Dấu chứng Phục
Sinh
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở
tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không
đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có
tin”. Đó là thách thức
của tông đồ Tôma. Đó cũng là đòi hỏi của
con người khoa học thực nghiệm ngày nay: phải
thấy, phải đụng chạm, phải kiểm nghiệm
được mới tin.
Ngày 23
thánh 9 năm 1968, cha Piô, linh mục nổi tiếng dòng
Capucinô đã qua đời trong một tu viện tại
Italia. Suốt 50 năm cha Piô mang năm dấu thánh,
nghĩa là trên hai tay, hai chân và ngực ngài được in
năm vết thương của Chúa Giêsu. Những vết
thương mà Chúa Phục Sinh đã tỏ cho ông Tôma tông
đồ trong Tin Mừng hôm nay. Nhiều người trên
khắp thế giới đã đến xưng tội với
vị linh mục thánh thiện này và tham dự thánh lễ
cha cử hành. Khi cha Piô dâng lễ, cả ngài và dân chúng đều
nhận thức rõ ràng ngài mang trên thân thể ngài những dấu
thương tích mà Chúa đã chịu trên thập giá, những
vết thương làm cha đau đớn khôn tả. Thỉnh
thoảng những giọt máu rỉ ra trên tay của cha, hai
tay chỉ để trần khi dâng lễ. Lúc khác, hai tay
ngài được bao lại trong đôi gang tay màu nâu. Khi
dâng lễ, ngài thường gồng như một người
vác thập giá. Ngài thường khóc khi nhìn thánh Thể, mặt
ngài như thiên thần, nhưng người có mặt cảm
thấy bình an.
Với một
số người, câu chuyện của cha Piô coi như chuyện
đạo đức giả tưởng ở thời
Trung cổ. Nhưng thực ra đây là một con người
của Chúa sống trong thế kỷ của chúng ta. Hằng
trăm ngàn người thuộc đủ mọi tín
ngưỡng hay không tín ngưỡng đã thấy tận
mắt, đã đến thăm viếng ngài. Ngài cũng chịu
đủ mọi khám nghiệm y khoa cũng như khoa học.
Tất cả đều chứng minh rằng không có lối
giải thích tự nhiên nào đối với các vết
thương trên cơ thể ngài. Và cũng không có cách nào chữa
trị được.
Chúa chọn vị linh mục thánh thiện
này để chia sẻ nỗi khổ thể xác của Con
Chúa. Để làm cho sự chia sẻ này hiển nhiên
hơn, xúc động hơn, Chúa đã để cho xuất
hiện những vết thương trên thân xác cha Piô. Và
trong lịch sử đã có hàng trăm người khác
cũng đã được in dấu thánh, đặc biệt
là cha Thánh Phanxicô thành Assisi, để họ trở nên những
nhân chứng sống động cho cuộc khổ nạn
và Phục Sinh của Đức Ktô.
Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng,
nhưng là một Tin Mừng không dễ tin, đặc biệt
đối với những người theo Chúa, như các
tông đồ. Nguyên sự kiện ngôi mồ trống không
đủ bằng chứng để họ tin. Cần phải
có những lần hiện ra của Chúa Giêsu mới củng
cố được lòng tin của các ông. Thánh Gioan đã
ghi lại câu chuyện Chúa hiện ra cho các tông đồ và
cho Tôma là để chúng ta tin. Thế nhưng, trong những
lần hiện ra đó, cái gì đã giúp cho những người
thân của Chúa Giêsu nhận ra Ngài? Có thể là một tiếng
gọi (với Maria), một cử chỉ bẻ bánh (với
hai môn đệ Emmau) hoặc cũng có thể là một
phép lạ xẩy ra theo lệnh truyền của Chúa
(như mẻ cá đầy ở biển hồ Tibêria),
nhưng đặc biệt là những thương tích
nơi tay chân và cạnh sườn của Ngài. Ông Tôma
đã thưa cùng với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của
con” khi Chúa Giêsu cho ông thấy những dấu đinh của
cuộc khổ nạn trên thân thể Ngài và nói với ông những
lời không thể ngờ được: “Đặt ngón
tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà
đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng
lòng nữa, nhưng hãy tin!”.
