BÁNH HẰNG SỐNG (LỄ
MTC.C)
(Stk 14, 18-20; 1Cor 11, 23-26; Lc
9, 11b-17).
Ông tổ Abraham đi cứu người cháu là
ông Lot bị bắt giữ, khoảng 1850 năm trước khi Chúa Giêsu giáng trần. Trên
đường trở về đi qua Salem, ông Abraham đã gặp ông Melchizedek vừa là vua và là
tư tế. Melkizedek đã dâng bánh và rượu cho Abraham. Bánh và rượu là biểu tượng
của Bí tích Thánh Thể sau này được hiến dâng bởi tư tế theo dòng Melkizedek:
Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của
Thiên Chúa Tối Cao (Stk 14, 18). Từ thuở xa xưa, con người đã biết biến
chế hạt miến, hạt mì thành bánh và ép những trái nho ủ lên men thành rượu. Đây
là một tiến trình hòa lẫn biến đổi bánh rượu thật tuyệt vời. Tất cả mọi loài
vật khác trên địa cầu đều ăn tươi nuốt sống theo luật tự nhiên. Riêng con
người, bánh và rượu là căn cốt thực phẩm được chế biến để đáp ứng nhu cầu ăn
uống của con người mọi thời và mọi nơi.
Trong ba năm rao giảng, phúc âm kể
lại hai lần Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Trước khi Chúa làm
phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều, Chúa đã dạy dỗ và an ủi chữa lành bệnh tật
cả tâm linh lẫn thể xác. Chúa yêu thương đoàn dân như chiên không có người
chăn dắt. Người ta mải mê nghe lời Chúa quên cả ngày giờ. Chúa cảm thông mọi
nỗi khát khao của họ. Chúa cho họ các món ăn cả tinh thần lẫn thân xác. Hôm
nay, Chúa muốn các tông đồ lo liệu thức ăn cho đám đông. Thật là bối rối, của
ăn đâu cho đủ để nuôi cả mấy ngàn người: Đức Giê-su bảo: "Chính anh em hãy
cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá,
trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." (Lc 9, 13).
Chúa muốn thử thách các các tông đồ một chút. Với lòng cảm thương sự đói
khát của đoàn dân, Chúa đã sẵn sàng dùng bánh và cá như dấu chỉ của trời cao
trao ban: Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt
lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho
đám đông (Lc 9, 16).
Có thể chúng ta cũng cảm thấy hơi
lạ, dân chúng ăn bánh với cá. Bánh là thức ăn chung của nhiều dân tộc nhưng
với cá khô nướng hay cá kho. Mỗi dân tộc có những món ăn riêng biệt làm nên
căn tính con người. Thức ăn nuôi dưỡng con người cả tinh thần lẫn thể chất.
Thức ăn đi đôi với suy tư, quan niệm và triết sống. Đại khái thức ăn biểu
trưng của người Việt Nam là cơm gạo, người Căm Bốt có mắm Bồ hóc, người Ấn Độ
có món Cari, người Đại Hàn có Kim chi, người Trung Hoa có Mì phở, người Ý có
Pizza, người Hoa Kỳ có Hamburger và người Mễ Tây Cơ có Taco, đỗ đậu…Thức ăn
làm nên căn tính của mỗi dân tộc. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt trong vấn đề
văn hóa thực phẩm. Món ăn của các Kitô Hữu trên toàn thế giới, không phân biệt
mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chúng ta cùng ăn chung một thứ bánh và
uống chung một chén rượu. Bánh và Rượu của Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã
chọn lựa. Khi chúng ta được ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta trở nên
chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Khi hoàn tất việc rao giảng Tin
Mừng, trước khi Chúa Giêsu từ giã thế gian, Ngài đã để lại cho Giáo Hội một
gia bảo quý giá vô cùng. Cũng bánh đó, rượu đó mà chúng ta được dưỡng nuôi
hằng ngày. Chúa Giêsu đã chọn lựa bánh rượu trong muôn ngàn loại thực phẩm để
hiến thánh. Trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu đã cử hành một nghi
thức hết sức nhiệm mầu: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,
dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây
là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ
đến Thầy ( 1Cor 11, 24). Và Chúa đã chọn rượu nho để thánh hiến trở thành
Máu Chúa. Chất rượu trong chén thánh là giá máu của giao ước mới. Chúa Giêsu
dùng cả bánh và rượu biến đổi thành thịt và máu thánh Chúa: Cuối bữa ăn,
Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới;
mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."(1 Cor
11, 25).
