Vắng mặt
(Trích trong “Sợi Chỉ Đỏ”)
Có một
nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi
bước vào một công viên, ông đã gặp tổ kén lạ.
Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít
ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm
vẫn chưa phá kén bay ra.
Hôm sau, kén lại
nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba,
vẫn thấy như trước, ông liền lấy dao rạch
kén, thế là con bướm bò ra ngoài. Tuy nhiên, bướm
không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.
Sau này, ông
được người bạn là nhà sinh vật học
cắt nghĩa như sau: Thiên nhiên đã xếp đặt
cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi
cái kén, vì nhờ đấu tranh gian khổ mà nó có thể
phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.
Muốn làm
cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải
làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng
lờ, khuất nẻo. Muốn làm con bướm bay trong bầu
trời xanh ngắt, bướm phải là con sâu đen
đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong
tổ kén đợi chờ.
Để
trở nên những tín hữu Kitô vững mạnh, tăng
trưởng về đường thiêng liêng, chúng ta phải
trải qua một thời kỳ gian khổ để tiến
triển về mặt tâm linh, chúng ta cũng phải vượt
qua đấu tranh thử thách. Nhưng trong những thời
điểm ấy, Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, cho dù chúng
ta không nhìn thấy Người.
Lúc sắp sửa
ra đi, để trấn an các tông đồ, Chúa Giêsu
đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Người
vẫn luôn hiện diện giữa các ông và ban bình an cho các
ông. Sự hiện diện của kẻ vắng mặt!
Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những kẻ yêu nhau
mới nhận ra mà thôi. Từ sau biến cố Phục
sinh, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi
thời đại.
Người
hiện diện trong những kẻ yêu mến Người:
“Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ
đến ở lại với người ấy”.
Người
hiện diện trong những kẻ thực hành và giữ lời
Người: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời
Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy,
nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.
Người
hiện diện không chỉ đơn độc, nhưng
là hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả
Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai
yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người.
Nếu Chúa
Cha chính là Thiên Chúa trong tình trạng vô hình, thì Chúa Giêsu
cũng là Thiên Chúa đã hiện diện, nói năng, hành
động để cứu chuộc con người; và
Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng
liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của
Chúa Giêsu và Chúa Cha.
Vì thế,
Thánh Thần sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống
của Thiên Chúa cho con người, khi soi sáng dạy dỗ
con người dần dần hiểu lời Thiên Chúa, Lời
đó chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha: “Thánh Thần
sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh
em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với
anh em.
Với lời
hứa này, kể từ ngày lễ Hiện Xuống đầu
tiên, Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn Giáo Hội
hiểu thấu triệt lời Chúa trong Kinh Thánh, để
trình bày một cách sáng tỏ hơn, và để giải
quyết những vấn đề mới mẻ cho từng
thời đại. Vì thế mà các Công đồng liên tiếp
được triệu tập dưới sự bảo
trợ của Thánh Thần.
|