MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (8)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương (8)

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước

Chương Bốn

"Nhưng tốt đẹp biết bao khi tôi giữ mình bền vững ở bên
Thiên Chúa và đặt lòng tin cậy vào Thiên Chúa, Chúa chúng ta."

Dân Nga có một câu cách ngôn rất đúng: "Người tính Chúa định", tôi nói như vậy khi trở lại gặp cha linh hướng.

- Thưa cha, con đã tin chắc chắn rằng lúc này mình đang trên đường đi Giêrusalem. Nhưng cha coi, mọi việc đã đổi khác biết bao. Đã xảy ra chuyện con không ngờ tới chút nào và giữ con ở lại vị trí cũ. Con phải kể cha nghe chuyện đó và đồng thời xin cha cho con lời khuyên về quyết định của con.

Chuyện xảy ra như thế này.

Con đã chào từ giã mọi người, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, con cũng đã cất bước lên đường. Con ra tới vùng ven thành phố thì gặp một người quen đứng ở trước cổng ngôi nhà chót hết. Anh ấy từng là người hành hương như con nhưng từ ba năm nay con không gặp lại anh. Chúng con chào nhau, anh hỏi con đi đâu. Con trả lời rằng:

- Theo thánh ý Thiên Chúa, tôi muốn đi Giêrusalem.

Nghe vậy, anh ấy nói:

- Tạ ơn Thiên Chúa! Có một người bạn đường dễ thương cho anh đây.

Con nói:

- Xin Thiên Chúa ở cùng anh và ở cùng người đó, nhưng chắc anh cũng biết tôi không bao giờ đi chung với ai. Lúc nào tôi cũng lang thang một mình.

- Tôi biết, nhưng anh nghe đây. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng đây là người cùng loại với anh và hai người sẽ hợp nhau từ đầu tới chân. Chuyện như thế này, ông chủ nhà mà tôi đang giúp việc đây có ông bố đang ngất ngư với lời thề đi Giêrusalem, và hai vị sẽ mau thân nhau lắm. Cụ là một ông lão đạo hạnh, dân thành phố này, thêm nữa, cụ điếc một trăm phần trăm. Dù anh có hét có la lớn tới mấy đi nữa cụ cũng không nghe ra một tiếng. Muốn hỏi cụ điều gì thì anh phải viết ra giấy cho cụ trả lời. Anh thấy đó, cụ sẽ chẳng làm phiền gì anh khi đi đường; ngay cả khi ở trong nhà này, cụ cũng im lặng hết ngày này qua ngày khác. Còn mặt khác nữa, trên đường đi anh sẽ giúp đỡ cụ rất nhiều. Con trai của cụ cho cụ một con ngựa với một chiếc xe, cụ sẽ đánh xe tới Odessa rồi bán cả xe lẫn ngựa ở đó. Cụ chỉ muốn đi bộ nhưng đi xe ngựa thì cũng tốt vì cụ có hành lý và muốn mang ít của lễ tới dâng nơi mộ Chúa. Và dĩ nhiên là anh có thể cho ba lô của anh lên xe của cụ.

Anh thuyết phục con:

- Vậy anh nghĩ dùm tôi coi, làm sao chúng tôi có thể yên tâm tiễn một ông cụ như thế lên đường chỉ với con ngựa đi theo thôi rồi để một mình cụ xoay xở suốt cả chuyến đi dài dằng dặc như vậy? Người ta đã cất công tìm xem có ai chịu đi theo chăm sóc cụ không nhưng ai cũng đòi tiền công cao quá; hơn nữa, thật liều mạng nếu gởi gắm cụ cho người không quen biết vì cụ có mang theo tiền bạc với đồ đạc. Đồng ý nghe, người anh em, thật là ổn thỏa. Vậy đó, vì vinh quang của Thiên Chúa và tình yêu người bên cạnh, anh quyết định đi. Tôi đứng ra bảo đảm anh với người nhà của ông chủ thì không ai mà không thích; họ đều là người tử tế và quí mến tôi lắm. Tôi làm việc cho họ được hai năm rồi.

Từ đầu tới cuối cuộc nói chuyện diễn ra trước cổng, sau đó anh đưa con vô nhà. Ông chủ có mặt ở đó và con thấy ai nấy trong nhà đều đáng trọng và nhã nhặn nên con đồng ý với lối sắp xếp của họ. Như vậy đó, lúc này chúng con đang sửa soạn để sau lễ Giáng sinh hai ngày, chúng con sẽ cùng nhau dự thánh lễ xuất hành và lên đường với phúc lành của Thiên Chúa. Chuyến đi để đời này thiệt là lạ lùng! Đúng là lúc nào nơi nào thì Thiên Chúa và Thánh ý Quan phòng của Ngài cũng hướng dẫn mọi hành động và chế ngự mọi dự tính của chúng ta, như có lời đã nói rằng: "Chính Thiên Chúa hoạt động trong ngươi, cả trong ý ngươi muốn lẫn trong việc ngươi làm."

Nghe xong chuyện, cha linh hướng nói:

- Người anh em thân mến, ta vui hết sức vì Thiên Chúa đã truyền lệnh đó khiến ta được gặp lại con, hoàn toàn bất ngờ và gặp liền tức khắc. Lúc này vì con rộng rãi thì giờ, ta muốn giữ lại con thêm ít lâu trong tình yêu thương trọn vẹn, và xin con hãy kể thêm cho ta nghe những kinh nghiệm mà con đã gặp trên đường hành hương vạn dặm, để lấy đó làm bài học. Ta đã lắng nghe với niềm vui sướng và quan tâm sâu xa tới những gì con kể cho ta trước đây.

Tôi đáp lại:

- Con xin sẵn sàng và sung sướng vâng theo ý cha.

Và bắt đầu kể như sau:

Đã xảy tới cho con nhiều điều lớn lao, một số thì tốt, một số thì xấu. Nếu con kể hết tất cả ra thì mất nhiều ngày giờ quá, hơn nữa con quên cũng đã nhiều. Vì con chỉ nhớ đặc biệt tới những điều có tính cách dạy bảo và thúc giục linh hồn u tối của con cầu nguyện. Ngoài những điều đó ra thì ít khi con nhớ; hoặc đúng hơn, con muốn quên quá khứ, như thánh Phaolô đã truyền lệnh lúc ngài nói rằng:

-Trong khi quên những gì phía sau và trong khi thẳng tiến tới những gì phía trước, tôi vội vã hướng đến mục tiêu phần thưởng của lời gọi cao cả.

