WGPSG -- Căn bệnh viêm xoang khiến đầu tôi đau nhức hoài, đành tạm gác công việc sang một bên trong nhiều ngày. Được một người bạn mách nước, tôi tìm đến phòng khám y học dân tộc của một nhà dòng nọ. Quả thật, phương pháp châm cứu đem lại hiệu quả đúng như lòng tôi mong đợi: những cơn đau buốt ở đầu đã thưa dần, và dường như có dấu hiệu ngưng hẳn.
Châm cứu là phương pháp chữa bệnh gồm hai phần: Châm có nghĩa là dùng vật nhọn (như kim, que nhọn...) đâm vào hoặc kích thích vào huyệt, cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.
Hằng ngày tôi được điều trị bằng hai phương pháp châm kim và cứu bằng nhiệt từ cây ngải, nhưng tôi thích giai đoạn cứu hơn, vì tôi rất sợ ... đau, hihi!
Cô bác sĩ trẻ trung di chuyển cây ngải cứu trên các huyệt đạo của tôi cách nhuần nhuyễn, thuần thục: cô không để cây nhang ngải cứu ở quá xa khiến cho sức nóng của nó không thể tác động lên huyệt đạo của tôi, cô cũng chẳng để nó quá gần khiến tôi phải bỏng rộp. Sức nóng của cây ngải được điều phối thật tinh tế, tôi nằm thư giãn và tận hưởng cảm giác ấm áp, dễ chịu do cây ngải cứu đem lại.
Sau một vài ngày điều trị, tôi bắt chuyện và thăm hỏi người lương y đang chữa trị cho mình. Trước hết là lời cảm ơn chân thành với cô, nhờ cô mà những cơn đau đầu gần như đã “tạm biệt” tôi! Thêm một vài ngày điều trị nữa, chúng tôi trở thành hai người bạn thân thiết và nội dung những cuộc chuyện trò cũng đi dần đến những đề tài nóng và sâu như nhiệt độ của cây ngải cứu qua huyệt đạo, tác động vào nội tạng: từ chuyện thời sự trong ngoài nước, đến chuyện nắng mưa thời tiết...
Tôi khá ngạc nhiên khi biết cô đã tốt nghiệp y khoa và làm bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy, một trong những bệnh viện lớn của thành phố (và cả nước nữa), thế mà hiện nay cô đang tìm hiểu ơn gọi trở thành nữ tu tại nhà dòng này. Được biết hiện nay cô là đệ tử năm thứ hai của dòng, nghĩa là nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, phải đến ít là 4 năm nữa cô mới được tuyên khấn lần đầu và chính thức trở thành nữ tu. Một quá trình tìm hiểu và sống ơn gọi tu trì khá là dài, tương đương với 7 năm học y khoa đầy vất vả và cố gắng mà cô đã trải qua trước đây. Thật đáng ngạc nhiên trước sự chọn lựa con đường tương lai của người thanh nữ này: không phải trở nên một bác sĩ thành đạt và giàu có, mà là mong trở thành một nữ tu khiêm nhu và phục vụ tha nhân.
Tôi hỏi: “Tại sao cô không tiếp tục công việc tại bệnh viện lớn và uy tín đó? Tại sao lại từ chối một tương lai xán lạn, đầy hứa hẹn để khởi đầu chặng đường mới với việc tìm hiểu đời tu trong thời gian lâu dài như thế?”
Cô mỉm cười và nhẹ nhàng trả lời tôi bằng một câu hỏi: “Chú định nghĩa thế nào là tương lai xán lạn?”
Câu hỏi ngược lại đó khiến tôi bối rối, nhưng tôi vẫn gắng trả lời: “Này nhé, bác sĩ là một nghề nghiệp cao quý, nhiều người ấp ủ mơ ước được trở thành bác sĩ: vì lý tưởng cứu giúp tha nhân hoặc được nể trọng và giàu có trong xã hội. Để trở thành bác sĩ, người ta phải qua một quá trình học tập vất vả và tốn rất nhiều công sức lẫn tiền bạc, một khi đã là bác sĩ thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến về danh lẫn về lợi bù đắp lại những nỗ lực của thời học tập. Vậy mà cô lại từ bỏ điều kiện khá là tốt đẹp đó để chọn con đường trở thành nữ tu, như thế có nghịch lý chăng?”
Dịu dàng nhưng đầy dứt khoát, cô bác sĩ trả lời: “Cháu làm việc ở khoa cấp cứu, chứng kiến nhiều cảnh đời rất đặc biệt, cũng như nhìn thấy phận người thật mỏng giòn, mong manh, cái chết chỉ cách sự sống trong tích tắc. Ngẫm lại Lời Chúa dạy ‘được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi’ mà thấy thấm thía, tiền của nứt đố đổ vách cũng phải bó tay trước cái chết, danh cao đức trọng trước mặt người đời cũng chóng qua như kiếp người vỏn vẹn trăm năm!”
