Ba tuần trước vào một buổi tối tình cờ bật TV đài TLC, The Learning Center, tôi xem một phim tài liệu tựa đề: “The man with the 200-lb
tumor- Người đàn ông có cái bướu nặng 90 kí-lô“.
Người có cái bướu khổng lồ này là một anh Việt Nam tên là Nguyễn Duy
Hải ở thành phố Đà Lạt, 32 tuổi. Lúc mới sinh ra anh ta bình thường
nhưng khi lên bốn tuổi chân phải của anh to lớn khác thường so với chân
trái. Năm
1997, anh Hải đi nhà thương và nghe theo lời bác sĩ, cắt chân phải để
ngăn chận sự bành trướng. Thế nhưng sau khi cắt, một cục u tiếp tục nẩy
nở từ vết cắt, dần dần to lớn thành một cục bướu nặng 90 kí-lô. Vì nó
quá to lớn, nặng gấp hai lần trọng lượng thân thể, anh Hải nằm trên
giường trong suốt thời gian sáu năm. Qua một sự tình cờ, thân nhân của
anh Hải ở Florida biết được một bà Mỹ tên Amanda Schumacher làm việc
thiện nguyện. Bà này liên lạc với Bác Sĩ McKay McKinnon.
Người đàn ông có cái bướu nặng 90 kí-lô
Bác
sĩ McKay McKinnon ở Chicago, Hoa Kỳ, chuyên về phẫu thuật, nổi tiếng về
giải phẫu cắt bỏ bướu khổng lồ của bệnh nhân khắp thế giới. Sau khi xem
video của anh Hải qua iPad và bỏ thì giờ chẩn bệnh, bác sĩ McKinnon
đồng ý tình nguyện thì giờ của mình bay sang SàiGòn vào ngày 16 tháng 11
-2012 giải phẫu miễn phí cắt bỏ cái bướu cho anh Hải.
Xe cứu thương trước đó vài ngày đã chở anh Hải từ Đà Lạt vào SàiGòn đến Bệnh Viện Ung Bướu TP HCM để sẵn sàng cuộc giải phẫu.
Khi
nhập viện, anh Hải than khó thở, bác sĩ Việt ở Bệnh Viện Ung Bướu cho
Bác Sĩ McKinnon biết nguyên do là anh Hải bị nước vào phổi (pleural
effusion), và lo ngại cho anh Hải nếu bị mổ. Bác Sĩ McKinnon nói việc
ấy không có gì quan trọng, bảo nhân viên nhà thương chích rút nước ra.
Bác sĩ McKinnon nghĩ rằng có lẽ anh Hải đã nằm trong suốt thời gian tám
tiếng vận chuyển từ Đà-Lạt, rồi vào nhà thương cũng nằm nên nước vào
phổi. Ông bảo nhân viên cho anh ta ngồi dậy thay vì nằm để tránh tình
trạng nước lại vào phổi. Sau khi rút nước, anh Hải thở lại dễ dàng.
Ở
bên Mỹ một khi bác sĩ quyết định giải phẫu thì bệnh nhân đến nhà
thương, có sẵn một đội y tá hay bác sĩ giúp bác sĩ trong khi giải phẫu
(nếu trường hợp hiểm nghèo, phức tạp như trường hợp này). Bảo hiểm y tế
của bệnh nhân sẽ trả tiền bác sĩ lẫn chi phí tiền nhà thương, Giám Đốc
nhà thương hoàn toàn không liên hệ gì đến trường hợp mổ. Nhưng ở Việt
Nam, dù rằng hội đoàn của bà Amanda Schumacher sẽ trả tiền nhà thương,
Bác sĩ McKinnon phải bỏ thì giờ giải thích cho nhà thương lý do tại sao
họ nên cho giải phẫu vì cần giấy phép chấp thuận của Bệnh Viện Ung Bướu.
Những người ở ngoại quốc như chúng ta xem video phim tài liệu này sẽ
thấy một chuyện không thể nào tin được: tuy rằng không một ai ở Bệnh
Viện Ung Bướu TP HCM giỏi hơn, và có kinh nghiệm cắt bỏ ung bứu như bác
sĩ McKinnon, ông ta phải giải thích cho khoảng chừng 30, 40 bác sĩ (và y
tá?) của nhà thương để mong cho họ chấp thuận cho phép. Sau đó, ông ta
về khách sạn đợi ba ngày để Bệnh Viện Ung Bướu quyết định!
Khi
trở lại Bệnh Viện Ung Bướu TP HCM vào ngày thứ ba, người bác sĩ (?)
Việt Nam có quyền quyết định mà bác sĩ McKinnon gặp lại là một người lạ,
không có mặt trong nhóm bác sĩ & y tá mà ông trình bày ba ngày
trước. Ông bác sĩ này viện lý do nước vào phổi (pleural effusion), bệnh
nhân yếu sức, từ chối không cho giải phẫu, và cám ơn bác sĩ McKinnon đã
bỏ thì giờ đến Việt Nam. Bác sĩ McKinnon trả lời rằng nêu ra “nước vào
phổi” để từ chối không cho mổ chỉ là lợi dụng một lý do vô cớ. Việc quan
trọng không phải là ông ta tình nguyện bỏ thì giờ đến Việt Nam nhưng
việc quan trọng là ông ta phải cay đắng nhìn nhận là ông ta đã thất bại
trong việc thuyết phục những người cùng nghề nghiệp với ông (ở Việt Nam)
là cuộc giải phẫu sẽ thành công. Ông ta còn phải nói với bệnh nhân vì
không được phép giải phẫu, anh Hải sẽ không có một cơ hội cứu sống nào
khác, chắc chắn sẽ chết trong vòng một năm (tim không đủ sức nuôi cục
bướu khổng lồ như vậy), tuy rằng chính anh Hải mong muốn cho ông ta cắt
cái bướu của mình, mặc dù anh biết cơ hội chết trên bàn mổ có thể là
100%.
