Ngôi mộ trống
-JKN
Câu hỏi
gợi ý:
1. Việc Đức Giêsu sống
lại có ảnh hưởng gì trên đời sống của
bạn không? Đã bao giờ làm cho bạn thật sự
thay đổi con người bạn chưa?
2. Muốn được sống
lại với Đức Giêsu trong tâm hồn, nghĩa là trở
nên con người mới, con người sống theo Thần Khí, điều cần thiết và
cụ thể là ta phải làm gì?
Suy tư
gợi ý:
1. Đức Giêsu sống lại, một
biến cố vĩ đại.
Hôm nay, chúng ta hân hoan kỷ niệm ngày
Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn,
chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó
quả là một biến cố vĩ
đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta.
Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại,
thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả
đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống
lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em
vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã
an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu
chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì
đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng
thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19).
2. Ngài sống lại thì ích lợi gì cho
cuộc sống hiện sinh của tôi?
Nhưng thử hỏi biến cố
Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng hay ích
lợi gì cho đời sống hiện sinh của tôi,
nghĩa là đời sống thực tế bây giờ và tại
đây của tôi? Biến cố này có ảnh
hưởng trên đời sống của tôi, hay nó chỉ
là một kỷ niệm được lập lại hàng
năm, chỉ để tưởng nhớ một biến
cố đã hoàn toàn qua đi? Vì biết bao năm phụng
vụ trôi qua, năm nào cũng có Tuần Thánh, cũng có lễ
Phục Sinh, mà nào tôi có thay đổi gì đâu! Chuyện
Đức Giêsu sống lại với một đời sống
mới, con người mới, cách hiện hữu mới,
tất cả đều đã trở thành quá khứ, chẳng
có ảnh hưởng gì trên hiện tại của tôi, nên
tôi vẫn sống với con người cũ, cách sống
cũ, chẳng có gì thay đổi! Phải vậy
chăng, hay việc Ngài sống lại vẫn là một biến
cố hiện sinh, vẫn có khả năng biến cải
đời tôi?
Nếu Ngài chỉ sống lại trong lịch
sử, cách đây 2000 năm, mà không sống lại trong lòng
tôi, thì việc sống lại ấy ích lợi gì cho tôi? Vấn đề quan trọng là Ngài phải sống
lại trong tâm hồn tôi. Và vấn đề
ấy tuỳ thuộc ở tôi rất nhiều,
ở quan niệm và thái độ nội tâm của tôi
đối với việc sống lại của Ngài.
3. Ngài sống lại để biến
ta thành con người mới
Đức Giêsu sống lại là để
đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên
những con người mới, ngay bây giờ và chính tại
đây, như thánh Phaolô nói: «Nếu Thần Khí ngự trong
anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức
Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã
làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết,
cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự
trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự
sống mới» (Rm 8,11). Điều quan trọng
là làm sao có được sự sống mới ấy?
Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho biết: Thần Khí
làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng chính Thần
Khí ấy sẽ biến cải chúng ta nên con người mới,
với sức sống mới. Chỗ khác, thánh Phaolô nói:
«Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người
cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng
ta sống lại» (1Cr 6,14). Nhưng vấn
đề cụ thể là chúng ta phải làm gì để Thần
Khí ấy biến cải chúng ta nên con người mới?
4. Muốn nên con người mới, con
người cũ phải chết đi
Đức Giêsu chỉ sống lại
sau khi chết đi, nên ta chỉ có được sự sống
mới sau khi chết đi con người cũ. Vì thế,
muốn có sự sống mới, muốn trở nên con
người mới, ta phải cùng chết với Đức
Giêsu, chết với tất cả những thói hư tật
xấu và tội lỗi của con người cũ: «Chúng
ta biết rằng, con người cũ nơi chúng ta
đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức
Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống
trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không
còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa» (Rm 6,6). Thánh Phaolô
còn nói rõ hơn: «Anh em phải cởi bỏ con người
cũ với nếp sống xưa, là con người phải
hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em
phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh
em, và phải mặc lấy con người mới, là con
người đã được sáng tạo theo hình ảnh
Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện»
(Ep 4,22-24).
5. Con người cũ là con người
ích kỷ, cần được lột bỏ
Như vậy, để có được
sự sống mới, ta phải dứt khoát từ bỏ
con người cũ, là con người ích kỷ, chỉ
nghĩ tới mình, lo cho mình, chỉ quan tâm tới hạnh
phúc và đau khổ của chính mình, không quan tâm gì tới
ai, không lo cho ai. Nếu đã lấy mình làm
trung tâm thì sẽ coi mọi người chỉ là
phương tiện. Có diệt trừ thói ích kỷ,
là nguyên nhân mọi tội lỗi, chúng ta mới có
được sự sống mới: «Nếu sống nhờ
Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con
người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được
sống» (Rm 8,13).
