, và bạn phải rút tỉa lời chỉ bảo và hướng dẫn từ các bài dạy của các Giáo phụ thánh thiện và thẩm tra xác minh những lời đó qua Lời Thiên Chúa được trình bày trong Kinh Thánh.

Ở đây, ta cần cân nhắc thực tế rằng người tìm kiếm nếu có thiện chí và lòng sốt sắng cũng có thể thu lượm được điều hữu ích trong lời chỉ bảo của những người bình thường. Cũng thế, các Giáo phụ thánh thiện bảo đảm rằng, nếu với đức tin và dự tính trang trọng mà ta tới hỏi ý một người Hồi giáo du mục Saracen thì hắn cũng có thể nói cho ta nghe những lời có giá trị. Ngược lại, nếu không có đức tin và mục đích chính đáng thì dù ta có xin lời dạy bảo của một ngôn sứ, ngài cũng sẽ chẳng làm ta mãn nguyện. Chúng ta thấy một thí dụ về việc ấy trong trường hợp Macariốt Cả xứ Ai cập, đấng nhờ có cơ hội nghe lời giải thích do một người nhà quê chất phác đưa ra, mà chấm dứt được sự khắc khoải trong lòng mình.

Còn về sự "không hình không dạng" - nghĩa là không dùng tới trí tưởng tượng và không chấp nhận bất cứ loại thị kiến nào trong thời gian chiêm nghiệm, dù là ánh sáng, hoặc thiên thần, hoặc Đức Kitô, hoặc bất cứ vị thánh nào, và tránh hoàn toàn việc mơ màng - dĩ nhiên điều ấy được chỉ thị từ các Giáo phụ thánh thiện vì lý do này: rằng sức mạnh của trí tưởng tượng có thể tạo ra hình hài hình dạng một cách dễ dàng, hoặc có thể nói, gây sức sống cho những hình dung của tâm trí, và vì thế, người không kinh nghiệm có thể dễ dàng bị cuốn hút bởi những cái tưởng tượng, xem chúng như những khải thị của ơn sủng và sa vào sự tự lừa dối mình, bất chấp sự kiện Kinh Thánh đã nói rằng Sa tan có thể tự nó khoác lấy hình thức một thiên thần của sự sáng. Và như thế, tâm trí đó có thể ở trong trạng thái "không hình không dạng" một cách tự nhiên và dễ dàng, và giữ như thế, ngay cả trong khi nhớ tưởng sự có mặt của Thiên Chúa; và có thể thấy điều ấy từ thực tế rằng sức mạnh của trí tưởng tượng có thể làm nảy ra cái có thể tri giác được trong "không hình không dạng" và duy trì ảnh hưởng của nó trong lúc phô ra như thế. Vì vậy, thí dụ, sự hình dung về linh hồn của chúng ta, về không khí, ấm hoặc lạnh. Khi ta lạnh, ta có thể có ý nghĩ sống động về sự ấm áp trong tâm trí mình, dù sự ấm áp ấy không hình không dạng, và nó không là đối tượng cho mắt nhìn thấy, và nó không được cân đo bằng cảm giác thể lý của ta, kẻ thấy mình đang lạnh lẽo. Cũng một cách như thế, sự hiện diện hữu thể thần khí và không thể lãnh hội nổi của Thiên Chúa có thể được nảy ra trong tâm trí và được nhận ra trong tâm hồn trong tuyệt đối không hình không dạng.

Người hành hương: Trong những chuyến lang thang, con đã đi ngang nhiều người, những người tận hiến đang kiếm tìm sự cứu rỗi. Họ có nói với con rằng họ sợ bất cứ điều gì liên quan tới cuộc sống nội tâm và họ cáo giác rằng nó hoàn toàn chỉ là ảo giác. Con có đọc cho vài người ấy nghe từ cuốn Philôkalia lời giảng dạy của Thánh Grêgôriô Núi Xinai. Ông nói rằng:

- Hoạt động của tâm hồn cũng như hoạt động của tâm trí không thể là ảo giác. Vì nếu kẻ thù thèm muốn biến đổi sự ấm áp của tâm hồn thành ngọn lửa không kiểm soát được của chính hắn, hoặc biến đổi sự hân hoan của tâm hồn thành các khoái lạc mê lầm của giác quan, thì thời gian, kinh nghiệm và cảm giác tự nó sẽ phô bày sự xảo trá và quỉ quyệt của hắn, cho ngay cả đối với những người không học hành thông thái.

