ME THẦU
Trung tuần tháng Tư tôi qua Lào thăm Me Thầu. Me Thầu là dì ruột và cũng là
vú đỡ đầu của tôi. Đây là một trong những tháng nóng nhất ở Lào nên ba ngày
Tết người trẻ thường ra đường chơi tạt nước – là một nét đặc trưng của Tết
Lào. Me Thầu là nữ tu Dòng Chị Em Bác Ái. Người dân gọi các nữ tu
là Khún Me, hồi xưa họ cũng gọi ngài như vậy, nhưng bây giờ họ gọi là Me Thầu
vì đã 86 tuổi rồi. Me Thầu nghĩa là bà ngoại. Tôi thích cách gọi
này hơn vì nó gần gũi và thân thiện với văn hóa người dân xứ Lào
này.
Tôi tháp tùng Me Thầu đi lên Luang Prabang (Nước Đức Phật) ở bắc Lào, Me
Thầu là trưởng cộng đoàn đang trông coi nhà các em mồ côi và các em dân tộc
nghèo ở Vientiane. Nay lại đảm đương thêm một công tác mới lo cho các em
dân tộc mồ côi và các em khuyết tật câm điếc ở Luang Prabang. Từ
Vientiane bay đến Luang Prabang chỉ mất 30 phút, còn đi xe khoảng 10
tiếng.
Tôi lên Luang Prabang ở nhà với ba soeur và khoảng 20 em dân tộc mồ côi
hoặc nghèo được các soeur dạy dỗ và nuôi ăn học. Còn trường nội trú nuôi
khoảng 45 em khuyết tật câm điếc ở cách đó khoảng hai cây số, cứ chiều chiều
tôi qua đó đá banh với mấy em. Có hôm 4, 5 em gái cũng ra đá banh.
Các em rất thích được ở đây, vì ở thôn làng các em bị người dân coi rẻ rúng,
như một án phạt của ông trời, nên sống tự ti mặc cảm. Chỉ có cha mẹ của
các em mới ráng hiểu xem con mình ra dấu như vậy có nghiã là gì, còn người
ngoài thì chẳng ai buồn đoái hoài tới. Sống ở đây các em được đối xử tốt
lành, được ăn uống đàng hoàng, được học chữ, học nghề.
Hôm trước tôi sửa lại mấy cái laptop cũ do câu lạc bộ của Úc cho trường
khuyết tật. Có vài cái tôi sửa hoài mà không xong, nên Me Thầu chở ra
trường huấn nghệ khác để nhờ sửa. Người sửa máy cũng là một người khuyết
tật hai chân và là thầy dạy vi tính ở đó. Khi Me Thầu đến thầy vui lắm,
hỏi ra mới biết Me Thầu cũng nuôi nấng và nâng đỡ cho thầy nhiều năm trước,
khi thầy còn đang theo học ở trường huấn nghệ này. Bây giờ học xong và
được nhà trường mời ở lại để dạy cho các học sinh khác, còn những người bạn
học của thầy thì đi làm ở các tiệm sửa máy trong thành phố.
Khu vực nhà các soeur và các em này chỉ có nước vào buổi tối. Khoảng
giữa khuya mới có nước cho đến mờ sáng, nên đêm đêm phải ráng thức dậy hứng
nước vào thùng để có nước sử dụng trong ngày. Phòng của tôi có phòng tắm
riêng, có hai cái xô và một cái thau, nên nửa đêm tôi cũng thức dậy hứng nước
đồng thời giặt áo quần, vì ban ngày không có nước để giặt. Mùa này nóng
quá nên dù chỉ phơi trong phòng tắm qua đêm mà áo quần cũng khô. Có đêm
tôi ngủ say cho đến gần sáng, tuy nước vẫn còn chảy nhưng không còn trong như
những hôm trước vì hồ lấy nước đã cạn xuống.
