MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (16)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (16)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

VIỆC XƯNG TỘI ĐƯA CON NGƯỜI TỚI KHIÊM TỐN

Chương Sáu

Người hành hương: Như con đã hứa trong cuộc gặp gỡ với cha hôm qua, nay con có mời tới đây người bạn đồng hành đáng kính của con, người đã làm con phấn khởi trên đường hành hương với những lời đàm đạo tâm linh, mà cha tỏ ý muốn gặp. Thưa cha, đây, ông ấy đây.

Cha linh hướng: Tôi cầu mong những vị khách đáng kính của mình gặp nhiều điều tốt lành và cũng thật hết sức tốt lành cho tôi được gặp gỡ và được hai anh em kể cho nghe những kinh nghiệm sinh ích. Cũng có mặt với tôi đây là một đan sĩ khổ tu đáng kính và một linh mục tận hiến. Và như thế, nơi nào có hai hoặc ba người tụ họp trong thánh danh Đức Giêsu Kitô thì Ngài có mặt nơi đó, như Ngài đã hứa. Và lúc này, chúng ta có tới năm người gặp gỡ nhau trong thánh danh Ngài, như thế rõ ràng Ngài sẽ đoái thương ban ơn sủng cho hết thảy chúng ta cách dồi dào hơn nữa. Hỡi người anh em thân mến, câu chuyện mà hôm qua người hành hương bạn đường của anh đã kể cho chúng tôi nghe về sự mật thiết nồng nàn của anh với Tin Mừng thiêng liêng thì đặc biệt đáng chú ý và mang tính dạy dỗ. Chúng tôi ao ước được biết bí nhiệm lớn lao và đầy ơn phước đó đã mạc khải cho anh như thế nào.

Ông giáo sư: Thiên Chúa, Đấng trọn tình yêu thương, Đấng mong muốn mọi người đều được cứu rỗi và đạt tới sự am hiểu chân lý, Ngài đã vén lộ cho con biết về lòng ân cần chan chứa tình yêu vĩ đại của Ngài bằng một cách thức tuyệt diệu và hoàn toàn không có chút can thiệp nào của con người.

Suốt năm năm làm giáo sư, con đã phung phí ngày tháng đời mình trong một cuộc sống ảm đạm, say đắm theo triết lý vô ích của thế gian và không theo Đức Kitô. Có lẽ con sẽ tàn lụi hoàn toàn nếu không được nâng cao tới một mức nào đó nhờ sự kiện con sống chung với người mẹ rất sốt sắng và người chị, một phụ nữ trẻ, đầu óc trang trọng. Ngày nọ, con đang đi dạo trên đường phố đông người thì gặp gỡ và quen biết một thanh niên xuất sắc. Hắn nói với con rằng hắn người Pháp và là sinh viên vừa từ Paris tới Nga chưa được bao lâu và đang tìm chỗ dạy kèm tư gia. Con rất hài lòng về trình độ văn hóa cao của hắn, con mời hắn tới nhà chơi vì hắn là một người lạ trên xứ sở này. Từ đó hắn và con trở thành bạn nhau. Suốt hai tháng trời, hắn thường hay tới thăm con. Thỉnh thoảng hắn và con đi dạo chung, cảm thấy thích thú nhau và cùng nhau làm thành một đôi cặp kè mà có thể khiến người ta nghĩ là rất vô luân. Sau cùng, vào một ngày nọ, hắn đến rủ rê con tới một nơi tụ họp thuộc loại đó. Để nhanh chóng thuyết phục con, hắn bắt đ
ầu đặc biệt nhiệt liệt ca ngợi về những thú vị của cái hội mà hắn đang mời con tham gia. Sau khi trình bày ngắn gọn về hội đó, đột nhiên hắn yêu cầu con là cả hai đừng ngồi trong phòng đọc sách nữa mà ra ngồi nơi phòng khách. Con thấy lời yêu cầu đó có vẻ ký quái, vì vậy con nói rằng trước đây, con chưa bao giờ thấy nơi hắn có sự miễn cưỡng nào khi ngồi ở trong phòng đọc sách của con, và con hỏi hắn lúc này tại sao lại yêu cầu như vậy? Con còn nói thêm rằng phòng khách thì ở bên cạnh phòng của mẹ con và chị con nên đó không phải là chỗ thích đáng để chúng ta tiếp tục loại trò chuyện như thế này. Hắn vẫn nhất quyết giữ ý kiến của hắn với nhiều lý do khác nhau, sau cùng, hắn nói công khai như thế này:

- Trong số những sách anh đặt trên kệ, có cuốn Tin Mừng. Tôi vô cùng tôn kính cuốn sách đó tới độ tôi thấy rất khó khăn khi chuyện trò về những việc xấu xa của chúng ta trước mặt nó. Nếu anh cất nó khỏi chỗ đó thì lúc ấy chúng ta mới có thể tha hồ trò chuyện.

Con coi đó là việc không đáng kể nên cười cợt câu nói của hắn. Con lấy cuốn Tin Mừng ra khỏi kệ sách và vừa nói vừa đưa sách cho hắn:

- Lý ra anh phải nói với tôi về việc này từ lâu. Đây, anh cầm lấy sách, muốn để ở đâu trong phòng này thì tùy ý.

Ngay lúc con đưa cuốn sách Tin Mừng chạm vào người hắn thì hắn run rẩy, và lập tức biến mất. Sự việc xảy ra làm con kinh hồn khiếp vía, tê cóng cả người và té xuống đất bất tỉnh. Nghe tiếng con ngã, người giúp việc trong nhà chạy tới. Suốt nửa giờ, họ không thể nào làm cho con lai tỉnh. Cuối cùng, khi tỉnh lại, con hãi hùng run lẩy bẩy, cảm thấy hoàn toàn bấn loạn, hai chân hai tay cứng ngắc không nhúc nhích nổi. Người nhà mời bác sĩ tới. Ông chẩn bệnh xong nói tình trạng bại liệt của con là do kết quả của một cú sốc hoặc của một cơn sợ hãi kịch liệt nào đó.

Sau biến cố đó, con nằm liệt giường trọn một năm. Dù có nhiều bác sĩ tận tâm chăm sóc kỹ lưỡng, bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm chút nào nên hậu quả của cơn bệnh là con phải xin thôi việc dạy học. Trong thời gian con ngọa bệnh, mẹ con càng ngày càng già yếu rồi qua đời, chị con chuẩn bị nhập dòng tu; cả hai việc đó làm bệnh của con càng lúc càng nặng hơn. Trên giường bệnh, con chỉ còn biết cách khuây khỏa duy nhất là đọc sách Tin Mừng, cuốn sách con chưa bao giờ rời tay từ lúc bắt đầu ngọa bệnh. Sách ấy là một bảo đảm cho sự cố kỳ diệu đã xảy tới cho con trước đó.

Tới một ngày nọ, có một nhà ẩn tu không quen biết tới gặp con. Ông đang đi lạc quyên cho đan viện. Ông cố hết sức thuyết phục con rằng con không nên chỉ trông cậy vào thuốc men, vì nếu không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa thì nó không thể làm bệnh con thuyên giảm và rằng con nên cầu nguyện Thiên Chúa về vấn đề của con, cầu nguyện một cách chuyên cần, vì cầu nguyện là phương thế uy lực nhất, chữa trị đượïc tất cả mọi bệnh tật thể xác và tinh thần. Con hoang mang đáp lại:

- Trong tư thế như thế này làm sao con có thể cầu nguyện. Con hiện nay không còn đủ sức để làm bất cứ cử chỉ tôn kính nào, kể cả việc đưa tay mình lên làm dấu thánh giá?

Nghe như vậy, ông trả lời:

- Nhưng dù gì đi nữa, dù trong bất cứ trường hợp nào, anh cũng phải cầu nguyện.

Ông chỉ phát biểu chừng đó thôi, không nói thêm gì nữa, cũng không giải thích cụ thể cho con biết nên cầu nguyện như thế nào. Khi vị tu sĩ ghé thăm ấy đi rồi, con có vẻ gần như không chủ ý, bắt đầu nghĩ tới việc cầu nguyện, sức mạnh và hiệu quả của nó, cùng nhớ lại trong tâm trí con những lời chỉ dẫn mà mình đã có trong những hiểu biết về tôn giáo thuở còn đi học. Tâm trí bị chiếm lĩnh bởi những nghĩ tưởng ấy làm con cảm thấy sung sướng và làm tươi mới những hiểu biết của mình về các vấn đề tôn giáo, và làm ấm lại lòng con. Và đồng thời, con cảm thấy cơn bệnh có phần nào bớt công phá.

Từ đó, sách Tin Mừng ở liên tục với con và kết quả của phép lạ đó làm con tin tưởng cực độ. Trong khi nhớ lại các bài con đã đọc và thấy trong đó mọi huấn thị về cầu nguyện đều đặt căn bản trên văn bản Phúc âm, con cân nhắc rằng việc tốt nhất là học hỏi về sự cầu nguyện và sự tận hiến của người Kitô hữu hoàn toàn dựa vào sách Tin Mừng, như một nguồn xuất phát mạch nước dồi dào và tìm thấy trong đó một hệ thống đầy đủ về đời sống cứu rỗi và việc cầu nguyện chân chính trong lòng. Con kính cẩn đánh dấu các trích đoạn về chủ đề ấy. Từ lúc đó trở đi, con ra sức học hỏi lời giảng dạy thiêng liêng ấy với hết sức lực của mình và dù có gặp khó khăn tới mấy đi nữa, cũng cố thực hành những lời ấy. Trong khi con người mình bị chiếm lĩnh theo cách đó, sức khỏe con dần dần cải tiến, và cuối cùng, như quí cha đang thấy, con hoàn toàn bình phục.

