Bữa ăn trên bờ
biển
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Cũng
như các lần trước, Chúa Kitô Phục Sinh đã
đến với các môn đệ một cách bất ngờ.
Lúc đầu họ chưa nhận ra Ngài.
Phải có một lời nói hay một dấu chỉ gì của
Chúa có liên hệ với kinh nghiệm trước kia của
họ, họ mới giác ngộ và nhận ra sự hiện
diện rất thật của Chúa Phục Sinh.
Câu chuyện
Tin Mừng kể lại hôm nay rõ ràng gợi lại mẻ
lưới lạ lùng trước đó gần ba năm.
Cũng một mẻ lưới như vậy, nhờ
đó, Chúa Giêsu đã kêu gọi họ: “Hãy theo Thầy, từ
nay anh em sẽ là những kẻ lưới người
như lưới cá” (Lc 5,10). Ở
đây, mẻ lưới nầy cũng sẽ được
gắn với sứ mạng của các tông đồ. Con số
153 con cá bắt được là con số biểu tượng
của tất cả mọi thứ cá biến. Và như thế
nó muốn nói rằng, lưới của các tông đồ
rồi đây sẽ quy tụ toàn thể nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất
là Giáo Hội.
Thì ra, mẻ lưới thần kỳ
nầy là để mở đường cho một giây
phút gặp gỡ thân tình giữa Thầy và trò, giữa
Đấng Phục Sinh và các tông đồ. Đối với Phêrô và
các bạn ông thì đây không phải là gặp Chúa lần
đầu. Đã có hai lần trước
rồi. Và sau hai lần đó, họ vẫn
tiếp tục nghề cũ. Phêrô nói: “Tôi đi lưới
cá đây”. Mấy người kia nói: “Thì
cùng đi”. Thế là họ lên thuyền ra đi, nhưng suốt
đêm hôm ấy họ chẳng bắt được con
cá nào! Vất vả mà chẳng được gì! Ngay lúc đó có ai đứng chờ trên bờ biển
và cất tiếng gọi. Gioan, người môn đệ
Chúa yêu đã nhận ra trước tiên và mách cho Phêrô: “Chúa
đó!”. Rồi, ùm một cái, Phêrô đã lao xuống nước, đi đến với
người đang chờ mình, gọi mình.
Sao Chúa lại đơn giản như
vậy? Sao Chúa lại lui cui nướng cá,
nướng bánh, dọn một bữa điểm tâm cho những
người đi làm đêm trở về, như một bà
nội trợ lo cho người trong nhà. Rồi thầy
trò ngồi bên nhau và chia nhau một bữa ăn
thân hữu. Không cần phải hỏi: “Ông là ai?” Vì biết rồi. Thuyền
đây, lưới đây, cá đang chín vàng đây, bánh
đang còn đây. Và Chúa đây, Người
Phục Sinh, Người khơi nguồn sống, Vị Cứu
Tinh.
Nhưng, thưa anh chị em,
Điều kỳ lạ ở đây,
xét cho cùng, chưa phải là mẻ lưới đầy
cá. Điều kỳ diệu
ở đây chính là các tông đồ hôm nay đã trở
thành những con người khác rồi. Mới cách đây
ít bữa, các ông ấy, nói chung, còn là những
con người nhút nhát, thô thiển, mộc mạc lắm.
Thế mà, hôm nay thật đường hoàng,
dõng dạc, ung dung trước Công nghị Do Thái. Công nghị ấy, đến ông Giêsu nó còn giết
được, cỡ như ông Phêrô và các bạn ông, nó coi
ra gì. Và đây không phải là lần
đầu các tông đồ bị bắt và bị giải
ra trước Công nghị Do Thái. Nhưng
điều bất ngờ là Phêrô và Gioan đã mạnh dạn
rao giảng về Chúa Giêsu và làm chứng về Chúa sống
lại. Cuối cùng, Công nghị không biết
làm gì hơn là truyền cho đánh đòn hai ông rồi tha về
và cấm không được rao giảng về Chúa Giêsu nữa.