Sự sống mới là một sự sống
phong phú, nhưng lại đòi hỏi một sự lột
xác, một tinh thần tự huỷ: «Nếu
hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó
vẫn mãi là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó sẽ
sinh nhiều hạt khác» (Ga 12,24).
Tương tự, hạt nguyên tử, nếu không bị
phá huỷ, nó sẽ mãi mãi là một nguyên tử
nhỏ bé, im lìm, bất động, không làm nên một công lực
hữu ích nào; nhưng nếu bị phá huỷ,
nó sẽ phát sinh một năng lượng khủng khiếp,
có thể làm nên những thành tựu lớn lao. Cũng vậy,
khi ta phá huỷ «cái tôi ích kỷ» của ta,
thì «cái tôi» ấy không hề mất đi, mà chuyển hoá thành một thực tại mới, con
người mới, vĩ đại, cao quý,
và sức sống của con người mới ấy sẽ
phong phú, mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn lên ngàn lần.
6. Một nghịch lý thực tế
Đừng tưởng cứ ôm khư
khư lấy «cái tôi ích kỷ» của mình, chăm chút lo cho
nó, thì nó sẽ có một sức sống phong phú, tốt
đẹp và hạnh phúc.
Trái lại, càng quá quan tâm đến nó, thì lại
càng làm cho sức sống của nó hạn hẹp lại,
càng làm giảm bớt giá trị và hạnh phúc của nó.
Đức Giêsu nói: «Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở
đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự
sống đời đời» (Ga 12,25).
Kinh nghiệm cho ta thấy: những kẻ ích kỷ, chỉ
lo lắng cho bản thân mình, không bao giờ được
hạnh phúc và cũng chẳng làm cho ai hạnh phúc. Họ không bao giờ hài lòng với chính họ, với
những gì họ đang có. Và càng tìm kiếm
thêm cho mình, càng lo cho bản thân mình nhiều hơn, thì họ
càng lún sâu vào đau khổ hơn. Trái lại, những
vị thánh, những người sống quên mình, xả
thân, lại là những người cảm thấy hạnh
phúc nhất, mặc dù xem ra họ có vẻ bị thiệt
thòi nhất, phải chịu khổ cực nhiều hơn
ai hết.
7. Con người mới là con người
vị tha, biết yêu thương
Con người mới được
thánh Phaolô xác định: «Con người mới là con
người đã được sáng tạo theo hình ảnh
Thiên Chúa» (Ep 4,24); «con người mới
là con người đổi mới luôn luôn để nên giống
như hình ảnh Đấng dựng nên mình» (Cl 3,10).
Như vậy, con người mới chính là con người
hoàn nguyên, nghĩa là trở về với tình trạng tốt
đẹp nguyên thuỷ khi được
Thiên Chúa tạo dựng, trước khi con người phạm
tội. Đó là con người phản ánh trung thực bản
chất của Thiên Chúa, là Tình Yêu. Vậy, để có một
đời sống mới, một tinh thần mới,
để trở nên con người mới, với một
sức mạnh mới, ta cần có một quyết tâm từ
bỏ con người cũ là con người ích kỷ, chỉ
quan tâm lo cho bản thân mình, để mặc lấy con
người mới là con người sống vị tha, sống
yêu thương, sống vì tha nhân. Khi ta quyết tâm như
thế, với một ý chí cương quyết, lập tức,
Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức
Giêsu sống lại, sẽ tiếp sức với ta, biến
đổi ta nên con người mới. Điều
quan trọng và tối cần thiết là ta phải quyết
tâm từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống
đời sống vị tha, sống yêu thương.
Sau đó, «hãy để Thần Khí canh tân đổi mới
anh em thấu tận trí khôn» (Ep 4,23); «Hãy
để cho Thiên Chúa biến hoá anh em cho tâm
trí anh em đổi mới» (Rm 12,2). Nếu ta tiếp tục
quảng đại, Ngài sẽ biến đổi ta một
cách toàn diện, từ quan niệm, cách suy nghĩ, đến
cách ăn nói, hành động để trở thành con
người mới thực thụ. Có như
thế, việc sống lại của Đức Giêsu mới
thật sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu
của ta.
Cầu
nguyện
Lạy Cha, đã bao năm qua, con mừng
Đức Giêsu phục sinh chỉ như kỷ niệm một
biến cố hoàn toàn quá khứ, chẳng ăn
nhập gì tới đời sống cụ thể của
con. Vì thế, đã bao năm, con chẳng có gì thay đổi.
Nhưng năm nay, con quyết tâm trở nên một con
người mới, một con người sống vị
tha, yêu thương mọi người. Xin
Thánh Thần của Cha hãy biến đổi con.
|