Con cũng có gặp những người khác, những người cực kỳ bất hạnh. Sau khi đã biết đường lối tịnh khẩu và cầu nguyện của tâm hồn, họ gặp chướng ngại nào đó hoặc sự yếu đuối tội lỗi nên ngã lòng chịu thua và buông bỏ hoạt động của tâm hồn mà mình đã từng biết.

Ông giáo sư: Đúng vậy, và chuyện như thế rất tự nhiên. Chính con thỉnh thoảng cũng nếm trải điều như vậy, vào những dịp con đánh mất ngọn lửa bên trong tâm trí hoặc làm điều sai trái. Vì cầu nguyện bên trong tâm hồn là cái thánh thiện và hiệp nhất với Thiên Chúa, thì phải chăng thật là liều lĩnh và không thích đáng khi đem cái thánh thiện như thế vào một tâm hồn tội lỗi, trước khi làm cho tâm hồn ấy tinh sạch bằng sự im lặng ăn năn thống hối và sự chuẩn bị cách riêng để hiệp nhất với Thiên Chúa? Thà ta câm lặng trước Thiên Chúa còn tốt hơn là dâng lên Ngài những lời không suy nghĩ phát xuất từ một tâm hồn đang u tối và rối rắm.

Tu sĩ Moldavia: Nghĩ như bạn thì thật hết sức tội nghiệp. Đó là sự ngã lòng thối chí, cái tệ hại nhất trong mọi tội lỗi và là cái làm nên vũ khí chủ lực cho thế giới hắc ám chống lại chúng ta. Lời giảng của các Giáo phụ đầy kinh nghiệm và thánh thiện về vấn đề này thì hoàn toàn ngược lại. Nicêtas Stêthatốt nói rằng nếu bạn sa ngã, kể cả bị chìm đắm trong vực sâu của sự dữ đáng sa hỏa ngục, thì bạn cũng đừng thất vọng mà hãy lật đật hướng tới Thiên Chúa và Ngài sẽ lẹ làng nâng tâm hồn sa ngã của bạn lên và ban cho bạn nhiều sức mạnh còn hơn bạn đã có trước đó. Như thế, sau mỗi sa ngã và thương tật tội lỗi của linh hồn, việc cần kíp ta phải làm là đặt nó trước sự hiện diện của Thiên Chúa để cứu chữa và tẩy rửa, giống như những vật đã bị nhiểm độc, nếu đem chúng ra phơi ít lâu dưới sức mạnh của ánh nắng mặt trời thì sự gây nhiễm ấy mất sắc bén và mất sức mạnh. Nhiều nhà văn tâm linh đã phát biểu tích cực về sự xung khắc nội tâm với các kẻ thù của sự cứu rỗi, nghĩa là các đam mê của chúng ta. Nếu bạn bị chấn thương một ngàn lần thì bạn lại càng không nên buông bỏ hoạt động ban sự sống - nói cách khác, là việc kêu cầu Đức Giêsu Kitô, đấng hiện diện trong con tim của chúng ta. Hành động như bạn nói đó không chỉ là quay mình lại, không bước đi trong sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô và không cầu nguyện trong lòng, mà còn làm phát sinh trong ta sự rối rắm, phiền não, và như thế, tốt nhất là hãy cấp tốc hướng tới Thiên Chúa. Đứa bé khi mới tập đi thì được mẹ dìu dắt, và hễ bị sẩy chân thì nó vội vàng quay qua níu lấy mẹ.