Vùng này được coi như là “vùng trắng”, vì không có được mấy người Công
Giáo. Giáo hội ở đây rất khiêm tốn, chỉ có Đức Giám Quản Tông Tòa
(Prefect) và ba Soeur hiện diện mà thôi. Một hôm đi ngang qua một tòa
nhà có cái nóc to cao rất giống nhà thờ, tôi hỏi có phải nhà thờ chính tòa
không. Các soeur phì cười, nói nhà thờ, nhà nguyện, còn chưa có thì lấy
đâu ra mà có nhà thờ chính tòa. Gần đây có một số anh chị em công nhân
Công Giáo Việt Nam qua Lào làm việc nên cuối tuần Đức Giám Quản đến làm lễ cho
khoảng 40 người.
Mấy năm trước tôi qua Lào Me Thầu tương đối còn khoẻ. Nhưng bây giờ
mỗi khi đi hơi lên dốc một chút hay đường đất gồ ghề thì phải chống gậy, lên
xe xuống xe cần người đỡ phụ, tuy vậy đầu óc ngài vẫn còn minh mẫn. Nhìn
Me Thầu với chừng ấy tuổi mà Giáo Hội lại trao cho một sứ mạng quan trọng và
nặng nề như thế. Lên đường mở mang một vùng trắng mới thấy Giáo Hội Lào
thiếu người biết chừng nào, mới thấy Thiên Chúa cần những tâm hồn đáp trả lời
mời gọi lên đường biết bao. Thập niên trước khi Đức Giám Quản còn là
linh mục, ngài có lên vùng này mấy lần, và bị bắt nhốt vì ngài giảng đạo cho
bà con trên vùng đất bắc Lào này. Nay thì đỡ hơn, chính quyền đồng ý cho
các soeur lên đây mở trường nội trú và huấn nghệ cho các em khuyết tật, nên
bây giờ các soeur Dòng Chị Em Bác Ái hiện diện ở vùng trắng này danh chính
ngôn thuận.
Đã nhiều năm nay, Me Thầu xin Nhà Dòng gởi người đến làm phụ tá cho Me Thầu
để sau này có thể thay thế gánh vác sứ vụ ở Vientiane cũng như ở Luang
Prabang. Nhưng đến bây giờ Nhà Dòng vẫn chưa có người để gởi đến, Me
Thầu thao thức lắm. Tôi đến thăm Me Thầu mười ngày và thấy cánh đồng
trắng bát ngát làm tôi cũng thao thức nhiều. Khi tôi chơi banh chơi cầu
với các em, các em nói chuyện bằng tay với nhau rất nhanh, còn tôi mù tịt cáng
mai, muốn nói với các em một điều gì đó quả là khổ sở. Có một lần đang
chơi đá banh, tôi ráng hú gọi một em trở về vị trí hậu vệ, nhưng kêu cỡ nào
cũng vậy thôi, vì em có nghe được đâu? Nhìn các em mải mê chơi banh làm
tôi chợt nghĩ lại chính mình. Biết bao lần Chúa cũng hú gọi tôi mà tôi
đâu có nhận ra vì đang mê mẩn chạy theo những quyến luyến của sự
đời.
Nhìn Me Thầu với chừng nấy tuổi đời mà vẫn gắng sức mỗi ngày thưa “Xin
Vâng” như Mẹ Maria để cho Chúa tiếp tục vẽ bức họa đời mình theo Thánh Ý của
Ngài, ngắm nhìn cuộc đời Me Thầu tôi cứ suy nghĩ hoài. Không biết khi
nào tôi mới chịu cho Chúa cái tự do mà chính Chúa đã thương trao ban cho tôi,
để Ngài được hoàn toàn tự do vẽ bức họa đời tôi theo Ý Ngài.
Lạy Chúa, nhìn cánh đồng trắng bát ngát và chắc Chúa cũng đang thao thức
tìm những tâm hồn dấn thân làm sứ giả Tin Mừng, thay mặt Chúa ban phát tình
yêu và ân sủng, đến dạy dỗ và nâng đỡ những kẻ mồ côi và khuyết tật bị xã hội
khinh thường. Xin cho mỗi người chúng con biết mặc lấy nỗi thao thức của
Ngài, và xin nhắc nhớ mỗi người chúng con biết hồi tâm để bớt chạy theo những
quyến luyến lệch lạc, và để nhận thức tiếng mời gọi của Đấng Ban Sự
Sống. Amen!
Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
May 1,
2013
|