Trong cám tạ Thiên Chúa đã vì lòng ân cần đầy tình phụ tử của Ngài mà ban cho con sự phục hồi sức khỏe và sự giác ngộ tâm trí, và với hoàn cảnh sống một thân một mình, con quyết định noi theo gương người chị. Thêm vào đó, với sự thúc đẩy của tâm hồn, con hiến mình cho cuộc sống độc thân để có thể không gặp trở ngại nào trong việc tiếp nhận và chuyển hóa theo những lời lẽ dịu ngọt về đời sống vĩnh cửu mà con đã được ban cho trong Lời Thiên Chúa. Như thế, lúc này đây con đang trên đường đi tới một tiểu cộng đoàn sống tách biệt thuộc đại tu viện Solovetsky bên bờ Bạch Hải, được gọi là Anzersky mà con đã nghe bậc thẩm quyền xác nhận đó là một địa điểm hết sức thích hợp cho một cuộc sống chiêm nghiệm.

Con xin kể thêm với cha một điều này nữa. Sách Tin Mừng thiêng liêng cho con nhiều ủi an trong cuộc hành trình này, tỏa ánh sáng chan hòa trên tâm trí không được tôi luyện của con và làm nồng ấm tâm hồn lạnh lẽo của con. Nhưng dù đang thật sự có những cái đó, con ngay thật thừa nhận sự yếu đuối của mình và con công nhận không chút ngại ngần rằng những điều kiện để thành toàn công cuộc tận hiến và đạt tới sự cứu rỗi cùng những yêu cầu theo chỉ thị của Tin Mừng về sự hy sinh trọn ven, về thành tựu tâm linh và về lòng khiêm tốn sâu xa nhất, đang làm con sợ hãi vì tính chất trọng đại của chúng và vì xét thấy tình trạng yếu đuối hư hoại của tâm hồn mình. Bởi thế lúc này con đang đứng ở giữa thất vọng và hy vọng. Con không biết trong tương lai, điều gì sẽ xảy tới cho mình.

VIỆC XƯNG TỘI ĐƯA CON NGƯỜI TỚI KHIÊM TỐN

Đan sĩ khổ tu: Xét theo lòng thương xót đặc biệt và đầy phép lạ của Thiên Chúa đã tỏ rõ dấu hiệu ra với bạn như thế, và xét theo trình độ học thức của bạn, thì việc bạn không chỉ ngã lòng trông cậy mà còn để cho linh hồn mình có bóng tối hoài nghi về sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, là một việc khó có thể tha thứ. Bạn có biết thánh Gioan Kim Khẩu, đấng được giác ngộ hoàn toàn về Thiên Chúa, đã nói như thế nào về điều đó không? Ngài giảng rằng:

- Không ai được nản lòng và có cảm tưởng sai lạc rằng những lời giảng dạy của Phúc âm thì không thể thực hiện được và không thực tế. Thiên Chúa, Đấng đã an bài sự cứu rỗi con người, dĩ nhiên Ngài không thể đặt ra cho con người những mệnh lệnh với dự tính biến con người thành kẻ vi phạm nếu quả thật các mệnh lệnh ấy không thể nào thi hành nổi. Không, nhưng chính bởi vì tính chất thánh thiện của chúng và sự thiết yếu của chúng đối với một đời sống đức hạnh nên chúng có thể là ơn sủng cho chúng ta trong cuộc đời này cũng như trong cuộc sống vĩnh cửu.

Dĩ nhiên, sự thành toàn một cách vững vàng và đều đặn các mệnh lệnh của Thiên Chúa là điều vô cùng khó khăn đối với bản tính dễ sa ngã của chúng ta, do đó, chúng ta không dễ dàng đạt tới cứu rỗi. Nhưng chính Lời Thiên Chúa, trong cùng một lúc ban bố những mệnh lệnh đó, cũng đã đưa ra cho chúng ta những phương cách để vừa dễ dàng thành toàn chúng vừa khuây khỏa tâm tư mình trong khi thành toàn chúng. Nếu ban đầu, đây là cảnh tượng ẩn kín đằng sau bức màn bí nhiệm, thì lúc ấy, dĩ nhiên nó nhằm để chúng ta càng ngày càng tự hạ mình khiêm tốn và dễ dàng mang chúng ta tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa bằng việc chỉ cho chúng ta sự trông cậy trực tiếp vào Ngài trong cầu nguyện và thỉnh cầu sự phù hộ đầy tình phụ tử của Ngài. Bí mật cứu rỗi nằm ngay ở chỗ đó, chứ không nằm ở chỗ trông cậy vào các nỗ lực của chính bản thân chúng ta.

Người hành hương: Tuy con là người yếu đuối và kém cỏi, nhưng con cũng muốn được biết bí mật đó. Để ít ra, con có thể làm cho cuộc sống bê trễ của mình ra chính đáng, tới một mức độ nào đó, vì vinh quang của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của chính con.

Đan sĩ khổ tu. Người anh em thân mến, bí mật đó được tỏ ra cho cho bạn qua cuốn Philôkalia mà bạn đang có. Bí mật đó nằm trong sự cầu nguyện không ngừng mà bạn đã kiên quyết biến nó thành một sự học hỏi mà trong đó lòng anh được chiếm lĩnh một cách nồng ấm và tìm thấy an ủi.

Người hành hương: Thưa Cha đáng kính, con xin sấp mình dưới chân cha. Vì tình yêu Thiên Chúa, xin cho con được nghe từ miệng cha những điều tốt lành cho con về bí mật cứu rỗi và về việc cầu nguyện thánh thiện, vì đó là những điều con khát khao nghe hơn bất cứ điều nào khác và vì đó cũng là những điều con thích đọc để củng cố và làm khuây khỏa linh hồn rất tội lỗi của mình.

Đan sĩ khổ tu: Tôi không thể làm bạn mãn nguyện về đề tài cao quí ấy bằng những ý tưởng của chính tôi, vì bản thân tôi rất ít có kinh nghiệm về nó. Nhưng tôi có vài ghi chú do một nhà văn tâm linh viết ra rất minh bạch và đặc biệt chính xác về đề tài ấy. Nếu những vị khác trong cuộc đàm đạo của chúng ta đây thích nó, thì tôi sẽ lấy ra ngay, và với sự cho phép của quí vị, tôi có thể đọc lên để mọi người cùng nghe.

Tất cả: Thưa Cha đáng kính, được như thế thì tốt lắm. Xin cha đừng để cho chúng con thiếu sự am hiểu đầy cứu rỗi đó.

BÍ MẬT VỀ CỨU RỖI ĐƯỢC VÉN LỘ QUA VIỆC CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Làm thế nào tôi được cứu rỗi? Câu hỏi ngoan đạo ấy phát sinh một cách tự nhiên trong tâm trí mọi Kitô hữu, những kẻ nhận biết bản tính thương tật và yếu đuối của con người, và phẩm chất còn lại từ tính cách nguyên thủy của con người, thúc giục chúng ta hướng tới sự thật và sự công chính. Tất cả những ai đã có một trình độ đức tin nào đó vào sự bất tử và sự thưởng phạt đời sau, khi đưa mắt hướng tới thiên đàng thì dù muốn hay không cũng phải đối mặt với ý tưởng: "Làm thế nào tôi được cứu rỗi?"

Trong khi ra sức tìm lời giải đáp cho vấn đề đó, người ấy dò hỏi những kẻ khôn ngoan và thông thái. Kế đó, theo sự hướng dẫn của những kẻ đó, người ấy đọc những cuốn sách mở mang trí tuệ của các nhà văn tâm linh về vấn đề ấy, và người ấy trước sau như một, đặt mình đi theo những chân lý và những lề luật mà mình đã nghe được và đã đọc được. Trong tất cả những lời chỉ dẫn đó, người ấy liên tục thấy đặt ra trước mặt mình, như những điều kiện thiết yếu để cứu rỗi, là một cuộc sống tận hiến và những phấn đấu dũng cảm với bản thân, nhằm đưa ra một phủ định tuyệt đối bản ngã của mình. Điều này đưa người ấy tới việc thực hiện các việc thiện, việc tốt lành, tới sự thành toàn liên tục các lề luật của Thiên Chúa, và như thế, làm chứng cho đức tin bền vững và trung kiên của mình. Thêm nữa, người ấy được giảng dạy cho biết rằng mọi điều kiện cứu rỗi đều thiết yếu phải thành toàn vừa với lòng khiêm tốn sâu xa vừa trong hỗ tương phối hợp nhau. Vì hết thảy mọi việc thiện đều tùy thuộc qua lại vào nhau, để chúng hỗ trợ nhau,
hoàn toàn khích lệ nhau, giống như các luồng ánh sáng của mặt trời chỉ vén lộ uy lực của chúng và đốt cháy ngọn đuốc khi qua miếng kính hội tụ chúng tập trung vào một điểm thôi. Ngược lại: "Kẻ nào bất chính trong cái nhỏ nhất thì cũng bất chính trong cái lớn nhất."

