100 NGÀY ĐẦU TIÊN TRÊN NGÔI VỊ GIÁO HOÀNG: Cuộc cách mạng êm ái của Đức Phanxicô
Bài của FRÉDÉRIC MOUNIER, đăng trên báo La Croix (Pháp) trang 22, 23, 48), ngày 17-6-2013
Đã đúng 100 ngày kể từ khi Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, ở tuổi 76, trở thành người kế vị Thánh Phêrô (13-3-2013) sau khi Đức Bênêđictô XVI bất ngờ từ chức vào ngày 11-2-2013. Và vị giáo hoàng đến từ phía Nam, bằng sự đơn sơ và nồng ấm, đã nhanh chóng chiếm được tình cảm cả bên trong lẫn bên ngoài thế giới công giáo và đưa ra một phong cách mới cho ngôi vị giáo hoàng. Mùa thu sắp tới có lẽ sẽ được đánh dấu bởi những quyết định mạnh mẽ đầu tiên của vị giáo hoàng dòng Tên, người đã dành đủ thời gian để tham khảo ý kiến và thăm dò tình hình, đồng thời cũng đã để hé lộ ra một viễn cảnh về một Giáo hội có tính tập thể hơn. MỘT luồng gió mới đang thổi trên Vatican. Cho dù những người của các thế hệ trước cho rằng bầu khí hiện nay cũng giống như những thời kỳ sau khi bầu lên các Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II, nhưng sự tương phản lần này rõ nét hơn do hai năm cuối của triều đại Đức Bênêđictô XVI được đánh dấu bởi sự sút giảm sức khỏe của ngài và tình trạng trì trệ của bộ máy hành chánh Vatican, cộng thêm sự gia tăng các vụ bê bối bên trong nội bộ.
Vì thế, những lời nói của vị giáo hoàng mới, các hành động và các biểu tượng mà ngài sử dụng đã thu hút dân chúng ngày càng đông đảo : khoảng từ 50.000 đến 200.000 người tham dự các buổi đọc Kinh Truyền tin ngày chúa nhật, các cuộc triều yết ngày thứ Tư và các cuộc lễ. Và thật vất vả cho các lực lượng an ninh khi họ không biết sẽ phải bố trí thế nào để bảo vệ con người mặc đồ trắng này. Người ta còn nói rằng, sau những lời kêu gọi tha thứ của Đức Giáo hoàng, việc xưng tội đã bùng lên tại Ý. Và hơn bảy triệu người theo dõi Đức Giáo hoàng trên mạng Twitter.
NGAY TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU, CON NGƯỜI ĐÃ CHỌN DANH HIỆU PHANXICÔ ĐÃ GIA TĂNG CÁC HÀNH ĐỘNG VỪA BÌNH THƯỜNG VỪA NGOẠI LỆ Từ những ngày đầu tiên, con người đã chọn danh hiệu Phanxicô đã gia tăng các hành động vừa bình thường vừa ngoại lệ, như trả tiền nhà nghỉ, đi chung xe buýt với các hồng y là những người vừa mới bầu ngài làm giáo hoàng, điện thoại ngay cho các bạn bè trước đây của ngài… Khi từ chối những biểu hiệu mà nhiều người cho là tiêu biểu cho quyền bính giáo hoàng (như căn hộ dành riêng trong Lâu đài giáo hoàng, áo choàng vai và giày màu đỏ, Thánh giá bằng vàng đeo trước ngực…), vị tân giáo hoàng, vốn ít biết Vatican khi còn là Hồng y Jorge Bergoglio, Tổng Giám mục của Buenos Aires, muốn chống lại sự khác biệt dành riêng cho chức vụ của mình. Tại nhà trọ Thánh Matta ở Vatican là nơi ngài chọn để cư ngụ, ngay trong mùa hè, ngài muốn sống chung với các khách trọ và chủ động gặp gỡ các hồng y, các giáo sĩ của Giáo triều, các giám mục có việc phải lưu lại đó, và kể cả các tu sĩ. Ngài cũng quan tâm đến cuộc sống của các vệ binh Thụy Sĩ đang canh gác trước căn hộ số 201 mà ngài ở : người ta kể rằng có lần, khi thấy một vệ binh đứng gác có vẻ mệt, ngài đã đề nghị anh ta ngồi xuống nghỉ ngơi…
“Giám mục” và “đoàn chiên” : những lời đầu tiên của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô trong lần xuất hiện đầu tiên trên bao lơn ngày 13-3 lúc 20 giờ 24 sau một kỳ họp Mật Tuyển viện rất nhanh chóng, đã đưa ra một cung giọng mới, bắt đầu bằng một lời chào (bonjour) mà sau đó đã trở thành đặc thù cho các phát biểu của ngài với công chúng.