Nhà ẩn tu: Tôi nhìn sự việc ấy theo cách này, rằng sự sa ngã tinh thần và các ý nghĩ rối rắm và ngờ vực, đều dễ dàng phát sinh từ sự xao lãng của tâm trí và từ sự thất bại trong việc canh giữ chỗ nghỉ ngơi tĩnh lặng bên trong bản thân ta. Bằng minh triết thiêng liêng, các Giáo phụ xa xưa đã khắc phục sự ngã lòng và đón nhận ánh sáng nôi tâm và sức mạnh qua niềm hy vọng vào Thiên Chúa, qua sự tịnh khẩu bình an và cô đơn. Và các vị đã cho chúng ta lời khuyên khôn ngoan và hữu ích, rằng: "Bạn hãy ngồi yên lặng trong phòng mình và nó sẽ dạy cho bạn mọi sự."

Ông giáo sư: Con rất tin tưởng vào thầy và con vui sướng lắng nghe những lời phân tích và bình phẩm của thầy về các ý tưởng của con đối với sự tịnh khẩu, cái mà thầy đã hết lời ca ngợi nó và những lợi ích của cuộc sống cô đơn, cái được các nhà ẩn tu nhiệt liệt tán thưởng. Tuy thế, đây là những gì con suy nghĩ: Vì theo luật tự nhiên mà Đấng tạo hóa đã quyết định, hết thảy mọi người đều được an bài trong sự lệ thuộc thiết yếu vào nhau, và do đó, bị ràng buộc phải giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lao động cho nhau và hỗ tương phục vụ nhau. Tính hợp quần ấy tạo phúc lợi cho loài người và bày tỏ được lòng yêu thương đối với người bên cạnh của ta. Các nhà ẩn tu tịnh khẩu, những kẻ rút chân ra khỏi xã hội loài người, thì làm thế nào với sự bất động đó có thể phục vụ người bên cạnh mình, và liệu kẻ ấy có thể đóng góp được gì cho phúc lợi của xã hội loài người? Kẻ ấy hoàn toàn hủy diệt trong bản thân mình lề luật đó của Đấng tạo hóa, một lề luật liên quan tới sự hiệp nhất trong tình yêu của con nguòi, đầy ân cần và ảnh hưởng sinh ích lên anh em đồng loại.

Nhà ẩn tu: Vì bạn có quan điểm không đúng về tịnh khẩu nên từ chỗ đó, bạn rút ra những kết luận không chính xác. Chúng ta hãy xem xét vấn đề ấy một cách cặn kẽ, như sau:

(1) Người sống cô đơn tịnh khẩu ấy không phải là sống trong tình trạng không hoạt động hoặc ăn không ngồi rồi. Hắn sống năng động ở mức độ cao nhất, còn hơn người tham gia cuộc sống xã hội. Hắn canh chừng, thăm dò. Hắn để mắt trên trạng thái ấy và trên diễn tiến cuộc sống đạo đức của mình. Đó là mục đích chân chính của tịnh khẩu. Và sự đo lường những tiến bộ của bản thân hắn sinh nhiều ích lợi khác cho những kẻ lòng bị sa ngã chìm đắm vì cho rằng không thể thực hiện được việc triển khai một cuộc sống đạo đức như thế. Vì hắn, kẻ quan sát trong tịnh khẩu, qua sự truyền đạt các kinh nghiệm nội tâm bằng lời nói (trong những trường hợp ngoại lệ) hoặc bằng việc viết chúng ra, cổ võ những lợi thế tâm linh và sự cứu rỗi của anh em đồng đạo. Và còn hơn thế nữa, hắn thuộc loại cao hơn những người làm việc thiện cá nhân. Việc từ thiện vì mủi lòng và cá nhân của con người trên thế giới này lúc nào cũng bị giới hạn trong số lượng nhỏ lợi ích được ban phát, còn với hắn thì trái lại, hắn thành người ban phát lợi ích cho hết
thảy công chúng vì cái mà hắn ban phát thì rút ra từ những thành tựu về mặt đạo đức, nhằm xác tín và thử nghiệm những phương cách làm hoàn hảo cuộc sống tâm linh. Kinh nghiệm và lời giảng dạy của hắn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như bản thân chúng ta chứng kiến, và chúng ta sử dụng chúng từ thời xa xưa cho tới ngày nay. Và điều ấy không trái ngược với đức bác ái Kitô giáo; và qua kết quả, nó còn vượt lên đức bác ái.

