MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm tổng hợp
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Giảng Trong Thánh Lễ Dưới Cái Nhìn Của Một Giáo Dân
Thứ Tư, Ngày 12 tháng 6-2013
BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ

Dưới cái nhìn của một giáo dân

---------------

 Phê-rô Nguyễn Tuấn Hoan

 

Bài giảng trong thánh lễ là nhiệm vụ của riêng linh mục, có thể ví như công việc của một chủ tiệc dọn bữa ăn cho thực khách; thực khách có thể không làm được các món ăn, nhưng biết thưởng thức và hưởng được những ích lợi từ những bữa tiệc ấy. Nếu người chủ tiệc thực lòng hiếu khách, biết trân trọng thực khách, hẳn ông sẽ dùng tất cả tài năng khéo léo của mình để làm cho bữa tiệc phong phú, hấp dẫn, không phải chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng của các món ăn. Ông sẽ luôn tìm cách nâng cao nghệ thuật, tìm tòi để khám phá ra những phương thức mới trong việc chế biến thực phẩm. Có như thế, những bữa tiệc sẽ luôn là niềm vui nhờ những món ăn vừa hợp khẩu vị vừa đem lại bổ ích cho mọi thực khách.

Sau đây, dưới góc độ của một “người tiêu dùng”, một “thực khách” trong những bữa tiệc, tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về những “BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ” của các linh mục. Thiết tưởng mọi người giáo dân đều có quyền góp ý về vấn đề này, còn nghe hay không là quyền của các đấng. Nói về vấn đề này thật là khó khăn và tế nhị, bởi lẽ quan điểm hay khẩu vị của mỗi thực khách thì khác nhau : người thích món gà, người lại thích món cá, người ăn nhạt, người ăn mặn;  lại có người bị dị ứng với một món ăn nào đó. Về phía các linh mục cũng có những khác biệt về kiến thức và khả năng diễn đạt, ấy là chưa nói đến những quan niệm và những thói quen mà những môi trường giáo dục (gia đình, chủng viện, tu viện)  đã ít nhiều ảnh hưởng đến những linh mục. Ngoài ra, còn một điều rất thực tế là khi một giáo dân mà lại bàn đến chuyện giảng của linh mục thì quả là múa rìu qua mắt thợ, đa số các ngài sẽ nổi sùng mà phán rằng: giáo dân có tư cách gì mà xen vào việc này, vì chỉ có linh mục mới được quyền và có khả năng giảng trong thánh lễ.

Xin thưa rằng quyền thì có nhưng khả năng thì chưa chắc, vì có rất nhiều bài giảng đầu voi đuôi chuột, nhạt nhẽo vô duyên, sử dụng văn hoá đường phố, bịa đặt những câu chuyện nhảm nhí...

Để viết bài này, ngoài những ghi nhận thực tế đã nghe hàng trăm bài giảng trong những thánh lễ, tôi dựa trên những giáo huấn chính thức của Hội Thánh trong 3 bản văn quan trọng:

-  Thánh Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II : Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) và Hiến Chế Mạc Khải ( Dei Verbum).

-  Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma (ấn bản 2005).

-  Bộ Giáo Luật 1983.

 

Sau đây là nguyên văn của những văn kiện trên:

1- Công Đồng Va-ti-ca-nô II:

a)   Hiến Chế Phụng Vụ (SC) số 35, 2 ghi: “...Tiên vàn bài giảng phải được múc lấy từ nguồn Thánh Kinh và Phụng Vụ vì là rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ hay mầu nhiệm Chúa Kitô. Mầu nhiệm này hằng hiện diện và tác động trong chúng ta...”

Số 52 cũng nói rõ: “Bài giảng dựa vào Thánh Kinh để trình bày trong suốt năm phụng vụ các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc của đời sống Kitô giáo rất đáng được coi như một phần chính của Phụng Vụ. Hơn nữa, nếu không có lý do hệ trọng thì không được bỏ giảng trong những Thánh lễ được cử hành vào ngày Chúa Nhật và lễ buộc có giáo dân tham dự”.

b)  Hiến Chế Mặc Khải (DV) số 24 và 25 cho thấy tầm quan trọng của Thánh Kinh trong bài giảng, “...Bài giảng mục vụ chiếm chỗ quan trọng trong thừa tác vụ Lời Chúa, phải được nuôi dưỡng lành mạnh và gia tăng sinh lực cách thánh thiện nhờ lời Thánh Kinh . Vì vậy Thánh Công Đồng kêu gọi các linh mục, cũng như phó tế phải gắn bó với Thánh Kinh mà chăm chỉ đọc và ân cần học hỏi, đừng huênh hoang tưởng mình đã biết đầy đủ (x.DV25).