Đây là mầu nhiệm đức tin. Các tín
hữu tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Niềm tin
vượt trội trên tất cả mọi việc cử hành phụng vụ. Người không thuộc trong đạo
Công Giáo, không thể nào hiểu nổi, tại sao người tín hữu lại tin vào tấm bánh
bé mọn và chén rượu nho đó là Mình Máu Thánh Chúa. Không có một tôn giáo nào
trên thế giới có niềm tin vào sự biến đổi bản thể của một sự vật như thế.
Trong cử hành thánh lễ, qua lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu trở nên
Mình Thánh và Máu Thánh Chúa. Một sự biến đổi lạ lùng qua quyền năng của Chúa
Thánh Thần. Mọi người tuyên xưng niềm tin và phủ phục tôn thờ Bí Tích Thánh
Thể. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh hình rượu. Và khi trao Mình
Máu Thánh, linh mục hay thừa tác viên xác tín: Mình Thánh Chúa Kitô, Máu
Thánh Chúa Kitô, chúng ta thưa: Amen. Có nghĩa là chúng ta tin thật
Chúa hiện diện đó.
Các linh mục thay mặt Chúa và Giáo
Hội dâng thánh lễ mỗi ngày. Giám mục và linh mục đều là con người yếu đuối,
tội lỗi và mỏng dòn chứa đầy tham thân si. Qua sứ vụ, Chúa đã chọn gọi những
con người tầm thường để thi hành việc thánh. Thật ra, không ai là người xứng
đáng đại diện đứng trước bàn thánh để dâng thánh lễ. Trong lễ hiến tế, Chúa
Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa bị lột trần, bị đòn đánh nát thân, mồ hôi cùng
vết thương rướm máu chảy lan, chân tay bị đóng chặt vào thánh giá, chịu đói
chịu khát, quằn quại đớn đau và máu cùng nước từ cạnh sườn đã chảy ra tới giọt
cuối cùng. Vì đuối sức, Chúa bị nghẹt thở và đã chết trên thánh giá để cứu độ
nhân loại. Chén Máu đã đổ ra lập giáo ước mới không chỉ trong bữa tiệc ly mà
là chén máu châu báu đang hứng từng giọt từ châu thân của Chúa trên thánh giá.
Chén Máu của nhục hình khổ đau và chết.
Trên gian cung thánh, trước bàn thờ
dưới chân thánh giá Chúa, các chủ tế mặc áo lễ thiệt đẹp, có khi rước sách
linh đình, chén vàng bát kiểu, bàn thờ đá quí và hoa nến trang trọng. Các linh
mục cử hành thánh lễ trong không gian rộng rãi, thoáng mát và chẳng phải chịu
nắng nôi đớn đau và khổ sở như Chúa Giêsu trên thập giá xưa. Mỗi linh mục cần
ý thức vai trò đại diện quan trọng của mình trong khi cử hành thánh lễ. Các
linh mục có trọng trách giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Chúa Giêsu là vai
chính. Chúng ta biết rằng thánh lễ hy tế là trung tâm của tất cả niềm tin Kitô
Giáo. Cử hành thánh lễ tưởng niệm sự hiện diện của Chúa Kitô chịu chết và sống
lại. Thánh lễ là cử hành Bí tích tình yêu dâng hiến. Thánh Phaolô lãnh nhận
giáo lý từ chính Chúa Giêsu phục sinh và truyền lại cho các thế hệ, Ngài nhắc
nhớ: Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em
loan truyền Chúa đã chịu chết (1Cor 11, 26). Chúng ta ăn Bánh và uống Chén
hằng tuần, chúng ta tiếp tục loan truyền Chúa chịu chết và sống lại. Mỗi lần
lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được biến đổi nên giống Chúa hơn.
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con Bí
Tích Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao quí, chúng con cùng phục bái tôn thờ.
Chúa hiện diện trong Thánh Thể để an ủi và cảm thông những gánh nặng cuộc đời:
Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho
nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Hơn nữa, Chúa còn dưỡng nuôi chúng
con bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa, xin cho chúng con được hưởng nếm tình
yêu dịu ngọt trong ân tình Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt
Hùng
Bronx, New
York
|