MỘT CÂU CHUYỆN
CÓ THẬT NHÂN NGÀY CỦA MẸ 12-05-2013
MẸ
ĐÓN CON VỀ
·
Lòng
Thương Xót bên Kênh Nhiêu Lộc
Nắng nóng của một
ngày đã xế, nhường chỗ cho con kênh Nhiêu Lộc
có cơ hội phát huy sự mát lành. Con kênh giờ quả
đã đẹp hơn, sạch hơn, xanh hơn, thơ mộng
hơn so với trước.
Nhóm Áo Xanh ngồi coi xe bên
bờ kênh cho bà con đi lễ Lòng Thương Xót Chúa ở
nhà thờ Công Lý. Ngôi nhà nguyện cấp 4 khiêm tốn nép
mình bên những toà nhà cao tầng. Có bạn ao ước nhà
thờ mau xin được phép xây dựng cho khang trang
hơn, xứng đáng nơi Chúa ngự, cứ ọp ẹp
như thế này trông tội quá. Một bạn khác mỉm
cười nhắc bạn mình, có được ngôi nhà thờ
khang trang cũng vui, nhưng nếu chưa xây được
cũng không sao, nhớ lời cha linh hướng thường
nhắc điều quan trọng hơn cả là xây ngôi nhà
thương yêu, tin yêu nơi mỗi người, nơi
quan hệ người với người, ngôi đền
thờ tâm hồn ấy mới có giá trị thực sự
gấp ngàn lần đền thờ vật chất.
Có thằng bé chừng
năm sáu tuổi chạy chơi bên lề đường
với trái bóng tròn. Nhóm Áo Xanh bỗng lặng người,
không ai bảo ai, cùng nhau nhớ về một ngôi nhà trong hẻm
nhỏ bên phố Huế cũng có đứa trẻ
thơ tầm năm tuổi.
Tiếng người lần
chuỗi Kinh Lòng Thương Xót từ ngôi nhà thờ cấp
4 vang vọng ra bờ kênh. Cả bọn người trẻ
cùng đồng thanh : “Vì cuộc khổ nạn đau
thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng
con và toàn thế giới.”
Mấy người đi
dạo trên bờ kênh ngoái lại ngạc nhiên, ánh mắt họ
như hỏi : “Bọn này lẩm bẩm gì thế ? Có bị
khùng không vậy ?”
·
Tình
Mẫu Tử nơi Thành Phố Huế
Những
ngày cuối năm, dù ai cũng bề bộn trăm công
nghìn việc, việc gia đình, công sở, cộng
đoàn, thế nhưng tiếng gọi của lòng
thương xót thúc dục nhóm bác ái Cánh Chim Xanh gác lại mọi
chuyện để đi thăm viếng và trao quà Tết cho
những anh chị em ở Trung Tâm Khiếm Thị và người
dân nghèo ở Huế và Bình Định.
Sau
khi trao món quà cuối cùng đến tận tay người
nhận, mệt nhoài mà vui, cả nhóm tính đi thuyền ngắm
cảnh sông Hương thơ mộng với cầu Tràng
Tiền. Bỗng một bác lớn tuổi
đến thầm thì rồi dẫn cả nhóm đội
mưa đội tối của đất Huế Thần
Kinh vào một căn nhà nơi một dong ngõ nhỏ, lắt
léo.
Gọi là nhà cho sang chứ
thực ra chỉ là cái lều được quây tôn, nghe tiếng
mưa rơi xuyên qua lỗ tôn rớt vào chậu xô và xoong
nhôm lộp cộp, với bộ bàn ghế ọp ẹp
xiêu vẹo.
Trong túp lều lụp xụp
ấy, đám trẻ con năm đứa quây quần quanh
bà mẹ gầy tong teo. Có bạn ví von y như cây mít lêu
đêu lúc lỉu chùm quả.
Bối rối vì cuộc
thăm viếng bất ngờ, chủ nhà chẳng biết
mời nhóm khách lạ ngồi đâu. Thôi thì cứ năng
động, tụt dép kê và cùng… ngồi đất.
Không có lời xin xỏ bạc
tiền, chỉ là câu chuyện buồn của một
người mẹ trẻ kiếp người phận bạc.
Chị ngoài ba mươi,
mà đã năm con, đúng ra là … sáu !
Sinh đứa thứ sáu,
chị kiệt sức, sản hậu. Vậy mà người
đi về với Chúa trước lại là anh chồng.
Đứa út chưa đầy tháng, anh ta lăn đùng ra
chết vì một chứng bệnh kỳ lạ, bụng
chướng lên đùng đùng. Nhà trống vách đất,
tất cả tài sản anh để lại cho người
goá phụ trẻ không còn gì ngoài 5 năm đứa con dại.
Rồi làng xóm mỗi
người một chút giúp một tay cũng xong đám tang
người chồng trong cái lạnh se sắt, mưa buồn
thúi ruột đất Huế.
Cây trụ cột chính
trong nhà đổ xuống, sợi dây leo phải oằn
mình chống thay. Sức chị yếu quá, cạn dần.