QUA CÁC BÀI GIẢNG HẰNG NGÀY TẠI NHÀ THÁNH MATTA, BỘ MẶT CỦA MỘT GIÁO HỘI ĐANG ĐƯỢC HÌNH THÀNH Trong một sự tiếp nối về cơ bản với tinh thần của Đức Ratzinger, ngài đã có những lời mục tử để nói với mọi người, và làm rung động con tim họ. Dần dà qua các bài giảng hằng ngày tại nhà Thánh Matta, các buổi đọc Kinh Truyền tin, các cuộc tiếp kiến chung hay riêng, bộ mặt của một Giáo hội đang được hình thành. Là “nhà truyền giáo” hướng về các “vùng ven”, nghèo và quan tâm đến người nghèo, không là một “Tổ chức phi chính phủ”, cũng không là một “chế độ quan liêu”, cũng không là “thuế quan mục vụ”, cũng chẳng phải một “vú em”, cũng không là “thành phần ưu tuyển”, Giáo hội, theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, muốn mình là một dấu chỉ phản biện “cho thành phố và cho thế giới” (urbi et orbi). Giáo hội lên án “sự chuyên chính của thị trường và lợi nhuận”, “những hình thái nô lệ” thời hiện đại, “chủ nghĩa tiêu thụ”, Giáo hội kêu gọi một “sự bảo vệ môi trường có tính nhân bản”, luôn chống lại mọi thứ nghèo khổ, tỏ mình ra với lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Giáo hội tránh xa những lễ nghi hình thức, những tập tục lỗi thời, và phải ở giữa đoàn chiên.
Tất cả những điều đó không phải không gieo rắc một thứ hỗn loạn nào đó ở Rôma. Sự thúc bách dịu dàng đưa ra cho Hội đồng Giám mục Ý hùng mạnh (“Đông quá, phải không?”) lúc kết thúc Đại hội toàn thể của Hội đồng này, sự thanh đạm từ nay phải thực hiện trong các cuộc lễ, các ý kiến cá nhân được tô đậm một cách vụng về bởi các phương tiện truyền thông đói tin, đang tạo nên một hỗn hợp đáng ngạc nhiên đối với nhiều người. Nhiều quan sát viên ở Rôma xầm xì: “Khi nào thì Đức Giáo hoàng sẽ ra tay ?”, và tố cáo một thứ “chủ nghĩa bần cùng mị dân” nào đó.
ĐÁNG NGẠC NHIÊN, ĐỨC GIÁO HOÀNG THƯỜNG GẶP GỠ NHIỀU NGƯỜI VÀ KHÔNG CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT VÌ CHỨC VỤ, NHƯNG VẪN RẤT CÔ ĐƠN Họ đã lưu ý rằng bên cạnh việc cố tình tạo nên những luồng gió thường trực làm lay động Vatican, Đức Giáo hoàng đã duy trì bên cạnh mình hai nhân vật chủ chốt và công khai: Người phụ trách nghi lễ, Đức Giám mục Guido Marini, và người quản lý Dinh thự giáo hoàng, Đức Giám mục Goerg Ganswein. Nhân vật đầu là người luôn luôn lo việc tổ chức các cuộc lễ cho Đức Giáo hoàng. Việc đụng độ được báo trước giữa hai người, khi nhìn những sở thích kiểu cách khá cổ điển rõ rệt của Đức Marini, đã không xảy ra. Thận trọng, Đức Giáo hoàng biết phải dựa vào ngài, dù không vì thế mà bỏ qua việc xem xét kỹ vốn là bản tính của ngài. Còn về nhân vật thứ hai, vẫn luôn là thư ký cho vị giáo hoàng đã về hưu, thì những ai hiện nay trách cứ ngài, vì bảo vệ quá mức, đã góp phần làm cho Đức Bênêđictô XVI sống trong tình trạng cách biệt cuối đời, đang tự hỏi về tính lâu dài của sự hiện diện của ngài.
