Niềm vui Phục Sinh – Lm. Bùi Quang Tuấn
Theo một số các nhà chú giải,
chương cuối cùng trong Tin Mừng thứ tư là phần
bổ túc từ một bàn tay khéo léo nào
đó trong các môn đệ của Thánh Gioan. Bởi vì không
lý nào với những lời từ biệt kết thúc ở
chương 20 -- "Các điều đã viết đây,
là để anh em tin rằng: Đức Giêsu chính là Đức
Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự
sống nhờ danh Ngài”(Ga 20:31) -- rồi sau đó vị
thánh sử lại từ biệt thêm một lần nữa--
"Còn lắm điều khác, Đức Giêsu đã làm, nếu
viết lại từng điều thì thiết tưởng
thế gian không đủ chỗ mà chứa sách viết ra
(Ga 21:25).
Tác giả của
chương cuối này trình thuật câu chuyện các môn đệ
Đức Giêsu đang lâm cảnh "rắn mất đầu.”Còn
chừng bảy người đang ở với nhau. Sau hôm
Thầy chết, họ trở nên buồn phiền, chán nản.
Bao nhiêu kỳ vọng đã tan thành mây khói. Nhớ lại
quá khứ: bỏ hết tất cả rồi! Nhìn vào
tương lai: băn khoăn chẳng có chi. Rồi đây
biết tựa vào ai? Đi đâu? Làm gì? Bao câu hỏi chờn vờn
tâm trí các ông.
Nhiều người
đã rời Giêrusalem trở về quê cũ. Lòng kẻ
ở lại trĩu nặng ê chề. Chẳng
ai buồn nói chuyện. Trong bầu khí tang tóc u trầm
đó, một quyết định vang lên: "Tôi đi
đánh cá.”Phêrô đã thốt lên câu nói đó.
Thế rồi ông được anh em
phụ hoạ: "Chúng tôi cùng đi với ông.”Tất cả cùng lên thuyền ra khơi. Đêm đen mịt mù như lòng của họ.
Gió lạnh, sương rơi, sóng trào, cả
bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Nhưng đâu còn gì
hơn nữa ngoài việc cật lực tung
lưới kiếm cho được ít cá để sống
qua ngày.
Thế nhưng, dù vất vả
đánh vật với sóng gió của biển khơi, "đêm
ấy họ vẫn không bắt được gì”(Ga21:3). Hoá ra, dù có trong tay phương tiện
đánh cá, dù đã hăng hái nhất trí cùng nhau, và dù hao công
tổn sức cách mấy, nhưng nếu không có Đức
Kitô Phục sinh, chắc hẳn kết quả chỉ là một
nỗi thất bại ê chề. Song, một khi có Chúa hiện
đến, thăm hỏi, hướng dẫn, lúc đó
người ta mới thu được
kết quả phi thường.
Phải chăng không ít hội đoàn
hay tổ chức cũng từng có cùng kinh nghiệm như
các người môn đệ: cũng hăng hái, đồng
tâm, cũng đầy đủ phương tiện tiến
bước, nhưng sao "ra khơi”nhiều lần mà kết
quả thu được chẳng là bao. Có phải
vì vẫn còn thiếu vắng sự hiện diện của
Đức Kitô Phục sinh? Hay vì người ta,
như các tông đồ theo Đức Kitô trước Phục
sinh, còn tranh chấp ghế ngồi "bên hữu bên tả",
và còn trốn chạy cả khi đối mặt với một
cô... "đầy tớ"?
Kết quả của
lần kéo lưới thứ hai, sau lời hướng dẫn
của người-lạ trên bờ hồ, là một mẻ
cá đầy ắp. Diễn tiến tiếp theo là việc
các môn đệ nhận ra người-lạ đó:
"Không ai trong các ông dám hỏi: Ngài là ai, bởi mọi
người đều biết là Chúa”(Ga
21:12).
Cuộc tao ngộ Thầy trò bên biển
hồ Tibêria được đúc kết bằng việc
Đức Giêsu trao ban năng quyền dẫn dắt Giáo hội
cho Phêrô. Khởi đầu mỗi lần trao năng quyền
là một câu vấn đáp về lòng mến yêu: "Simon,
con của Gioan, ngươi có yêu mến Ta không?"
Căn cứ vào mạch văn thì hẳn
đây là lần đầu tiên Đức Giêsu hiện ra với
các môn đệ, những người đã không yên ủi Chúa
được một lời lúc Ngài chịu đau khổ
đến rướm máu trong vườn Cây Dầu. Họ
cũng đã bỏ Chúa chạy lấy thân khi gặp quân
lính hung ác. Thậm chí còn chối Ngài lúc gặp thử thách
gian nan. Thế nhưng,
đứng trước những con người lỡ lầm
và đầy thiếu xót đó, Đức Giêsu không hề
nhắc lại quá khứ nhát hèn của họ. Ngài chẳng
hỏi: "Các ngươi trốn nơi đâu?”cũng không hề trách: "Này anh Phêrô, Tôma,
Giacôbê, các anh có cảm thấy xấu hổ khi bỏ Thầy
và chối Thầy không?"
Trong câu hỏi của
Đức Giêsu không thấy nhắc gì đến quá khứ,
cũng chẳng có giận hờn trách móc hoặc ngăm
đe, nhưng chỉ là hiền từ, yêu thương và
trao phó.
Điều kỳ lạ là khi ký thác đàn
chiên cho Phêrô, Đức Giêsu lại muốn vị đại
diện phải có lòng yêu mến Ngài, thậm chí còn phải
yêu Ngài hơn những người khác (Ga 21:15). Thế
ra không yêu mến Chúa sẽ chẳng ai có thể làm trọn
trách vụ chăn chiên. Không thương
Chúa hơn tất cả, người ta sẽ chẳng bao
giờ trở nên người chăn chiên đích thực.
Có chăng chỉ là hạng chăn thuê, thấy
sói đến là để đàn chiên tan tác.
Chúa gặp lại
các môn đệ trong bầu khí yêu thương quảng
đại. Không hề có chuyện nhắc đến
lỗi lầm của họ. Quá khứ
đầy thiếu sót phải nhường cho hiện tại
giàu thương yêu. Nhắc nhở lỗi
lầm ngày xưa chỉ tạo nên rạn nứt phân ly hôm
nay. Tha thứ và khoả lấp bằng lòng khoan dung nhân
ái sẽ tăng sức mạnh dâng hiến trao ban tràn đầy.
Đây chính là bài học quí báu cho mọi cộng
đoàn và gia đình.
Trong yêu thương
có thứ tha. Khi tha thứ người ta chấp nhận
bỏ mình, ngang qua sự chết. Với
hành trình như thế yêu thương sẽ đạt
đến cao điểm của phục sinh. Bước
theo Đức Kitô Phục sinh là cùng chung
hành trình với Ngài. Trong đó có hy sinh, vị
tha. Trong đó có thái độ chấp nhận
các thói hư tật xấu và những điểm dị biệt
của tha nhân với một thiện ý và một lòng mến
thương thật sự. Và nhất là
trong đó có niềm vui phục sinh sau lúc đã ngang qua sự
chết.
|