Gia đình hiếm ở VN: Dạy con bằng bó đũa
Một lần, nghe phong thanh có một người con có ý định muốn tách ra ở riêng, trong bữa cơm, ông Nguyễn Văn Giáo đã cầm cả bó đũa và lấy hết sức mạnh để bẻ nhưng không gãy cái nào. Sau đó, ông Giáo đặt bỏ bó đũa xuống và bẻ gẫy từng chiếc dễ dàng. Người con hiểu ý của bố và từ bỏ luôn ý định ra riêng.
Việc to, nhỏ, bố mẹ đều xin ý kiến từng người con
Theo ông Nguyễn Văn Giáo, nguồn kinh tế chính để cho đại gia đình vận hành là công ty sản xuất và kinh doanh Thành Đạt (chuyên về đồ gỗ, nội thất). Ngoài ra, còn có thêm một cửa hàng kinh doanh quần áo đồ dùng thể thao và một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng đều mang tên Thành Đạt. Mọi công việc ở công ty, cửa hàng, việc bếp núc nội trợ trong gia đình đều được ông bà Giáo phân công dựa trên ưu, nhược điểm của mỗi người.
Kể về việc này, ông Giáo ví dụ:
-Anh Nguyễn Văn Thầm, con trai thứ 3 là người nhanh nhạy, có nhận định rất sát với thị trường được cử làm Giám đốc Công ty sản xuất và kinh doanh Thành Đạt.
-Con trai thứ tư Nguyễn Văn Thì được giao quản lý cửa hàng bán đồ thể thao.
-Anh Nguyễn Văn Thúy làm quản đốc phân xưởng sản xuất mộc,
-Anh út Nguyễn Văn Trà trông coi việc kinh doanh ở xưởng mộc.
Chị dâu cả quán xuyến việc bếp núc và sinh hoạt của cả nhà. Còn bốn chị em dâu người thì làm ở xưởng mộc, người quản lý buôn bán cửa hàng vật liệu xây dựng, người được giao quản lý cửa hàng bán quần áo đồ dùng thể thao…
Cứ như vậy, mọi người không ai bảo ai cứ tự giác làm công việc của mình. Ngay trong mỗi gia đình nhỏ đều phải có một người đứng đầu tự bảo ban nhau và chịu trách nhiệm trước ông bà.
Trả lời cho câu hỏi việc phân công công việc khó tránh khỏi sự tị nạnh ở mỗi người, ông Giáo giải thích:
“Phân rõ ràng như vậy chỉ để quản lý cho dễ, chứ không có ý là phân cao thấp giữa các con. Mọi người trong nhà đều có trách nhiệm giúp đỡ bảo ban nhau. Đứa nào cũng là con nhưng mỗi đứa mỗi tính, chẳng ai giống ai. Bởi vậy, phải tùy người mà răn dạy và giao việc, nhưng phải luôn đảm bảo công bằng. Trước khi quyết định việc gì gia đình cũng phải bàn bạc, xin ý kiến của từng người. Con dâu, cháu dâu mới về cũng đều coi như con đẻ của mình và đều có bổn phận như nhau”.
Ông Giáo kể: “Năm nào cũng vậy, bữa cơm tất niên được coi như buổi “tổng kết năm”, cả gia đình đoàn tụ ăn với nhau trong bữa cơm cuối cùng của năm cũ để nhìn lại những gì đã và chưa làm được. Mỗi người báo cáo việc làm ăn và chia sẻ chuyện gia đình. Người nào được giao quản lý việc gì sẽ đứng lên báo cáo về công việc của năm, làm ăn được – thua thế nào, nợ ra sao… Các cháu thì báo cáo việc học hành của mình. Rồi sau đó cả gia đình ngồi lại bàn bạc với nhau hướng làm ăn năm tới”.
Truyền thống “ăn chung nồi, tiêu chung túi” đã có từ đời trước. Truyền thống “Ăn chung một nồi, tiêu chung túi” của gia đình ông Giáo đã có từ thời bố ông Giáo. Ông đã gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp trong suốt cuộc đời.
Ông Giáo nhớ lại: “Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ làm lụng quần quật vẫn không kiếm đủ cái ăn cho 8 đứa con. Để lo cho các con có cuộc sống tươm tất, cả nhà đã phải xoay đủ nghề từ làm ruộng, công nhân bốc xếp đến làm thợ xây, thợ mộc... Suốt quá trình đó, ông cụ luôn tâm niệm, sức mạnh tổng lực của các thành viên trong gia đình cùng nỗ lực lao động mới đem lại cơm no, áo ấm. Vì thế, sau này các con khôn lớn, lấy vợ sinh con, ông đều vận động họ không ra riêng, sống quây quần bên nhau”.
Với vợ chồng ông Giáo, phương châm để các con sống hòa thuận là sai đâu bảo đó. Với con cháu không hài lòng ở ông điều gì hoặc thấy ông có điều gì chưa phải, chưa đúng thì gặp ông để trao đổi lại. Tất nhiên muốn có được quan hệ “biện chứng” này, ông Giáo cũng luôn là người biết quan tâm, chăm sóc đến mọi người. Có lẽ vì thế mà trong gia đình ông không có chuyện chừa việc cho người khác. Không lườm nguýt hoặc bằng mặt không bằng lòng, càng không có cảnh sợ bố mẹ chia cho người này nhiều của để dành hơn người kia. Mọi thứ trong gia đình từ những thứ nhỏ nhất, ông bà Giáo đều phân chia cân bằng.
Trước đây cũng có gia đình có ý định ra ở riêng. Trong bữa ăn tối, nghe thấy bóng gió chuyện này, ông Giáo đã khôn khéo nhắc nhở các con bằng việc vận dụng truyện ngụ ngôn “Câu chuyện bó đũa”. Ông cầm cả nắm đũa lấy hết sức bình sinh bẻ nhưng không thể làm gãy một cái đũa nào. Rồi ông bỏ nắm đũa xuống mâm, nhặt từng cái một và bẻ gãy rất dễ dàng.
Sau đó, ông gọi riêng người đó đến nhắc nhở: Ông bà, cha mẹ như cái gốc, con cháu như cái cành. Gốc có vững, cành lá mới xanh. Nghe những lời nhắc nhở của ông người con ấy đã tự nhận ra. Cũng từ đó, lần lượt những đứa con của ông Giáo xây dựng gia đình nhưng tuyệt nhiên không ai tính chuyện ra ở riêng.
Ông Giáo tâm sự: “Tách chén còn có lúc va nhau sứt vòi, mẻ quai huống chi là con người. Sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà sẽ có những va chạm về quan niệm sống. Nhà tôi có 4 thế hệ với 24 con người, đủ cả người già, trẻ nhỏ. Mỗi người mỗi tính và quan điểm sống của mỗi thế hệ khác nhau nên đôi lúc cũng xảy ra chuyện này chuyện nọ.
Dù vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng giữ cân bằng qua cách sống cởi mở và trách nhiệm. Chỉ cần thấy ai trong bữa cơm bình thường cười nói vui vẻ mà bữa đó lại ít nói, buồn buồn là phải tìm hiểu ngay. Tôi phải đảm nhiệm vai trò của một người cầm còi, tìm hiểu rõ ngọn ngành rồi đưa ra phán quyết cuối cùng. Được cái, tất cả con cháu đều nghe theo. Mọi người sống chan hòa, yêu thương nhau nên chín bỏ làm mười, chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”.
Từ những năm 1999, gia đình ông Giáo đã được tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ tặng danh hiệu “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”.
|