(2) Ảnh hưởng sinh ích và hữu dụng nhất của người quan sát trong tịnh khẩu lên người bên cạnh của hắn, không chỉ biểu lộ trong sự truyền đạt những điều quan sát có tính cách dạy bảo của hắn về cuộc sống nội tâm, mà còn trong chính cuộc sống tách biệt của hắn làm gương mẫu sinh ích cho người giáo dân siêng năng, bằng cách dẫn dắt người ấy tới sự tự biết mình và làm phát sinh trong người ấy cảm giác kính ngưỡng. Trong khi nghe nói tới người ẩn dật tận hiến ấy hoặc đi ngang cửa chốn ẩn dật, người sống nơi thế gian cảm thấy có sự thôi thúc sống đời tận hiến và tâm trí nhớ lại rằng con người trần gian có thể là gì, rằng con người có khả năng trở về trạng thái chiêm nghiệm nguyên thủy trong đó mình bắt nguồn từ bàn tay Đấng tạo hóa. Sự ẩn dật tịch lặng, qua chính sự tịnh khẩu của hắn và chính cuộc sống của hắn, hắn sinh ích, giúp mở mang trí tuệ và thuyết phục sự tìm kiếm Thiên Chúa.

(3) Lợi ích ấy tuôn trào từ sự tịnh khẩu chân thành, cái được chiếu rọi và thánh hóa bởi sự sáng của ơn sủng. Nhưng nếu kẻ tịnh khẩu ấy không có tặng phẩm của ơn sủng đề biến hắn thành ánh sáng cho thế gian và cho dù hắn có dấn mình vào con đường tịnh khẩu với mục đích lẩn tránh loại đoàn nhóm của mình, như một kết quả của lười biếng và lãnh đạm, thì lúc ấy hắn vẫn sinh ích lớn lao cho cộng đoàn mà hắn đang sống trong đó; y như người giữ vườn cắt bỏ các cành khô còi cọc và dọn sạch cỏ dại để không cản trở sự tăng trưởng của cái tốt nhất và hữu dụng nhất. Và điều này quan trọng. Nó thuộc về ích lợi tổng quát mà nhờ sự tách biệt của mình, kẻ tịnh khẩu ấy tự cất bỏ những cám dỗ mà nếu hắn ở giữa công chúng thì sớm muộn gì cũng sẽ phát sinh từ cuộc sống vô đạo của hắn và làm tổn thương tới đạo đức của người bên cạnh.

Về vấn đề tầm quan trọng của tịnh khẩu, Thánh Isaác xứ Xyri đã tuyên bố như sau:

- Khi ở đĩa này chúng ta đặt vào đó mọi hoạt động của cuộc đời, và ở đĩa kia chúng ta đặt vào đó sự tịnh khẩu, thì chúng ta thấy cán cân bị lệch. Bạn đừng đặt những kẻ thực hiện các biểu hiện và các kỳ công trên thế giới lên ngang hàng với những người giữ tịnh khẩu có am hiểu. Bạn hãy yêu thương sự hoạt động không ngừng của tịnh khẩu hơn là sự thừa mứa những kẻ tham lam trên thế giới này và sự quay lưng của nhiều người đối với Thiên Chúa. Cách tốt là bạn giải thoát mình, cắt bỏ mọi ràng buộc của tội lỗi hơn là giải phóng người nô lệ khỏi sự phục dịch của họ.

Ngay các nhà hiền triết cơ bản nhất cũng công nhận giá trị của tịnh khẩu. Trường phái triết học Tân Platô, vốn giữ riết nhiều môn đồ dưới sự dẫn dắt của Platô, đã triển khai tới một trình độ cao cuộc sống quán tưởng nội tâm, cái được đặc biệt đạt tới trong tịnh khẩu. Một nhà văn tâm linh đã nói rằng nếu trạng thái ấy triển khai được tới mức cao nhất về mặt giáo dục và đạo đức, thì lúc ấy lại càng cần phải cung cấp cho dân chúng sự chiêm nghiệm và tiếp nhận nó từ hết thảy các thể kỷ đã qua, để lưu giữ cho các thế hệ mai sau và truyền lại cho con cháu. Những người như thế, trong giáo hội, là các nhà ẩn tu, ẩn dật và ẩn sĩ.

