Chạnh lòng thương – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)
Mỗi người chúng
ta đã từng nghe, từng nói những câu mời gọi
sống tình liên đới và chia sẻ bác ái với nhau
trong tình làng nghĩa xóm như: "Lá
lành đùm lá rách", hay "Nhiễu
điều phủ lấy giá gương - Người
trong một nước phải thương nhau cùng".
Sự liên đới đồng cảm với
nhau trong tình thần "Tứ
hải giai huynh đệ" để có thể "thương người
như thể thương thân". Đó là những
lời răn dạy của tổ tiên, là khuôn vàng thước
ngọc cho đời sống của người dân Việt
chúng ta. Một dân tộc đặt chữ
tình lên trên mọi mối quan hệ giữa người với
người để có thể "tối
lửa tắt đèn có nhau". Thế
nhưng, có mấy ai đã thực sự sống điều
đó? Có mấy ai đã thực sự sống
đùm bọc lẫn nhau? Tại sao một
nền văn hóa tương thân tương ái của dân tộc
Việt Nam mà lại có sự chênh lệch giầu nghèo quá lớn
như ngày hôm nay? Ở giữa những phồn hoa của
nền kinh tế thị trường hôm nay vẫn còn
đó những mảnh đời đói rách bần cùng, kiếm
ăn từng bữa, đôi khi cũng chỉ được
bữa cơm, bữa cháo! Ngày nay khi xã hội
thay đổi, cuộc sống người dân ngày càng ấm
no, hạnh phúc. Thì ở đâu đó rất
gần chúng ta vẫn còn có những mảnh đời lạnh
giá cả về thể xác lẫn tâm hồn. Họ là những người vô gia cư bị xã
hội đẩy ra bên lề xã hội. Họ là những
em bé bị bỏ rơi, bị lợi dụng đang
ăn xin, bán vé số, lượm ve chai.
Họ là những người tật nguyền không có tiền
để đến bệnh viện đành chấp nhận
sống lây lất qua ngày ... Họ là những con người
nghèo đang chờ từng hạt cơm rơi hay từng
nghĩa cử bác ái của chúng ta.
Song le, cái
đói, cái nghèo không chỉ đến với một vài cá
nhân nhưng đôi khi cũng bám vào cả một làng, một
xã. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam,
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, có một
ngôi làng mà cư dân phải đối mặt với nạn
đói quanh năm. Đó là làng Trung Chánh, xã Lộc
Điền, huyện Phú Lộc, một ngôi làng không ruộng,
không vườn, ăn không đủ no, trẻ con không
được đến trường. Báo
Nông Nghiệp ghi nhận về tình cảnh khốn khổ
của dân làng này qua đoạn ký sự như sau.
Làng Trung Chánh nằm sát đầm Cầu Hai, phá Tam
Giang. Cuộc sống ở đây chỉ theo
đuổi con tôm, con cá ở đầm. Khi hoàng hôn bắt
đầu buông xuống, cả thôn từ già đến trẻ
lại kéo nhau "gieo mình" xuống đầm, xuống
biển mưu sinh. Cứ như vậy, người và
lưới rong ruổi khắp các con đầm, kênh, lạch
và ra tận biển từ đêm đến sáng hôm sau. Trong
làng chỉ còn lại những người già yếu và trẻ
con 3-4 tuổi trong những căn nhà lụp xụp, xiêu xẹo,
dột nát.
Làng Trung Chánh 6 giờ sáng, khi những "chuyến
đò đêm" trở vào bờ. Cả thôn náo nhiệt tiếng
í ới gọi nhau, đàn ông xả lưới, đàn bà
quảy hàng đi chợ, trẻ con hò nhau phụ giúp bố
mẹ nhặt từng con tôm, con tép còn
sót lại. Đã từ lâu dân Trung Chánh hình thành nên thói quen bất
đắc dĩ là mỗi ngày chỉ ăn một bữa
cơm: "Cả thôn này không có bữa cơm trưa, bữa
tối, thường thì chỉ ăn "bữa cơm
chính" vào lúc 8-9 giờ sáng, rồi sau đó cả làng
cùng đi ngủ, đến tối lại đi làm" một
người dân tên Hạnh tâm sự như thế.
