Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa
Giáo Hội là ”nhà của Thiên Chúa”, là đền thờ tinh thần mà chính Chúa Kitô Đền Thờ sống động của Thiên Chúa Cha, xây dựng, trong đó có Chúa Thánh Thần ở, linh hoạt, hướng đẫn và nâng đỡ, và chúng ta là các viên đá sống động.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-6-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển hình ảnh cuối cùng giúp minh giải mầu nhiệm của Giáo Hội: đó là hình ảnh Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa (LG, 6). Ngài nói: Từ đền thờ khiến chúng ta nghĩ tới một dinh thự, một việc xây cất. Một cách đặc biệt tâm trí của nhiều người trở về với lịch sử của Dân Israel được kể trong Thánh Kinh Cựu Ước. Tại Giêrusalem Đền Thờ của vua Salomon đã là nơi găp gỡ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện: bên trong Đền Thờ có Hòm Bia Giao Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người; và trong Hòm Bia Giao Ước có các Bảng Lề Luật, có Bánh Manna và cây gậy của ông Aharon: một nhắc nhớ tới sự kiện Thiên Chúa đã luôn luôn ở trong lịch sử của dân Người, đồng hành với họ trên đường và hướng dẫn bước chân họ. Đền Thờ nhắc nhớ lịch sử này.
Cả chúng ta nữa khi chúng ta đến Đền Thờ chúng ta cũng phải nhớ tới lịch sử này, lịch sử của tôi, của mỗi người trong chúng ta, lịch sử của chúng ta, như Chúa Giêsu đã gặp gỡ tôi, như Chúa Giêsu đã đồng hành với tôi, như Chúa Giêsu yêu thương tôi và chúc lành cho tôi.
Đây, điều đã được hình dung trước trong Đền Thờ xưa kia đã được thực hiện bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội: Giáo Hội là ”nhà của Thiên Chúa”, là nơi Người hiện diện, là nơi chúng ta có thể tìm thấy Chúa và gặp gỡ Chúa. Giáo Hội là Đền Thờ trong đó có Chúa Thánh Thần ở, Người là Đấng linh hoạt, hướng dẫn và đỡ nâng Giáo Hội. Nếu chúng ta tự hỏi chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Người qua Chúa Kitô ở đâu? Chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng cuộc sống chúng ta ở đâu? Câu trả lời là: trong dân của Thiên Chúa, giữa chúng ta, chúng ta là Giáo Hội. Giữa chúng ta, trong dân của Thiên Chúa và Giáo Hội, trong đó chúng ta gặp Chúa Thánh Thần, chúng ta gặp Thiên Chúa Cha.
Đền thờ xưa kia đã do tay con người làm ra: người ta muốn cho Thiên Chúa ”một ngôi nhà” để có một dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Với sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, lời tiên tri ngôn sứ Nathan nói với Vua Đavít (x. 2 Sm 7,1-19) được thành toàn: không phải nhà vua, không phải chúng ta ”cho Thiên Chúa một ngôi nhà”, nhưng chính Thiên Chúa ”xây nhà của Người” để đến ở giữa chúng ta, như thánh Gioan viết trong phần dẫn nhập Phúc âm (x. Ga 1,14). Chúa Kitô là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa Cha, và chính Chúa Kitô xây ”ngôi nhà tinh thần của Người”, là Giáo Hội, được làm không phải bằng các viên đá vật chất, mà bằng các ”viên đá sống động” là chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với các tín hữu Êphêxô rằng: anh em ”đã được xây trên nền tảng của các tông đồ và các ngôn sứ, có cùng ”đá tảng góc tường là chính Chúa Kitô Giêsu. Trong Người toàn công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Ep 2,20-22). Điều này thật là đẹp! Chúng ta là các viên đá sống động trong ngôi nhà của Thiên Chúa, hiệp nhất một cách sâu đậm với Chúa Kitô là dá tảng nâng đỡ và cũng là sự nâng đỡ giữa chúng ta với nhau, phải không? Và điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa chúng ta là Đền Thờ, là Giáo Hội, nhưng chúng ta là Giáo Hội sống động, chúng ta là Đền Thờ sống động, và trong chúng ta khi chúng ta hiệp nhất cùng nhau, thì có Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta lớn lên như là Giáo Hội. Chúng ta không cô đơn, chúng ta là dân của Thiên Chúa và Đức Thánh Cha chỉ mọi người hiện diện và nói: đây là Giáo Hội, dân của Thiên Chúa.
