Lo âu
Nếu có một
người nào đó hỏi chúng ta: “Ông bà, anh chị có yêu
mến Chúa không?”. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trả
lời được ngay. Không những trả lời
được mà còn cho người đó hỏi một
câu dư thừa, vớ vẩn. Nhưng nếu người
đó hỏi thêm một câu nữa: “Làm sao ông bà, anh chị
biết được mình yêu mến Chúa, hay dựa vào bằng
chứng nào để tôi biết được ông bà, anh
chị yêu mến Chúa?”. Câu hỏi này anh chị em trả lời
được không? Dĩ nhiên là được. Nhưng có
lẽ sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau.
Bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời thay cho chúng ta, Chúa đã
chỉ dạy cho chúng ta một dấu hiệu, một bằng
chứng, đó là chúng ta tuân giữ lời Chúa hay không?: “Ai yêu
mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu
mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Một câu
Kinh Thánh đó thôi đủ định nghĩa thế nào
là người yêu mến Chúa, nghĩa là dấu hiệu hay
bằng chứng để chúng ta biết được
hay người khác biết được chúng ta yêu mến
Chúa là chúng ta tuân giữ lời Chúa. Và đây cũng là
thước đo lòng yêu mến của chúng ta đối với
Chúa nhiều hay ít, đó là chúng ta tuân giữ lời Chúa nhiều
hay ít. Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu xem: Chúa bảo chúng ta
tuân giữ lời Chúa, vậy lời Chúa ở đâu? Và
chúng ta phải tuân giữ Lời Chúa thế nào?
Lời Chúa ở
đâu? Nếu trả lời một cách ngắn gọn,
chúng ta có thể nói: Lời Chúa chứa đựng trong sách
Thánh, tức là trong Kinh Thánh. Nhưng nếu hiểu rộng
ra, chúng ta có thể nói: Lời Chúa còn chứa đựng
trong thánh truyền, tức là một phần mạc khải
được lưu lại dưới hình thức truyền
khẩu và trong giáo huấn của các giáo phụ. Lời
Chúa còn chứa đựng trong phụng vụ, tức là những
gì Giáo Hội sống và thể hiện trong sinh hoạt phụng
tự. Và Lời Chúa còn chứa đựng trong đời
sống của Giáo Hội, tức là những giáo huấn của
các công đồng, các Đức Giáo hoàng, các giám mục. Tóm
lại, Kinh Thánh, thánh truyền, phụng vụ và giáo huấn
của Giáo Hội, đó là những kho tàng chứa đựng
lời Chúa. Nhưng thông thường và cụ thể, mỗi
khi nói đến Lời Chúa, chúng ta thường hiểu là
Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng.
Tại sao
chúng ta phải giữ lời Chúa và giữ lời Chúa thế
nào? Chúng ta giữ lời Chúa để chứng tỏ lòng
chúng ta yêu mến Chúa. Yêu mến ai, chúng ta muốn ở gần
người đó, tâm sự trò chuyện quan hệ mật
thiết với người đó, thì chúng ta đối với
Chúa cũng vậy, và còn hơn thế nữa, là để
chúng ta nên giống Chúa. Tục ngữ có câu: “Gần mực
thì đen, gần đèn thì sáng”. Gần bạn hiền sẽ
nên hiền. Và tục ngữ Tây phương cũng nói: “Anh
nói cho tôi biết, anh đọc sách gì, anh bầu bạn với
ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”.
Chúng ta cần tâm sự với Chúa Giêsu, chúng ta muốn nên giống
Chúa, nay Chúa đã khuất mặt, thì chỉ còn một cách
là đọc lời Ngài, suy gẫm cuộc đời Ngài,
chúng ta sẽ học được những ý tưởng,
những tâm tình của Ngài. Vì thế, ai muốn quan hệ
mật thiết với Chúa, muốn nên giống Chúa, chỉ
còn một cách là luôn luôn đọc lại bộ Tân ước,
nhất là Tin Mừng, để thấy rõ chân tướng
của Chúa Kitô mà học hỏi bắt chước.