Người hành hương: Con nghĩ rằng không ai đánh giá một cách rất xác đáng về những tuyệt hảo của tịnh khẩu bằng Thánh Gioan Cái thang. Ông nói rằng:

- Tịnh khẩu là mẹ của cầu nguyện, là sự trở về từ tình trạng bị câu thúc của tội lỗi, kết quả vô thức trong đức hạnh, một thăng tiến liên tục tới thiên đàng.

Đúng thế, và chính Đức Giêsu Kitô vì muốn tỏ ra cho chúng ta biết tính chất lợi thế và thiết yếu của sự ẩn dật tịnh khẩu, nên Ngài thường rời những buổi rao giảng cho công chúng mà đi vào nơi yên lặng vắng vẻ để cầu nguyện và thanh thản. Những nhà tu tịnh khẩu thì giống như những cột trụ nâng đỡ sự tận hiến của giáo hội nhờ lời cầu nguyện liên tục và thầm lặng của họ. Ngay từ thời quá khứ xa xưa, người ta đã thấy có nhiều giáo dân tận hiến, kể cả các đức vua và triều thần, tới viếng thăm các nhà ẩn tu và những người giữ tịnh khẩu để yêu cầu họ cầu nguyện cho sự củng cố và sự cứu rỗi của mình. Như vậy, người ẩn dật tịnh khẩu cũng có thể phục vụ người bên cạnh và hoạt động cho lợi ích và hạnh phúc của xã hội bằng sự cầu nguyện trong chốn khuất nẻo của mình.

Ông giáo sư: Thế thì lại có thêm một ý tưởng nữa mà con không thể hiểu dễ dàng. Giữa hết thảy các Kitô hữu chúng ta, có một tập tục nói chung là xin cầu nguyện cho nhau, ao ước người khác cầu nguyện cho mình, và có sự tin tưởng cách riêng vào một thành phần của giáo hội. Phải chăng cái đó không thuần túy chỉ là đòi hỏi của sự tự yêu mình? Phải chăng đó không phải là chúng ta chỉ nhiễm thói quen của việc nói lên điều mà chúng ta nghe người khác nói, như một loại tưởng tượng của tâm trí mà không có sự suy xét nghiêm chỉnh nào? Vì như sách Phúc âm thiêng liêng đã nói: Thiên Chúa thấy trước mọi sự và Ngài hành động theo sự quan phòng đầy ơn sủng của Ngài chứ không theo khát vọng của chúng ta; Ngài biết và an bài mọi sự trước khi chúng ta đạo đạt thỉnh cầu của mình, thế thì Ngài có đòi hỏi sự cầu nguyện dùm cho nhau của chúng ta không? Có phải quả thật lời cầu nguyện của nhiều người có thể mạnh mẽ khuất phục các quyết định của Thiên Chúa hơn là lời cầu nguyện của một người? Trong trường hợp đó thì Thiên Chúa hẳn là Đấng thiên vị con số đông người. Liệu lời cầu nguyện của người khác có quả thật cứu được con một khi vì những hành động của mình, mỗi người hoặc được tuyên dương hoặc bị làm cho hổ thẹn tới tàn mạt? Và do đó, theo ý con, việc yêu cầu lời cầu nguyện của người khác chỉ là một biểu lộ lòng ngoan đạo, nhã nhặn tinh thần và phô bày dấu hiệu của lòng khiêm tốn và một khát vọng làm hài lòng nhau trong có đi có lại với nhau, thế thôi.

Tu sĩ Moldavia: Nếu ta chỉ để ý tới những đánh giá bên ngoài và theo triết học cơ bản, thì có thể diễn tả nó theo cách đó. Nhưng lý lẽ tâm linh được ơn sủng bởi ánh sáng tôn giáo và được tôi luyện bởi những chứng nghiệm của cuộc sống nội tâm thì đi trước một bước sâu xa hơn, chiêm nghiệm rõ ràng hơn, và trong bí nhiệm, vén lộ điều hoàn toàn trái ngược với điều bạn vừa đặt ra.