Tôn sư quá cố, mà con nhớ tưởng với lòng biết ơn, cũng thường nói với con rằng những sức mạnh chống lại sự cầu nguyện trong lòng thường tấn công chúng ta từ cả hai bên: từ bên tay trái và từ bên tay phải. Nói cách khác, nếu kẻ thù không lung lạc được chúng ta với những ý nghĩ viễn vông hoặc những ý tưởng tội lỗi của chính ta để chúng ta khỏi cầu nguyện, thì lúc ấy, chúng sẽ lại mang trở vào tâm trí chúng ta những gì tốt lành mà chúng ta đã được dạy bảo và làm tràn ngập lòng chúng ta với những ý tưởng tuyệt đẹp, để bằng cách này hoặc bằng cách khác, chúng có thể cám dỗ cho chúng ta đừng cầu nguyện, vì cầu nguyện là việc chúng không chịu đựng nổi. Cái đó gọi là, "tên trộm từ bên tay phải", và trong cám dỗ đó, linh hồn đặt qua một bên việc chuyện trò với Thiên Chúa mà thích chuyện trò với bản ngã và với những gì nhân tạo.

Vì vậy, tôn sư đã dạy con rằng:

- Trong lúc cầu nguyện đừng để cho len vào tâm trí mình những ý tưởng tâm linh cao vời nhất; và nếu có ngày nào mà từ sáng tới tối, con thấy mình bỏ ra số thì giờ cho việc cải thiện tư tưởng và đàm đạo nhiều hơn số thì giờ bỏ ra cho việc thật sự cầu nguyện thầm kín trong lòng, thì lúc đó con phải nghĩ rằng đó là một ngày lãng phí, không cân đối hoặc đó là dấu hiệu của sự tham lam tinh thần.

Ông còn nói rằng:

- Trong trường hợp những người mới bắt đầu tập luyện cầu nguyện thì điều ông vừa nói là hoàn toàn đúng, vì họ là những người cần số thì giờ để cầu nguyện nhiều hơn số thì giờ dành cho những mặt khác của cuộc sống mộ đạo.

Nhưng người ta không thể nào quên hết mọi sự. Một vấn đề có thể tự chúng ghi khắc trong tâm trí ta sâu tới độ cho dù trong một thời gian rất dài ta không nghĩ tới chúng nhưng vào một lúc nào đó, ta vẫn nhớ lại chúng một cách rất rõ ràng. Một trường hợp điển hình là việc con được Thiên Chúa xem là đáng để cho ở lại vài ngày với một gia đình đạo đức theo cách sau đây:

Vào những ngày lang thang trong tỉnh bang Tobolsk, tình cờ con đi ngang một thị trấn vùng quê. Bánh mì khô mang theo sắp hết nên con tới một nhà trong thị trấn xin thêm một ít. Chủ nhà nói:

- Tạ ơn Thiên Chúa, anh tới thật đúng lúc - vợ tôi vừa lấy bánh ra khỏi lò, có ổ nóng cho anh đây. Xin anh nhớ tới chúng tôi trong lời cầu nguyện của anh.

Con cám ơn người chồng, đút bánh mì vô ba lô thì người vợ ngắm nghía con rồi nói:

- Ba lô của anh rách quá, nát hết rồi. Tôi cho anh cái khác thay vào.

Và bà cho con một cái ba lô tốt, thật chắc. Con hết sức cám ơn họ và tiếp tục đi.

Trên đường rời thị trấn, con vô một cửa tiệm nhỏ xin ít muối. Người bán hàng cho con một túi nhỏ đầy muối. Con vui mừng phấn khởi, cám tạ Thiên Chúa đã dẫn dắt con, một kẻ bất xứng, được gặp những người quá tử tế như vậy. Con nói với mình rằng:

- Lúc này, mình không phải lo lắng về thực phẩm, mình sẽ no đủ và mãn nguyện suốt tuần lễ. Ôi, linh hồn ta ơi, hãy tạ ơn Thiên Chúa!

Cách thị trấn khoảng năm cây số, con đường con đi chạy qua một làng nghèo có ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ, mặt ngoài sơn và trang trí rất đẹp. Khi đi ngang nhà thờ, con cảm thấy ao ước được tôn vinh nhà của Thiên Chúa và con bước qua vòm cổng, vào cầu nguyện một lúc.

Trên bãi cỏ bên cạnh nhà thờ có hai trẻ nhỏ đang đùa giỡn, chừng năm sáu tuổi. Con nghĩ chắc chúng là con của linh mục quản xứ vì chúng mặc quần áo rất dễ thương. Đọc kinh xong, con tiếp tục lên đường. Mới đi cách nhà thờ chừng chục bước con nghe sau lưng có tiếng kêu:

- Ông ăn mày nhỏ ơi! Ông ăn mày nhỏ ơi! Đứng lại!

Hai trẻ nhỏ một trai một gái mà con thấy lúc nãy, đang cất tiếng gọi và chạy theo con. Con đứng lại, chúng chạy tới nắm tay con và nói:

- Tới gặp má, má thích người ăn mày lắm.

Con nói với chúng rằng:

- Tôi không phải ăn mày. Tôi chỉ là người qua đường.

- Vậy tại sao ông đeo cái bị?

- Để đựng bánh mì ăn dọc đường.

- Dù sao ông cũng phải tới. Má sẽ cho ông ít tiền đi đường.

Con hỏi:

- Mà má các cháu ở đâu?

- Ngay sau nhà thờ, phía sau lùm cây kia kìa.

Chúng dẫn con vào một khu vườn tuyệt đẹp, giữa vườn có một ngôi nhà gỗ lớn. Chúng con vô bên trong, nhà sạch sẽ và hết sức trang nhã! Bà chủ nhà vội vàng bước ra đón chúng con và reo lên rằng:

- Xin chào, xin chào! Thiên Chúa gởi anh tới cho chúng tôi; và anh đến đây như thế nào? Mời ngồi, mời ngồi.