 

2- Quy Chế Tổng Quát SLRM số 65 :”Bài diễn giảng là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu. Bài này phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh hoặc một bản văn khác thuộc phần chung hay phần riêng của thánh lễ ngày đó...”.  Số 66 nhấn mạnh đến quyền giảng trong thánh lễ chỉ “dành riêng cho linh mục hoặc đôi khi cho phó tế, nhưng không bao giờ giao cho một giáo dân”.  Quy chế cũng nhắc lại tính cách bắt buộc phải giảng trong thánh lễ Chúa Nhật và lễ buộc khi có giáo dân tham dự. Một chi tiết đáng chú ý là lời khuyên “nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian ngắn sau bài giảng”.

Sự thinh lặng này rất cần thiết, đó là sự thinh lặng thánh (x. QCTQ 45). Trong thánh lễ có một số khoảng thinh lặng thánh, nhưng ít nhà thờ tôn trọng  quy luật này, thậm chí có nơi giáo dân còn đang lên rước lễ, thì đã tranh thủ rao lịch, rao hôn phối, đọc tên những ân nhân và nêu số tiền đã đóng góp, thì quả là sai lầm, làm sao cộng đoàn có thể cầm trí để cám ơn sau rước lễ!

 

3- Giáo Luật: Bộ Giáo Luật 1983, Quyển III, điều 767,1 quy định về việc giảng trong thánh lễ như sau: “Trong những hình thức giảng thuyết, nổi bật nhất là bài giảng trong thánh lễ vì là phần chính của phụng vụ và dành riêng cho linh mục hay phó tế. Trong bài giảng ấy, phải làm sao để suốt một  năm phụng vụ có thể trình bày các mầu nhiệm đức tin và khuôn khổ đời sống Ki-tô hữu dựa vào bản văn Thánh Kinh”. Điều 768,1 cho thấy việc giảng phải nhắm đến mục đích làm vinh danh Chúa và cứu rỗi nhân loại.

          Những điều trên đây cho thấy tầm quan trọng và cần thiết của bài giảng trong thánh lễ đối với đời sống đức tin của dân Chúa, đồng thời cũng cho thấy Hội Thánh đã trao cho các linh mục một đặc quyền bất khả chuyển nhượng. Liệu các linh mục có làm trọn vẹn được chức năng đó không, có ý thức được rằng mình mang nợ với dân Chúa, một món nợ đáng giá và vinh dự. Thế mà trong thực tế đã không hiếm những linh mục chỉ giảng cho có lệ, đồng thời cũng có linh mục dùng khả năng ăn nói khéo léo của mình, khai thác lòng đạo đức bình dân để trục lợi như để bán băng, bán đĩa hoặc để quyên góp v.v..

 

          Trước khi nhận xét những bài giảng của một số linh mục,  tôi cũng muốn nói đến những quan niệm bất cập nơi người giáo dân, nhận xét này cũng chỉ tương đối thôi, nhưng khá phổ biến:

1- Sợ giảng dài.

                Đây là nỗi sợ phổ biến nhất và cũng là tâm lý bình thường. Người nói 60 phút thì thấy ít, nhưng người nghe chừng 10 phút đã thấy dài. Nhất là khi không nắm bắt được tư tưởng, ngôn ngữ mà người giảng cứ nghĩ đơn giản là thính giả đều hiểu như mình. Ấy là chưa nói đến những linh mục có giọng nói thều thào, lí nhí hoặc khó nghe mà lại thích nói dai làm người ta phát khiếp.

2-   Không quan tâm đến bài giảng.

Một số người không hề quan tâm đến chuyện giảng trong thánh lễ, khi cha bắt đầu giảng thì họ hoặc ra ngoài hoặc ngồi nói chuyện riêng. Một lần, chính tôi chứng kiến 2 cô gái ngồi bấm điện thoại chơi game trong suốt bài giảng (trên lầu nhà thờ Vườn Xoài). Một số các ông bà lớn tuổi ngồi lần chuỗi, chính tai tôi đã nghe vài ba bà nói với nhau sau một buổi nghe giảng tĩnh tâm Mùa Chay rằng:

Hôm nay cha giảng lâu quá, tôi lần được hai chuỗi mà vẫn chưa giảng xong!” Dĩ nhiên trường hợp này ít thôi. Một số bài giảng lại mang tính cách gây mê khiến cho thích giả gật gù, mơ màng.

3-    Đi lễ cho xong để khỏi áy náy.