Để có thể hiểu vấn đề này nhanh chóng và rõ ràng hơn, chúng ta hãy đan cử một thí dụ và kế đó, xác minh chân lý của nó căn cứ vào Lời Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nói có một học sinh nào đó tới xin theo học một ông thầy. Khả năng hắn yếu kém, hơn nữa, hắn lại trễ nải và thiếu tập trung, nên không đạt kết quả nào trong học tập. Người ta liệt hắn vào loại lười biếng và thất bại. Cảm thấy buồn rầu về việc đó, hắn không biết phải làm gì, không biết làm thế nào để ganh đua vì mình kém cỏi quá. Kế đó hắn gặp một học sinh khác, bạn học cùng lớp, có khả năng hơn hắn, chuyên cần và thành công hơn. Hắn cắt nghĩa cho bạn nghe sự rối rắm của mình. Người bạn quan tâm tới hắn, rủ hắn làm việc chung. Bạn hắn nói:

- Chúng ta hãy cùng làm việc với nhau và chúng ta sẽ hăng hái hơn, vui vẻ hơn và do đó, chúng ta sẽ thành công hơn.

Và như thế, cả hai bắt đầu học chung, người này chia sẻ hiểu biết của mình với người kia. Bài vở học tập của họ giống nhau. Vài ngày sau thì xảy tới cái gì? Kẻ lơ là trở thành người siêng năng; hắn thành người yêu thích công việc của mình, sự lơ là đã biến thành sốt sắng và linh hoạt, cái cũng tác động sinh ích lên cá tính và đạo đức của hắn. Và riêng phần người thông minh kia thì trở nên tài giỏi hơn và cần cù hơn. Kết quả là, cùng nhau cả hai đạt được lợi thế chung.

Và điều ấy rất tự nhiên vì con người được sinh ra trong xã hội loài người. Qua người khác, nó phát triển sự hiểu biết thuần lý của mình, các tập quán trong cuộc sống, tập luyện, các cảm xúc, các hoạt động của ý chí - tóm lại, mọi sự nó tiếp nhận từ những gương mẫu cùng loại với nó. Do đó, vì đời sống của loài người cốt ở những quan hệ gần gủi nhất và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của người này lên người kia, nên con người, kẻ sống giữa một loại người nhất định, trở nên quen thuộc với một loại tập quán, tác phong, đạo đức như thế. Hậu quả là, sự lạnh nhạt trở nên nhiệt tình, đần độn trở nên sắc bén, lười biếng được nâng lên thành năng động nhờ quan tâm sống động tới anh em đôàng loại. Tinh thần có thể tự nó cho tinh thần, hoạt động sinh ích trên người khác và lôi cuốn người khác vào việc cầu nguyện, vào việc chú ý. Có thể khích lệ khi con người ngã lòng, lèo lái nó khỏi thói hư tật xấu và nâng nó lên tới hành động thánh thiện. Và như thế, nhờ sự giúp đỡ nhau, người ta có thể trở thành tận hiến hơn, dồi dào nghị lực tinh thần hơn và kính ngưỡng hơn. Đó, bạn đã có sự bí nhiệm của việc cầu nguyện cho người khác, cái giải thích tập tục tận hiến nơi phần của những người theo Đức Kitô trong việc cầu nguyện cho nhau và xin lời cầu nguyện của anh chị em đồng đạo.