Bà vừa nói vừa đưa tay tháo ba lô của con, đặt lên trên bàn, và ấn người con ngồi xuống một chiếc ghế bọc đệm rất êm:

- Anh chẳng muốn ăn gì sao? Uống tách trà nhé? Anh không cần gì sao?

Con trả lời:

- Tôi hết sức biết ơn bà, nhưng tôi có đầy một bọc bánh mì rồi. Thưa thật với bà, tôi có đem theo trà nhưng người nhà quê chúng tôi ít khi dùng tới. Đối với tôi, sự chào đón vồn vã và đầy yêu thương của bà còn gấp mấy lần bà mời mọc tôi. Tôi sẽ cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn thêm cho bà vì đã bày tỏ lòng ưu ái như thế đối với người lạ theo tinh thần Phúc âm.

Trong khi con đang nói như vậy thì có một cảm xúc mạnh mẽ lan tỏa khắp mình mẩy con, thúc giục con thêm lần nữa rút lui vào bên trong con người mình. Lời cầu nguyện Đức Giêsu trào lên trong tim con, con cần yên tĩnh và im lặng để ngọn lửa cầu nguyện đang bốc lên đó có chỗ thênh thang hoạt động, cũng như để không cho người khác nhận ra những dấu hiệu bên ngoài đang xuất hiện cùng với nó, thí dụ như những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, những rung động bất thường trên mặt con, trên môi con. Vì vậy, con đứng lên và nói rằng:

- Xin bà tha thứ cho, tôi phải đi ngay. Xin Chúa Giêsu ở cùng bà và ở cùng những đứa con yêu quí của bà.

Bà lật đật cản lại:

- Ô, không! Thiên Chúa cấm anh đi ngay như thế này. Tôi không để anh đi đâu. Chồng tôi làm quan tòa ở thị trấn sẽ về nhà tối nay, và gặp được anh thì ông ấy mừng biết mấy! Ông ấy kính trọng mỗi người hành hương như một sứ giả của Thiên Chúa. Anh đi ngay thì sẽ làm cho ông ấy khổ tâm vì không gặp được anh. Còn nữa, mai là ngày Chúa nhật, trong thánh lễ anh sẽ cùng chúng tôi cầu nguyện, và tại bàn ăn tối nay, anh sẽ cùng ăn chung với chúng tôi những gì mà Thiên Chúa đã gởi cho. Vào các ngày lễ trọng, chúng tôi lúc nào cũng có ba chục người khách, tất cả đều là anh chị em nghèo khó trong Đức Giêsu Kitô. Đã tới đây sao anh không nói gì hết về mình, anh từ đâu tới, và rồi anh đi đâu? Nói chuyện cho tôi nghe với. Tôi thích nghe người mộ đạo nói chuyện về tâm linh. Này các con! Đem ba lô của người hành hương này vô phòng nguyện, ông ấy sẽ nghỉ đêm tại đó.

Nghe những lời bà ấy nói con sững sờ tự hỏi không biết mình đang nói chuyện với một con người hay với một loại ma quái nào đây.

Và như thế con ở lại, chờ chồng bà. Con kể vắn tắt cho bà nghe các chuyến đi của con và nói con đang trên đường đi Irkutsk.

Nghe như vậy, bà bảo con:

- Vậy là anh phải đi ngang Tobolsk. Mẹ ruột tôi hiện là đan sĩ khổ tu trong một đan viện ở đó; bà theo chế độ nghiêm nhặt nhất của tu viện. Chúng tôi sẽ đưa anh một bức thư và gặp anh thì mẹ tôi mừng lắm. Rất nhiều người tới hỏi ý kiến bà về những vấn đề tâm linh. Với lại anh có thể mang cho mẹ tôi cuốn sách của Thánh Gioan Cái thang mà chúng tôi mới đặt mua ở Mátcơva theo yêu cầu của bà. Mọi việc thiệt là ăn khớp hết sức!

Lát sau tới giờ ăn tối, chúng con ngồi vào bàn. Có bốn phụ nữ khác đến và bắt đầu bữa ăn với chúng con. Ăn xong món thứ nhất, một bà đứng lên, cúi đầu trước tượng thánh rồi nghiêng mình về phía chúng con. Rồi bà đi lấy thức ăn, dọn món thứ hai ra và ngồi xuống. Xong món đó, một phụ nữ khác cũng làm giống y như thế và đi lấy món thứ ba. Thấy vậy con nói với bà chủ nhà:

- Tôi xin đánh bạo hỏi không biết các bà này có phải là thân nhân của bà không?

- Phải, họ quả thật là chị em với tôi; đây là bà bếp của tôi; kia là vợ người đánh xe; và bà này giữ chìa khóa cho tôi, và bà này nữa là người hầu của tôi. Họ đều đã lập gia đình. Trong nhà này không có thiếu nữ độc thân nào cả.

Càng nghe càng thấy mọi sự ở đây con càng kinh ngạc, và con cám tạ Thiên Chúa đã cho con gặp được những người mộ đạo này. Con cảm thấy trong tim mình đang khuấy động lời cầu nguyện vì thế con muốn được ở một mình càng sớm càng tốt để việc cầu nguyện không bị ngăn trở. Ngay khi tất cả đứng lên rời bàn ăn, con nói với bà chủ nhà rằng:

- Chắc sau bữa ăn bà phải nghỉ ngơi đôi chút, tôi cũng thường tản bộ, tôi sẽ đi dạo trong vườn.

Bà trả lời:

- Không, tôi không nghỉ ngơi. Tôi đi vô vườn với anh, rồi anh sẽ kể cho tôi nghe năm ba điều để tôi được học hỏi. Lũ trẻ không để anh yên đâu nếu anh đi một mình. Thấy anh là chúng chạy lại ngay và không rời anh ra một phút. Chúng rất quí mến người hành khất, người hành hương và các anh em trong Đức Kitô.

Thế là con phải đi với bà thôi. Để khỏi phải nói một mình, vừa bước vào vườn, con liền rạp đầu sát đất trước mặt bà và nói:

- Xin bà vui lòng cho tôi biết bà sống mộ đạo như thế này đã bao lâu rồi và làm thế nào mà bà sống được mãi như thế này?