       Một số rất đông có thói quen đứng bên ngoài nhà thờ, hoặc đứng bên kia đường, thậm chí còn xa khuất nhà thờ như một xứ ở đường CMTT thuộc hạt Chí Hoà, vào khoảng 19 giờ Chúa Nhật, người đi lễ đứng tận ngoài đường, hai người ngồi trên một xe máy, từ chỗ này đến nhà thờ xa khoảng 100mét và có tới 2 khúc quanh. Với cách “đi lễ” như thế thì làm sao nghe được Lời Chúa và bài giảng. Vào khoảng chiều tối mỗi Chúa Nhật (16 – 20giờ) cứ đi một vòng các nhà thờ chúng ta sẽ chứng kiến những cảnh “đi lễ” của dân chúng, người ta cứ thản nhiên chọn một chỗ đứng, cho dù chẳng nhìn thấy nhà thờ, nhưng chắc họ nghĩ rằng mình vẫn ở “trong vùng phủ sóng”. Còn các chủ chiên vẫn luôn tự ru ngủ mình và bằng lòng vì nhà thờ mình thu hút được nhiều bổn đạo “đi lễ”.

         Những hiện tượng trên có phải hoàn toàn do lỗi ở người giáo dân không? Câu trả lời tuỳ vào lương tâm của các đấng chủ chiên. Dụ ngôn “Con chiên lạc” trong Tin Mừng Luca 15,4-7 thật xa lạ với các chủ chiên của thế kỷ 21 này, thời nay chẳng ai dại gì để lại 99 con để mất công đi tìm một “con chiên lạc”, mà cho dù có lạc mất 50 con thì 50 con còn lại vẫn đủ xài, thậm chí một giáo xứ chỉ cần 5,10 con béo tốt cũng quá đủ, bởi vì con chiên không quan trọng bằng sữa chiên. Xin đừng vội cho là tôi nói quá đáng, tôi chỉ lấy lại tư tưởng của Thánh Âu-tinh Giám Mục trong bài giảng về các mục tử, ngài nói đến những mục tử chỉ lo nuôi mình: “...Các ngươi uống sữa, mặc đồ len, giết chiên béo tốt, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không bồi dưỡng, chiên bệnh tật không lo chữa lành....chiên mất các ngươi không đi tìm...các ngươi thống trị chúng cách tàn bạo và hà khắc..” Giờ Kinh Sách trong suốt 2 tuần 24 và 25 TN, bài đọc 2 được trích từ bài giảng của Thánh Âu-tinh Giám Mục về các mục tử thiếu trách nhiệm, chỉ biết bóc lột chiên để hưởng thụ, lại còn gây gương mù gương xấu bằng lối sống tự do quá trớn, lem nhem tình tiền, mà thời nào cũng đầy dẫy những  mục tử như thế.

 

I.                  Các linh mục đã thi hành nhiệm vụ giảng dạy như thế nào?

 

Những bản văn trên đây rất quan trọng, đó là những giáo huấn chính thức của Hội Thánh. Nó phải là kim chỉ nam cho mọi linh mục trong công việc giảng dạy, cách riêng là bài giảng trong thánh lễ. Các linh mục học quá nhiều, hiểu biết nhiều, kiến thức uyên bác, nhưng lại chẳng quan tâm đến những lời dạy trên đây của Hội Thánh.

Nếu nắm vững và thực hiện đúng những gì các Hiến Chế, Quy Chế và Giáo Luật đưa ra thì đã không có những bài giảng lạc đề, nhàm chán, rỗng tuếch.

Như vậy chẳng phải là “biết luật phạm luật” hay sao?

Dĩ nhiên không phải là tất cả, vì tôi đã từng gặp nhiều vị linh mục rất nghiêm túc, luôn chuẩn bị những bài giảng thật chu đáo, từ việc soạn bài cho đến việc giữ sự yên tĩnh trước giờ giảng, để tập trung tư tưởng và cầu nguyện. Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ,dcct là một ví dụ điển hình: ngài đã qua đời hơn 20 năm nay, nhưng ấn tượng về ngài vẫn rất rõ trong trí óc tôi, suốt mấy năm gần gũi ngài, tôi có cảm tưởng lúc nào ngài cũng chuẩn bị bài giảng, chỉ có một khoảng chừng nửa giờ sau bữa ăn trưa, thư giãn một chút bằng vài ván bida. Ngài không bao giờ tiếp khách hay chuyện trò trước giờ lễ ít là nửa giờ. Nhờ vậy những bài giảng luôn mang một sức cảm hoá thuyết phục người nghe, dù tư tưởng không uyên bác, từ ngữ không chải chuốt.

