“Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
là mầu nhiệm chính yếu của đức tin
Kitô giáo cũng như của đời sống Kitô giáo. Đó là
nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm đức tin khác, là ánh sáng để soi sáng các
mầu nhiệm ấy. Đó là giáo huấn nồng cốt nhất và thiết yếu nhất trong ‘phẩm trật
các chân lý của đức tin’ (Hướng Dẫn Giáo Lý
Tổng Quan, 43). Toàn thể lịch sử cứu độ cũng là lịch sử về đường lối và các phương
tiện được Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần sử dụng
để tỏ mình ra cho con người ‘và hòa giải cùng hiệp nhất với Ngài những ai từ
bỏ tội lỗi’ (Hướng Dẫn Giáo Lý
Tổng Quan, 47)”.
Mầu nhiệm này cũng đã được Thánh Giáo Phụ Anathasius dẫn
giải như sau:
“Một Thiên Chúa là Đấng ở trên (above) tất cả mọi sự, qua (through)
tất cả mọi sự và trong (in) tất cả mọi sự. Thiên Chúa ở trên tất cả mọi
sự như Cha, vì Ngài là nguyên lý và là nguồn mạch;
Ngài ở qua tất cả mọi sự nơi
Ngôi Lời; và Ngài ở trong tất cả mọi sự
nơi Thánh Linh. Khi viết cho tín hữu Corintô về các vấn đề thiêng liêng,
Thánh Phaolô đã qui tất cả mọi thực tại về cho một Thiên Chúa là Cha mà nói
rằng: 'Vậy có nhiều tặng ân khác nhau nhưng
cùng một Thần Linh; có nhiều tác vụ nhưng cùng một Chúa; và có nhiều hoạt
động nhưng cùng một Thiên Chúa là Đấng thực hiện mọi sự trong mọi
người' (1Cor. 12:4-6)... Đâu có ánh sáng thì ở đó
cũng có hào quang; và ở đâu có hào quang thì ở đó cũng có năng lực của nó và
ân sủng rạng ngời của nó. Đó cũng là giáo huấn của Thánh Phaolô
trong bức thư thứ hai của ngài gửi tín hữu Côrintô: 'Nguyện xin
ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và tình yêu của Thiên
Chúa và ơn thông hiệp của Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị
em' (2Cor.13:13)" (Ep. 1 as Serapionem 28-30: PG 26,
594-595,599).
Dù Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã minh định
rằng: "Ba Ngôi là một mầu nhiệm đức tin theo nghĩa chặt, một trong 'những
mầu nhiệm được kín mật trong Thiên Chúa, không thể nào biết được trừ phi Thiên
Chúa tỏ ra' (Dei Filius, 4: DS 3015)", trí khôn con người vẫn cố gắng tìm
cách tìm hiểu một phần nào đó ý nghĩa vô cùng sâu nhiệm của thực tại thần linh
liên quan đến sự sống thần linh của con người này.
Thật vậy, nếu "Thiên
Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) thì Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi
hay Ba Ngôi Thiên Chúa có thể hiểu được một phần nào như thế này: Chúa Cha là chính Ánh Sáng, Chúa Con
cũng là Ánh Sáng mà là Ánh Sáng chiếu soi (tức là tất cả mạc
khải thần linh của Thiên Chúa), và Thánh Linh
cũng là Ánh Sáng mà là Ánh Sáng nung nấu (như trong trường hợp
2 môn đệ đi Emmau cảm thấy "lòng mình nóng lên" khi nghe lời của Chúa Kitô
phục sinh - Luca 24:32). Cũng căn cứ vào câu định nghĩa "Thiên Chúa là Ánh
Sáng" này, Mầu Nhiệm Ba Ngôi có thể hiểu như sau:
Ngôi Cha là Ánh
Sáng Thần Linh - vì "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24);
Ngôi Con là "Ánh
Sáng Chân Thực" (Gioan 1:5) - vì Ngôi Con là "ánh
sáng bởi ánh sáng" (Kinh Tin Kính), "là phản ảnh vinh quang của Cha" (Do
Thái 1:3), "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9);
Ngôi Ba là "Ánh Sáng
Sự Sống" (Gioan 8:12) - vì Ngài "là Đấng ban sự sống"
(Kinh Tin Kính), là "quyền năng của Đấng Tối Cao" (Luca 1:35), "quyền
năng từ trên cao" (Luca 24:49).
Về phương diện ngoại tại hay đối ngoại, Ba
Ngôi Thiên Chúa đã âm thầm tỏ mình ra đầu tiên nơi Mầu Nhiệm Tạo
Dựng cũng như nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, như chúng ta thấy được qua mạc
khải Thánh Kinh.
Ba Ngôi Thiên
Chúa nơi Mầu Nhiệm Tạo
Dựng, như được Sách Khởi Nguyên thuật lại: Chúa
Cha là "Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (1:1), Thánh Linh qua hình
ảnh "một cơn gió mạnh thổi trên các nguồn nước" (1:2), và
Ngôi Lời được thể hiện qua những lời Thiên Chúa trong 6
ngày tạo dựng.
Ba Ngôi Thiên
Chúa nơi Mầu Nhiệm
Nhập Thể, như được Phúc Âm Thánh Luca thuật
lại trong Biến Cố Truyền Tin liên quan đến bản thân của Mẹ
Maria, thứ tự như sau: Chúa Cha - "Thiên Chúa ở cùng người" (1:28);
Chúa Con - "Người sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai và đặt tên cho con trẻ
là Giêsu" (1:30); Thánh Linh: "Thánh Linh sẽ xuống trên người..." (1:35). Cả
Ba Ngôi - "Quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ người; bởi thế con trẻ thánh
được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (1:35).
Trong kinh nguyện, ngoài Kinh Sáng Danh và
Lời Nguyện Làm Dấu Thánh Giá, Kitô hữu chúng ta còn thấy Mầu Nhiệm Ba
Ngôi ngấm ngầm cả ở nơi Kinh Lạy Cha hay nơi Lời Nguyện kết thúc Chuỗi Thương
Xót.
Mầu Nhiệm Ba
Ngôi nơi Kinh Lạy Cha: "Chúng con nguyện Danh Cha cả
sáng" là ước nguyện đầu tiên liên quan trực tiếp đến Ngôi Cha, Đấng đã tỏ danh
của mình ra cho Moisen trong bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (Xem Ex
3:13-14); "Nước Cha trị đến" là ước nguyện thứ hai liên quan tới Chúa Con
là Đấng "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) để thiết lập Vương Quốc
của Thiên Chúa trên trần gian bằng cuộc Vượt Qua của mình; "Ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời" là ước nguyện thứ ba liên quan đến Thánh Linh "vì
Thần Linh chuyển cầu cho các thánh như chính Thiên Chúa muốn" (Rm 8:27).
Mầu Nhiệm Ba
Ngôi nơi Lời Nguyện kết thúc Chuỗi Thương Xót: "Lạy Thiên
Chúa thánh - holy God" - ám chỉ Chúa Cha; "Đấng Quyền Năng thánh - holy
Minghty One" - ám chỉ Thánh Linh; "Đấng Bất Tử thánh - holy Immortal One" - ám
chỉ Chúa Kitô Phục Sinh.
"Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Amen"
TĐCTT cao tấn
tĩnh
|