Con thơ ngành ngãnh trên tay, lấy ai làm nuôi bầy con dại
?
Có người muốn xin
con đem về nuôi. Đau lắm, thương lắm,
nhưng chị đành dứt ruột cho đi đứa
con mới sinh. Thôi, thà như vậy còn hơn là giữ nó
trong nhà, ngày ngày nhìn nó khóc thét từng cơn vì thiếu sữa,
chết ngất vì đói lạnh mà lòng người mẹ
đau như cắt.
Ánh
mắt buồn hướng lên vách ngăn ọp ẹp có
dán tấm hình Lòng Chúa Thương Xót đã cũ hoen mầu,
chị kể : “Em không biết gì về việc cầu nguyện
Lòng Thương Xót Chúa cho đến một ngày có một
chị đến thăm, thương hoàn cảnh mẹ
con em, đã cho em tấm hình Lòng Thương Xót Chúa, tràng chuỗi
và quyển Tập San “Nhờ Mẹ đến với Chúa”.
Chị bảo em hãy siêng năng lần hạt cầu nguyện
và tâm tình với Mẹ, lần chuỗi Lòng Thương Xót
mỗi 3 giờ chiều. Cứ
tín thác vào Chúa, rồi Ngài sẽ tuôn đổ hồng ân cho
mẹ con em… Từ đó em mới biết đến cha
linh hướng và cộng đoàn lòng thương xót với
các em Áo Xanh.
Nén tiếng thở dài, chị
kể tiếp, giọng nhỏ dần đứt đoạn
: “Mới đó mà gần năm năm trôi qua…Em có vào Sài Gòn để
xin lại đứa con nhỏ mà em đã cho người
ta cách nay 4 năm, chừ cháu lên 4 tuổi. Nhưng người
ta không cho gặp, cũng không cho đón cháu về, trừ
khi em có 50 triệu mang vô thì người ta mới nói chuyện…”
Người
mẹ trẻ nấc lên : “Gia đình em nghèo như thế
này làm sao có đủ tiền mà chuộc cháu về ? Giờ
em chỉ biết phó thác mọi sự cho lòng thương
xót của Chúa với ước
vọng duy nhất là được đón đứa con
út về với em.”
Chị xót lòng với nỗi
nhớ con khôn nguôi. Chị thấy đau như cắt ruột
khi các con, lớn bé lau nhau, cứ thứ bảy nghỉ học,
chúng lại hỏi : “Bé út đâu
? Sao không mang em về chơi với
chúng con ? Bao giờ em về ?”
Chúa cũng thương cảnh
mẹ goá con côi, năm đứa con của chị đói
ăn thiếu mặc thế mà trông thật dễ
thương, ngoan ngoãn, lễ phép. Đó là niềm an ủi
lớn lao cho chị bù đắp lại sự thiếu vắng
mất đứa con út.
Áo Xanh nào cũng rớm
nước mắt trước tình cảnh này.
Thương lắm, muốn giúp lắm, nhưng “lực bất
tòng tâm”, khả năng của nhóm chưa thể làm gì
được trong lúc này. Chỉ biết cùng nhau quây quần
lần chuỗi nguyện cầu Lòng Thương Xót của
Chúa dủ thương đến nhà này.
“Lạy Chúa Giêsu, con tín
thác vào Chúa, con phó thác gia đình này cho lòng thương xót của
Chúa…” lời kinh làm ấm lên mái nhà trống trước hở
sau và khơi lên niềm hy vọng nơi người mẹ
trẻ. Chắc chắn sẽ có ngày “mẹ đón con về”!
Trời tối lắm rồi,
phải thu xếp ra xe về thành phố, xé vội miệng
giấy ghi số điện
thoại đưa cho chị, cả nhóm rút quân, chưa thể
nói gì hơn được…
·
“Mẹ
đến đón con về”
Thời gian trôi qua, câu chuyện dần
đi vào quên lãng, có nhớ thì tôi chỉ còn nhớ thoang
thoáng gương mặt xinh đẹp và nụ cười
của năm đứa bé quây quần bên mẹ tối hôm
ấy.
Một tháng sau, một chị
phụ nữ trọ troẹ giọng Huế ngơ ngác ở
bến xe. Chị ghé trạm điều hành xe nhờ
người ta gọi dùm số điện thoại trong mảnh
giấy. Lần
này chị vào Sài Gòn với 30 triệu mang theo để
đón con về. Đây là số tiền chị mượn
từ người chị em ngày trước đã tặng
chị cuốn Tập San “Nhờ Mẹ đến với
Chúa”. Cả tiền tàu lửa vào Sài Gòn cũng được
một người quen làm soát vé tàu cho đi nhờ.
Chị lặn lội từ miền
Trung vào đây với ý định gặp người đang
nuôi đứa con út của chị để thương lượng,
điều đình, năn nỉ họ cho chị nhận
con về.