Một số vị tuy khả năng truyền đạt có giới hạn, lời giảng không lưu loát, nhưng bài giảng vẫn mang một tinh thần đạo đức, sốt sắng.

Tôi đã gặp một vài linh mục trẻ cũng có được tinh thần nghiêm túc này qua những bài giảng rất sâu sắc, nhưng số này rất ít.

          Trong thực tế, một số đông các linh mục thường mắc phải tính chủ quan và coi thường thính giả, giảng theo hứng, giảng cho có, hoặc khoe kiến thức, tôi có thể nói đến một vài trường hợp đã gặp. Đây là những dẫn chứng người thật việc thật, tuy tôi không muốn nêu tên những vị ấy ở đây.

1. Lạc đề: 

    Trong một thánh lễ vọng Phục sinh, dành cho thiếu nhi, sau bài Tin Mừng, cha chủ tế mở đầu rất long trọng:” Hôm nay Chúa Ki-tô đã sống lại, Người làm chủ sự sống, như vậy sự sống có một giá trị vô cùng, vì thế chúng ta phải quý trọng sự sống, ngày nay có nhiều người đã coi thường sự sống của mình và của người khác, cha muốn nói đến tội phá thai...” thế là vị linh mục này nói về vấn đề phá thai trong suốt bài giảng, quên mất thính giả là các em thiếu nhi!

 

2. Những kiểu nhập đề vô duyên, nhàm chán.

   Một linh mục nọ, luôn mở đầu bài giảng bằng một câu của ns Trịnh Công Sơn: “một cõi đi về...” nội dung bài giảng thì mông lung, không có điểm dừng, chẳng biết đi về cõi nào, lại còn nói một cách tự phụ rằng “tôi chẳng bao giờ soạn bài, chỉ nói theo cảm hứng, nói bao giờ hết ý thì mới ngưng”! thật đáng sợ khi gặp linh mục này.

    Chúa Nhật X Thường Niên vừa qua (8-6-2008), người nhà tôi đi lễ về kể lại một kiểu nhập đề bài giảng thật vô duyên và nhảm nhí, sau khi nghe bài Tin Mừng, cộng đoàn vừa ngồi xuống thì linh mục này nhe răng ra cười và hỏi :”Hôm qua đội nào thắng? ”. Dĩ nhiên là không ai trả lời, sau đó ông suy diễn rằng mỗi lần đến mùa bóng đá là có rất nhiều người bệnh, nhất là nhức đầu do thức đêm để xem truyền hình. Nói đã một hồi ông mới đi được đến kết luận là: người đau ốm phải cần đến thấy thuốc, chả là vì bài Tin Mừng  hôm ấy là Mt 9,9-13, đồng thời trong thời điểm đó đang có những trận bóng đá . Có cần phải nói vòng vo nhảm nhí như thế không? Hẳn điều đó sẽ làm cho cộng đoàn mất tập trung. Chỉ cần nói cách đơn sơ rằng:“ai trong chúng ta đã chẳng có ít là một lần phải đi bác sĩ, đi bệnh viện...” là có thể dễ dàng đi vào bài giảng, nhưng chỉ vì cha muốn tỏ ra mình là người biết hội nhập với sinh hoạt nhân gian, tỏ ra chịu chơi, biết quan tâm đến văn hoá thể thao.

 

3. Những bài giảng ra ngoài Lời Chúa.

    Giáo huấn của Hội Thánh là bài giảng phải dựa vào Thánh Kinh, đặc biệt là bài Tin Mừng của chính ngày lễ, thế mà một thời gian khá dài, tôi và đứa con trai dự lễ tại một nhà thờ X mỗi chiều Chúa Nhật, do một cha đã từng du học và đang là giáo sư ..., từ đầu đến cuối chỉ là những câu chuyện bên tây bên tàu, những khám phá của khoa học, về sinh vật cũng như vũ trụ. Hoạ hiếm lắm thì nhắc qua một chút về bài Tin Mừng vào cuối bài giảng. Đây cũng là bệnh chung của nhiều linh mục, muốn tỏ ra mình thông thái, biết nhiều chuyện. Trong bài giảng nếu cần kể chuyện để minh hoạ thì phải biết nên kể lúc nào, điều quan trọng là phải biết tìm ra điểm móc nối giữa câu chuyện và bài giảng. Đây là một nghệ thuật, không phải ai cũng làm được.