Và từ cái đó, ta có thể thấy là Thiên Chúa hài lòng, không theo kiểu những người quyền thế của trần gian hài lòng vì con số lời thỉnh nguyện và lời nói dùm, nhưng chính vì tinh thần và sức mạnh của cầu nguyện tẩy rửa và nâng cao linh hồn kẻ mà lời cầu nguyện được dâng lên dùm và phô bày lòng sẵn sàng hiệp nhất với Thiên Chúa. Nếu cầu nguyện hỗ tương giữa những người đang sống trên thế gian này sinh ích tới độ đó thì cũng một cách như thế, chúng ta có thể suy ra rằng cầu nguyện cho những người quá cố cũng sinh ích hỗ tương vì mối liên hệ rất mật thiết hiện hữu giữa thế giới trên trời và thế giới dưới đất. Bằng cách ấy, các linh hồn của Giáo hội Lâm chiến có thể được kéo đến hiệp nhất với các linh hồn của Giáo hội Khải hoàn, hoặc cũng một cách như thế, giữa người đang sống và kẻ đã chết.

Hết thảy những điều tôi vừa trình bày thì có tính cách suy luận tâm lý, nhưng nếu mở Kinh Thánh ra, chúng ta có thể xác minh cho các lời đó.

(1) Đức Giêsu Kitô nói với Tông đồ Phêrô rằng: "Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin" (Luca 22:32). Bạn thấy đó, sức mạnh lời cầu nguyện của Đức Kitô củng cố tâm linh của Thánh Phêrô và khích lệ ông khi đức tin của ông bị thử thách.

(2) Khi Tông đồ Phêrô bị giam trong nhà ngục thì "Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông" (Công Vụ 12:5). Ở đây, chúng ta phát giác ra sự giúp đỡ được ban cho từ lời cầu nguyện của anh em đồng đạo trong hoàn cảnh khốn khó của cuộc sống.

(3) Những mệnh lệnh rõ ràng nhất về việc cầu nguyện cho người khác được Tông đồ Giacôbê thánh thiện đưa ra theo lối này: "Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau... lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực" (Giacôbê 5:16).

Đó là sự xác định tuyệt đối cho những luận cứ có tính cách tâm lý nêu trên. Và chúng ta nói như thế nào về gương mẫu mà Tông đồ Phaolô nêu ra cho chúng ta như một kiểu mẫu của việc cầu nguyện cho nhau? Một nhà văn nhận xét rằng gương mẫu đó của Tông đồ Phaolô thánh thiện đã dạy chúng ta sự thiết yếu biết bao của việc cầu nguyện cho nhau khi vị thánh thiện và thành đạt tâm linh siêu việt mạnh mẽ ấy xác nhận nhu cầu của chính ông về sự giúp đỡ tâm linh. Trong Thư Gởi Tín Hữu Do thái, ông viết rằng:

- Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lương tâm ngay lành, muốn ăn ở tốt trong mọi hoàn cảnh (Do thái 13:18).

Lúc chúng ta nhận xét câu nói ấy thì thấy việc chúng ta chỉ dựa vào lời cầu nguyện và các thành quả của chính mình có vẻ vô lý biết bao, trong khi một vị rất thánh thiện, rất dồi dào ơn sủng, mà với lòng khiêm tốn của mình đã xin lời cầu nguyện của những người bên cạnh mình (người Do thái) kết hợp với lời cầu nguyện của chính ông. Vì thế, trong khiêm tốn, mộc mạc và hiệp nhất tình yêu, chúng ta không nên từ khước hoặc không màng tới sự giúp đỡ trong lời cầu nguyện của ngay cả những tín hữu yếu kém nhất, trong khi chính tâm linh thông tuệ của Tông đồ Phaolô cảm thấy không chút ngại ngần về việc đó. Ông yêu cầu lời cầu nguyện của tất cả nói chung, trong khi ông biết rằng quyền năng của Thiên Chúa là làm cho hoàn hảo trong chỗ yếu kém. Hậu quả là, thỉnh thoảng nó có thể làm hoàn hảo trong những kẻ có vẻ như thể chỉ có khả năng cầu nguyện một cách yếu ớt. Trong khi cảm thấy sức mạnh của gương mẫu ấy, chúng ta còn nhận ra rằng việc cầu nguyện cho nhau củng cố sự hiệp nhất trong tình yêu Kitô, cái được lệnh truyền từ Thiên Chúa, làm chứng cho sự khiêm tốn tinh thần của kẻ đưa ra lời yêu cầu, và có thể nói, lôi cuốn tâm linh của người cầu nguyện. Việc thốt lời cầu nguyện dùm cho nhau được phấn khích theo lối đó.