Trưa hôm đó, tôi mời chị về
nhà dùng cơm trưa và nghỉ ngơi lấy sức chiều
gặp người ta. Hai chị em có thêm thời gian để
tâm tình và chia sẻ. Càng tiếp xúc với chị, tôi càng ngưỡng
mộ chị. Tình mẫu tử nơi chị phải thật
mãnh liệt cho nên chị mới có đủ can đảm
và kiên cường khi quyết định đơn thân lặn
lội vào tới Sài Gòn để xin lại đứa con
trong hoàn cảnh như thế này.
Ba
giờ chiều hôm đó, chúng tôi ra nhà thờ cầu nguyện
Lòng Thương Xót Chúa với cộng đoàn. Nhìn chị
quỳ gối suốt giờ cầu nguyện, mắt nhắm
nghiền, miệng lâm râm đọc kinh và cầu nguyện
cách sốt sắng, tôi chợt chạnh lòng thương cảm.
Dường như lúc này Chúa Thánh Thần đã động
chạm thực sự vào lòng tôi, con người vốn nguội
lạnh và chậm yêu thương.
Tôi
nói với Chúa : “Lạy Chúa, linh hồn và thân xác con từ
lâu đã là của Chúa, nhưng
con vẫn sống vô cảm với mọi sự xảy ra
xung quanh con. Hôm nay Chúa muốn
con làm gì cho người chị em này, con sẽ làm hết sức
để giúp chị. Tạ ơn Chúa đã đánh động
lòng con và dạy cho con việc nên làm…”
Chúng
tôi tránh mặt không đi cùng chị, vì dường như
người ta không muốn có nhiều người biết
đến nơi nuôi dưỡng trẻ như thế này.
Cả
nhóm ở nhà hồi hộp lo âu chờ đợi kết
quả cuộc thương lượng. Tối đến
tôi gọi chị để biết tình hình. Phía bên kia đầu
giây, chị nói rất nhỏ : “Em đang ở với bé. Cháu
dễ thương lắm. Mai gặp em sẽ nói nhiều
hơn.”
Trưa
hôm sau, chị đến nhà tôi như đã hẹn. Chị
rớm nước mắt nghẹn ngào : “Họ không chịu 30 triệu. Họ
nói phải giao đủ 50 triệu mới cho lấy con về,
thiếu một ngàn cũng không, mà chừ em chỉ có bấy
nhiêu. Không thể xoay ở đâu được nơi xứ
lạ quê người này. Họ cho em ở trong nhà họ
và chơi với cháu. Cháu hỏi em : Mẹ là mẹ Huế
hay là mẹ Nam, vì Mẹ Huế là bà già bắt cóc con nít !”
Tối ấy nhóm tình nguyện lục tục tới
nơi chị ở. Họ thông báo để chị vui,
Chúa đã thấu tấm lòng mẫu tử tình thâm của
chị, và đã gởi người đến giúp để
mẹ con chị cùng “châu về hợp phố” !
Chị run run, xúc động nghẹn ngào không
nói nên lời. Lòng thương xót của Chúa thật mênh
mông bát ngát. Phận mong manh cát bụi như chị mà luôn
được Chúa chăm sóc từng chân tơ kẽ tóc. Chị
nhận ra tấm lòng Thiên Chúa tỏ hiện qua tấm lòng
của những người tưởng như là xa lạ
mà còn đậm đà hơn ruột thịt, chỉ vì họ
có chung một tấm lòng của Đấng Giầu Lòng Xót
Thương.
Hôm
sau chị đến đưa người ta 50 triệu
mà không có tờ giấy biên nhận nào hết. Chúng tôi lo lắng
cho chị, không có bằng chứng, nếu người ta
nói ngược thì coi như mất hết. Biết làm gì
hơn ngoài việc khẩn cầu lòng thương xót Chúa, xin
cho con người biết xót thương nhau.
Hai
ngày sau, chị nhắn tin : “Gia đình họ sẽ mua vé
tàu đưa em và cháu về Huế, rồi họ đi La Vang.
Tạ ơn Chúa đã cho mọi việc thuận lợi. Khi
nào mẹ con em về đến Huế, lúc đó em mới
thực sự yên tâm, còn bi chừ em chưa biết nói sao …”
Dưới nắng vàng,
có hai mẹ con đã lên tàu mà còn ngoái lại Sài Gòn lưu luyến.
Những bàn tay vẫy chào tạm biệt.
Sài Gòn sau ngày nắng là
lung linh sao sa và lộng gió…
“Ngày của Mẹ” năm
nay, trong túp lều tranh cuối ngõ nhỏ tăm tối của
phố Huế, có 6 đứa con thơ hồn nhiên
tươi tắn nắm tay nhau đứng vòng quanh người
mẹ hiền với món quà tặng mẹ là giọng trẻ
thơ ê a chuỗi Kinh Lòng Thương Xót…
Chúa giầu lòng xót
thương qua tấm lòng của những con người
biết thương xót đã giúp chị thực hiện
được ước nguyện “Mẹ đón con về”.
K.C
“Ngày Của Mẹ” tháng
5-2013
|