Tôi còn nhớ mãi trong thánh lễ rửa tội cho một số anh chị em dự tòng tại một giáo xứ gần xứ đạo tôi, một linh mục trẻ mở đầu bài giảng là câu chuyện lịch sử nói về cuộc chiến thắng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ với mọi tình tiết từ thời gian đến không gian, rồi những pha tấn công làm sao, chia làm mấy ngả, chiếm được những thành nào v.v..chi tiết cuối  cùng là  trong đêm ấy, vua không ngủ được nên đi dạo quanh trại và thấy một anh lính ngủ gật bèn gọi anh ta đến hỏi tên là gì, không ngờ tên anh ta lại trùng với tên nhà vua: “Nguyễn Huệ”. Nhà vua mới nói với anh lính ấy rằng: “Ta tha cho ngươi, nhưng với điều kiện ngươi hoặc phải đổi tên khác hoặc phải đổi cách sống”. Và cha ấy kết thúc bài giảng với một câu: “Hôm nay anh chị em được rửa tội để trở nên Ki-tô hữu, nghĩa là người có Chúa Ki-tô, anh chị em phải thay đổi cách sống”. Thật đáng buồn cho một bài giảng khoảng 20 phút thì câu chuyện minh hoạ lại mất tới 15 phút với những chi tiết không cần thiết, cũng chẳng đem lại một bài học nào cụ thể. Ngay cả chữ “hữu” trong danh từ Ki-tô hữu cha cũng giải thích sai, “hữu” ở đây là bạn hữu, là thuộc về, ...chứ đâu phải là có. Còn lời khuyên thay đổi cách sống thì lại càng mơ hồ.

          Nếu kể hết những bài giảng quái gở mà tôi từng nghe thì phải cả trăm trang giấy. Viết bài này tôi chỉ muốn cho thấy tình trạng giảng bừa bãi của các linh mục cần phải chấn chỉnh lại, phải nghĩ đến ích lợi của dân Chúa, linh mục phải biết giảng, nghĩa là bài giảng phải đem lại ích lợi, giúp dân hiểu Lời Chúa và sống bác ái với nhau. Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, nói rằng: “Linh mục mà không biết giảng thì có khác gì người loan tin mà lại câm”.(KS, tuần XXVII,CN, bài đọc 2).

 

 

II.              Bài giảng và đời sống của các linh mục.

 

     Những bài giảng có sức thuyết phục, có sức cảm hoá con người là những bài giảng phản ảnh cuộc sống của chính người giảng, xuất phát từ tâm hồn đầy tràn ơn Chúa. Thánh Kinh cho ta nhiều gương mẫu: Gio-an Tẩy giả với giọng đanh thép, không mỵ dân, nhưng khiêm tốn nên đã đem lại kết quả (x.Lc 3,3-18), Th. Phê-rô với bài giảng đã cảm hoá bao nhiêu người tại Giê-ru-sa-lem (x. Cv 2,14-41). Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, biết bao nhiêu vị Thánh đã để lại những bài giảng đầy sức sống, đã được phụng vụ chọn làm bài đọc 2 trong giờ Kinh Sách, các linh mục đọc hằng ngày, nhưng được mấy người thấm nhuần những tư tưởng này, có chăng chỉ đọc cho xong để khỏi lỗi luật. Nếu các ngài để cho ngôn ngữ của Thánh Vịnh cũng như của các bài đọc Giờ Kinh Sách thấm vào tư tưởng, tâm trí thì chắc chắn bài giảng trong thánh lễ sẽ có hiệu quả rất nhiều. Thế nhưng, các linh mục, nhất là những người trẻ thường tìm đến những loại sách soạn sẵn, hoặc lấy từ trên mạng, rồi cứ theo đó giảng như một cái máy. Những sách bài giảng soạn sẵn theo kiểu “mì ăn liền” bày bán khắp nơi. Chính vì vậy 2 người đi lễ ở 2 nhà thờ khác nhau có thể nghe cùng một bài giảng không sai một chữ. Tệ hơn nữa là cứ thích trưng dẫn tác phẩm này, tác phẩm kia, phim này phim kia, như thể Thánh Kinh không đủ sức thuyết phục. Đối với các linh mục này bài giảng được múc từ nguồn sách báo phim ảnh, là điểm tựa của bài giảng.