Thêm nữa, để gieo trồng trong mình sự xác tín hết sức mạnh mẽ vào nhu cầu đức hạnh phức tạp và đồng nhất này, người ấy lắng nghe những lời ca tụng cao cả nhất tuôn xuống trên vẻ đẹp của đức hạnh, người ấy lắng nghe những lời khiển trách sự đê tiện và sự khốn khổ của thói hư tật xấu. Tâm trí người ấy hoàn toàn mang dấu ấn về những lời hứa xác thật hoặc về những phần thưởng huy hoàng và hạnh phúc hoặc về sự trừng phát hành hạ và khốn khổ trong cuộc sống đời sau.

Đó là những tính chất đặc biệt hàm chứa trong lối rao giảng thời hiện đại. Được hướng dẫn theo đường lối ấy, những ai tha thiết ao ước được cứu rỗi đều bắt đầu lên đường với tất cả hân hoan, để thực hiện những điều mình đã học và để ứng dụng những điều mình đã nghe và đã đọc.

Nhưng hỡi ơi! Ngay trong bước đầu tiên, người ấy thấy ra mình không thể nào thành tựu nổi dự tính của mình. Qua thử thách, người ấy thấy trước và còn khám phá ra rằng bản tính hư hoại và yếu đuối của mình sẽ chiếm ưu thế hơn những xác tín của tâm trí mình và sự tự do của mình thì bị ràng buộc, rằng các thiên hướng của mình bị thoái hóa và rằng sức mạnh tinh thần của mình chỉ là sự yếu đuối mà thôi. Một cách tự nhiên, người ấy tiếp tục suy nghĩ rằng không biết mình có tìm được ở đó loại phương thế nào giúp mình có khả năng thành toàn những gì mà lề luật của Thiên Chúa đòi hỏi, những gì mà sự tận hiến của người Kitô hữu đòi hỏi, và những gì đã và đang được thực hiện bởi hết thảy những ai tìm sự cứu rỗi và sự thánh thiện? Hệ quả của việc đó và nhằm hòa giải trong bản thân các yêu cầu của lý trí và lương tâm với sự bất tương xứng của sức mạnh bản thân để thành toàn chúng, người ấy lại thêm lần nữa đặt ra cho những kẻ rao giảng về cứu rỗi câu tra vấn này: "Làm thế nào tôi được cứu rỗi? Làm thế nào sự bất lực này t
hực hiện nổi những điều kiện cứu rỗi vốn đã dược chứng minh là đúng? Và liệu những kẻ đang rao giảng mọi điều cho mình nghe đó, bản thân của họ có đủ sức mạnh để thực hiện những lời họ giảng không?"

Hãy yêu cầu Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện Thiên Chúa. Hãy cầu xin Ngài giúp đỡ.

Người tra vấn ấy đúc kết:

- Làm như thế có sinh hoa kết quả hơn không? Nếu sinh hoa kết quả hơn, thì để bắt đầu với nó và luôn luôn trong mọi hoàn cảnh, hãy học hỏi về cầu nguyện như một uy lực để thành toàn hết thảy các yêu cầu tận hiến của người Kitô hữu và qua đó, đạt tới cứu rỗi.

Và cứ thế, người ấy tiếp tục học hỏi về cầu nguyện: đọc sách, chiêm nghiệm, nghiên cứu lời giảng dạy của những kẻ đã viết về vấn đề đó. Quả thật, người ấy tìm trong những các bài giảng đó nhiều tư tưởng sáng chói, sự am hiểu sâu sắc, và những lời lẽ có sức mạnh lớn lao. Kẻ này lý luận một cách tuyệt vời về sự thiết yếu của cầu nguyện; kẻ kia viết về sức mạnh về hiệu quả sinh ích của cầu nguyện - về cầu nguyện như một nghĩa vụ hoặc về cái được gọi là lòng sốt sắng, sự chú ý, nồng ấm của con tim, thanh khiết của tâm trí, hòa giải với kẻ thù, khiêm tốn, ăn năn và những gì còn lại trong các điều kiện thiết yếu của cầu nguyện. Nhưng với hai câu hỏi rằng cầu nguyện tự nó là gì và làm thế nào cầu nguyện một cách cụ thể thì hiếm khi tìm thấy câu trả lời xác đáng và dễ hiểu cho mọi người. Và vì thế, người ấy, kẻ nhiệt tình tra vấn về sự cầu nguyện lại thêm lần nữa bị bỏ lại một mình trước bức màn bí nhiệm. Kết quả việc đọc tổng quát của người ấy là ký ức mình bắt rễ một khía cạnh của cầu nguyện dù sốt sắng nhưng vẫn c
hỉ mang tính cách hình thức. Và người ấy đi tới kết luận rằng cầu nguyện là vào nhà thờ, làm dấu thánh giá, bái lạy, quì gối và đọc thánh vịnh, đọc kinh sáng kinh chiều.

Những điều vừa trình bày ở trên, nói chung là cái nhìn về cầu nguyện của những người không biết tới những bài viết của các Giáo phụ thánh thiện về việc cầu nguyện trong lòng và chiêm nghiệm.

Sau cùng, người tra vấn ấy tình cờ bắt gặp một cuốn sách được gọi là Philôkalia. Trong sách đó, hai mươi lăm vị Giáo phụ thánh thiện trình bày, bằng cách thức mọi người có thể hiểu, một sự am hiểu có tính cách khoa học về chân lý và về cái cốt tủy của việc cầu nguyện trong lòng. Sự bắt gặp ấy bắt đầu vén lên bức màn đang che bí mật của cứu rỗi và của cầu nguyện.

Người ấy thấy thật sự cầu nguyện có nghĩa là đưa thẳng ý nghĩ và trí nhớ, không ngớt và không giảm, tới sự nhớ tưởng Thiên Chúa, bước đi trong sự hiện diện thiêng liêng của Ngài, đánh thức bản thân trước tình yêu của Ngài, bằng việc suy nghĩ về Ngài và nối kết tên của Thiên Chúa với hơi thở của ta và tiếng đập của trái tim ta.

Người ấy được hướng dẫn trong mọi sự bởi việc trên môi mình gọi lên tên cực thánh Đức Giêsu Kitô, hoặc bởi việc thốt lên lời cầu nguyện Đức Giêsu ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi công việc, không chút nào ngừng thốt. Những sự thật rực rỡ đó, qua hành động giác ngộ tâm trí của người tra vấn ấy và qua việc mở ra trước người ấy con đường dẫn tới sự học hỏi và đạt tới sự cầu nguyện, giúp cho người ấy lập tức tiếp tục ứng dụng những lời giảng dạy khôn ngoan đó. Và như thế, dù có bỏ công rán sức, người ấy vẫn chưa thoát khỏi mọi khó khăn, cho tới khi được một tôn sư có kinh nghiệm bày tỏ cho thấy (cũng từ trong cuốn Philôkalia ấy) sự thật một cách toàn bộ - nghĩa là, chính việc cầu nguyện không ngừng là phương thế hiệu quả độc nhất để làm hoàn hảo sự cầu nguyện trong lòng và sự cứu rỗi linh hồn. Chính việc thường xuyên cầu nguyện là nền tảng liên kết toàn bộ hệ thống hoạt động cứu rỗi, Simêon Nhà thần học mới đã nói rằng: "Kẻ nào cầu nguyện không ngừng thì kết hợp mọi việc tốt lành thành một cái duy nhất." Và để diễn tả chân lý của mạc khải này với tất cả trọn vẹn của nó, vị tôn sư ấy đã triển khai nó theo cách như sau:

BÍ MẬT VỀ CỨU RỖI ĐƯỢC VÉN LỘ QUA VIỆC CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Vì sự cứu rỗi linh hồn nên cái tiên quyết và thiết yếu hơn tất cả là đức tin chân chính. Kinh Thánh nói rằng: "Không có đức tin thì không thể làm vui lòng Thiên Chúa." (Do thái 6:6). Kẻ không có đức tin thì sẽ bị phán xét. Nhưng cũng trong cùng một cuốn Kinh Thánh ấy, chúng ta có thể đọc thấy rằng bản thân con người không thể tự làm phát sinh trong chính nó đức tin cho dù nhỏ như mầm của một hạt cải, rằng đức tin không xuất phát từ bản thân chúng ta vì nó là tặng phẩm của Thiên Chúa và rằng đức tin là tặng phẩm tâm linh, nó được ban phát bởi Thần Khí Thánh Linh. Như vậy chúng ta phải làm gì? Làm thế nào hòa giải nhu cầu đức tin của con người với thực tế bản thân con người không thể sản sinh ra đức tin? Chính Kinh Thánh đã vén lộ cách làm như thế nào bằng câu: "Hãy xin thì anh chị em sẽ được ban cho." Các Tông đồ không thể tự mình làm phát sinh sự hoàn hảo đức tin bên trong bản thân họ nhưng họ cầu xin Đức Giêsu Kitô: "Lạy Chúa, xin hãy làm gia tăng đức tin của chúng con." Đó, các bạn đã có một thí dụ về việc
kiếm ra đức tin. Nó cho thấy đức tin được đạt bởi cầu nguyện. Để linh hồn được cứu rỗi thì bên cạnh đức tin chân chính, cũng đòi hỏi các việc thiện, các việc ngay lành, vì "Đức tin mà nếu không có hành động là đức tin chết." Vì mỗi người được phán xét không chỉ về đức tin của mình mà còn về các công việc của mình nữa. "Nếu ngươi tham gia vào việc đời, thì hãy giữ các giới răn; đừng giết người; đừng thông dâm; đừng trộm cắp; đừng làm chứng dối; tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi; yêu thương người bên cạnh như chính bản thân ngươi." Và hết thảy mọi giới răn đó đều bị buộc phải giữ tổng hợp với nhau. Như Tông đồ Giacôbê dạy rằng: "Quả thế, ai tuân giữ tất cả Lề luật mà chỉ sa ngã một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm" (Giacôbê 2:10). Và khi mô tả sự yếu đuối của con người, Tông đồ Phaolô nói rằng: "Bởi lẽ trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính. Luật chẳng qua là làm cho người ta ý thức về tội," (Rôma 3:20). "Vẫn biết rằng Lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi... Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm... Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi... Nếu theo lý trí thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt thì tôi làm nô lệ luật của tội," (Rôma 7). Làm sao thành toàn những công cuộc theo luật của Thiên Chúa đòi hỏi khi con ngưới không có sức lực và không có sức mạnh để giữ các giới răn? Con người không có khả năng làm điều đó cho tới khi chính mình cầu xin điều đó. Tông đồ Giacôbê nêu rõ lý do rằng: "Anh em không có là vì anh em không xin" (Giacôbê 4:2). Và chính Bản thân Đức Giêsu Kitô cũng nói rằng: "Không có Ta thì anh chị em làm được gì." Và về vấn đề cùng với Ngài hành động, Ngài đưa ra lời giảng dạy này: "Hãy ở trong Ta và Ta ở trong anh chị em. Kẻ nào ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy, thì kẻ ấy sinh nhiều hoa trái." Nhưng, ở lại trong Ngài là liên tục cảm thấy sự
có mặt của Ngài, liên tục cầu nguyện tên của Ngài. "Nếu anh chị em nhân danh Ta mà xin Ta điều gì thì chính Ta sẽ làm điều đó." Như thế, chính do sự cầu nguyện mà đạt tới khả năng làm các việc tốt lành. Có thể tìm thấy thí dụ về điều ấy trong bản thân Tông đồ Phaolô: Ba lần ông cầu nguyện xin chiến thắng sự cám dỗ, quì gối trước Đức Chúa Cha, và Ngài ban cho ông sức mạnh trong con người nội tâm, và cuối cùng, cầu nguyện được đặt trên hết mọi sự, và cầu nguyện liên tục về mọi sự.

Từ những gì đã được nói ra ở trên thì tiếp theo là, toàn bộ việc cứu rỗi con người tùy thuộc vào cầu nguyện, và vì thế, cầu nguyện là việc trước tiên và thiết yếu, vì nhờ nó, đức tin được tăng trưởng nhanh chóng và thực hiện được mọi việc thiện. Tóm lại, với cầu nguyện, mọi sự tiến tới đầy hiệu quả. Không có cầu nguyện thì không hành vi ngoan đạo nào của Kitô hữu được thực hiện. Tuy thế, nó phải được dâng lên một cách không ngừng và luôn luôn, và điều kiện ấy có tính cách độc quyền sở hữu của cầu nguyện. Đối với các đức hạnh khác của Kitô hữu thì mỗi đức hạnh có thời điểm riêng của nó. Còn riêng trường hợp đối với cầu nguyện thì được chỉ thị rằng đó là một hành động liên tục và không ngừng. Hãy cầu nguyện không ngừng. Thật hợp lý và chính đáng cho việc cầu nguyện luôn luôn, cầu nguyện khắp nơi.

Cầu nguyện chân chính cũng có những điều kiện của nó. Nó cần được dâng lên với tâm trí và tâm hồn thanh khiết, nóng bỏng sốt sắng, chú ý tỉ mỉ, sợ hãi và tôn kính, và lòng khiêm tốn hết sức sâu xa. Nhưng phải chăng cái mà con người ý thức không chịu thừa nhận là mình còn lâu mới thành toàn được các điều kiện đó, là mình dâng lời cầu nguyện phát xuất từ nhu cầu và vì sự thúc ép lên bản thân hơn vì sở thích, thú vị và yêu thương việc cầu nguyện? Kinh Thánh cũng có đề cập tới việc đó rằng không phải sức mạnh của con người giữ cho tâm trí nó bền vững trước sau như một để rửa sạch nó khỏi mọi ý nghĩ không thích đáng vì "ý nghĩ của con người thì độc dữ từ thuở thanh xuân," và rằng chỉ có Thiên Chúa mới ban cho chúng ta tâm hồn khác và tinh thần tươi mới, vì "cả ý muốn và hành động đều là của Thiên Chúa." Chính Tông đồ Phaolô đã nói rằng: "Lòng tôi (nghĩa là, giọng của tôi) cầu nguyện, nhưng trí tôi chẳng thu được kết quả gì." (1 Côrintô 14:14). Cũng chính Phaolô xác nhận rằng: "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Rôma 8:26) Qua những câu đó ta thấy thực tế rằng bản thân chúng ta không có khả năng đưa ra lời cầu nguyện chân chính. Trong các lời cầu nguyện của mình, chúng ta không thể trình bày được những đặc tính cốt tủy của cầu nguyện.

BÍ MẬT VỀ CỨU RỖI ĐƯỢC VÉN LỘ QUA VIỆC CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Mọi người đều bất lực đến như thế thì cái gì là cái khả dĩ còn lại cho sự cứu rỗi linh hồn phát xuất từ phía ý muốn và sức mạnh của con người? Con người không thể đạt tới đức tin mà không cầu nguyện; và cũng ứng dụng y như thế đối với các việc thiện. Và sau cùng, kể cả việc cầu nguyện một cách thuần khiết cũng không ở nội trong sức mạnh của chúng ta. Thế thì, cái còn lại mà con người có thể làm là cái gì? Phạm vi nào còn lại dành cho sự thực hành tự do và sức mạnh của con người để nó không thể bị diệt vong mà được cứu rỗi?

Mỗi một hành động đều có chất lượng của nó, và Thiên Chúa dành chất lượng cho ý nguyện và tặng phẩm của chính Ngài. Nhằm làm cho con người tùy thuộc vào Thiên Chúa, ý nguyện của Thiên Chúa có thể được phô bày cách rõ ràng hơn và để cho con người có thể được chìm mình sâu hơn trong sự khiêm tốn, Thiên Chúa đã qui định cho ý muốn và sức mạnh của con người chỉ nội trong số lượng của cầu nguyện. Ngài hạ lênh cầu nguyện không ngừng, cầu nguyện luôn luôn, cầu nguyện trong mọi lúc và ở mọi nơi. Đồng thời, sự thành toàn các giới răn của Thiên Chúa và sự cứu rỗi được vén lộ qua bí thuật đạt tới sự cầu nguyện chân chính ấy. Như thế, chính số lượng được qui định cho con người, như một chia phần cho con người; sự thường xuyên cầu nguyện là phần đóng góp của con người và nó ở nội bên trong lãnh vực ý muốn của con người. Đó chính xác là những gì các Giáo phụ của hội thánh đã dạy.

Thánh Macariô Cả đã nói rằng quả thật cầu nguyện là tặng phẩm của ơn sủng. Isikhi nói rằng sự thường xuyên cầu nguyện lập thành thói quen và trở thành bản tính thứ hai, và không có sự thường xuyên kêu nài tên Đức Giêsu Kitô thì không thể rửa sạch tâm hồn. Hai vị Callistốt và Inhaxiô đáng kính đều khuyên bảo việc cầu nguyện thường xuyên và liên tục kêu tên Đức Giêsu Kitô trước mọi thực hành hãm mình và mọi việc thiện, vì sự thường xuyên ấy còn mang người cầu nguyện từ tình trạng khiếm khuyết tới tình trạng hoàn hảo. Điadohk đầy ân sủng cũng khẳng định rằng nếu một người kêu tên Thiên Chúa hết sức thường xuyên có thể được thì lúc ấy sẽ không sa ngã phạm tội. Ở đây, những lời chỉ bảo thực hành của các Giáo phụ chất chứa kinh nghiệm và khôn ngoan biết bao, và gần gũi ngần nào với các tâm hồn. Bằng kinh nghiệm và sự mộc mạc của mình, họ rọi ánh sáng chiếu soi các phương thế mang linh hồn tới hoàn hảo. Thật trái ngược sắc nét với những chỉ dẫn đạo đức của một lý trí thuần lý thuyết! Lý trí ấy biện luận như thế này:
Hãy làm thật nhiều các việc thiện, hãy vũ trang bạn với lòng can đảm, hãy sử dụng sức mạnh ý chí của bạn, hãy thuyết phục bản thân bằng việc đánh giá các thành quả hạnh phúc của đức hạnh - thí dụ rửa sạch tâm trí và tâm hồn khỏi các mơ màng thế tục, lấp đầy vào chỗ của chúng bằng những chiêm nghiệm, quán tưởng có tính cách dạy dỗ; hãy làm việc thiện và bạn sẽ được kính trọng và được nghỉ an; hãy sống theo cách mà lý trí và lương tâm của bạn đòi hỏi. Nhưng hỡi ơi! Với tất cả sức mạnh của chúng, hết thảy những cái đó đều không đạt được mục đích của chúng nếu không có sự cầu nguyện thường xuyên, không có việc kêu cầu sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

Tới đây chúng ta hãy đi thêm nữa vào vài lời giảng dạy của các Giáo phụ. Và chúng ta sẽ thấy những gì các vị nói, thí dụ về việc làm thanh khiết linh hồn. Thánh Gioan Cái thang viết:

- Khi tinh thần bị hắc ám bởi các ý nghĩ uế tạp, hãy làm cho kẻ thù ấy bay đi bằng việc thường xuyên lặp đi lặp lại tên Đức Giêsu. Bạn không thể tìm ra trên trời cũng như dưới đất có thứ vũ khí nào uy lực và hữu hiệu hơn vũ khí ấy.