Bà trả lời:

"Nếu anh muốn nghe thì tôi sẽ kể hết đâu đuôi câu chuyện. Anh biết không, mẹ tôi là cháu gọi bằng cố của Thánh Dôasáph mà di hài an nghỉ tại Byelgorod. Chúng tôi có một ngôi nhà rộng ở thành phố và cho thuê một phần ngôi nhà ấy. Khách thuê nhà là một người quí tộc nhưng không được may mắn. Sau một thời gian, ông ấy qua đời, để lại bà vợ đang mang thai, và rồi khi sinh nở, bà ấy cũng qua đời. Trẻ sơ sinh đó thành mồ côi khốn khổ, được mẹ tôi thương xót nhận làm con nuôi. Sau đó một năm, tôi chào đời. Hai đứa chúng tôi lớn lên bên nhau, cùng nhau học hành, chung thầy chung lớp, và chúng tôi đối xử với nhau như anh em ruột thịt. Ít lâu sau cha tôi qua đời, mẹ tôi từ bỏ cuộc sống thành thị, cùng với chúng tôi dời tới sống ở cơ ngơi nhà đất mà bà thừa kế tại vùng này.

"Khi chúng tôi trưởng thành, bà cho tôi kết hôn với người anh nuôi ấy, giao lại cơ ngơi này cho chúng tôi rồi bà đi tu, vào ở trong đan viện mà bà đã có một căn buồng làm sẵn cho mình. Bà ban cho chúng tôi ơn phúc của một người mẹ, và thể theo ước nguyện sau cùng cũng như có ghi rõ trong chúc thư, bà thúc giục chúng tôi sống làm người Kitô hữu tốt lành, tha thiết đọc kinh, và trên tất cả, thực hiện giới răn vĩ đại nhất của Thiên Chúa là yêu thương người bên cạnh một cách mộc mạc và khiêm tốn trong Đức Kitô, cho ăn uống và bảo dưỡng những anh em nghèo, nuôi dạy con cái trong sự kính sợ Thiên Chúa và đối xử với các nông nô như những người anh em của mình.

"Và chúng tôi sống theo cách như vậy suốt mười năm nay, cố gắng hết sức mình để thực hiện ý nguyện sau cùng của mẹ chúng tôi. Chúng tôi có một nhà khách dành cho người hành khất, lúc này ở đó đang sống hơn mười người tàn tật và đau ốm. Nếu anh quan tâm thì ngày mai chúng ta qua thăm họ."

Khi bà chấm dứt câu chuyện, con hỏi bà đang để ở đâu cuốn sách của Thánh Gioan Cái thang mà bà muốn gởi cho mẹ mình. Bà trả lời:

- Vào nhà đi, tôi sẽ tìm cuốn sách đó cho anh.

Chúng con vừa mới ngồi xuống, bắt đầu đọc cuốn đó thì chồng bà đi vào, thấy con ông niềm nở chào. Chúng con hôn nhau như hai người bạn trong Đức Kitô, rồi ông vừa đem con vô phòng đọc sách của ông vừa nói:

- Người anh em thân mến, đi, chúng ta vô phòng làm việc của tôi, và anh sẽ chúc lành cho căn phòng nhỏ đó. Chắc chắn là bà ấy - ông đưa tay chỉ bà chủ nhà - đang quấy rầy anh. Hễ vừa mới lọt vô mắt mình một người hành hương nào, dù nam hay nữ, hay một người bệnh nào là bà ấy hết sức vui mừng tới độ quấn quít lấy họ, ngày cũng như đêm. Bà ấy sống như vậy hết năm này qua năm khác.

Chúng con đi vào phòng sách của ông. Ở đây có rất nhiều sách, nhiều tượng ảnh tuyệt đẹp và cây thánh giá truyền sức sống với khuôn mặt to như người thật. Đặt kế bên thánh giá là một cuốn Tin Mừng! Con vội thốt lời cầu nguyện. Con nói:

- Ông đang trong vườn địa đàng của Thiên Chúa ở ngay đây. Đây là chính Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và Mẹ Chí Thánh của Ngài, và các thánh đầy ơn phước!

Con tiếp tục vừa chỉ tay vào các cuốn sách vừa nói:

- Và đó là những lời dạy dỗ của chư vị, những lời thiêng liêng, sống động, bất diệt. Tôi chắc là ông thường xuyên vui sướng chuyện trò một cách siêu phàm với ngần ấy sách.

Ông trả lời:

- Vâng, thú thật tôi là người thích đọc sách.

- Ông đang có loại sách nào tại đây vậy?

Ông trả lời rằng:

- Tôi có rất nhiều sách tôn giáo. Đây, anh thấy cuốn Hạnh Các Thánh để đọc quanh năm, và đó, các tác phẩm của thánh Gioan Kim khẩu, thánh Basiliô Cả.

- Ông không có cuốn nào nói về cầu nguyện sao?

- Có, tôi rất thích đọc sách nói về cầu nguyện. Ở đây có một cuốn mới nhất về chủ đề đó, tác phẩm của một linh mục ở Peter-sbursg.

Ông lấy cuốn sách có nhan đề Sự Cầu Nguyện Của Chúa và chúng con bắt đầu đọc với niềm vui sướng sâu xa. Lát sau, bà chủ nhà mang trà đến, có hai đứa con của bà đi theo. Chúng kéo lê theo một hộp lớn bằng bạc đầy ắp loại bánh bít-qui và bánh ngọt mà trước đây con chưa bao giờ được nếm trong đời. Ông chủ nhà lấy cuốn sách khỏi tay con, đưa cho vợ mình và nói:

- Lúc này chúng ta sẽ yêu cầu bà ấy đọc; bà ấy đọc hay lắm, trong khi đó mình uống trà cho có thêm sức khỏe.

Như thế, bà chủ bắt đầu đọc và chúng con lắng nghe. Trong khi lắng nghe, con cảm thấy lời cầu nguyện Đức Giêsu thao tác trong trái tim mình. Càng kéo dài việc đọc sách thì lời cầu nguyện ấy càng sôi sục và lòng con càng thêm hân hoan. Đột nhiên con thấy trước mắt mình loé sáng lên như thể trong không khí có cái gì đó giống khuôn mặt vị tôn sư quá cố của con. Con giật mình, và để che giấu sự việc đó con nói:

- Xin tha lỗi cho tôi, chắc là tôi vừa ngủ gục một chút.