Như thế, dấu chỉ để
người nhận ra Chúa Phục Sinh không phải là vinh
quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh.
Nếu chính Đứng Phục Sinh vinh hiển đã không
muốn dùng vinh quang và sức mạnh chiến thắng của
mình mà khuất phục thế gian, thì phương chi là
chúng ta. và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu
đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu
chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng
không có dấu chỉ nào ý nghĩa hơn là những vết
thương của các cuộc khổ nạn mà chúng ta có thể
đã, đang và sẽ còn chia sẻ với Chúa. Chính với
những dấu chỉ này mà chúng ta có thể làm chứng
cho Chuá Phục Sinh một cách sống động nhất.
Từ hơn 2000 năm nay, Thánh giá mới thực sự là
biểu hiện vinh quang, và dấu đinh mới là dấu
chỉ của Chúa Phục Sinh. Hãy nhận ra Chúa nơi
năm dấu thánh, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa
Kitô thực sự là “người” khi “đầu đội
vòng gai, mình mặc áo đỏ” (Ga 19,5) nghĩa là khi Ngài bị
đánh đập sỉ vả; Ngài thực sự là “Chúa”
khi bị đóng đinh trên thập giá. Ngày nay Ngài cũng vẫn
đang hiện diện giữa chúng ta như là “người”
và là “Chúa” trong những người anh em bị đau khổ,
bị ngược đãi, sỉ nhục, bị tù đày,
tra tấn, bị đói khát, trần truồng, bị chối
bỏ, bị giết vì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại.
Nhưng thưa anh chị em,
Giáo hội nói chung và mỗi người
tín hữu chúng ta nói riêng có sẵn sàng mang dấu tích của
Chúa Phục Sinh, có sẵn sàng trở nên khí cụ bình an của
Chúa hay không? Nói khác đi, chúng ta có sẵn sàng chịu
đau khổ, chịu đóng đinh để làm chứng
cho Chúa Phục Sinh không? Có sẵn sàng hoà giải nhân loại
với Chúa, hoà giải nhân loại với nhau, bằng những
hy sinh và cả giá máu mà chúng ta phải sẵn sàng đổ
ra hay không?
Con người ngày nay không dễ tin. Họ
cũng đòi hỏi như ông Tôma, phải được
trông thấy, phải được kiểm nghiệm, phải
có dấu chứng khả giác mới chịu tin. Chúng ta có
nghiệm vụ trình bày cho họ thấy rõ khuôn mặt thật
của Chúa Phục Sinh. Làm sao họ có thể nhận ra
khuôn mặt của Chúa Giêsu, nếu họ không nhìn thấy
những vết thương, những chứng tích của
Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc
sống cuả người Kitô hữu? Làm sao họ có thể
tin được, nếu họ không thấy chứng tích
của những bàn tay chai cứng vì lao động, của
những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ,
của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha
nhân? Làm sao có thể tin được, nếu họ không
thấy dấu chứng của cộng đoàn Kitô hữu
tương tự như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi
ở Giêrusalem sau ngày Chúa Phục Sinh theo sách Công vụ mô tả:
“Những
kẻ tin, muôn người như một, chuyện cần
với lời giảng dạy của các tông đồ, hiệp
nhất và cùng chung lo cho người nghèo khó bằng cách
để chung tiền của, họ đồng tâm nhất
trí chia sẻ bánh thánh và cầu nguyện”. Đời
sống chứng tá đó đã thu hút những người
không tin, nên “số những người tin Chúa mỗi ngày
càng thêm đông” (X. Cv 4,32-35; 2,42-47). Đó chính là chứng
tích của tình yêu. Con người ngày nay cũng đang
đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu của
cộng đoàn Kitô hữu chúng ta. Đạo của anh là
đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho
tôi xem những chững chứng tích tình yêu của anh
đi!
Ước gì mỗi người chúng ta
đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô
đóng đinh trên tay chân, trên thân xác, trong cuộc sống…
để chia sẻ với Chúa Giêsu những vết
thương của các cuộc khổ nạn đang diễn
ra trên thế giới ngày nay, nhờ đó chúng ta mới có
thể làm chứng cho chiến thắng vinh quang của Chúa
Kitô Phục Sinh.
|