Những người nhận được ơn qua sự cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp. Chánh Xứ Tắc Sậy Bạc Liêu. Lễ giỗ lần thứ 67 Linh Mục Trương Bửu Diệp Ngọc Lan/Người Việt
FOUNTAIN VALLEY (NV) - Thánh đường nhà thờ Thánh Linh, Fountain Valley, sáng Thứ Bảy, không còn một chỗ trống. Rất nhiều người phải đứng để tham dự lễ giỗ lần thứ 67 Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp, từng là chánh xứ họ đạo Công Giáo Tắc Sậy, Cà Mau, người đã đứng ra chịu chết thay cho giáo dân khi họ bị lực lượng Việt Minh bắt, năm 1946.
Lễ giỗ lần thứ 67 của Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp được tổ chức tại nhà thờ Thánh Linh, Fountain Valley. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Linh Mục Trương Bửu Diệp còn ngự trị như một thánh linh thiêng trong lòng nhiều người không phân biệt tôn giáo, vì những phép lạ, ơn lạ mà họ nhận được.
Thánh lễ giỗ do Hội Trương Bửu Diệp Foundation (TBDF) tổ chức, dưới sự chủ tế của Ðức Ông Phạm Quốc Tuấn, chánh xứ Thánh Linh, cùng hai linh mục Ðinh Ngọc Quế và Nguyễn Minh Phương, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. *** Ông John Nguyễn, thuộc ban cố vấn TBDF, cho biết, “Năm nay là năm thứ 2 hội TBDF tổ chức lễ giỗ Cha Diệp sau mười mấy năm hội ‘Những Người Con Cha Diệp’ đứng ra làm việc này. Năm ngoái cũng bắt đầu chương trình góp chữ ký thỉnh nguyện thư cho Cha Trương Bửu Diệp. Sau một năm, cảm tưởng của tôi đúng là Cha Diệp rất linh thiêng. Chỉ trong vòng một năm, chúng tôi đã được rất nhiều người yêu mến cha đến ký thỉnh nguyện thư.”
Ông nói thêm, “Số người ban đầu đến văn phòng khi chúng tôi mới mở vào Tháng Tư, 2012 chỉ có hơn 200 người. Nhưng đến Tháng Mười Hai, số người đã tăng lên gần 2,000 trong một tháng. Tổng cộng số người đến thăm trong vòng chín tháng qua là 14,063 lượt người.”
Tính đến cuối Tháng Mười Hai, 2012, TBDF nhận được 14,200 thỉnh nguyện thư xin phong thánh cho cố linh mục.
“Có 86 lời chia sẻ ơn lành qua sự cầu bầu của Cha Diệp, trong đó có ba ơn lạ, tức có giấy chứng nhận của bác sĩ hay bệnh viện,” ông John nói thêm.
Vợ chồng ông bà Ngô Thiện Ánh và con trai Ngô Chí Dũng, người được ơn Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Cha Diệp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) *** Ngay sau thánh lễ, hơn 600 giáo dân và những người có niềm tin mãnh liệt đối với cố Linh Mục Diệp đến tham dự tiệc giỗ, và nghe những chia sẻ về các phép lạ mà một số người đã nhận được từ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của vị linh mục quá cố.
Một trong số những người nhận được ơn chính là thị trưởng gốc Việt đầu tiên của Westminster, ông Trí Tạ.
Một cách thành tâm, ông chia sẻ, “Khoảng 10 giờ sáng ngày 6 Tháng Mười Một, 2012, ngày bầu cử cấp liên bang đến cấp địa phương, không hiểu có một sự thôi thúc nào đó khiến tôi cùng với vợ đến văn phòng Trương Bửu Diệp Foundation. Tôi vào nhà nguyện, cầu nguyện và dùng tay phải bắt tay tượng Cha Trương Bửu Diệp và xin ‘nếu cha tin tưởng con trở thành một thị trưởng tốt phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho người dân thì xin cha giúp con thắng cử trong cuộc bầu cử rất gay go này.’”