Các ông ra về mà lòng hớn hở vui mừng
vì thấy mình đáng được chịu sỉ
nhục vì Chúa. Rồi các ông vẫn cứ
tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu và làm chứng về
Chúa Phục Sinh ở nơi công cộng cũng như tại
tư gia. Ngăm đe, tù đầy, bắt bớ,
không gì ngăn cản được các ông hoàn thành sứ mạng
Chúa giao phó: “Phải vâng lời
Thiên Chúa hơn vâng lời người ta”.
Quả thật, có một cái gì đó
đã xảy ra. Cái gì? Nguyên nhân nào đã làm cho những
người tầm thường đó thay đổi hẳn?
Cái gì đó chính là những lần gặp gỡ
Chúa Phục Sinh. Gặp gỡ âm thầm thôi, chốc
lát thôi, nhưng cái tiếp cận bằng mắt, bằng
tay, không quan trọng băng sự giao tiếp của cõi
lòng, giờ phút cơ duyên làm cho họ hiểu rằng họ
đã đi vào, đã đụng tới một thế giới
mới và con người của họ
cũng biến thành mới hoàn toàn. Từ đó, họ
đinh ninh một điều: “Giêsu, kẻ đã bị sát
hại, bị treo lên cây gỗ thập giá, thì Thiên Chúa
đã nhắc lên bên hữu Ngài, để ban cho chúng ta
ơn hối cải và tha tội”. Vì thế,
họ sẽ “vâng phục Thiên
Chúa hơn là người ta”. Từ nay, họ tự
do đối với mọi bạo lực, cưỡng bức.
Ở tận đáy lòng của họ, từ
nay đã có cái kinh nghiệm đó và niềm xác tín đó.
Anh chị em thân mến,
Giáo Hội ngày nay, nếu muốn tiếp
tục sứ mạng của các tông đồ, nếu muốn
phát triển, thì cũng không có con đường nào khác. Giáo Hội của Chúa Phục SInh chỉ
có thể phát triển qua những cuộc đời có khi
vất vả, tăm tối, có khi tù túng, nhọc nhằn,
như các Tông đồ kia. Nhưng
cũng như các Tông đồ đã gặp được
Chúa Giêsu Phục sinh đang đơn sơ dọn bữa ăn cho họ và mời họ đến
ăn chung với Ngài. Do đó,
-
Tin
Đức Kitô Phục sinh là tin vào sự hiện diện kề
cận của Ngài bên chúng ta ngay trong công việc sinh sống,
làm ăn vất vả hằng ngày.
-
Tin
Đức Kitô Phục sinh là tin luôn luôn có cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và nỗi đau khổ, thất bại, bị
bỏ rơi, đơn độc của chúng ta.
-
Tin
Đức Kitô Phục sinh là nhận thấy Chúa vẫn
luôn tái diễn những việc kỳ diệu, những mẻ
lưới đầy cá, những lần hoá
bánh ra nhiều trong đời sống chúng ta và trong thế
giới, để đáp ứng những nhu cầu ấm
no, hạnh phúc cho con người.
-
Tin
Đức Kitô Phục sinh là đáp lại lời mời gọi
của Ngài đến dự bữa ăn huynh đệ mà
Ngài đã ân cần dọn sẵn cho chúng ta nơi bàn tiệc
Thánh Thể, một bữa ăn hiệp nhất thắm
tình Thầy trò xum họp, Cha con đoàn tụ, liên kết mọi
người trong một sức sống của
Đức Kitô Phục sinh để tiến đến một
tương lai vinh quang vĩnh cửu.
Chính niềm tin gặp gỡ Đức
Kitô Phục sinh đã biến đổi các tông đồ
và các tín hữu tiên khởi của cộng đoàn Giêrusalem. Họ đã đồng
tâm nhất trí, yêu thương nhau, chuyên chăm nghe các Tông
đồ giảng dạy, họp nhau cầu nguyện và cử
hành nghi lễ bẻ bánh, tức là Thánh Thể và nhất là
coi mọi sự là của chung, góp tiền của lại
để các Tông đồ phân phát theo nhu cầu, đặc
biệt lưu tâm đến những người nghèo khổ.
Vì vậy mà không ai phải túng thiếu.
Đó là đời sống mới của những con
người đã tin vào Chúa Kitô Phục sinh. Đó
cũng là đời sống lý tưởng kiểu mẫu
cho cộng đoàn.
|