Bác
sĩ McKinnon sau đó đến Bệnh Viện Ung Bướu để báo tin buồn cho bệnh nhân
là nhà thương không đồng ý cho ông ta giải phẫu. Anh Hải biết là cơ hội
cứu mạng sống anh ta từ Bác sĩ McKinnon bây giờ như sao chổi sẽ biến
mất tuyệt dạng, nói cảm ơn: “Em
rất cảm ơn tấm lòng của bác sĩ đã đến với em. Em sẽ nhớ mãi kỷ niệm em
đã được gặp bác. Em cầu mong ở một đất nước xa xôi nào đó có một bệnh
nhân giống em mà thể trạng của họ khỏe mạnh hơn em và chính tay của bác
sĩ cầm con dao phẫu thuật giải thoát cho họ khỏi được cuộc sống chập
chờn. Phần duyên số của em thì em chấp nhận như vậy, và em mong rằng một
lúc nào đó khi bác sĩ hồi tưởng về Việt Nam, bác sĩ sẽ nhớ một bệnh
nhân như em. Riêng em, em sẽ nhớ mãi được gặp bác sĩ. Thank you”.
* Với câu trả lời: “Anh là một gương sáng cho chúng tôi nêu theo. Tôi không biết nói gì hơn là xin lỗi”, bác sĩ McKinnon rời Việt Nam trở lại Chicago với sứ mạng cắt bướu cho bệnh nhân bất thành.
Câu
chuyện tưởng đến đây là hết nhưng hai tháng sau, sau khi liên lạc với
nhiều người, bà Amanda Schumacher đã thuyết phục được bác sĩ
Jean-Marcel Guillon, Giám Đốc Bệnh viện Pháp Việt (FV Hospital) TP HCM
giúp Hải được giải phẫu.
Bệnh
viện FV Hospital đài thọ một phần chi phí nhà thương, trả tiền máy bay
và khách sạn, mời bác sĩ McKinnon trở lại SàiGòn làm phẫu thuật cho Hải
với một đội bác sĩ y tá do Bệnh viện Pháp Việt cung ứng trong việc hỗ
trợ giải phẫu.
Ngày Thứ Năm 5 Tháng Giêng, 2012, sau gần 13 tiếng giải phẫu, bác sĩ McKinnon đã thành công cắt đứt cục bướu khỏi người anh Hải.
Hải sau khi giải phẫu
*
Khi còn ở Chicago, bác sĩ McKinnon đã đồng ý giải phẫu miễn phí thêm
cho hai bệnh nhân Việt Nam khác bệnh tình trầm trọng như anh Hải nên sau
khi nghỉ phục sức ngày Thứ Sáu, ngày Thứ Bẩy hôm sau ông đến Bệnh Viện
Chợ
Rẫy cắt những cái bướu trên mặt của cô Kiều Thị Mỹ Dung,
Cô Mỹ Dung trước khi giải phẫu (nguồn: vnexpress)
Cô Mỹ Dung sau khi giải phẫu (nguồn: vietnamnet)
và Chủ Nhật, cắt một số bướu của cô Thạch Thị Sa Ly.
Bác sĩ McKinnon và cô Sa-Ly trước khi giải phẫu
Cô Sa-Ly trước, và sau khi giải phẫu (nguồn: vnexpress)
~~~~
-
Xem xong phim tài liệu này, nếu tôi là bác sĩ McKinnon, sau khi nghe
những người không giỏi bằng mình, không có kiến thức giải phẫu như mình,
không có kinh nghiệm phẫu thuật như mình kết luận họ giỏi hơn mình,
ngăn cấm sự giải phẫu cho bệnh nhân mà tôi đã tình nguyện bỏ mấy ngày
giải phẫu miễn phí, khi tôi trở về Mỹ, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại
một lần nữa. * Thế mà chỉ hai tháng sau, sau khi bệnh viện Pháp Việt
mời ông ta trở lại giải phẫu ở nhà thương của họ, ông ta nhận lời, và
không những chỉ giải phẫu cho một người, mà cho đến ba người trong ba
ngày khác nhau, tất cả hoàn toàn miễn phí!
*
Bệnh Viện Ung Thư TP HCM từ chối không giải phẫu cho một công dân của
chính nước Việt Nam của mình, nhưng một công dân của “đế quốc Mỹ Ngụy”
và một nhà thương của “thực dân Pháp”, hai từ ngữ xấu xa mà đọc báo chí
hay xem Internet lúc nào cũng thấy Việt Nam hiện thời còn dùng để chỉ
Hoa Kỳ và Pháp, đã không quản ngại tiền bạc và công sức để cứu giúp một
công dân của nước Việt Nam.
Ấy
là chưa nói đến hai đồng minh vĩ đại của Việt Nam, Trung Quốc và
Nga-Sô, chẳng nghe nói năng gì về giúp đỡ bệnh nhân Nguyễn Duy Hải.
*
Tôi thật là may mắn được sống ở đất nước Hoa Kỳ, một quốc gia không bao
giờ dùng lời đay nghiến với một nước thù nghịch, một quốc gia nơi có
những người đầy lòng hảo tâm với tôn chỉ giúp đỡ nhân loại mà không
cần biết người đó đang sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nguyễn Tài Ngọc
March 2013