Cảm thấy tò mò trước lý luận của người bác sĩ trẻ này, tôi gặng hỏi tới luôn: “Có thể kể cụ thể một vài trường hợp cô đã chứng kiến đến nỗi phải suy nghĩ lại về thân phận mỏng giòn của kiếp người không?”
Như thể gặp được người đồng cảm và thấu hiểu cho sự chọn lựa của bản thân, bác sĩ hào hứng kể một mạch nhiều câu chuyện thú vị khi làm ở bệnh viện:
Cách đây vài năm, bác sĩ chứng kiến cái chết thương tâm của một cô gái đang mang thai. Chuyện là thế này, cô gái đó đưa mẹ chồng đi chợ về, ngang qua khu rừng cao su nọ, đột nhiên một cơn lốc khá mạnh bùng lên làm gẫy nhiều cành cây. Có một bầy ong vò vẽ làm tổ trên cành cây kia, gió bẻ gẫy cành cây khiến tổ ong rơi xuống đất, chẳng may đúng lúc hai mẹ con vừa chạy xe đến nơi, thế là chúng ùa đến bao vây họ, người mẹ nhanh chân hơn chạy thoát khỏi bầy ong, nhưng tội nghiệp người con gái thân mang dạ chửa không kịp thoát đi, đã bị đàn ong dữ chích chi chít lên thân thể. Thai phụ được mang đến bệnh viện cấp cứu, nhưng nọc độc của ong quá nhiều, chỉ sau ba ngày cô gái này đã từ giã cõi đời! Tai nạn đến với cô thật bất ngờ!
Trường hợp khác thì lại còn bất ngờ hơn nữa. Một phụ nữ đang chạy xe trên đường, bỗng một cành cây nhỏ rơi từ trên cao xuống trúng ngay vào sau gáy (cành cây do một nhóm công nhân cây xanh cưa rơi xuống đường) khiến cô bị liệt toàn thân. Sức sống năng động, hoạt bát từng có của tuổi trẻ đã rời bỏ cô vì tai nạn hy hữu đó, và từ đấy cô phải nằm một chỗ suốt quãng đời còn lại.
Câu chuyện thứ ba thì không nhiều tính bất ngờ cho bằng sự bất lực của con người trước cái chết. Một chàng trai trẻ đẹp về nghỉ hè ở quê nhà sau hai năm du học tại trời tây, đột nhiên bị sốt, gia đình đưa anh vào bệnh viện điều trị, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân là cơ thể anh bị nhiễm siêu vi. Mặc cho gia đình bỏ ra gần 3 tỷ đồng để lọc máu, thay máu và còn nhiều phương pháp điều trị tối tân và hiện đại hơn nữa, anh vẫn phải từ giã cõi đời giữa tuổi thanh xuân, mang theo bao ước mơ tươi sáng về thế giới bên kia.
Cô bác sĩ trầm ngâm nói tiếp: “Chú thấy không, giàu có, trẻ đẹp, tài năng nhiều như thế vẫn không thoát khỏi kiếp phận mong manh của đời người. Cháu còn được chứng kiến nhiều trường hợp thương tâm hơn vậy nữa, và cháu đã nghĩ việc kiếm tìm tiền của, địa vị, sức khỏe không còn là ưu tiên số một trong cuộc đời của cháu nữa. Giờ đây, cháu muốn tìm kiếm điều gì đó tốt đẹp hơn, bền vững hơn nữa kìa, và may mắn sao cháu đã được Lời Chúa đánh động để thực hiện chọn lựa mới cho cuộc đời: chọn Chúa làm gia nghiệp! Cháu không muốn chọn Chúa cách nửa vời, cháu còn muốn nhiều hơn thế nữa, cháu muốn chọn Chúa cách triệt để: dành trọn cuộc đời và sự sống của cháu cho Chúa và cho việc kết hiệp mật thiết với Chúa.”
Câu chuyện khép lại cũng đúng lúc cây nhang ngải cứu vừa tàn, cô bác sĩ chào tạm biệt tôi, còn tôi vẫn miên man nghĩ suy về những mẩu chuyện thực tế vừa nghe, cũng như về lý do khiến người lương y trẻ này quyết tâm chọn đời tu, chọn bước theo Thầy Giêsu, để trở nên môn đệ nghĩa thiết, gắn bó trọn đời với Con Thiên Chúa làm người.
“Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống với Ngài, vì chỉ duy Ngài là Đấng có thể thỏa đáp được mọi khát vọng nơi ta.
Giờ đây, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và Ngài vẫn mời gọi mọi người bước theo mình. Lời mời gọi này có thể đến bất kỳ lúc nào.
Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục cất lời: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa.
Theo Ngài nghĩa là đặt để ý muốn của chúng ta nơi ý muốn của Đức Giêsu, trao ban cho Ngài chính mình, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình.
Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó, đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp gửi cho toàn thể dân Chúa nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 50).