Và cái tên "làng đói" cũng ra đời
từ đó. Buổi trưa, cả thôn không có lấy
một nhà nổi lửa. Không gian đìu hiu, chỉ có bóng
dáng những đứa trẻ con đầu tóc vàng hoe vì nắng,
vì gió tụ tập quanh những bóng tre. Chúng vẫn
chưa đến tuổi làm nghề nên vẫn còn
được chơi đùa thoả thích. Còn cha, mẹ,
anh chị của chúng đã tranh thủ ngủ lấy lại
sức sau một đêm dài thức trằng trên đầm,
trên phá.
Cũng theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, khi kể về
chuyện nợ của người dân trong thôn, cư dân
Mai Thị Gái chua xót nói với phóng viên "Chú không tin cứ
đi hỏi mười người trong thôn này thì có đến...
mười một người mắc nợ. Khổ lắm chú ơi. Hồi trước
còn có cơm mà ăn, nhưng mấy tháng nay, nhiều gia
đình đã chuyển sang...ăn
cháo".
Xem ra làng Trung Chánh đang thiếu một tấm bánh
được chia sẻ, được trao ban cho họ.
Đất nước chúng ta đang ngày một
giầu có vật chất nhưng lại nghèo tấm lòng.
Nghèo đến mức chỉ tìm kiếm của
cải cho mình mà vẫn chưa bao giờ thỏa mãn. Nghèo đến mức chẳng nghĩ rằng
mình có khả năng cho đi. Nghèo đến
mức chỉ nghĩ vun quén cho bản thân mà quên rằng
mình còn có bổn phận chia sẻ cho anh em trong tình liên
đới anh em một nhà. Cái đói, cái nghèo lận
vào cuộc đời người dân làng Trung Chánh vì không
được sự quan tâm của cộng đồng xã
hội. Nếu "một con ngựa đau
cả tàu bỏ cỏ" thì cả một làng đói khổ
sao cả một dân tộc không chạnh lòng với những
đói khổ của anh em mình?
Hôm nay lễ
Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta nhìn lên tình yêu của
Chúa. Chúa đã trao ban chính sự sống của mình cho
thế gian được sống. Chúa còn trao ban cả Máu
Thịt Ngài để trở nên của ăn
của uống cho chúng ta. Có người cho rằng
bánh và rượu làm sao trở nên Thịt và Máu của Chúa
Giê-su được. Thực ra, chúng ta ăn
bánh và rượu vẫn biến đổi thành thịt và
máu của chúng ta thì Chúa Giê-su cũng có thể biến bánh
và rượu trở nên Máu Thịt Ngài. Điều quan yếu
không dừng lại ở việc bánh và rượu trở
nên Máu Thịt Ngài mà hệ tại ở việc Ngài trao ban
chính sự sống đó cho chúng ta. Để "ai ăn bánh này sẽ không chết muôn đời".
Như vậy, bánh và rượu trở nên Mình và Máu thì dễ,
điều quan yếu là chúng ta có dám trao ban chính sự sống
đó cho tha nhân hay không?
Nguyện xin
Mình và Máu Thánh Chúa cũng biến đổi chúng ta trở
nên giống Chúa. Giống Chúa ở trái tim
biết chạnh lòng thương xót trước những
khổ đau của anh em. Giống Chúa ở tấm lòng sẵn
sàng làm bất cứ điều gì để vơi đi nỗi
khổ của anh em trong tình liên đới chân thành. Giống Chúa ở việc cũng trở thành tấm
bánh được sẻ chia cho tha nhân được sống
hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho những
ước nguyện cao dẹp của chúng ta để mỗi
cuộc đời chúng ta thực sự là tấm bánh
đem lại cho nhân thế sự no thỏa và niềm vui,
hạnh phúc. Amen.
|