          Giữa bài giảng và đời sống của người linh mục có một khoảng cách quá lớn, chính điều này đã làm cho nhiều người không muốn nghe giảng hoặc không tin vào những bài giảng, dù người ta vẫn biết đến câu Chúa Giê-su dạy: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những  việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3). Người giáo dân không đòi hỏi linh mục phải là những siêu nhân, những ông thánh, hoặc tài cao học rộng hơn ngưởi. Nhưng luôn coi linh mục là điểm tựa tinh thần, là nơi chứa đựng ơn thánh (x.2Cr 4,7). Trong thực tế nhiều linh mục giảng thì hay ( “hay” ở đây không phải do nội dung bài giảng mà là nhờ ăn nói lưu loát, tạo bầu khí vui nhộn, kể chuyện tiếu lâm gây cười), nhưng sống giả tạo, thiếu nhân bản, coi rẻ người khác...Một giáo dân đang hoạt động rất tốt trong giáo phận kể lại với tôi rẳng, trong bữa tiệc tất niên cuối năm vừa qua tại một trung tâm nọ, anh ngồi chung bàn với một số linh mục, trong bữa ăn có người đề cập đến lá thư tôi góp ý với cha xứ An Lạc (xin xem trong http://prhoanal.co.cc), một linh mục đã nói một câu làm anh nghĩ ngợi, anh bảo không ngờ một linh mục lại thốt lên câu nói này, với những từ ngữ khó nghe: “ôi! cái thằng H. cà chớn, nó muốn làm linh mục mà không được nên vỡ mộng rồi nói bậy bạ, phê bình các linh mục, nó học được một tý rồi tưởng mình ....” cách nói này đúng là của hạng người thiếu văn hoá và hồ đồ. Tôi chẳng ngạc nhiên, cũng chẳng tức giận, một phần vì tôi chẳng là gì cả, ai muốn gọi là thằng là nó cũng chẳng sao, một phần tôi biết nhiều về linh mục này, chỉ có cái vỏ bọc thôi, cũng giống như những kinh sư và biệt phái đã bị Chúa Giê-su khiển trách:

“Khốn cho các ngươi những kẻ giả hình, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế..bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ,  nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” ( Mt 23,27-28). Tôi cũng kể cho anh ấy nghe là tôi đã được một chị giáo lý viên nói rằng có mấy em sinh viên nữ thường xuyên đi nghe cha này giảng, cách giảng rất thu hút giới trẻ, nhờ khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ, nên các em rất thích cha này và coi như thần tượng. Thế rồi,

nhân ngày sinh nhật của một em, cha được mời dự, nhưng bận đi giảng nên đến trễ, lại phải tìm mãi mới tới nơi, cha không kềm hãm được nên đã bộc lộ bản chất thật khi xổ ra một tràng những tiếng lạ (đm) làm các em vô cùng ngạc nhiên, đây mới thực sự là vỡ mộng, thần tượng sụp đổ. Từ đó các em “bái bai” cha luôn. Linh mục này hiện nay rất đắt hàng nhờ lối giảng mỵ dân, biết khai thác những cái khác thường trong cuộc sống, nên được nhiều nơi mướn về giảng cho giới trẻ. Một số người nói rằng bất đắc dĩ mới đi lễ này vì có nhiều cảnh giống như nhà sinh hoạt văn hoá, rất chia trí. Nghe nói cha thường khoe đã từng du học bên Phi...châu!

          Một trường hợp khác do chị Tr, một nhạc sĩ công giáo kể rằng: Trong một dịp đi dự thánh lễ... tại một giáo xứ...ở vùng Gia Kiệm, sau thánh lễ có bữa tiệc mừng. Cha xứ uống rất nhiều và nói năng lung tung, lại còn cố ép một thanh niên cùng bàn phải uống, anh này cương quyết khước từ, chị Tr. nói với cha xứ đừng ép anh ấy, vì anh ấy là tài xế, nhưng cha vẫn cứ ép lại còn văng tục và đánh vào đầu anh ta khiến anh này phải bỏ ra ngoài. Điều đáng nói là anh tài xế này là người ngoại, chị Tr. phải đích thân ra nói với anh tài xế này: “ anh ơi, tôi xin thay mặt cho những người công giáo xin lỗi anh, xin anh thông cảm vì cha của chúng tôi uống hơi nhiều nên làm phiền anh, mong anh cũng đừng buồn.” ....Những lối sống và cách hành xử như thế thì dù bài giảng có hay đến mấy đi nữa cũng chỉ là những tiếng thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng (x. 1Cr 13,1) hoặc như những con vẹt.

          Đời sống của các linh mục ảnh hưởng rất nhiều đến bài giảng bởi vì “phận sự của các ngài không phải là giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy lời Chúa (PO 4) . Nhưng làm sao giảng dạy lời Chúa nếu chính các linh mục đã không sống lời Chúa! Các ngài giảng dạy người ta sống khiêm tốn, nhưng chính các ngài sống hách dịch, học thói quan liêu. Các ngài dạy người ta sống khó nghèo mà bản thân lại hưởng thụ những tiện nghi vật chất như những đại gia, dĩ nhiên các ngài luôn có hàng trăm lý do để lý giải cho cách sống của mình.                              

