Câu chuyện thầy lang
Bác Sĩ
Nguyễn Ý Ðức
Từ ngày xửa ngày xưa, các cụ ta có một thói quen làm đẹp
rất là dễ thương, đó là tục lệ nhuộm răng và đa số là nhuộm răng cho đen
bóng như những hạt huyền. Vì “răng đen nhi nhí, ông Lý cũng khen”
hoặc:
“Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má
hồng răng đen.”
Tục nhuộm răng này vừa là làm đẹp vừa có thể là
để che giấu những vết đổi màu trên răng. Tục này đã đi vào quá khứ, và
ngày nay hàm răng trắng bóng, để nụ cười thêm duyên dáng là điều mà mọi
người đều mong muốn. Cho nên, chẳng may nếu một vài chiếc răng lại có
những vết vàng, vết nâu vết xanh xám thì ai ai cũng tìm cách tẩy
xóa.
Và khoa học hiện đại đã giải đáp nhu cầu làm đẹp
này.
Cấu tạo răng
Về cấu tạo, răng trắng là nhờ có một lớp men trắng phủ
lên mặt ngoài của răng. Men được tạo thành bởi những ống nhỏ li ti cứng
như xứ xếp thẳng đứng sát cạnh nhau để che trở cho răng, Dưới men là
những ống nhỏ khác xen kẽ vào nhau gọi là ngà răng có màu vàng. Nhìn qua
kính hiển vi, răng giống như một tổ ong.
Chất màu trên răng
Răng từ màu trắng chuyển sang màu
vàng bằng hai cách:
a. Từ bản thân của răng như:
-Với
tuổi già, men răng mòn và để lộ lớp dentin có màu vàng;
-Răng bị tổn
thương do va chạm;
-Vì thuốc kháng sinh tetracycline mà cháu bé dùng
hoặc từ bà mẹ mang thai, cho con bú mà uống thuốc này;
-Vì quá nhiều
fluoride trong nước;
-Vì di truyền hoặc một vài bệnh bẩm sinh cũng
khiến men răng đổi màu.
Giới chuyên môn gọi các loại chuyển mầu này
là “mầu nội tại” mà bàn chải đánh răng không tẩy đi được.
b. Từ bên ngoài như:
-Thuốc lá: Hút
thuốc lá là rủi ro thông thường nhất làm cho răng chuyển sang màu ngà vì
khói và chất nicotin của thuốc lá. Không những thế, khói thuốc là còn
làm cho miệng hôi, viêm nướu răng và ung thư phổi.
-Nước uống có chất
caffeine như cà phê, nước trà quá đặc hoặc nước trái cây blueberry, rượu
vang đỏ đều dính vào răng khiến cho răng trở nên vàng.
-Một số dược
phẩm chống dị ứng, trầm cảm, cao huyết áp đôi khi cũng tạo ra vết vàng
trên răng.
-Chất sắt, fluoride cũng có tác dụng tương tự đối với
răng.
-Không chịu đánh răng hoặc cà khe răng mỗi ngày khiến cho các
chất màu bám vào răng;
-Dùng quá nhiều nước súc miệng có chất Peridex
(Chlorhexidine gluconate) cũng làm răng đổi màu;
-Một số chất dùng để
trám răng sâu làm bằng bạc có màu cũng có thể làm răng đổi
màu.
Có hai loại chất tẩy
Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm để tẩy những
vết vàng bám trên mặt răng chứ khó mà loại bỏ được sự đổi màu của ngà
răng.
Có thể làm răng trắng bằng các phương thức cổ điển như cạo
răng, nhuộm răng, chà răng với bột than hoặc cau khô, nhưng hiện nay
được thay thế bằng hóa chất.
-Hóa chất thường dùng là chất tẩy
hydrogen peroxide và carbamide peroxide có thể làm mất vết màu thấm
trong răng hoặc dính trên răng.
-Loại không có chất tẩy chỉ lấy
đi vết màu trên răng.
Tại phòng mạch, nha sĩ thường dùng loại tẩy
rửa có nồng độ peroxide cao từ 15-20%. Nha sĩ cũng có thể trao cho bệnh
nhân các dung dịch peroxide để chấm lên vết màu hoặc để dán lên răng,
rất dễ dùng. Ta cũng có thể mua các loại thuốc tẩy màu trên thị trường,
nhưng nhớ đọc kỹ hướng dẫn để biết cách dùng cũng như để tránh tổn
thương cho miệng.
Chất tẩy chỉ có tác dụng đối với răng thật chứ
không có công dụng đối với răng giả, bọc chụp răng, răng trám.
Răng
có màu vàng thường dễ dàng tẩy thành trắng hơn là răng có vết xám,
nâu.
Trước khi tẩy răng, nên giảm tiêu thụ một số thực phẩm như
nước trà, cà phê, rượu vang đỏ. Cũng nên tránh nước giải khát có hơi như
soda làm mòn men răng. Nhớ đánh răng sau khi ăn.
Sau khi tẩy, răng trắng được bao lâu?
Tùy theo tình trạng răng của mỗi người, loại vết ố và
loại chất tẩy nhưng thường thường răng chỉ trắng được vài tháng. Nếu
tránh các chất gây ra vết ố thì răng trắng kéo dài được một năm, rồi lại
phải tẩy lại.
