Tin để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta được tràn đầy tình yêu của Người
Sống đức tin có nghĩa là thừa nhận sự cao cả của Thiên Chúa và chấp nhận sự bé nhỏ của chúng ta, chấp nhận điều kiện là thụ tạo của chúng ta bằng cách để cho Chúa làm tràn đầy nó với tình yêu của Người.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi găp gỡ chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ thư 6-2-2013.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài giáo lý về Kinh Tin Kính. Kinh Tin Kính bắt đầu bằng lời tuyên xưng ”Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo dựng nên trời đất”. Đây là câu lấy lại lời khẳng định của Thánh Kinh, câu đầu tiên trong sách Sáng Thế: ”Từ nguyên thủy Thiên Chúa tạo dựng nên trời và đất” (St 1,1): Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự và quyền năng của Người là Cha yêu thương trải dài trong vẻ đẹp của thụ tạo. Các hình ảnh Thánh Kinh dùng để miêu tả Thiên Chúa Tạo Hóa toàn năng rất gợi cảm (x. Is 40,12; 45,18; 48,13; Tv 104,2.5; 135,7; Cn 8,27-29; G 38-39). Như là người Cha quyền năng, Thiên Chúa săn sóc những gì Người đã tạo dựng với một tình yêu và lòng trung thành không suy giảm (x. Tv 57,11; 108,5; 36,6). Đức Thánh Cha định nghĩa thụ tạo như sau:
Như thế, thụ tạo trở thành nơi hiểu biết và thừa nhận sự toàn năng của Chúa và lòng lành của Người, và trở thành lời mời gọi lòng tin của chúng ta để chúng ta loan báo Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa... Đức tin như thế bao gồm việc biết thừa nhận sự vô hình bằng cách nhận ra dấu vết của nó trong thế giới hữu hình. Tín hữu có thể đọc cuốn sách vĩ đại của thiên nhiên và hiểu ngôn ngữ của nó (x. Tv 19,2-5); vũ trụ nói với chúng ta về Thiên Chúa (x. Rm 1,19-20), nhưng cần thiết có Lời mạc khải của Người, khơi dậy lòng tin, để con người có thể đạt ý thức tràn đầy về thực tại Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha. Chính trong sách Thánh Kinh mà dưới ánh sáng của đức tin, trí thông minh của con người có thể tìm thấy chìa khóa giải thích để hiểu thế giới. Chương đầu tiên của sách Sáng Thế chiếm một chỗ đặc biệt với việc giới thiệu công trình tạo dựng của Thiên Chúa diễn ra trong bẩy ngày: trong các ngày đó Thiên Chúa hoàn thành việc tạo dựng, và ngày thứ bẩy Người ngưng mọi hoạt động và nghỉ ngơi. Cấu trúc này khiến cho văn bản lập đi lập lại 6 lần điệp khúc: ”Thiên Chúa thấy rằng đó đã là điều tốt lành” (cc. 4.10.12.18.21.25), để kết luận với lần thứ bẩy câu: ”Thiên Chúa đã thấy rằng tất cả những điều Người đã làm rất tốt lành” (c. 31). Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều xinh đẹp và tốt lành, đầy khôn ngoan và tình yêu; hành động tạo dựng của Thiên Chúa đem lại trật tự, hài hòa, trao ban vẻ đẹp. Thế rồi trong trình thuật của sách Sáng Thế còn nổi bật sự kiện Thiên Chúa tạo dựng với lời Người: chúng ta đọc thấy 10 lần rằng ”Thiên Chúa phán” (cc. 3.6.9.11.14.20.24.26.28.29), nó nhấn mạnh quyền năng hữu hiệu của Lời Chúa. Như tác giả thánh vịnh hát: ”Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú... Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,6.9). Sự sống nảy sinh, thế giới hiện hữu, bởi vì tất cả đều vâng phục Lời Thiên Chúa.
