Chúng tôi
đã thấy Chúa.
(Trích
trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Sau khi được phục sinh, Đức
Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa, nhưng Ngài vẫn dễ
thương như xưa.
Nỗi bận tâm lớn nhất của
Ngài là các môn đệ. Việc làm quan trọng nhất của Ngài là
đi thăm các ông.
Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ
hãi co quắp, khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u. Ngài
chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26),
thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.
Đức Giêsu phục sinh cho họ xem
các vết thương. Thân xác chiến thắng của Ngài sẽ mãi mãi
mang dấu tích của cuộc khổ nạn.
Các môn đệ vui mừng vì được
thấy Chúa, vì được Ngài cho tham dự vào cùng một
sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng
sai anh em.”
Chỉ có một người không vui,
đó là ông Tôma. Ông này vốn
có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5). Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Đức Giêsu
phục sinh. Chỉ biết ông đã
“không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.
Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa
cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn, khi ông
thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của
các bạn: “Chúng tôi đã thấy Chúa.” Nhưng
ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan. “Nếu tôi không thấy... nếu tôi không xỏ
ngón tay... nếu tôi không thọc bàn tay... tôi sẽ chẳng
tin đâu.” Ông có thái độ như một
nhà khoa học thực nghiệm.
Đức Giêsu phục sinh đến với
nhóm, nhưng không quên một ai. Ngài muốn cho Tôma được toại
nguyện.
Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì
Ngài hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những lời
chứng của anh em, nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng
điều ông đòi hỏi. Rốt cuộc
Tôma cũng được thấy và tin như anh em.
Đức tin của chúng ta hôm nay dựa
trên đức tin của những người đã thấy
và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng
Ngài sống lại.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người
giống Tôma. Họ đòi “thấy và chạm đến” những
thực tại vô hình, như Thiên Chúa, linh hồn, đời
sau.
Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là
“có cảm nghiệm”, thì đòi hỏi trên thật là chính
đáng. Đức
Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến
Ngài.
Chúng ta cũng phải có khả năng
giúp người khác thấy và chạm đến những
điều vô hình nhưng có thật.
Chúng ta cần sống như người
đang thấy Thiên Chúa, cần thanh thoát như người
đã đụng đến trời cao, cần bay lên khỏi
cái nặng nề của thân xác như người đã cảm
được cái nhẹ bổng của linh hồn.
Truyền giáo là làm cho người ta tin,
làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.
Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải
nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18). Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải
nói được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).
Gợi Ý
Chia Sẻ
1. Bạn nghĩ gì về đức
tin của bạn? Có khi nào bạn thấy đức tin
đó mạnh không? Nếu bạn thực sự tin vào Chúa,
vào sự phục sinh, bạn có thấy cuộc đời
bạn sẽ có những thay đổi và chuyển biến
lớn lao không?
2. Có ai là Tôma trong nhóm của bạn
không? Có ai chưa được hưởng niềm vui phục
sinh? Bạn đã làm gì để nâng đỡ họ?
Cầu
Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống
đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con
biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của
con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và
ích kỷ.
Vượt
qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ
đau và nhục nhã.
Vượt
qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải
của niềm tin.
Vượt
qua những thành kiến con có về người khác...
Chính
vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm
vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước
gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp
nơi bình an và hy vọng, tin tưởng
và niềm vui.
Ước
gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt
của Chúa.
|