          Nếu như được phép có ý kiến thì tôi đề nghị bắt buộc những chủng sinh trước khi lãnh sứ vụ linh mục phải học thuộc lòng “Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục”, để ít ra trong đầu óc của các linh mục còn đọng lại một chút những lời dạy dỗ của Hội Thánh mà sống cho xứng với phẩm chức cao quý của mình.

          Một điều đáng tiếc nữa là các đấng có thẩm quyền lại giữ thái độ im lặng như thể đồng loã với những sai lạc của các linh mục, dù đích thân biết rõ hay được người khác lên tiếng góp ý, thái độ bao che hay làm ngơ quả là đáng trách.

Tôi xin trích lời cùa thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng: “Khi thinh lặng, người lãnh đạo phải khôn ngoan, khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích, để khỏi nói ra khi cần giữ kín, hay không làm thinh khi cần lên tiếng. Một lời nói thiếu thận trọng lôi kéo người ta vào con đường lầm lạc. Cũng vậy sự thinh lặng thiếu khôn ngoan khiến người ta tiếp tục sống trong lầm lạc mà lẽ ra họ có thể được soi sáng. Thật thế, nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời, nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật...Đối với người mục tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi, há chẳng phải là quay lưng bỏ trốn hay sao?(KS, CN 27 TN, bài đọc 2).

          Nói lên những điều này lại có kẻ bảo tôi xúc phạm đến các đấng, họ thường có một quan niệm rất sai lầm, cho rằng các linh mục có “chức thánh”, là người của Chúa, các ngài có làm điều gì sai cũng không được phê phán, “không được đụng đến”,  giống như cây trái cấm trong vườn địa đàng vậy, nói động đến “các cha” là có tội. Thế thì tôi xin đặt vấn đề thế này: một số khá nhiều các linh mục vì lý do này khác đã hồi tục, lấy vợ sinh con, xin hỏi “chức thánh” có còn không? Một em học lớp xưng tội cũng trả lời được là:  còn, bởi vì đó là 1 trong 3 bí tích in dấu thiêng liêng trong linh hồn chẳng hề mất được, như thế những linh mục dù đang sống đời gia đình vẫn mang “chức thánh” chứ ! vậy cũng nên dành cho họ một sự tôn trọng mới phải chứ? Thực tế, họ vẫn bị lên án, bị coi thường, nhiều người có những lời lẽ rất thô bạo, thiếu bác ái, ngay cả cùng giới linh mục với nhau, nhưng mọi người đều xem đó là chuyện bình thường, chẳng có gì là xúc phạm. Thế thì sự khác biệt là ở chỗ nào, giữa một linh mục dám công khai đón nhận cuộc sống gia đình cho dù phải trả giá đắt, phải mất hết những hào quang giả tạo và một linh mục kéo lê cuộc đời với những hiện tượng bù trừ do bị dồn nén, ức chế và tệ hơn nữa còn có thể “ ăn vụng”, nhưng vẫn luôn tạo một vẻ đạo mạo trang trọng, giữ chức vụ này chức vụ kia để nhận những lời tung hô tán tụng của người đời. Vì vậy chưa chắc ai giá trị hơn ai. Vả lại góp ý là điều cần thiết và nên làm, không thể gọi là xúc phạm. Tôi luôn xác tín việc làm của mình là đúng.

          Đọc lịch sử Giáo Hội, ta sẽ thấy, những lúc GH bị mất hết những quyền lợi thế tục, khó khăn tư bề lại là lúc GH thể hiện bản chất đích thực của mình: sống hết mình với nhau thể hiện tình bác ái huynh đệ, thái độ cha chú, giáo sĩ trị hầu như biến mất, tất cả đùm bọc nhau để cùng tồn tại, cùng nhau làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa. Nhưng trong một hoàn cảnh thuận tiện, Giáo Hội được  nhiều quyền lợi, được tự do phát triển mọi mặt thì lại là lúc GH sống theo tinh thần thế tục: tự gắn cho mình những hào quang, tâng bốc nhau, phát triển không ngừng về hình thức, tổ chức hội hè đình đám, phong trào này phong trào kia. Những phong trào tự nó rất tốt, đôi khi được cả Đức Giáo Hoàng cổ vũ, thế nhưng có người lợi dụng để gây ảnh hưởng cho mình, hoặc để trục lợi một cách khôn khéo.