Thánh Grêgôriô Núi Xinai dạy như sau:

- Các bạn hãy biết điều này, rằng không ai có thể tự mình kiểm soát được tâm trí của chính mình, do đó, ngay lúc có những ý nghĩ không tinh sạch, bạn hãy gọi tên Đức Giêsu Kitô thường xuyên và vào các khoảng cách thường xuyên, và những ý nghĩ ấy sẽ lắng xuống.

Phương pháp đó giản dị và dễ dàng biết bao! Tuy thế nó đã được kiểm tra qua kinh nghiệm. Thật tương phản với lời khuyên của lý trí thuần túy vốn rất tự phụ vào phấn đấu để đạt tới sự thuần khiết bằng nổ lực của chính nó.

Trong khi chú ý vào những chỉ bảo dựa trên kinh nghiệm của các Giáo phụ thánh thiện, chúng ta đi tới kết luận thực tế rằng phương pháp chính yếu, độc nhất và rất dễ dàng để đạt tới mục đích cứu rỗi và sự hoàn hảo tâm linh là việc cầu nguyện thường xuyên và không gián đoạn, tuy nhiên nó có thể rất mong manh. Hỡi linh hồn Kitô hữu, nếu bạn không tìm thấy bên trong bản thân bạn sức mạnh để thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và trong sự thật, nếu bạn vẫn không cảm thấy sự sôi nổi trong con tim, sự mãn nguyện dịu ngọt trong tâm linh và sự cầu nguyện trong tâm hồn, thì lúc đó, bạn hãy mang vào trong dâng tiến lời cầu nguyện cái mà bạn có thể thực hiện, cái nằm nội bên trong phạm vi ý muốn của bạn, cái ở nội bên trong sức mạnh của chính bạn. Hãy để khí cụ hèn mọn là đôi môi bạn ban đầu quen dần với lời khẩn cầu Thiên Chúa bền bỉ và thường xuyên. Hãy để chúng kêu tên toàn năng Đức Giêsu Kitô thường xuyên và không gián đoạn. Đây không phải là một việc vất vả lao nhọc, và việc này nằm nội trong sức mạnh của mọi người
.Đây cũng là lý do mà Thánh Tông Đồ Phaolô chỉ thị rằng: "Do đó, qua Ngài, chúng ta hãy liên tục dâng lên lời ca ngợi Thiên Chúa, nghĩa là hoa quả của môi miệng chúng ta, được ban cho vì danh Ngài" (Do thái 8:15).

Sự liên tục cầu nguyện chắc chắn lập thành thói quen và trở thành bản tính thứ hai. Thỉnh thoảng nó đem tâm trí và tâm hồn vào trạng thái thích đáng. Giả dụ một người liên tục thành toàn giới răn độc nhất này của Thiên Chúa về việc cầu nguyện không ngừng, thì lúc ấy, trong việc độc nhất đó, người ấy chắc chắn thành toàn mọi việc; vì nếu người ấy dâng lời cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ bị gián đoạn, bằng việc thầm lặng kêu tên cực thánh Đức Giêsu (dù ban đầu có thể làm như vậy mà không có chút nào nhiệt tâm và sốt sắng tinh thần, và hoặc còn có cả việc tự mình ép buộc mình nữa), lúc đó, người ấy không có thì giờ để chuyện trò bâng quơ, để phán xét người bên cạnh, để mất thì giờ vô ích trong những khoái lạc xác thịt đầy tội lỗi. Mọi ý nghĩ độc dữ của người ấy trong khi tăng trưởng thì sẽ gặp sự đối kháng lại chúng. Mọi hành vi tội lỗi mà người ấy dự tính phạm thì sẽ không đạt kết quả dễ dàng như đối với một tâm trí trống rổng. Việc chuyện trò nhiều và chuyện trò vô ích sẽ bị kiểm tra và hoàn toàn dứt bỏ. Và mọi lỗi lầm đều lập tức được rửa sạch khỏi tâm hồn bởi sức mạnh nhân ái của việc rất đỗi thường xuyên gọi tên thiêng liêng ấy. Sự thực hành thường xuyên việc cầu nguyện sẽ thường xuyên nhắc nhở linh hồn khỏi mọi hành động tội lỗi và mời gọi linh hồn tới những gì có tính cách thực hành cốt tủy các khả năng của mình để hiệp nhất với Thiên Chúa. Lúc này bạn đã thấy rõ trong việc cầu nguyện, số lượng thì cần thiết và quan trọng như thế nào chưa? Trong cầu nguyện, sự thường xuyên là phương pháp độc nhất để đạt tới sự cầu nguyện thuần khiết và chân chính. Nó là sự chuẩn bị tốt nhất và hữu hiệu nhất cho việc cầu nguyện, và là cách thức bảo đảm nhất để với tới mục tiêu của cầu nguyện và của cứu rỗi.

Sau cùng, để thuyết phục bản thân bạn về sự thiết yếu và hoa quả dồi dào của việc cầu nguyện thường xuyên, bạn hãy ghi chú:

(1) rằng mọi thôi thúc và mọi ý nghĩ về cầu nguyện đều là công trình của Thần Khí Thánh Linh và là giọng nói của thiên thần hộ thủ của bạn;

(2) rằng tên Đức Giêsu Kitô được gọi lên cầu nguyện, trong tự nó chứa đựng sức mạnh tự hiện hữu và tự tác động, và do đó

(3) đừng lo âu vì sự bất toàn hoặc sự khô khan trong việc cầu nguyện của bạn và hãy kiên nhẫn chờ đợi hoa quả của việc thường xuyên gọi đến tên thiêng liêng ấy. Bạn đừng nghe lời nói bóng gió không kinh nghiệm và nhẹ dạ của trần thế vô ích mà sinh lòng hờ hững đi lặp lại vô ích đi nữa.

Một nhà văn tâm linh nào đó đã phát biểu rất tuyệt vời về vấn đề này. Ông nói rằng:

- Tôi biết rằng đối với nhiều người có tiếng là triết gia tâm linh và thông thái, những kẻ tìm kiếm mọi nơi sự vĩ đại giả mạo và những thực hành có tính cách cao nhã trong con mắt lý trí và kiêu hãnh, thì cái giản dị, nói ra lời nhưng thường xuyên thực hành của việc cầu nguyện ấy có vẻ như thể ít có ý nghĩa, như một chiếm lĩnh chầm chậm, và còn có vẻ rất ư nhỏ mọn. Nhưng, bất hạnh thay cho những người ấy, họ tự lừa dối mình và họ quên lời giảng của Đức Giêsu Kitô: "Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." (Matthêu 18:3). Họ lập ra cho họ một loại khoa học cầu nguyện đặt trên nền tảng không ổn định của lý trí tự nhiên. Phải chăng chúng ta đòi hỏi nhiều học hành nhiều tư tưởng hoặc nhiều kiến thức mới có thể nói lên bằng con tim thuần khiết câu "Đức Giêsu Kitô, xin thương xót con"? Phải chăng không nên ca ngợi Bản thân vị Thầy thiêng liêng của chúng ta bằng lời cầu nguyện thường xuyên đó? Phải chăng chúng ta không nhận được câu trả lời kỳ diệu hay thực hiện được những việc kỳ diệu nhờ lời cầu nguyện ngắn gọn và thường xuyên đó? A! hỡi linh hồn Kitô hữu, hãy lấy hết can đảm và đừng làm im tiếng lời cầu khẩn liên tục ấy trong sự cầu nguyện của bạn, dù có thể tiếng thét ấy của bạn xuất phát từ một con tim vẫn còn đang lâm chiến với chính nó và đang ngập một nửa trong thế gian. Bạn đừng lo! Bạn chỉ việc tiếp tục với lời cầu nguyện ấy, đừng để nó im tiếng và đừng để bị quấy rầy. Nó sẽ tự nó thanh tẩy chính nó bằng việc lặp đi lặp lại. Đừng bao giờ để tâm trí bạn lơi lỏng với câu này, rằng: "Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian" (1 Gioan 4:4). và Thánh Tông đồ ấy cũng nói rằng: "Thiên Chúa thì lớn hơn tâm hồn của chúng ta và Ngài hiểu hết mọi sự."

Và như thế, theo hết thảy những luận cứ đầy thuyết phục ấy thì sự cầu nguyện thường xuyên, tràn trề sức mạnh trong toàn bộ sự yếu đuối của con người, chắc chắn nằm nội trong tầm tay với của con người và nằm hoàn toàn nội trong ý muốn của chính con người.

Bạn hãy quyết định thử thực hiện, dù ban đầu chỉ thử trong một ngày thôi. Hãy duy trì sự canh chừng bản thân và làm cho việc thường xuyên cầu nguyện với lời gọi tên Đức Giêsu chiếm lĩnh nhiều thời gian trong hai mươi bốn giờ của bạn hơn bất cứ vấn đề nào khác. Và sự chiến thắng của lời cầu nguyện này trên tất cả những công việc trần thế chắc chắn sẽ phô bày cho bạn thấy kịp thời rằng hôm đó không phải là một ngày uổng phí mà là đang củng cố sự cứu rỗi; rằng trong các nấc thang phán xét thiêng liêng, sự cầu nguyện thường xuyên được cân rất nặng so với sự yếu đuối của bạn cùng việc làm sự dữ của bạn, rằng nó tẩy sạch mọi tội lỗi của hôm đó trong cuốn sách lương tâm ghi nhớ; và rằng nó đặt bàn chân bạn lên chiếc thang công chính và cho bạn niềm hy vọng thánh hóa trong đời sống sắp đến.