Cũng thế,
người ta thường nói: “Có đầy trong lòng mới
trào ra ngoài miệng”. Do đó, muốn suy nghĩ, nói năng,
hành động, phản ứng như Chúa, thì điều
quan trọng là phải có đầy Chúa trong tâm hồn, phải
thấm nhiễm tinh thần của Chúa, phải in sâu hình ảnh
dịu hiền của Chúa, những gương sáng Chúa
đã thực hiện, lời Chúa dạy dỗ, giáo huấn
vào đầu óc của mình. Để được
như vậy, chỉ có cách duy nhất là hằng ngày
chăm chỉ đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh và suy niệm.
Nhờ đó Lời Chúa dần dần chi phối đời
sống chúng ta và trở thành nguyên tắc hướng dẫn
mọi hành vi, cử chỉ của chúng ta và biến đổi
chúng ta nên giống Chúa.
Tuy nhiên,
chúng ta đọc và suy niệm lời Chúa là rất tốt
rồi, nhưng điều quan trọng hơn nữa, là
chúng ta phải áp dụng, phải thực hành lời Chúa,
vì đây là thước đo lòng yêu mến của chúng ta
đối với Chúa: chúng ta sẽ là kẻ không yêu mến
Chúa khi chúng ta làm không đủ tiêu chuẩn như lời Chúa
dạy. Chúng ta sẽ là người ghét Chúa khi chúng ta làm sai
lời Chúa dạy. Chúng ta sẽ là kẻ phản bội lời
Chúa nếu chúng ta tránh né, coi thường hay lười biếng
không làm những việc đáng phải làm. Nếu chúng ta
nói yêu mến Chúa mà không tuân giữ lời Chúa, thì có khác gì
đứa con gọi dạ bảo vâng, nhưng không chịu
làm theo lời cha mẹ dạy. Đó là thứ tình yêu giả
hình và là thứ tình yêu đầu môi chót lưỡi mà thôi. Tình
yêu phải được thử thách, phải được
chứng nghiệm bằng việc làm… Vì thế, yêu Chúa thì
phải thực hành lời Chúa. Thực hành lời Chúa dù ở
nhà thờ hay ở nhà mình, nơi làm việc hay ngoài
đường phố, chợ búa. Nếu như mọi
người đều nhiệt tình áp dụng và thực
hành lời Chúa thì nhân loại này yêu thương nhau biết
mấy. Nhưng đáng tiếc, lời Chúa dạy: “Các con
hãy yêu thương nhau”, chúng ta chưa thực hành đến
nơi đến chốn.
Yêu mến
Chúa là giữ lời Chúa truyền dạy. Giữ ở
đây không hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa
là đem chôn giấu lời Chúa, nhưng phải hiểu
theo nghĩa tích cực, nghĩa là có sáng kiến đem lời
Chúa ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Nhưng lời Chúa là lời nào? Tất cả lời của
Chúa gồm tóm rất gọn trong một tiếng này, đó
là “yêu”. Yêu Chúa với tình yêu của một người con
hiếu thảo và yêu đồng loại với tình yêu
như Chúa đã yêu chúng ta.
Đàng khác,
sống ở trần gian, ai cũng phải trải qua những
giây phút lo âu. Lo âu về tương lai, về gia đình, về
con cái, về tiền bạc, về công việc làm ăn, về
sức khỏe… Lời Chúa hôm nay an ủi và khích lệ
chúng ta đừng xao xuyến và sợ hãi. Chúng ta hãy dâng lên
Chúa mọi lao công vất vả, mọi lo lắng buồn
phiền. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời mình cho Chúa và
xin Chúa ban sự bình an. Bởi vì có Chúa thì màng nhện cũng
sẽ trở nên tường thành. Còn không có Chúa thì tường
thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi.
|