Ai cũng muốn độc quyền, rồi tìm cách hạ bệ nhau. Thấy những sự tranh dành ảnh hưởng và tìm chức vị trong Giáo Hội, tôi chợt nhớ đến  hình ảnh “rổ cua mà cha Nguyễn Công Đoan diễn tả trong bài “Người đến đây làm gì” đăng trong tạp chí Đứng Dậy số Giáng Sinh 1979.

Sau khi sa ngã, tội con người gia tăng và biến cố “Tháp Babel” là đỉnh cao của tội kiêu ngạo, và hậu quả là loài người chia rẽ nhau, mà nếu có quy tụ lại thì cũng là để tranh dành nhau; ai cũng cho mình là hay là đúng, ai cũng dành quyền lợi và cố kiếm chác một chức vị nào đó. Rồi tìm cách hạ nhau, như những con cua trong cái rổ, con này vừa ngóc lên liền bị con khác dùng càng kéo xuống, cứ như vậy tạo nên một cảnh hỗn độn.

         

Kết luận:

          Những suy nghĩ trên đây hẳn sẽ gây khó chịu cho nhiều đấng, nhưng tôi không thể không nói, bởi vì trong những giao tiếp hằng ngày, cũng như những lần đi dự thánh lễ, tôi nghe rất nhiều người than phiền về những bài giảng dài lê thê mà ý tưởng chẳng có gì. Dân chúng ngán ngẩm nhưng đành chịu, tệ hơn nữa là khi nghe dân phản ảnh cha giảng dài quá, thì có linh mục lại giảng dài hơn như để thách thức và cũng tỏ cho dân thấy quyền của mình không ai làm gì được, có cha lại lý sự cùn rằng: “giảng dài mà người ta còn chẳng nghe huống hồ là giảng ngắn”. Đôi khi ngồi nghe những bài giảng nghèo nàn vụng về, nhưng vị linh mục cứ vung tay, gào thét trên toà giảng tôi chỉ biết mỉm cười với  người ngồi bên cạnh và tưởng tượng trước mắt mình một “anh hùng độc cô cầu bại”, hay một hiệp sĩ múa gậy vườn hoang không đối thủ. Lại còn có vị linh mục đứng trên toà giảng nhưng cứ tưởng mình đang cuốc đất, nên thỉnh thoảng lại rút khăn tay ra lau mồ hôi để tỏ ra mình đang vất vả, lao lực cho đoàn chiên, chắc ngài muốn  làm thế để cho các bà vê-rô-ni-ca trông thấy mà cảm động, thương cha nhiều hơn.

          Điều mong ước của tôi cũng như của nhiều người khác là các linh mục nên chuẩn bị bài giảng chu đáo, phải mang tính giáo dục đức tin, phải giúp dân tiếp cận với Thánh Kinh, đặc biệt là các sách Tin Mừng. Cũng đừng giảng quá dài, nhất là ai không quen ứng khẩu thì tốt nhất nên soạn ra giấy, đừng tự ái mà tỏ ra mình thông thái. Trong bài giảng nếu cần có câu chuyện để minh hoạ thì chỉ nên kể những nét chính, nhưng không nên kể nhiều chuyện trong một bài giảng, tối đa là 2 câu chuyện và cũng nên tìm những chuyện tương đối thực tế, có tính minh hoạ cao chứ đừng bịa những câu chuyện hoang đường. Chỉ mong các linh mục đừng quá coi trọng cái tôi của mình, hãy đặt ích lợi của dân Chúa trên hết. Mong thay!

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
10 Điều Suy Ngẫm (8/7/2013)
Suy Ngẫm (7/17/2013)
Tất Cả Đều Là Vô Thường (6/26/2013)
Niềm Tin Của Hai Cha Con (6/19/2013)
Chúc Mừng Từ Phụ (6/15/2013)
Tin/Bài cùng ngày
Diễn Nghĩa Một Bài Phúc Âm : Day Dứt - Tiếc Nuối – Suy Tư - Ước Ao. (6/12/2013)
Làm Thế Nào Để Bài Giảng Sống Động Hơn? (6/12/2013)
Tin/Bài khác
Phu Phụ Hòa Gia Đạo Thịnh (5/16/2013)
Tại Sao Người Công Giáo Cầu Nguyện Với Các Thánh ? (5/15/2013)
Mẹ Đón Con Về (5/15/2013)
Những Truyện Ngắn Về Mẹ (5/13/2013)
Thư Của Mẹ (5/12/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768