“Ðúng 5 giờ chiều ngày 7 Tháng Mười Một, tôi cách xa người thứ 2 hơn 3,000 phiếu. Nếu quý vị là cử tri thành phố Westmisnter thì quý vị sẽ biết được cuộc tranh cử vừa qua đầy thử thách như thế nào,” ông nhấn mạnh.
Ông Trí cũng kể lại ơn mà ông nhận được từ sự cầu nguyện Linh Mục Diệp liên quan đến việc ông phải mổ đầu gối trái do “đứt dây chằng đầu gối trong một lần tập võ cách đây 17 năm”.
Ông Trí Tạ, thị trưởng Westmtinster, chia sẻ kinh nghiệm khấn Linh Mục Trương Bửu Diệp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Từ việc cảm nhận được “ơn Thiên Chúa mà tôi có được qua lời cầu nguyện Cha Trương Bửu Diệp,” Thị Trưởng Trí Tạ kể. “Kinh nghiệm quan trọng nhất là chúng ta phải có niềm tin vào những gì chúng ta cầu nguyện, phải hiểu được sự tinh túy của việc cầu nguyện, phải hiểu được khi chúng ta chân thành cầu nguyện thì chúng ta sẽ có được ơn Thiên Chúa.”
Cô Thủy Cao, cư dân Santa Ana, cùng gia đình đến tham dự tiệc giỗ, kể, “Cách đây hơn 10 năm, hai chân tôi bị mắt cá đau không thể đi được. Ðang tính đi bác sĩ mổ, thì một hôm tình cờ đến nhà người bác, thấy có cuốn sách ‘Phép lạ của cha Trương Bửu Diệp’ để trên cây đàn piano. Tôi cầm và tự hỏi cha này là ai mà hồi đó giờ mình không biết. Nhưng lạ là càng đọc tôi càng thấy bị lôi cuốn.”
Cô Thủy cầu nguyện, “Nếu đúng là có phép lạ thì cha cầu nguyện Chúa cho con khỏi mổ, con sẽ xin lễ tạ ơn cha.”
“Tự dưng ba ngày sau chân tôi hết đau hẳn cho đến hôm nay,” cô nói bằng giọng thán phục.
Cũng từ ngày đó, cô Thủy cho rằng “bất cứ khi nào gặp chuyện gì tôi cũng đều cầu nguyện cha và được thêm nhiều ơn khác nữa”.
Trong số những người được ơn lạ từ vị linh mục nổi tiếng với câu nói, “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên” là vợ chồng bà Ngô Thiện Ánh, ở El Monte.
Ông bà có người con trai tên Ngô Chí Dũng, năm nay 26 tuổi, bị một căn bệnh co rút toàn thân đã 18 năm qua mà theo lời bà thì “bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân và cách điều trị”.
“Bác sĩ gia đình khám thì cứ nói là làm các xét nghiệm không thấy có gì khác lạ trong người hết. Ðến khi vô được bệnh viện thì ‘nước gân’ cháu đã khô hết rồi, tay chân co rút, không cầm được nữa, xương sống cong như hình số 8,” bà bùi ngùi kể.
Các xét nghiệm không thấy có dấu hiệu ung thư xương sống hay bị bất cứ bệnh gì, “Trong khi đó thì gân của Dũng cứ ngày càng co rút lại, không đi được nữa. Không chỉ tay chân co quắp mà các khớp ngón tay chân còn sưng lên và thâm lại, cứ hay co rút lại như con tôm.”
“18 năm trời nó chịu đau đớn như vậy, không chữa trị được gì hết. Có những khi 3 ngày 3 đêm nó không ngủ được do đau đớn. Hồi trước nó còn nói được, sau thì các gân co lại nó không nói được nữa. Ai chỉ đâu tôi cũng mang đi. 18 năm liên tục như vậy,” người mẹ đau khổ nói.