Nhiều bác sĩ khuyên là không nên tẩy quá trắng: Chỉ
hơi trắng hơn lòng trắng của mắt là đủ rồi.Tẩy răng ở nhà với ở nha sĩ
có khác gì nhau không?Khác nhau ở chỗ chăm sóc và chất tẩy
rửa.
-Tại phòng mạch, bác sĩ sẽ khám bệnh và chụp hình X-quang
răng coi xem có bệnh thì điều trị trước khi tẩy răng.
-Khi tẩy
răng bác sĩ cũng áp dụng vài cách để bảo vệ phần mềm ở miệng khỏi bị
chất tẩy làm tổn thương.
Chất tẩy rửa ở nha sĩ cũng có nồng độ
hydrogen peroxide cao hơn là thuốc mình mua tự do hoặc do bác sĩ bào chế
cho mình.
Thuốc càng mạnh, áp vào răng càng lâu thì răng càng trắng,
nhưng sau đó răng cũng ê ẩm hơn một chút.
Thêm vào đó, “miếng thuốc”
tẩy răng cũng vừa hàm răng của thân chủ, chứ không như hàng làm sẵn “one
size fit all” mà mình mua.
Ðôi khi bác sĩ cũng rọi đèn hoặc hơi
nóng để chất tẩy ngấm vào răng mau và nhiều hơn.
Những ai không nên tẩy trắng răng?
-Trẻ em, phụ nữ có thai.
Không nên tẩy răng ở trẻ em
dưới 15 tuổi và phụ nữ đang có thai.
Ở trẻ em, ống tủy răng hơi lớn
và đang phát triển cho nên rất nhạy cảm với chất tẩy khi bị kích
thích.
Với phụ nữ có thai hoặc cho con bú sữa mẹ thì các bác sĩ nha
khoa đều khuyên nên đợi sau khi sanh, vì các chất tẩy rửa có thể vào máu
người mẹ và ảnh hưởng tới con. Ðúng ra thì cho tới bây giờ, chưa ai biết
ảnh hưởng của hóa chất với thai nhi như thế nào, cho nên nha sĩ đều dè
dặt.
-Bệnh nướu, sâu răng, chân răng lộ.
Khi nướu răng bị tổn
thương nên hoãn tẩy vì hóa chất có thể làm nướu hư nhiều hơn.
Răng
sâu cần được trám trước khi tẩy để tránh hóa chất chui vào lỗ sâu. Vả
lại, chân răng đã lộ không mòn men thì cần gì tẩy trắng.
Nên để ý là
bảo hiểm sức khỏe không trả tiền cho dịch vụ làm trắng răng.
Nhuộm răng đen
Tiện đây, xin tìm hiểu cách nhuộm răng của tiền
nhân.
Tục nhuộm răng đen xuất hiện từ thời các Vua Hùng.
Sử
sách ghi lại rằng: Trong một dịp đi sứ tại nhà Chu, sứ thần Văn Lang có
“báo cáo” với vua nhà Chu rằng “Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế
và nhuộm cho răng đen...” Tục này vẫn còn thịnh hành cho tới nửa đầu của
thế kỷ 20, nhất là ở miền Trung và Bắc Việt Nam.
Thường thường từ
thuở 12, 13 tuổi là trai gái đã bắt đầu nhuộm răng rồi. Nhuộm răng là cả
một việc làm khá cầu kỳ, tốn thời gian và người muốn có răng đen cũng
trải qua cả mấy tuần lễ đau đớn khó chịu trong miệng. Nhưng răng đen
được ca tụng như một nét đẹp đặc biệt như là:
“Lấy chồng cho đáng tấm
chồng,
Bỏ công trang điểm má hồng răng đen.”
Hoặc:
“Năm quan
mua lấy miệng cười,
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng
đen.”
Cho nên họ cắn răng chịu đựng.
Vật liệu nhuộm răng gồm có
bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen và nhựa của gáo dừa đốt
cháy.
Cụ Phan Kế Bính tóm lược cách nhuộm răng như sau:
“Trước
hết dùng các cánh kiến tán nhỏ, vắt nước chanh để kín 7 ngày, chờ tối đi
ngủ phết thuốc ấy vào hai mảnh lá dừa hoặc mo cau rồi ấp vào hai hàm
răng. Trong khi nhuộm răng thì phải kiêng nhai. Nhuộm như thế 5, 7 ngày
cho răng đỏ già ra màu cánh gián thì bôi thuốc răng đen. Thuốc răng đen
làm bằng phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm 1, 2 miếng là đen kịt lại,
đoạn lấy cái sọ dừa để con dao mà đốt cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết
vào răng cho không phải ra được nữa.”
Răng nhuộm như vậy sẽ bền chắc
suốt đời người, không còn bị sâu hoặc mòn. Có nhiều cụ bà tám chín chục
tuổi mà răng vẫn còn chắc, vẫn đen nhánh như những hạt huyền.
Có
lẽ các khoa học gia ngày nay cũng nên tìm hiểu thêm về kỹ thuật nhuộm
răng này. Nhưng thay vì nhuộm đen, ta có thể nhuộm trắng, vừa đẹp vừa
bền.
Bác Sĩ Nguyễn Ý
Ðức
wwwbsnguyenyduc.com