Kế đó, con cảm thấy như thể linh hồn của tôn sư tìm cách nhập vào linh hồn con và soi sáng linh hồn con. Con cảm thấy trong tâm trí mình có một loại ánh sáng, và một số ý tưởng về cầu nguyện đến với con. Con vội vàng làm dấu thánh giá, cố ý để các ý tưởng đó qua một bên. Khi bà chủ nhà đọc xong phần cuối cuốn sách và chồng bà hỏi rằng không biết con có thích cuốn sách đó hay không để chúng ta lại tiếp tục thảo luận. Con trả lời:

- Tôi thích lắm. "Kinh Lạy Cha" là những lời cao nhã nhất và kỳ diệu nhất trong tất cả những lời cầu nguyện thành văn mà Kitô hữu chúng ta có, vì chính Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đích thân ban cho chúng ta. Và những giải thích mà chúng ta vừa đọc về kinh đó thì cũng rất hay, chỉ có kinh đó ứng xử toàn diện với phần lớn mặt sống động của cuộc sống Kitô hữu, và qua việc đọc các Giáo phụ thánh thiện, tôi tình cờ bắt gặp những giải thích có tính cách huyền nhiệm và lý đoán hơn về cầu nguyện.

- Anh đọc điều đó trong cuốn nào của các Giáo phụ vậy?

- Từ Maximô Người tuyên tín và Phêrô Đamascênê trong cuốn Philôkalia.

- Anh còn nhớ những lời đó không? Xin kể cho chúng tôi nghe với.

- Vâng, tôi có nhớ:

"Lời đầu tiên của "Kinh Lạy Cha" là: 'Lạy Cha chúng con ở trên trời', mà cuốn sách chúng ta vừa đọc cắt nghĩa rằng đó là lời kêu gọi chúng ta hãy yêu thương người bên cạnh mình vì tất cả chúng ta đều là con của một Cha duy nhất, cắt nghĩa như thế rất đúng. Nhưng trong sách Philôkalia của các Giáo phụ thì có lời giải thích xa hơn và có tính cách tâm linh sâu sắc hơn. Các vị nói rằng khi sử dụng câu kinh đó chúng ta nên nâng tâm trí mình lên hướng tới thiên đàng, tới người Cha trên trời, và lúc nào cũng hãy nhớ rằng chúng ta đang ở trong hình bóng của Thiên Chúa.

"Câu: 'Nguyện danh Cha cả sáng', được giải thích trong sách của ông là, vì trân trọng, chúng ta chỉ được phép thốt lên Danh Thiên Chúa với lòng tôn kính, không được dùng Danh Thiên Chúa trong khi thề dối; tóm lại, Thánh Danh Thiên Chúa được thốt lên một cách thiêng liêng chứ không được kêu tên ấy một cách khinh suất. Nhưng các nhà văn huyền nhiệm - tức là các Giáo phụ - thấy ở trong câu đó lời kêu gọi rõ rệt về sự cầu nguyện bên trong tâm hồn, nghĩa là Danh Cực Thánh của Thiên Chúa có thể được ghi hằn rõ nét bên trong trái tim và được gọi lên bằng sự cầu nguyện tự động và gọi lên với tất cả cảm xúc của tâm hồn chúng ta và tất cả sức mạnh của linh hồn ta. Câu: 'Nước Cha trị đến', được chư vị giải thích là xin cho hoà bình và an tĩnh nội tâm và hân hoan tinh thần đến với con tim của chúng ta. Trở lại cuốn sách của ông, câu: 'Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày', được hiểu như xin cái chúng ta cần cho cuộc sống thể xác của mình, chỉ cái đó mà thôi, không hơn những gì cần cho bản thân ta và cần cho sự giúp
đỡ người bên cạnh chúng ta. Ngược lại, Maximô Người tuyên tín hiểu các chữ 'lương thực hằng ngày' là sự nuôi dưỡng linh hồn với thực phẩm thiên đàng, nghĩa là, với Lời Thiên Chúa và sự hiệp nhất linh hồn với Thiên Chúa qua sự chú tâm vào Ngài bằng ý nghĩ và lời cầu nguyện không ngừng trong trái tim ta."

Tới đây, ông chủ nhà kêu lên:

- A! Đối với người giáo dân chúng ta thì việc đạt được sự cầu nguyện trong lòng là điều cực kỳ lớn lao và gần như không thể được. Nếu chúng ta giữ được việc đọc những lời kinh bình thường mà không cảm thấy uể oải thì cũng đã là may mắn lắm rồi.

Con nói:

- Ông đừng nhìn theo cách đó. Nếu việc cầu nguyện ấy có hay không cũng được và khó khăn quá sức, hoàn toàn không thể thực hiện được thì Thiên Chúa đã không truyền mệnh lệnh cho tất cả chúng ta thi hành nó. Sức mạnh của Ngài là trong tình trạng yếu kém của con người mà Ngài làm mọi sự ra hoàn hảo. Các Giáo phụ, những người phát biểu rút tỉa từ kinh nghiệm của mình, đưa ra cho chúng ta những cách thức để chúng ta khắc phục và đạt tới sự cầu nguyện của tâm hồn mình một cách dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, đối với người ẩn tu thì chư vị đưa ra cho những cách thức đặc biệt và cao hơn, nhưng đối với người giáo dân đang sống nơi thế tục như chúng ta thì những bài viết của chư vị đưa ra cho chúng ta thấy những cách thức thực hành dẫn tới sự cầu nguyện trong lòng.

Nghe như thế, ông chủ nhà nói:

- Trong những cuốn sách tôi đọc, chưa bao giờ tôi tình cờ gặp được bài nào thuộc loại như vậy.

- Nếu ông bà trân trọng lắng nghe thì tôi có thể đọc cho ông bà một đoạn trích từ cuốn Philôkalia.