BÍ MẬT VỀ CỨU RỖI ĐƯỢC VÉN LỘ QUA VIỆC
CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Người hành hương: Với trọn cả tâm hồn con, con xin cám ơn cha, thưa cha thánh thiện. Qua việc đọc bài văn vừa rồi, cha đã ban hạnh phúc cho linh hồn tội lỗi của con. Vì tình yêu Thiên Chúa, xin cha vui lòng cho phép con chép cho mình một bản những gì cha vừa đọc. Có thể chỉ trong một hai giờ là con chép xong. Mọi điều cha đọc đều tuyệt vời quá và an ủi quá, rất dễ hiểu và rất rõ ràng đối với tâm trí u tối của con, giống như cuốn Philôkalia trong đó các Giáo phụ thánh thiện đã ứng xử với chủ đề giống y như vậy. Trong sách đó, thí dụ Gioan Karpathisky nơi phần bốn cũng nói rằng nếu bạn không có sức mạnh tự kiểm soát mình và tiến hành tốt việc hãm mình thì lúc đó bạn hãy biết rằng Thiên Chúa đang muốn cứu rỗi bạn qua việc cầu nguyện. Nhưng tất cả những gì rút tỉa ra từ sổ tay của cha thì tuyệt đẹp và dễ hiểu biết mấy. Trước hết con xin cám tạ Thiên Chúa và rồi cám ơn cha vì con đã được để cho nghe những lời đó.

Ông giáo sư: Thưa Cha đáng kính, con cũng đã lắng nghe bài đọc của cha với sự chú ý và thú vị lớn lao. Hết thảy các luận cứ một khi dựa trên lý luận chặt chẽ thì chúng đều làm con cảm thấy hài lòng. Nhưng đồng thời, theo con, dường như chúng đưa đến khả năng là sự cầu nguyện liên tục ở cấp độ cao thì tùy thuộc vào hoàn cảnh thích hợp với nó và vào tình trạng hoàn toàn cô đơn tĩnh lặng. Con đồng ý rằng việc cầu nguyện thường xuyên và không ngừng là phương thế mạnh mẽ và độc nhất để đạt được ơn sủng thiêng liêng trong mọi hành động hiến thân để thánh hóa linh hồn, và rằng nó ở nội trong sức mạnh của con người. Nhưng chỉ có thể áp dụng được phương pháp đó khi bản thân người ấy ở trong một tình trạng cô đơn và tĩnh lặng. Nếu thoát được các công việc và các lo toan cũng như những gì làm ta xao lãng, thì lúc đó ta có thể cầu nguyện thường xuyên, và kể cả liên tục. Lúc đó, ta chỉ phải đấu tranh khắc phục sự biếng trể và thờ ơ trong các ý nghĩ của bản thân mình. Nhưng nếu ta bị ràng buộc bởi các bổn phận và bởi các c
ông việc triền miên, nếu ta thấy sở trường của mình là phải ở trong một tập thể người ta ồn ào, mà đồng thời ta lại có lòng khát khao cầu nguyện thường xuyên, thì sẽ vì những xao lãng không thể tránh đó mà không thực hiện nổi việc cầu nguyện ấy. Hậu quả là, phương thế độc nhất là cầu nguyện thường xuyên ấy, vì phải có hoàn cảnh thích hợp cho nó, nên không thể áp dụng cho mọi người và cũng không thể nằm trong tầm tay của mọi người.

Đan sĩ khổ tu: Rút ra một kết luận thuộc loại như thế thì thật không có cơ sở. Nó không đề cập tới thực tế rằng một linh hồn đã được dạy sự cầu nguyện trong lòng thì có thể luôn luôn cầu nguyện và gọi tên Thiên Chúa mà không bị cản trở trong bất cứ thời gian bận rộn nào (những ai đã quen thực tế đó thì biết nó qua kinh nghiệm, và những ai không quen thì phải học tập qua sự tập luyện dần dần). Ta có thể tự tin mà nói rằng không cái xao lãng bên ngoài nào có thể gây gián đoạn việc cầu nguyện trong lòng kẻ muốn cầu nguyện, bởi lẽ ý nghĩ thầm kín của con người thì không lệ thuộc bất cứ hệ lụy nào với môi trường bên ngoài, và nó hoàn toàn tự do trong chính nó. Trong mọi lúc, ta có thể nhận biết và hướng thẳng tới cầu nguyện, kể cả lưỡi cũng có thể thầm kín diễn tả lời cầu nguyện ấy mà không để thoát ra âm thanh, trước sự có mặt của nhiều người và trong những khi bận rộn bên ngoài. Thêm nữa, công việc của chúng ta chắc chắn không quá đỗi quan trọng và việc chuyện vãn của chúng ta không quá đỗi thú vị tới độ trong khi tiến hành những việc đó, ta không thể không tìm được cách thỉnh thoảng kêu thường xuyên tên Đức Giêsu Kitô, cho dù tâm trí của ta chưa được tập luyện để cầu nguyện liên tục.

Dĩ nhiên, dù sự cô đơn và sự thoát khỏi những gì gây xao lãng lập thành hoàn cảnh chủ yếu cho việc cầu nguyện chăm chú và liên tục, nhưng chính chúng ta cảm thấy phải qui kết nguyên nhân cho tình trạng hiếm khi cầu nguyện của mình, vì số lượng nhiều hay ít, thường xuyên hay không, thì nằm trong tầm kiểm soát của mọi người, cả người khỏe mạnh lẫn kẻ đau ốm. Nó nằm nội bên trong phạm vi ý muốn của mình. Có thể tìm thấy các thí dụ chứng minh cho điều đó trong những kẻ, dù nặng gánh trách nhiệm với các nghĩa vụ dễ làm xao lãng, các chăm sóc, các lo toan, và lao động, những kẻ đó không chỉ luôn luôn gọi thánh danh Đức Giêsu Kitô mà còn bằng lối sống đó, học được và đạt được sự cầu nguyện trong lòng không ngừng. Như đức Thượng phụ Phôtiốt đấng được tôn xưng là phẩm cách giáo chủ trong phẩm trật các nguyên lão, trong khi quản trị giáo phận Conxtantinốp bao la, đã liên tục kiên trì trong lời cầu nguyện tên Thiên Chúa, và nhờ thế đạt được sự cầu nguyện tự thao tác trong lòng mình, như Đức Callistốt trên Núi Athos thánh thiện, học được sự cầu nguyện không ngừng trong khi tiếp tục cuộc sống bận rộn của một người đầu bếp. Cũng thế, như Ladarô Trái-tim-mộc-mạc, triền miên gánh nặng công việc cho đoàn ngũ anh em mà vẫn không bị gián đoạn việc cầu nguyện, và giữa sự ồn ào tất bật của công việc, vẫn lặp đi lặp lại lời cầu nguyện Đức Giêsu và được bằng an. Và nhiều người tương tự đã và đang thực hành lời cầu nguyện liên tục tên Thiên Chúa.

Nếu việc cầu nguyện ấy là cái không thể thực hiện nổi giữa lúc công việc làm xao lãng hoặc trong một đoàn nhóm bao gồm nhiều con người khác thì chúng ta đã không được lệnh phải thi hành nó. Trong lời giảng về cầu nguyện, Thánh Gioan Kim khẩu đã nói như sau:

- Ta không nên đưa ra câu trả lời rằng việc luôn luôn cầu nguyện là không thể thực hiện được đối với người bận rộn những công chuyện trần thế hoặc đối với người không thể tới nhà thờ. Khắp mọi nơi và ở bất cứ nơi nào, bạn đều có thể tìm cho mình một chỗ để lập bàn thờ trong tâm trí bạn bằng phương thế cầu nguyện. Việc cầu nguyện ấy rất thích hợp trong công chuyện của bạn, trên đường bạn đang đi, lúc đang đứng trước quầy tính tiền hoặc lúc đang ngồi làm việc chân tay. Ở khắp nơi và tại bất cứ chỗ nào cũng đều thực hiện được việc cầu nguyện ấy. Thật thế, nếu ta hướng sự chú ý vào bản thân một cách chuyên cần thì lúc đó, ta sẽ tìm thấy ở mọi nơi những hoàn cảnh thuận tiện để cầu nguyện, chỉ cần điều kiện là ta tin vào thực tế rằng nên lập việc cầu nguyện ấy thành một sự chiếm lĩnh chủ yếu con người mình và xuất hiện trước bất cứ nghĩa vụ nào khác. Và dĩ nhiên, trong trường hợp đó, ta sẽ sắp xếp các công chuyện của mình với một quyết định cao cả hơn. Ta sẽ ngắn gọn hơn trong những chuyện trò cần thiết với người khác, có khuynh hướng thiên về sự im lặng và cảm thấy miễn cưỡng khi phải dùng những lời lẽ vô ích; và chắc chắn ta sẽ không lo lắng quá đáng về những việc cần lo lắng. Và bằng mọi cách, ta sẽ tìm được nhiều thời giờ hơn để trầm lặng cầu nguyện. Trong sự sắp xếp cuộc sống như thế, nhờ sức mạnh của lời cầu khẩn tên Thiên Chúa, mọi hành động của ta sẽ đạt kết quả xuất sắc, và sau cùng, ta luyện được cho mình hướng tới sự cầu nguyện không ngừng tên Đức Giêsu Kitô. Qua chứng nghiệm, ta hiểu ra rằng sự thường xuyên cầu nguyện, phương thế độc nhất của cứu rỗi, là việc có thể làm được trong ý muốn của con người, rằng có thể thực hiện sự cầu nguyện mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh và ở mọi nơi; và thật dễ dàng để nâng sự cầu nguyện thường xuyên bằng miệng lưỡi lên tới sự cầu nguyện của tâm trí, và sự cầu nguyện của tâm trí tới sự cầu nguyện của tâm hồn, cái lúc nào cũng mở tới Nước Thiên Chúa ở trong lòng ta.

