NẾU THẾ GIAN GHÉT CÁC CON, HÃY NHỚ RẰNG, HỌ ĐÃ GHÉT THẦY TRƯỚC!
... Cha Benjamin Alforque, người Philippines, là Linh Mục dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Cha phụ trách giáo xứ Thánh Luis Gonzaga, nằm trong tỉnh Agusan, miền Nam Philippines. Xin nhường lời cho Cha kể lại con đường ơn gọi linh mục và công tác phục vụ dân nghèo cùng thổ dân.
Năm 1973, vì là thành viên của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Tổng giáo phận Manila, tôi bị nhóm quân phiệt của tổng thống Ferdinand Marcos (1917-1989) bắt giam. Trong vòng 2 ngày và 3 đêm ròng rã, tôi bị tra hỏi liên miên, không nghỉ một giây! Sau đó, họ biệt giam tôi nơi một phòng kín, không ánh sáng. Thức ăn vứt xuống đất như heo! Tôi phải ăn bóc bằng tay. Tôi không trông thấy một bóng người cũng không hề hé miệng nói với ai lời nào. Sau đó, họ lại chuyển tôi sang trại giam dành cho các tù nhân chính trị.
Trong cơn đau đớn khốn cùng, tôi nhất quyết không muốn tin nơi một THIÊN CHÚA Công Minh, để cho người vô tội bị tống giam, trong khi những kẻ bất lương tự do đi lại, ung dung sung sướng! Vào một đêm thức trắng, không thể nào chợp mắt, tôi liền chỗi dậy và lấy Kinh Thánh ra đọc. Tôi rơi nhằm đoạn Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 15, từ câu: ”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình cho kẻ mình yêu .. Nếu thế gian ghét các con, hãy nhớ rằng, họ đã ghét Thầy trước.. Nếu họ bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”. Đọc xong, một niềm xấu hổ xâu chiếm tâm hồn. Tôi e thẹn tự nhủ: ”Đau khổ của mình có là bao so với đau khổ vô biên của Con THIÊN CHÚA làm người, chuộc tội chúng sinh!” Nghĩ thế, nên tôi tự thề quyết: - Kể từ giờ phút này, con tin nơi Chúa. Con xin hứa với Chúa rằng: ngày nào rời khỏi nơi đây - dù con làm linh mục hay không, dù con lập gia đình hay không - con sẽ tận hiến đời con cho Chúa trong việc phục vụ những anh chị em nghèo và người bị bỏ rơi.
Đối với tôi, kể từ ngày đó, hình ảnh Đức Chúa GIÊSU KITÔ được họa lại nơi các anh chị em kém may mắn, nơi những người thất vọng và những bệnh nhân cùng người tàn tật ...
Năm 1979, tôi thụ phong linh mục trong dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Nhưng tôi phải kiên nhẫn đợi chờ một thời gian rất lâu, mới thực hiện được nguyện ước năm xưa, ngày bị giam nơi trại tù chính trị. 14 năm sau - 1993 - tôi được chỉ định làm Cha sở họ đạo Thánh Luis Gongaza ở miền Nam Philippines.
Họ đạo nằm ven cánh rừng núi, gồm đến 4 bộ lạc lớn. 70% trên tổng số 21 ngàn dân là thổ dân miền núi. Các thổ dân theo đạo cổ truyền thờ ông bà tổ tiên. Trong khi 30% còn lại theo đạo Công Giáo.. Nơi vùng rừng núi này, thiên tai liên miên: hết mưa lũ đến bão lụt rồi sang dịch tễ. Năm đầu tiên đến đây, trong vòng một tuần lễ, tôi chứng kiến cảnh 12 em bé chết vì bệnh dịch tả.
Khi các thổ dân xin theo đạo Công Giáo, chúng tôi thường cố gắng đưa một số tập tục của thổ dân vào nghi lễ phụng vụ của Công Giáo Roma. Chẳng hạn, trước Thánh Lễ có việc khẩn cầu THIÊN CHÚA, rồi đến nghi thức tẩy rửa hoặc thống hối. Sang đến phần dâng lễ thì có nghi thức dâng hoa trái cùng với các thổ sản quan trọng trong đời sống thường ngày, đi kèm với các vũ điệu cổ truyền, biểu lộ lòng ghi ơn Thượng Đế.
Khi phải cử hành lễ Hôn Phối cho các thổ dân, tôi cố gắng tham dự nghi thức cưới riêng của thổ dân trước đó, thường diễn ra vào sáng sớm với đàn trống và nhảy múa.
Nhờ giao tiếp với thổ dân, tôi học được thói quen kính trọng thiên nhiên, kỳ công sáng tạo của THIÊN CHÚA. Khi nhân viên nhà nước nhìn một cây, tức khắc nghĩ đến mối lợi hoa trái do cây mang lại. Trong khi thổ dân nhìn cây, họ liền nghĩ đến sự hiện diện của Đấng Sáng Tạo.
Ưu tư mục vụ hàng đầu của chúng tôi là cải tổ chương trình giáo dục cho thổ dân, giúp họ ý thức tầm quan trọng của tinh thần cầu tiến. Chúng tôi tổ chức các buổi họp trong 24 trung tâm lớn của giáo xứ và mời gọi mọi người suy tư về tương lai của mình cũng như tương lai của con cái. Các thổ dân nói với tôi: - Thưa Cha, chúng con mong muốn cho con cái của chúng con trở thành những người học biết luật lệ, để có thể bảo vệ đất đai cũng như bảo tồn phong tục tập quán cổ truyền của chúng con.
Từ những suy tư chung, chúng tôi quyết định mở trường học dành riêng cho thổ dân. Chúng tôi nói với giới trẻ về thần thoại, về nguồn gốc các bộ lạc cũng như về ý nghĩa các vũ điệu cổ truyền .. Chúng tôi cũng dạy các trẻ em biết cách đo cây số dựa theo khoảng cách từ nhà đến trường. Rồi chiều cao của một cây, mà không cần trèo lên cây, bằng cách dựa vào bóng cây, tính theo góc hình tam giác, v.v.
Đi từ những khái niệm thô sơ cơ bản đó, chúng tôi cố gắng đưa thêm vào các môn khoa học tân tiến để giúp mở rộng tâm trí và tầm nhìn của các trẻ em thổ dân..
... ”Bấy giờ người công chính đứng dậy thật hiên ngang trước những kẻ từng áp bức họ, từng khinh thường khi họ chịu vất vả nhọc nhằn. Nhìn thấy người công chính, quân vô đạo khiếp đảm rụng rời. Chúng sững sờ kinh ngạc vì không ngờ họ lại được cứu thoát. Đau đớn cả tâm can, chúng than van rên rỉ, và ân hận bảo nhau: Người đó, ta đã từng cười nhạo. Ta ngu xuẩn biết bao khi coi họ là đồ ghê tởm, coi lối sống của họ là điên rồ, và cái chết của họ là nhục nhã. Thế sao họ lại được kể là con cái THIÊN CHÚA và được chung phần với các thánh nhân? Thật ra, chính chúng ta mới lạc xa con đường sự thật; đối với chúng ta, đức chính trực đã không tỏa sáng và mặt trời đã chẳng mọc lên. Chúng ta đã thỏa thuê trong những nẻo đường tội lỗi, những nẻo đường dẫn tới diệt vong, đã băng qua những sa mạc không đường lối, còn con đường THIÊN CHÚA vạch ra, chúng ta không nhận biết” (Sách Khôn Ngoan 5,1-7).
(”Annales d'Issoudun”, Février/1997 trang 62-65)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|