Con dò ý và cầm cuốn sách của mình lên. Con lật tới bài của Phêrô Đamasxênê, phần ba, trang 48 và đọc như sau:

- Ta phải học gọi Danh Thiên Chúa, còn hơn cả việc thở - mọi lúc, mọi nơi, trong mọi loại công việc ta làm. Thánh Tông đồ nói rằng: 'Cầu nguyện không ngừng.' Nghĩa là, ngài dạy loài người phải nhớ đến Thiên Chúa trong mọi lúc, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Nếu bạn đang làm một điều gì đó, bạn cần phải nhớ đến Đấng tạo hoá của vạn vật. Nếu bạn thấy ánh sáng thì hãy nhớ đến Đấng ban phát nó. Nếu bạn thấy bầu trời, quả đất và biển cả với tất cả những gì có ở trong chúng thì bạn hãy kinh ngạc và ca ngợi Đấng làm ra chúng. Nếu bạn đang mặc quần áo thì bạn hãy nhớ tới Đấng sở hữu tặng phẩm đó và cám tạ Ngài, Đấng cung cấp y phục cho bạn. Tóm lại, hãy để cho mỗi hành động là một nguyên cớ làm bạn nhớ đến và ca tụng Thiên Chúa của bạn, và bạn sẽ cầu nguyện không ngừng, linh hồn bạn luôn luôn hân hoan.

Đọc xong, con trình bày ý mình rằng:

- Đó, ông bà thấy, cách thức cầu nguyện không ngừng này thì dễ dàng, giản dị và ai cũng đạt tới được, hễ người đó vẫn còn ít nhiều là con người.

Họ vui sướng cực độ về cách thức đó. Ông chủ nhà ôm choàng lấy con, cám ơn con không biết bao nhiêu lần. Rồi ông nhìn cuốn Philôkalia của con và nói:

- Tôi nhất quyết phải mua cho mình một cuốn. Tôi sẽ lập tức gởi mua nó ở Petersburg; nhưng trong tạm thời và để nhớ mãi cơ hội này, tôi sẽ chép lại đoạn anh vừa đọc - anh đọc lên cho tôi chép đi.

Ngay lúc ấy và tại chỗ, ông chép lại, chữ ông tuyệt đẹp. Kế đó ông la lên:

- Lạ thật! tôi cũng có tượng của Thánh Đamasxênê! (Con nghĩ đó có lẽ là thánh Gioan Đamascênê).

Ông lấy một cái khung, lồng tờ giấy mới chép vô kiếng và treo ngay phía dưới tượng ấy, rồi ông nói:

- Đó, lời hằng sống của vị thánh ở dưới ảnh tượng của ngài sẽ thường xuyên nhắc nhở tôi thực hành trọn vẹn lời khuyên của ngài.

Sau đó chúng con đi ăn khuya. Cũng giống như bữa ăn tối vừa rồi, cả nhà nam lẫn nữ, cùng ngồi vào bàn với chúng con. Bữa ăn yên lặng và an tĩnh trong tôn kính biết bao! Cuối bữa ăn, hết thảy chúng con, kể cả trẻ con, cùng cầu nguyện lâu. Con được yêu cầu đọc bài kinh tạ ơn Đức Giêsu. Sau đó, những người giúp việc và trẻ con đi ngủ, chỉ còn ông bà chủ và con ngồi lại trong phòng. Rồi bà chủ mang cho con một chiếc áo sơ-mi trắng và một đôi vớ. Con cúi đầu xuống sát bàn chân bà và nói:

- Thưa người mẹ trẻ, tôi không nhận đôi vớ. Tôi không bao giờ mang vớ. Suốt đời tôi quen quấn xà cạp rồi.

Bà vội vàng đi ra và mang trở vào chiếc áo đầm cũ bằng vải màu vàng nhạt, cắt nó thành hai cái xà cạp, trong lúc đó chồng bà vừa đem cho con đôi bốt rộng mà ông thường mang tròng ngoài đôi giày vừa nói:

- Nhìn kìa, giày của ông bạn nghèo này gần như nát hết rồi.

Rồi ông bảo con sang phòng trống bên cạnh để thay áo. Con nghe lời, khi con quay lại, họ bắt con ngồi lên ghế để họ xỏ đôi giày mới vô chân con. Ông quấn xà cạp quanh chân con rồi bà tròng đôi bốt vào. Đầu tiên con không cho họ làm nhưng họ ra lệnh con ngồi yên và nói:

- Anh hãy ngồi yên, đừng nói năng gì cả; Đức Kitô mà còn rửa chân cho các môn đệ của ngài.

Con chỉ còn có cách là vâng lời, rồi con bắt đầu khóc, và họ cũng khóc. Sau đó, bà chủ đi ngủ chung với trẻ con, chồng bà và con tới nhà mát ở trong vườn.

Chúng con nằm không ngủ, trò chuyện rất lâu. Ông bắt đầu câu chuyện như thế này:

- Lúc này thì nhân danh Chúa và với lương tâm mình, xin anh nói thật cho tôi biết anh là ai? Anh phải là người sinh nơi cao sang và chỉ giả dạng làm kẻ bình dân chất phác thôi. Anh đọc giỏi viết thạo, ăn nói chính xác, có thể thảo luận các vấn đề và những vấn đề đó thì không hợp với những kẻ được nuôi dưỡng ở chốn quê mùa.

Con trả lời:

"Khi tôi kể với ông và bà nghe về gốc gác của mình là bằng con tim chân thành của tôi, tôi nói sự thật với cả ông lẫn bà và tôi không bao giờ có ý nghĩ lừa dối ông. Tại sao tôi lại phải lừa dối chứ? Vì những điều tôi nói ra không phải là của chính tôi mà là những gì tôi đã nghe từ tôn sư quá cố, người tràn đầy sự khôn ngoan thiêng liêng, hoặc là những gì tôi thu lượm được từ các bài viết cẩn trọng của các Giáo phu thánh thiệnï. Có điều trí óc u tối của tôi được soi sáng nhờ sự cầu nguyện bên trong hơn là nhờ những cái khác; tôi không tự mình đạt tới được như vậy, mà chính là tôi được ban cho nhờ ơn sủng vô biên của Thiên Chúa và lời giảng dạy của tôn sư. Và việc đó thì ai cũng làm được. Không hao tốn gì cả ngoài cố gắng trong yên lặng, lắng mình xuống vào những chốn sâu thẳm của tâm hồn và gọi lui gọi tới không ngừng Danh cả sáng Đức Giêsu.