Rồi Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần như sau:
Và Chúa Thánh Thần với các ơn của Người chỉ định sự khác biệt: điều này quan trọng. Thế Chúa Thánh Thần làm gì giữa chúng ta? Người chỉ định sự khác biệt, sự khác biệt là sự phong phú trong Giáo Hội và hiệp nhất tất cả và mọi người, để xây nên một ngôi đền tinh thần, trong đó chúng ta không dâng lên các lễ tế vật chất, mà dâng lên chính chúng ta, cuộc sống của chúng ta (x. 1 Pr 2,4-5). Giáo Hội không phải là một giao thoa của các sự vật và các lợi lộc, mà là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ trong đó với ơn bí tích Rửa Tội, mỗi một người trong chúng ta là viên đá sống động. Điều này nói với chúng ta rằng không có ai là vô ích trong Giáo Hội cả. Nếu có người tình cờ nói tới ai đó rằng: ”Thôi về nhà đi, bạn là một người vô ích”. Điều này không thật đâu! Không có ai vô ích trong Giáo Hội cả: Tất cả chúng ta đều cần thiết để xây dựng Đền Thờ này. Không có ai là phụ thuộc cả! ”Ô tôi là người quan trọng nhất trong Giáo Hội!” Không. Tất cả chúng ta đều bằng nhau trước mắt Thiên Chúa, tất cả, tất cả. Nhưng mà một ai đó trong anh chị em có thể nói: ”Nhưng mà xin Đức Thánh Cha nghe đây, Đức Thánh Cha đâu có ngàng hàng với chúng con được!” Có chứ, tôi cũng như mọi người trong anh chị em thôi, chúng ta tất cả đều bằng nhau, chúng ta tất cả là anh em với nhau! Không có ai là vô danh cả. Tất cả chủng ta làm thành và xây dựng Giáo Hội. Điều này cũng mời gọi chúng ta suy tư về sự kiện nếu thiếu viên đá cuộc sống kitô của chúng ta, thì thiếu một cái gì đó cho vẻ đẹp của Giáo Hội.
Và vài người cũng có thể nói: ”A, tôi với Giáo Hội à không, tôi không ăn nhập gì tới Giáo Hội cả!” Nhưng mà thiếu viên đá đời bạn trong ngôi Đền Thờ xinh đẹp này! Không ai có thể bỏ đi được, phải không? Tất cả chúng ta đều phải đem đến cho Giáo Hội cuộc sống, con tim, tình yêu tư tưởng công việc làm... Tất cả cùng nhau!
Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nêu lên câu hỏi sau đây:
Chúng ta sống sự kiện là Giáo Hội của chúng ta như thế nào? Chúng ta có là các viên đá sống động hay chúng ta là các viên đá mỏi mệt, chán nản, thờ ơ? Mà anh chị em có thấy một kitô hữu mệt mỏi, chán nản, thờ ơ là điều xấu xa không? Một kitô hữu như thế thất là xấu. Không được như vậy! Kitô hữu phải sinh động tươi vui là tín hữu kitô! Phải sống vẻ đẹp là thành phần dân của Thiên Chúa, là Giáo Hội. Vậy chúng ta có rộng mở cho hoạt động của Chúa Thánh Thần để là thành phần tích cực trong các cộng đoàn của chúng ta hay không, hay chúng ta khép kín trong chính mình và nói: ”Tôi có biết bao nhiêu điều phải làm, đó không phải là nhiệm vụ của tôi làm điều này điều nọ?” Đừng khép kín trong chính mình.
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn của Người, sức mạnh của Người để chúng ta có thể hiệp nhất một cách sâu xa với Chúa Kitô, là đá góc, là cột trụ, là đá đỡ nâng cuộc sống chúng ta và toàn cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để được linh hoạt bởi Thần Khí của Người. Chúng ta luôn là các viên đá sống động của Giáo Hội.
Sau khi chào nhiều phái đoàn tín hữu và chúc họ có những ngày hành hương Roma tươi vui và được nhiều ơn ích, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Đức Thánh Cha cũng đã để ra gần một giờ đồng hồ để chào một số Hồng Y Giám Mục tham dự buổi tiếp kiến cũng như tín hữu đứng hai bên khán đài, các cặp vợ chồng mới cưới và đặc biệt là các người tàn tật ngồi trên xe lăn. Hôm qua có nhiều em bé khi được Đức Thánh Cha hôn, cứ ôm chặt và không muốn rời cổ ngài nữa. Tín hữu tặng Đức Thánh Cha đủ thứ. Các em bé thì tặng hình chúng vẽ, cầu thủ các đội banh thì tặng Đức Thánh Cha áo của họ. Nhiều người đem các ảnh tượng, kể cả chén thánh để xin Đức Thánh Cha làm phép. Ngài dừng lại lắng nghe và nói chuyện lâu với một số người và không bao giờ tỏ ra vội vã. Đây là điểm đã thu hút tín hữu rất mạnh.
Linh Tiến Khải
|