Ông giáo sư: Những phân tích và những bằng chứng thầy vừa đưa ra thật đáng ngưỡng mộ và xác đáng, nhưng nếu được thầy nói thêm cho biết về phương pháp và hình thức cầu nguyện cho nhau thì thật sung sướng vô ngần. Vì con nghĩ rằng nếu hoa quả và sức mạnh đầy quyến rũ của cầu nguyện tùy thuộc vào lòng quan tâm sống động tới người bên cạnh chúng ta, và chúng dễ thấy trên ảnh hưởng liên tục của người cầu nguyện đối với tâm linh của kẻ xin cầu nguyện; trạng thái đó của linh hồn có thể làm cho ta xao lãng cái cảm giác liên tục về sự có mặt vô hình của Thiên Chúa và lơi lỏng sự dạt dào của linh hồn ta trước Thiên Chúa theo những nhu cầu của chính ta. Và nếu ta mang người bên cạnh vào trong tâm trí mình, dù chỉ một đôi lần trong một ngày, với thiện cảm dành cho người ấy và cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ cho người ấy thì làm như vậy liệu có đủ để lôi kéo và củng cố linh hồn người ấy không? Diễn tả cách ngắn gọn, con muốn biết chính xác mình nên cầu nguyện cho người khác như thế nào?

Tu sĩ Moldavia: Cầu nguyện là dâng lên Thiên Chúa dù bất cứ cái gì đi nữa cũng không hoặc không thể làm chúng ta xao lãng cảm giác về sự hiện diện của Thiên Chúa, vì nếu nó là một hành động tiến dâng lên Thiên Chúa thì đương nhiên nó phải thể hiện trong sự hiện diện của Ngài. Cần ghi nhận rằng, cho tới bây giờ, trong những phương pháp liên quan tới việc cầu nguyện cho người khác thì sức mạnh của loại cầu nguyện này cốt ở thiện cảm chân chính của Kitô hữu đối với người bên cạnh mình, và ảnh hưởng nhiều ít của nó lên trên người bên cạnh tùy vào mức độ thiện cảm ấy. Do đó, khi ta ngẫu nhiên nhớ tới người ấy (người bên cạnh mình), hoặc vào thời điểm định sẵn để cầu nguyện dùm, thì cách tốt là đem tinh thần của người ấy vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và dâng lời cầu nguyện theo hình thức như sau:

"Lạy Chúa chí nhân, chúng con xin vâng theo thánh ý Chúa và qua thánh ý Chúa mọi người sẽ được cứu rỗi và được am hiểu chân lý. Xin Chúa cứu giúp tôi tớ Chúa tên----------. Xin Chúa đoái xem khát vọng này của con như tiếng kêu van của tình yêu mà Chúa đã phán truyền."

Nói chung, bạn nên lặp đi lặp lại những lời ấy khi linh hồn bạn cảm thấy bị thúc giục làm như thế, hoặc bạn có thể lần tràng hạt với lời cầu nguyện ấy. Qua kinh nghiệm, tôi thấy lời cầu nguyện đó hoạt động sinh ích biết bao trên kẻ mà mình muốn dâng lời cầu nguyện dùm cho họ.

Ông giáo sư: Quan điểm, những luận cứ của quí thầy và các cuộc đàm đạo mở mang trí tuệ này cùng những tư tưởng sáng chói phát sinh từ chúng, khiến con cảm thấy mình không thể không giữ chúng trong ký ức con. Và con xin được bày tỏ với quí thầy sự tôn kính và những lời cảm tạ của tâm hồn biết ơn của con.

Người hành hương và Ông giáo sư: Đã đến lúc chúng con phải lên đường. Chúng con thành khẩn xin lời cầu nguyện của cha và quí thầy cho chuyến hành trình này và cho sự hiệp đoàn của chúng con.

Cha linh hướng: "Thiên Chúa, nguồn mạch bình an, đã đưa ra khỏi cái chết Vị Mục Tử cao cả của đàn chiên là Đức Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu. Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen. (Do thái 13: 20,21)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768