"'Ai làm như thế cũng sẽ lập tức cảm thấy có ánh sáng trong lòng mình. Với người đó mọi sự trở nên dễ hiểu và người đó còn thấy được trong ánh sáng ấy vài bí nhiệm của nước Thiên Chúa. Và trong bí nhiệm mà người đó đang thấu hiểu thì có sự sâu sắc và ánh sáng ở đó, tới độ người ấy có sức mạnh để thăm dò những chốn sâu thẳm của bản thân, để nhìn bản thân từ bên trong mình, để thấy sung sướng trong sự tự biết mình, để thương xót mình và để trào nước mắt vui mừng trên những thất bại và những ý nguyện bị tan vỡ của mình!

"'Việc tỏ ra có lương tri ngay lành trong ứng xử với mọi sự và việc chuyện trò với người khác đều không phải là chuyện khó khăn; chuyện đó nằm trong khả năng ai cũng làm được vì tâm trí và tâm hồn ta đã ở đó, trước khi ta có sự học hành và trí khôn loài người. Nếu tâm trí đã ở đó thì ông có thể sắp xếp cho nó hoạt động để nắm được cả khoa học lẫn kinh nghiệm. Còn nếu tâm trí không ở đó thì lúc ấy, không lời giảng nào, cho dù thông thái cách mấy đi nữa, cũng như không sự huấn luyện nào, mang lại chút lợi ích gì.

"Khủng hoảng là vì chúng ta sống quá xa cách bản thân mình và chúng ta có quá ít ý muốn tới gần bản thân mình. Quả thật, chúng ta lúc nào cũng bỏ chạy, tránh né việc mặt đối mặt với bản ngã đích thật của mình, và chúng ta đổi chác sự thật đó lấy những điều vặt vãnh. Chúng ta nghĩ rằng: 'Tôi rất vui mừng quan tâm tới những gì có tính cách tâm linh và tới việc cầu nguyện, nhưng tôi không có thì giờ; những bận rộn và lo toan trong cuộc sống không cho tôi cơ hội làm chuyện đó.' Tuy thế cái thật sự quan trọng và thiết yếu là gì: đó là sự cứu rỗi và sự sống bất diệt của linh hồn, hay phải chăng đó là cuộc sống phù du của thể xác mà chúng ta đang bỏ ra quá nhiều công sức cho nó? Đó là cái tôi muốn nói và đó là cái đưa tới lương tri hoặc tới mê muội trong con người ta."

Nghe tôi nói xong, ông chủ nhà cắt nghĩa rằng:

- Người anh em thân mến, xin bỏ qua cho tôi, tôi thắc mắc như vừa rồi không phải vì hoàn toàn tò mò mà vì tình anh em và thiện cảm Kitô giáo; và hơn nữa, vì khoảng hai năm trước đây, tôi tình cờ gặp một trường hợp nó gợi ra câu hỏi tôi vừa đặt cho anh. Chuyện như thế này:

"Có một người hành khất tới nhà tôi với giấy thông hành miễn sưu dịch. Ông ấy già yếu, nghèo quá tới độ gần như trần truồng, đi chân đất. Ông rất ít nói, và với những biểu lộ như thế thì người ta chỉ giản dị coi ông là người sống ở chốn quê mùa. Chúng tôi đưa ông vô nhà khách nhưng khoảng năm ngày sau, ông ngã bệnh trầm trọng, vì thế chúng tôi dời ông qua nhà mát này để giữ cho ông được yên tĩnh; vợ tôi với tôi chăm sóc ông và lo thuốc thang cho ông. Nhưng sau một thời gian thì rõ ràng là ông sắp qua đời.

"Chúng tôi chuẩn bị mọi sự, mời cha xứ tới cho xưng tội, rước lễ và xức dầu. Hôm trước ngày chết, ông ngồi dậy, xin tôi một tờ giấy, cây viết và nài nỉ tôi đóng cửa lại, đừng cho ai vào trong khi ông viết bản di chúc mà ông ước muốn sau khi ông chết, gởi nó cho con trai ông theo một địa chỉ ở Petersburg.

"Nhìn ông viết tôi sững sờ vì chữ của ông quá đẹp, viết rất thông thái, bài văn lại rất tuyệt vời, dùng chữ chính xác từ đầu tới cuối và biểu lộ một sự tinh tế, cao nhã cực kỳ. Thật thế, tôi có một bản sao đây và ngày mai tôi sẽ đưa anh đọc bản di chúc của ông ấy. Tất cả những điều đó làm tôi kinh ngạc và nổi óc tò mò tới độ hỏi ông ấy về gốc gác và cuộc đời của ông.

"Sau khi yêu cầu tôi trang trọng thề sẽ không tiết lộ với ai cho tới lúc ông đã qua đời, ông kể với tôi - để vinh danh Thiên Chúa - câu chuyện đời ông. Ông bắt đầu:

'Tôi là Hoàng thân---. Tôi rất giàu và đã trải qua một cuộc sống cực kỳ xa hoa phóng đãng. Sau ngày vợ chết, tôi sống với con trai; nó hiện đang vui sướng sống đời quân ngũ, làm đại úy vệ binh. Vào một ngày nọ, khi đã sửa soạn xong để tới dự dạ hội tại nhà một nhân vật quan trọng thì tôi bỗng nổi cơn thịnh nộ với người hầu phòng. Không kiềm chế được cơn giận, tôi phang vào đầu anh ta một cú rất mạnh, ra lệnh đuổi anh ta về làng. Việc đó xảy ra buổi tối. Sáng hôm sau người hầu phòng chết vì hậu quả của cú đánh ấy. Đối với tôi lúc bấy giờ, việc đó không ảnh hưởng quan trọng gì mấy. Tôi chỉ thấy tiếc là mình đã hành động bất cẩn, và liền đó, tôi quên hết mọi sự.

'Thế nhưng, sáu tuần lễ sau, tôi bắt đầu thấy hình ảnh người hầu phòng đã chết ấy. Đêm nào cũng vậy, hễ chợp mắt là tôi mơ thấy anh ta quấy rối tôi. Anh ta tới bên tôi, không ngừng lặp đi lặp lại rằng: "Tên tàn nhẫn kia! Mi là quân giết người!" Một thời gian sau, tôi còn thấy anh ta cả khi tôi thức dậy, lúc đã tỉnh ngủ hẳn. Sự xuất hiện của anh ta ngày càng thường xuyên hơn, theo từng chặp, và gần như làm cho tôi bị khích động, rối rắm không ngừng. Sau cùng, tôi thấy anh ta không xuất hiện một mình nữa mà còn chung với những người đã chết khác, những người mà tôi đã cư xử tệ bạc, những phụ nữ mà tôi đã dụ dỗ. Tất cả bọn họ lúc nào cũng có mặt bên tôi, làm tôi bất an, tới độ không ăn được, không ngủ được và không làm được việc gì cả.