Nhưng mà trong thời đại khoa học và kỹ thuật ngày nay nói về việc tạo dựng có nghĩa gì? Chúng ta phải hiểu các trình thuật sách Sáng Thế như thế nào? Thánh Kinh không muốn là một cuốn sách của các khoa học thiên nhiên; trái lại nó muốn làm cho chúng ta hiểu các chân lý đích thật và sâu xa của các sự vật. Các chân lý nền tảng mà các trình thuật của sách Sáng Thế vén mở cho chúng ta, đó là thế giới không phải là một tổng hợp các sức mạnh đối nghịch nhau, nhưng có nguồn gốc và sự ổn định nơi Lời, nơi Lý Trí vĩnh cửu của Thiên Chúa, tiếp tục nâng đỡ vũ trụ. Có một dự án về thế giới nảy sinh từ Lý Trí đó, từ Thần Khí tạo dựng. Tin rằng nền tảng của mọi sự là đó, nó soi sáng mọi khía cạnh của sự hiện hữu và trao ban can đảm giúp đương đầu với cuộc mạo hiểm của cuộc sống với lòng can đảm và niềm hy vọng.
Tột đỉnh của toàn công trình tạo dựng là người nam và người nữ, là con người, thụ tạo duy nhất ”có khả năng hiểu biết và yêu thương Đấng Tạo Hóa” (GS 12). Tác giả thánh vịnh 8 kêu lên: ”Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên với tình yêu, là điều thật bé nhỏ trước sự mênh mông của vũ trụ... Con người chứa đựng sự mâu thuẫn này: cái bé nhỏ và mau qua của nó chung sống với sự cao cả của điều mà tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa đã muốn ban cho nó.
Các trình thuật trong sách Sáng Thế cũng dẫn đưa chúng ta vào lãnh vực này bằng cách giúp chúng ta hiểu biết chương trình của Thiên Chúa đối với con người. Đức Thánh Cha giải thích điễm này như sau:
Trước hết các trình thuật ấy khẳng định rằng Thiên Chúa làm thành con người với bụi đất (x. St 2,7). Điều này có nghĩa chúng ta không phải là Thiên Chúa, chúng ta không tự mình làm ra mình, chúng ta là đất. Nhưng nó cũng có nghĩa là chúng ta đến từ đất tốt lành, do công trình của Đấng Tạo Hóa. Thêm vào đó còn có một thực tại nền tảng khác nữa: đó là tất cả mọi người đều là bụi, vượt ngoài các khác biệt đến từ văn hóa, lịch sử, vượt ngoài mọi khác biệt xã hội; chúng ta là một nhân loại duy nhất được nhào nặn với cùng đất duy nhất của Thiên Chúa. Thế rồi còn có một yếu tố thứ hai: con người có nguồn gốc bởi vì Thiên Chúa thở hơi sự sống vào trong thân xác được nhào nắn từ đất (x. St 2,7). Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (St 1,26-27). Như thế chúng ta tất cả đều mang trong mình hơi thở sự sống của Thiên Chúa, và mỗi một sự sống con người đều ở dưới sự che chở của Thiên Chúa. Đây là lý do sâu xa nhất sự bất khả xâm phạm của nhân phẩm, chống lại mọi mưu toan đánh giá con người theo các tiêu chuẩn duy ích lợi và quyền bính. Việc là hình ảnh và giống Thiên Chúa cũng ám chỉ rằng con người không đóng kín trong chính mình, nhưng có một quy chiếu nòng cốt nơi Thiên Chúa.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đề cập đến hai hình ảnh ý nghĩa trong các chương đầu sách Sáng Thế: đó là hình ảnh ngôi vườn với cây biết lành biết dữ và con rắn (St 2,15-17; 3,1-5). Ngôi vườn nói rằng thực tại trong đó Thiên Chúa đã đặt để con người không phải là một rừng hoang dã, nhưng là nơi Người che chở, dưỡng nuôi và nâng đỡ; và con người phải thừa nhận thế giới không phải như là tư sản để cướp bóc và khai thác, nhưng như là ơn của Đấng Tạo Hóa, dấu chỉ ý muốn cứu độ của Người, ơn cần phải vun trồng và giữ gìn, làm cho lớn lên và phát triển trong sự tôn trọng, trong hài hòa theo các tiết nhịp của luận lý, theo chương trình của Thiên Chúa (x. St 2,8-15).