Ông giáo sư: Con đồng ý với cha rằng trong khi bận rộn với các công việc tự động diễn ra đều đặn thì có thể thực hiện việc cầu nguyện thường xuyên, có thể nói là dễ dàng và kể cả liên tục nữa, vì những công việc chân tay và tiến hành một cách máy móc thì không đòi hỏi tâm trí phải hoạt động sâu sắc hay suy xét sâu xa. Và đang khi tiếp diễn công việc đó thì con có thể đắm chìm tâm trí mình trong việc cầu nguyện liên tục và môi mình có thể thực hiện trong cùng một cách thức như vậy. Nhưng nếu con bị chiếm lĩnh bởi một cái gì đó đặc biệt có tính cách trí thức, thí dụ như chăm chú đọc sách hoặc suy nghĩ cho ra một vấn đề sâu xa nào đó, hoặc sáng tác văn học, thì trong các trường hợp như thế, làm sao con có thể cầu nguyện bằng tâm trí và môi mình? Và vì cầu nguyện là việc trên tất cả mọi việc, là hành động của tâm trí, thì làm sao trong một thời điểm và cùng một lúc, con có thể đưa những việc khác nhau cho cái tâm trí độc nhất của mình và cũng chỉ một tâm trí thôi, để nó thực hiện?

Đan sĩ khổ tu: Vấn đề bạn đưa ra sẽ có câu trả lời không chút nào khó khăn nếu chúng ta chịu khó nhận thấy là có ba hạng người cầu nguyện liên tục. Thứ nhất, những người mới bắt đầu; thứ hai, những người đã đạt được sự tiến bộ nào đó; và thứ ba, những người đã tập luyện thuần thục.

Đối với người mới bắt đầu thì thỉnh thoảng, thường kinh qua trải sự thúc ép của tâm trí và tâm hồn mình hướng tới Thiên Chúa và của việc lặp đi lặp lại trên môi mình lời cầu nguyện ngắn ấy, dù đang khi làm việc trí óc.

Những người đã đạt được sự tiến bộ nào đó và đạt tới sự ổn cố nào đó của tâm trí, thì có khả năng để cho mình bị chiếm lĩnh bởi việc chiêm nghiệm hoặc việc viết lách trong sự có mặt không chút gián đoạn của Thiên Chúa, như một nền tảng để cầu nguyện. Thí dụ sau đây sẽ làm rõ điều đó. Bạn hãy tưởng tượng một quốc vương nghiêm khắc và bướng bỉnh hạ lệnh cho bạn soạn bài luận văn về một đề tài phức tạp nào đó ngay trước mặt ông ta, tại các bậc cấp dẫn lên ngai vàng. Cho dù bạn đang bị chiếm lĩnh tuyệt đối bởi việc soạn thảo, sự có mặt của đức vua, kẻ có quyền lực lên trên bạn và là kẻ đang nắm trong tay sinh mạng của bạn, thì bạn cũng không được phép quên, dù chỉ một khoảnh khắc thôi, rằng bạn đang suy nghĩ, cân nhắc và viết lách không phải trong tình trạng bạn chỉ ở một mình, mà là trong tình trạng bạn đang ở một nơi đòi hỏi mình phải tỏ ra tôn kính cách riêng và giữ đúng nghi lễ. Cảm giác tương tự về sự gần gủi với đức vua như vừa kể diễn tả rất rõ ràng rằng trong khi tâm trí bị chiếm lĩnh bởi lao động trí óc thì vẫn có khả năng thực hiện việc cầu nguyện trong lòng và không ngừng.

Tới trình độ của người nhờ thói quen lâu ngày hay nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, mà từ sự cầu nguyện của tâm trí đạt tới sự cầu nguyện của tâm hồn thì trong khi tinh thần đang thao tác một cách sâu sắc và trong khi đang ngủ, họ không bao giờ ngưng sự cầu nguyện liên tục. Như Vị Vua Hoàn Toàn Khôn Ngoan đã dạy chúng ta rằng: "Tôi ngủ nhưng lòng tôi thức" (Diễm Ca 5:2). Nghĩa là, nhiều người đã đạt tới sự tự động máy móc của con tim thì có được cái khả năng kêu tên cực thánh mà tự nó phát sinh thành lời cầu nguyện, làm tâm trí ưa thích và trọn cả tinh thần tràn ngập sự cầu nguyện không ngừng; và ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, người cầu nguyện ấy cũng tự mình tìm thấy điều kiện thuận tiện, cho dù đang bị chiếm lĩnh bởi các hoạt động trí thức hoặc trừu tượng.

BÍ MẬT VỀ CỨU RỖI ĐƯỢC VÉN LỘ QUA VIỆC
CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Linh mục khách: Thưa Cha đáng kính, con xin tới lượt mình phát biểu đôi lời, và xin phép được nói ra những gì đang trong tâm trí mình. Trong bài cha vừa đọc, có sự diễn tả tuyệt vời rằng phương thế độc nhất để được cứu rỗi và để đạt được sự hoàn hảo là việc thường xuyên cầu nguyện, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lúc này, con thấy điều đó không dễ hiểu lắm, và đối với con, nó có vẻ như thế này.

Nếu con chỉ cầu nguyện và liên tục gọi tên Đức Giêsu bằng miệng lưỡi mình thôi mà không tập trung tâm trí, hoặc không hiểu điều mình đang thốt lên, thì có ích lợi gì không? Một hành động như thế chắc chắn không có ý nghĩa nào cả mà chỉ là sự lặp đi lặp lại vô ích. Kết quả của nó chỉ có thể là lưỡi con tiếp tục nói luôn miệng và tâm trí con sẽ hoạt động yếu ớt vì bị nó gây trở ngại cho việc chiêm nghiệm. Thiên Chúa không đòi hỏi miệng lưỡi mà là đòi hỏi tâm trí chú ý và tâm hồn trong sạch. Phải chăng cách tốt là dâng lời cầu nguyện, dù chỉ một câu ngắn, dù chỉ họa hiếm hoặc dù chỉ vào ngày hay giờ đã định, nhưng với sự chú ý của tâm trí, với sự sốt sắng và nồng nàn của tâm hồn và với sự hiểu rõ một cách thích đáng? Ngược lại, dù có nói lời cầu nguyện ấy suốt đêm suốt ngày mà trong khi đó, tâm trí ta không thanh khiết thì tức là ta đang không thực hiện việc tận hiến và cũng không thành đạt được gì cho sự cứu rỗi mình. Ta không đặt căn bản trên cái gì cả, mà chỉ trên việc nói luôn miệng bên ngoài và ta sẽ mệt mỏi buồn chán, rồi cuối cùng đưa tới kết quả là đức tin của ta vào sự cầu nguyện bị giá lạnh hoàn toàn và ta buông bỏ hết tất cả diễn tiến không sinh ích ấy.

Thêm nữa, có thể tìm thấy trong Kinh Thánh những vén lộ cho chúng ta thấy sự vô ích của việc chỉ cầu nguyện bằng miệng lưỡi, thí dụ như: "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta" (Mátthêu 15:8); "Không phải bất cứ ai thưa với Ta: 'Lạy Chúa! Lạy Chúa!' là được vào Nước Trời cả đâu!" (Mátthêu 7:21); "Thà tôi nói năm ba tiếng mà tôi am hiểu...còn hơn nói mười ngàn tiếng miệng lưỡi mà không hiểu" (1 Côrintô 14:19). Tất cả những lời ấy cho thấy sự không sinh hoa kết quả của việc cầu nguyện bằng miệng lưỡi bên ngoài mà không có sự chăm chú.

Đan sĩ khổ tu: Trong quan điểm của cha có thể có điều gì đó đúng nếu kèm theo lời khuyên bảo cầu nguyện bằng miệng lưỡi mà không cộng thêm vào đó đòi hỏi phải cầu nguyện liên tục, và nếu việc cầu nguyện tên Đức Giêsu Kitô không sở hữu sức mạnh tự hoạt động của nó và không tự nó đạt tới sự chú ý và sự sốt sắng như một kết quả của tính chất liên tục trong thao tác ấy. Thế nhưng, lúc này, vấn đề thắc mắc là, sự thường xuyên, chiều dài thời gian và sự không gián đoạn lời cầu nguyện (dù ban đầu nó có thể diễn ra một cách không chú ý hoặc với lòng khô khan), thì bởi vì chính thực tế này, những kết luận mà cha vừa rút ra một cách sai sót đó không đưa tới cái gì cả. Chúng ta hãy nhìn vấn đề đó với đôi chút tỉ mỉ hơn.