'Càng ngày sức khoẻ của tôi càng sa sút, tôi chỉ còn xương bọc da. Nỗ lực của các bác sĩ giỏi đều không đem lại chút hiệu quả nào. Tôi ra nước ngoài để chạy chữa nhưng sau khi thử thuốc thang được sáu tháng, tôi cảm thấy chẳng ích lợi gì, và tôi biết chắc một điều là những hình ảnh hiện ra đó hành hạ tôi càng lúc càng tàn tệ hơn. Người ta đem tôi về nhà, chín phần chết một phần sống. Tôi trải qua tình trạng kinh hoàng cùng cực và tra tấn tột độ của hỏa ngục. Lúc ấy, tôi thấy rõ ràng rằng hoả ngục là có thật và tôi hiểu ra hỏa ngục nghĩa là gì!

'Trong tình trạng tan nát như thế, tôi nhận ra hành động sai trái của mình. Tôi ăn năn và thú tội. Tôi trả tự do cho hết thảy các nông nô, và tôi thề rằng suốt những ngày tháng còn lại của đời mình, tôi sẽ tự hành hạ mình bằng một cuộc sống hết sức vất vả và tự mình đóng vai một kẻ ăn mày. Vì mọi tội lỗi của mình, tôi muốn mình trở thành người đầy tớ hèn mọn nhất, phục vụ những kẻ có địa vị thấp kém nhất trong cuộc đời này.

'Không bao lâu sau khi tôi dứt khoát đưa ra quyết định đó thì chấm dứt hẳn những hình ảnh bấn loạn mà tôi đã thấy. Tôi cảm thấy lòng mình hết sức an ủi và yên ổn, phát xuất từ trạng thái sống bình an với Thiên Chúa, tới độ không thể nào diễn tả nổi. Cũng như trước đây ở trong hỏa ngục, nay tôi nếm trải thiên đàng và còn học biết được thiên đàng nghĩa là gì cũng như cách thức mà nước Trời phô bày trong lòng của chúng ta. Chẳng mấy chốc tôi phục hồi hoàn toàn sức khoẻ rồi xúc tiến dự tính của mình, kín đáo rời quê nhà, mang theo mình giấy thông hành miễn dịch.

'Suốt mười lăm năm nay tôi lang thang khắp Tây bá lợi á. Đôi khi che dấu tung tích, làm thuê làm mướn cho nhà nông những việc mình có thể làm nổi. Đôi khi kiếm sống bằng cách ăn mày, nhân danh Đức Kitô. Chao ơi, trong tình trạng sống hoàn toàn thiếu thốn như thế, tôi được hưởng ân sủng, hạnh phúc và bình an tâm trí biết bao! Chỉ có người được đem từ hỏa ngục tới thiên đàng nhờ hồng ân của Đấng Trung gian Vĩ đại mới có thể cảm thấy chan chứa điều như thế.'

"Tới lúc sắp kết thúc câu chuyện, ông ấy đưa tôi tờ di chúc gởi cho con trai. Hôm sau thì ông qua đời. Tôi có bản sao tờ di chúc ấy trong chiếc túi da để bên cạnh cuốn Kinh Thánh của mình. Nếu anh muốn đọc tôi lấy ra cho anh ngay... Đây, nó đây."

Con mở tờ di chúc và đọc thấy như sau:

Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha và Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.

Con thương yêu của Cha,

Từ lúc con gặp cha lần cuối tới nay đã mười lăm năm. Dù con không có tin tức gì về cha nhưng người cha ấy vẫn có cách hay biết về con và giữ trong lòng mình tình yêu của một người cha dành cho con trai mình. Tình yêu đó thôi thúc người cha ấy từ trên giường lâm chung gởi cho con những dòng chữ này. Cầu mong chúng là bài học trọn đời cho con!

Con đã biết cha đau khổ ngần nào vì sự cẩu thả và khinh mạn của mình nhưng con không biết là cha đã được ban ơn phước ngần nào khi làm người hành hương vô danh và được chan chứa niềm vui trong hoa quả của sự thống hối.

Cha từ trần bình an trong ngôi nhà của người đối xử nhân lành với cha, và cũng là với con; vì lòng bác ái rưới trên người cha hẳn chạm đến trái tim đầy xúc cảm của một đứa con biết ơn. Bằng bất cứ cách thức nào có thể được, con hãy biểu lộ với người ấy lòng biết ơn của cha.

Với ân phúc phụ tử dành cho con, cha khẩn nài con hãy nhớ đến Thiên Chúa và canh giữ lương tâm mình. Con hãy cẩn trọng, ân cần và quan tâm tới người khác; con hãy đối xử nhân từ và hoà nhã hết sức có thể được với người thấp kém hơn mình; con đừng khinh miệt kẻ hành khất, người hành hương, và con hãy luôn luôn ghi nhớ rằng chỉ trong tình trạng hành khất và hành hương mà người cha của con, người đang lâm chung này, tìm thấy sự yên ổn và bình an cho linh hồn dằn vặt của mình. Cha nguyện cầu phúc lành của Thiên Chúa chan hòa trên con, và cha tĩnh lặng khép đôi mắt mình trong niềm hy vọng vào đời sống hằng cửu, qua ân huệ của Đấng Trung gian Vĩ đại cho loài người, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Cha của con, X-----

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (5) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (4) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (3) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm (2) (7/16/2013)
Đức Mẹ Maria, Hoa Hồng Mầu Nhiệm (1) (7/16/2013)
Tin/Bài khác
Cn 1940: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (3) (7/5/2016)
Cn 1939: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (2) (7/5/2016)
Cn 1938: Đức Mẹ Maria Đạp Đầu Con Rắn (1) (7/4/2016)
Đức Mẹ Tự Do (7/12/2013)
Các Kết Quả Của Kinh Mân Côi An Ủi Và Cứu Các Linh Hồn Ra Khỏi Luyện Ngục (7/10/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768