Tuy nhiên, hơn một năm qua, khi nghe có người chỉ dẫn đến khấn tại văn phòng TBDF trên đường Euclid, Santa Ana, giữa Hazard và Westminster, vợ chồng bà Ánh nghĩ “còn nước còn tát, tôi mang cháu đến đó khấn. Mà khi đó tôi chỉ dám xin cho cháu đừng có đau thôi chứ có biết xin gì bây giờ.”
Và điều lạ lùng đã đến với người con trai của vợ chồng bà.
Bà Ánh nhớ lại, “Ðêm đầu tiên về nó ngủ chỉ giật mình chút chút, đến đêm thứ 2, thứ 3 nó không còn bị giựt mình nữa, không còn bị đau nữa là tôi thấy có hy vọng rồi.”
Kể từ ngày đó đến nay hơn một năm, không chiều nào bà mẹ không chở đứa con trai của mình xuống văn phòng TBDF để khấn nguyện.
“Lúc trước tay chân nó co quắp không mở ra được. Giờ thì mỗi ngày tay chân nó duỗi ra, cử động được nhiều hơn. Tôi chăm sóc cho nó 18 năm qua, muốn biết nó đau hay không chỉ cần nhìn vào các khớp xương ngón tay của Dũng. Giờ các khớp không còn sưng đỏ và thâm tím nữa.”
Bà tiếp tục câu chuyện. “Mười mấy năm qua nó đâu có ăn cơm, muốn cho nó ăn một vài muỗng cơm khó lắm, nó chỉ ăn được cháo hay súp hay những gì thật mềm, giờ thì nó ăn được nhiều lắm, đòi ăn cơm, có khi một ngày 2, 3 chén cơm. Quan trọng là nó có sự vui vẻ của nó, có sự bình an trong con người nó. Nó cảm nhận được nó nhận được hồng ân Thiên Chúa. Từ ngày đó đến giờ không ngày nào là nó không đòi đi, không thì nó bứt rứt ngủ không yên.”
Người mẹ nói tiếp trong sự xúc động, “Mỗi ngày tôi thấy nó mỗi khỏe ra. Mười mấy năm tôi ngủ ngồi sofa, vì Dũng đau, nó đâu có nằm, nó phải ngồi, mình cũng ngồi ôm nó. Còn từ ngày cầu nguyện Cha Diệp tới giờ đúng là một phép lạ kỳ diệu mà tôi không thể ngờ được. Cách đây một vài tuần đi bác sĩ, tôi có kể về bệnh tình nó cho bác sĩ nghe. Vì mười mấy năm nay cũng uống từng ấy thuốc có tiến triển gì đâu. Vậy mà giờ đây, cả nhà chảy nước mắt vì mừng khi thấy nó được như vậy.”
****
Theo tài liệu của TBDF, Linh Mục Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1897, tại làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ngài được Linh Mục Giuse Sớm rửa tội vào ngày 2 Tháng Hai, 1897 tại họ đạo Cồn Phước, lấy tên thánh là Phanxico.
Năm 1904, lúc lên bảy tuổi, mẹ mất, ngài theo cha đến Battambang, Cambodia, sinh sống bằng nghề thợ mộc.
Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Phnom Penh, Cambodia.
Trong hai năm 1924-1925, Linh Mục Trương Bửu Diệp được bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Cambodia.
Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng.
Tháng Ba, 1939, ngài về họ đạo Tắc Sậy.
Những năm 1945-1946, hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương, chiến tranh loạn lạc, bà con di tản, bề trên kêu ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng vị linh mục đã trả lời, “Con sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Con không đi đâu hết.”
Ngày 12 Tháng Ba, 1946, Linh Mục Trương Bửu Diệp bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo sự ở Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn.
Theo lời báo mộng của ngài, giáo dân vớt xác ngài từ một cái ao với vết chém sau ót và thân thể trần trụi.
Thi hài Linh Mục Trương Bửu Diệp được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt linh mục được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài phục vụ trong 16 năm. Linh Mục Trương Bửu Diệp cũng là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.
|