Sau khi đã tranh luận về giá trị lớn lao và sự sinh hoa kết quả của việc thường xuyên cầu nguyện được diễn tả dưới hình thức một câu nói duy nhất, cuối cùng một nhà văn tâm linh đã viết:

Nhiều người có tiếng thức ngộ đã xem sự dâng lên thường xuyên lời cầu nguyện duy nhất và giống nhau ấy là vô ích, kể cả lặt vặt, và gọi nó là có tính cách máy móc và là một sự bận rộn nhẹ dạ của kẻ chất phác. Nhưng rủi thay, họ không biết tới cái bí mật đã được vén lộ như một kết quả của sự thao tác máy móc ấy. Họ không biết rằng công việc thường xuyên ấy của đôi môi đã như thế nào trở thành, một cách tinh tế, sự thỉnh nguyện chân thật của tâm hồn, đắm chìm trong cuộc sống nội tâm, trở nên sung sướng, và có thể nói, trở thành tự nhiên đối với linh hồn, mang ánh sáng và của ăn tới cho nó và dẫn đưa nó tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Theo tôi thì những người chỉ trích ấy có vẻ giống như các em nhỏ được dạy về chữ cái và cách tập đọc tập viết. Khi tập đã mệt, các em la lên:

- Có phải theo cha mình đi câu cá thì tốt hơn gấp trăm lần bỏ ra suốt ngày để lặp đi lặp lại chữ a, b, c hoặc bò người trên giấy với cây viết?

Giá trị của việc biết đọc biết viết và sự giác ngộ mà việc ấy mang tới có thể chỉ là kết quả của sự học thuộc lòng các chữ cái một cách tẻ nhạt là một bí mật ẩn dấu đối với các em nhỏ đó. Cũng một cách thức giống như thế, việc giản dị và thường xuyên gọi tên Thiên Chúa là một bí mật ẩn dấu đối với những người không tin vào kết quả và giá trị vô cùng lớn lao của nó. Trong khi thẩm định hành động ấy của đức tin bằng sức mạnh của lý trí không thực nghiệm và thiển cận của mình, họ quên rằng con người có hai tính chất trực tiếp ảnh hưởng lên nhau, và rằng con người được được tạo thành gồm linh hồn và thân xác. Tại sao, thí dụ khi ta khao khát thanh tẩy linh hồn mình thì có phải việc đầu tiên là ta ứng xử với thân xác mình, cho nó chay tịnh, lấy hết của nó các dưỡng chất và các thực phẩm có tính cách kích thích? Dĩ nhiên làm như vậy là để thân xác không gây trở ngại hoặc cải thiện nó, để nó có thể là một phương tiện cho việc tăng tiến sự thanh khiết của linh hồn và sự giác ngộ của tâm trí, và để cảm giác đói liên tục của thân xác nhắc nhở ta ý định kiên quyết tìm kiếm sự hoàn hảo nội tâm và những gì làm vui lòng Thiên Chúa, điều mà ta dễ dàng xao lãng. Và do kinh nghiệm, ta thấy rằng qua sự chay tịnh bên ngoài thân xác, ta thành tựu sự tinh luyện bên trong tâm trí, sự bằng an tâm hồn, cái khí cụ thuần hóa các đam mê, và là một nhắc nhở các nỗ lực tâm linh. Và như vậy, qua những phương tiện hình thức bên ngoài và vật chất, ta tiếp nhận sự giúp đỡ và ích lợi tinh thần và nội tâm. Ta cũng nên hiểu giống như thế về việc cầu nguyện thường xuyên với miệng lưỡi, mà qua thao tác trong một thời gian dài, lôi cuốn ta tới sự cầu nguyện trong tâm hồn và cổ võ sự hiệp nhất tâm trí với Thiên Chúa.

Thật viển vông khi tưởng tượng rằng miệng lưỡi, mệt mỏi vì sự thường xuyên và cằn cỗi vì thiếu am hiểu, sẽ buộc phải buông bỏ hoàn toàn nỗ lực cầu nguyện bề ngoài ấy vì thấy nó vô dụng. Không. Ở đây kinh nghiệm tỏ ra cho chúng ta thấy hoàn toàn ngược lại. Những người thực hành việc cầu nguyện không ngừng đã bảo đảm với chúng ta là sẽ xảy tới những điều như thế này:

Người đã quyết định không ngừng gọi tên Đức Giêsu Kitô hoặc, một danh hiệu tương tự như thế, để nói Lời Cầu Nguyện Đức Giêsu liên tục, thì ban đầu dĩ nhiên thấy khó khăn và phải phấn đấu chống lại sự lười biếng. Nhưng tiến hành càng lâu và càng cực nhọc chừng nào thì càng quen thuộc với việc ấy một cách rất khó thấy, khiến cuối cùng môi và lưỡi đạt được khả năng tự chuyển động tới độ dù mình chẳng bỏ chút công sức nào thì chúng cũng tự thao tác âm thầm nói lời cầu nguyện ấy, và giả dụ mình có muốn ngừng cũng không cưỡng lại nổi. Đồng thời, tính tự động của các bắp thịt cổ họng rất co giãn nên trong khi cầu nguyện, người ấy bắt đầu cảm thấy rằng việc nói lời cầu nguyện ấy đang là một đặc tính cốt yếu và vĩnh viễn của bản thân mình, và hễ mỗi lần mình ngưng không nói thì cảm thấy như thể đang vuột mất cái gì đó. Và qua những điều ấy, kết quả là tới lượt tâm trí của người ấy bắt đầu chịu khuất phục, lắng nghe hành động không chủ ý của đôi môi, và qua đó, phát sinh sự chú ý mà sau cùng, trở thành một nguồn suối hân hoan của tâm hồn và của sự cầu nguyện chân chính.

Vậy lúc này, cha đã thấy hiệu quả chân chính và sinh ích của việc cầu nguyện thành lời, thường xuyên hoặc không ngừng, trái ngược rõ rệt với cái mà người ta có thể không thử nó hoặc không hiểu nó. Còn về những đoạn trong Sách Thánh mà cha vừa trích ra để hỗ trợ lời phản đối của mình, thì những lời ấy sẽ được cắt nghĩa rõ ràng nếu chúng ta khảo sát chúng cách riêng. Người đạo đức giả thờ phượng Thiên Chúa bằng miệng lưỡi, phô trương việc đó hoặc cất tiếng ca tụng không chân thành "Lạy Chúa, Lạy Chúa" mà Đức Giêsu Kitô đã vạch trần vì lý do đó, rằng đức tin của người Pharisêu ngạo mạn chỉ thuần túy là việc đầu môi chót lưỡi và trong lương tâm của họ không chút nào chứng tỏ đức tin, cũng như họ không tuyên xưng đức tin bằng tâm hồn mình. Những lời mà cha đã nêu ra là dùng để nói tới họ chứ không ngụ ý tới việc cầu nguyện, cái mà Đức Giêsu đã trực tiếp ra lệnh một cách rõ ràng và dứt khoát rằng: "Con người phải luôn luôn cầu nguyện và đừng nản lòng." Cũng giống như vậy khi Tông đồ Phaolô phát biểu rằng ông thà nói trong nhà thờ năm tiếng với sự am hiểu còn hơn nói vô số tiếng mà không suy nghĩ hoặc bằng ngôn ngữ không ai biết, tức là ông đề cập tới sự thuyết giảng nói chung, chứ không ngụ ý cách riêng tới việc cầu nguyện, một chủ đề mà ông đã phát biểu một cách quả quyết rằng: "Vậy tôi muốn rằng loài người hãy cầu nguyện bất cứ nơi nào" (1 Timôthê 2:8) và ông còn đưa ra lời dạy tổng quát rằng: "Hãy cầu nguyện không ngừng" (1 Thêxalônica 5:17).

Lúc này thưa cha, chắc cha đã thấy việc thường xuyên cầu nguyện sinh hoa kết quả như thế nào, vì sự hoàn toàn mộc mạc của nó và sự am hiểu cách riêng mà Kinh Thánh đòi hỏi phải đánh giá nghiêm chỉnh ra sao?

Người hành hương: Thưa Cha đáng kính, đúng thật như vậy. Con đã thấy nhiều người chất phác mộc mạc, không có chút sự sáng học vấn nào và còn không biết sự chú ý là gì, mà dâng lời cầu nguyện Đức Giêsu không ngừng trên miệng họ. Con biết là họ đạt tới trình độ không thể ngăn được môi và lưỡi mình đừng nói lên lời cầu nguyện ấy. Lời cầu nguyện ấy mang họ tới hạnh phúc và giác ngộ cực độ, và biến họ từ người yếu đuối và bê trễ trở thành người đạt kết quả xuất sắc về tâm linh và quán quân về đức hạnh.

Đan sĩ khổ tu: Có thể nói việc cầu nguyện ấy đưa con người tới sự tái sinh thêm lần nữa. Sức mạnh của nó rất lớn lao tới độ không có cái gì, không có mức độ đau khổ nào đương cự nổi nó. Thay vì lời từ giã, nếu quí vị, những anh em thân mến của tôi, muốn thì tôi sẽ đọc cho các anh em nghe một bài tuy ngắn nhưng rất thú vị mà tôi đang mang theo mình.

Tất cả: Chúng con hết sức vui mừng lắng nghe.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768