Đáng ngạc nhiên là tuy Đức Giáo hoàng Phanxicô thường tham khảo ý kiến người khác và không chấp nhận sự khác biệt vì chức vụ, nhưng vẫn rất cô đơn. Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, từ nay đã công khai bị mất uy tín vì cách điều hành công việc thời gian qua, vẫn còn tại vị, ngay cả có vẻ như ngài lui về phía sau thì người ta biết ngài như hiện diện khắp nơi. Giáo triều vẫn tiếp tục công việc của mình, luôn luôn chậm rãi nhưng chắc chắn, chẳng có phối hợp lớn gì với nhau, trong khi các vị đứng đầu các bộ vẫn chờ đợi quyết định về số phận của mình. Nhưng từ nay các ngài được Đức Giáo hoàng tiếp, một cách nhanh chóng và sẵn sàng, đây vốn là điều đã không còn diễn ra từ khá lâu.
Đã không có một sự bổ nhiệm nào để đánh dấu 100 ngày đầu tiên, ngoại trừ việc bổ nhiệm, được nhất trí hoan nghênh, “nhân vật số hai” mới cho Bộ Tu sĩ là Đức Giám mục Carballo (cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô).
CHÌA KHÓA CỦA VỊ GIÁO HOÀNG DÒNG TÊN CÓ THỂ TÌM THẤY TRONG CẢM NGHIỆM ĐẠO ĐỨC CỦA NGÀI Đơn độc, do đó Đức Giáo hoàng Phanxicô bị xoi mói: Cuộc tranh luận trên truyền thông mới đây về vụ “lobby gay” (về các ý kiến bênh vực cho những người đồng tính) ở Vatican, mà ngài đã gợi lên trong một cuộc tiếp kiến các tu sĩ châu Mỹ latinh. Quy chế chưa chắc chắn về các bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ sáng tại nhà Thánh Matta, vốn làm cho nhiều người toát mồ hôi lạnh, chứng minh điều đó : Đây là những lời giáo huấn hay những ý kiến cá nhân ? Chìa khóa của vị giáo hoàng Dòng Tên, trong giai đoạn chuyển tiếp và chờ đợi này, có lẽ có thể tìm thấy trong cảm nghiệm đạo đức của ngài… và trong huy hiệu của ngài, một huy hiệu cho thấy ngài thuộc về Dòng Tên. Khi còn là một tu sĩ trẻ của Dòng Tên, ngài đã được chọn làm bề trên giám tỉnh, đã nổi bật về khả năng lãnh đạo, rồi khả năng này được xác định thêm khi đứng đầu Giáo phận Buenos Aires, và sau đó là đứng đầu Hội đồng Giám mục Achentina. Và, một bề trên giám tỉnh Dòng Tên thì dành thời gian suy nghĩ trước khi quyết định, cân nhắc cặn kẽ từ thực tế chứ không từ những ý kiến nhận được, lắng nghe và tham khảo nhiều người. Mặc dù vậy các quyết định không vì thế mà có tính tập thể. Không bao giờ quyết định trong sự hối hả, dành thời gian cần thiết để không phải thay đổi ý kiến, không lẫn lộn giữa hành động và chủ nghĩa hành động (khuyến khích hành động cách tích cực để một ý tưởng giành thắng lợi), và còn phải làm sao để quyết định đưa ra chắc chắn được tuân phục, đó là những “dấu ấn” của Dòng Tên. Hoàn toàn giống như khuynh hướng tập trung vào Đức Kitô xuất hiện trong tất cả các phát biểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô, luôn luôn liên kết với ý niệm về một cuộc chiến đấu tinh thần phải tiến hành “vì sự vinh quang lớn nhất của Thiên Chúa”.
Là vị mục tử cao nhất của hôm nay và ngày mai, Đức Phanxicô cũng biết rằng các quyết định một khi được đưa ra phải được sự tôn trọng không thể thay đổi của người khác. Điều này cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến những chuyển biến về mục vụ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đưa ra thực hiện ở tầm mức Giáo hội toàn cầu, nhưng không hấp tấp cũng như không phải để chỉ có tác dụng như một báo hiệu.
Hướng Phương chuyển ngữ
|