Con rắn là một hình ảnh bắt nguồn từ các việc phụng tự đông phương của sự phong phú, nó hấp dẫn dân Israel và là một cám dỗ liên tục bỏ giao ước nhiệm mầu với Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của điều này Thánh Kinh trình bầy sự cám dỗ mà Ađam và Evà phải chịu như là nhân tố của cám dỗ và tội lỗi.
Con rắn không khước từ Thiên Chúa, nhưng đưa vào một câu hỏi xảo trá: ”Có thật là Thiên Chúa đã nói: ”Các ngươi không được ăn trái cây nào hết trong vườn không?” (St 3,1). Như thế con rắn khơi dậy sự nghi ngờ rằng giao ước với Thiên Chúa như là một dây xích cột buộc, đánh mất tự do và các điều xinh đẹp qúy báu của cuộc sống. Đức Thánh Cha giải thích cám dỗ như sau:
Cám dỗ trở thành cám dỗ xây dựng thế giới sống một mình, không chấp nhận các hạn chế của thụ tạo, các hạn chế của sự thiện và sự dữ, của luân lý; sự tùy thuộc tình yêu của Thiên Chúa bị coi như một gánh nặng cần phải giải thoát. Nhưng khi làm sai lạc tương quan với Thiên Chúa, bằng cách đặt mình vào chỗ của Người, thì tất cả mọi tương quan khác đều bị hư hỏng. Khi đó người khác trở thành một đối thủ, một sự đe dọa: sau khi nhượng bộ cám dỗ Ađam lập tức đổ tội cho Evà (x. St 3,12); hai người trốn sự hiện diện của vì Thiên Chúa mà họ đã chuyện vãn với tình bạn (x. 3,8-10); thế giới không còn là nơi sống với sự hài hòa nữa, mà là nơi khai thác và trong đó dấu ẩn các cạm bẫy (x. 3,14-19); ghen tương và thù hận đối với người khác bước vào trái tim con người: điển hình là vụ Cain giết em mình là Abel (x. 4,3-9). Thực ra, khi chống lại Đấng Tạo Hóa của mình con người chống lại chính mình, khước từ nguồn gốc của mình và như thế khước từ sự thật; và sự dữ bước vào thế giới, với dây xích nặng nề của khổ đau và cái chết.
Giáo huấn cuối cùng của các trình thuật là tội lỗi sinh ra tội lỗi và tất cả mọi tội lỗi của lịch sử đều bị cột buộc với nhau. Khía cạnh này thúc đẩy chúng ta nói tới ”tội tổ tông” là thực tại khó hiểu. Trước hết chúng ta phải xét rằng không có người nào là khép kín trong chính mính, có thể sống một mình và cho mình; chúng ta nhận được sự sống từ người khác và không phải chỉ trong lúc sinh ra, mà mỗi ngày. Con người là tương quan; tôi chỉ là chính mình trong ”anh” và qua ”anh”, trong tương quan của tình yêu đối với ”anh” của Thiên Chúa và ”anh” của các người khác.
Và tội lỗi là làm vẩn đục hay hủy hoại tương quan với Thiên Chúa, là đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng với tội đầu tiên con người đã ”lựa chọn chính mình chống lại Thiên Chúa, chống lại các đòi buộc của điều kiện là thụ tạo của mình và hậu quả là chống lại sự thiện” (s. 398).
Khi tương quan nền tảng bị vẩn đục, thì các trục khác của tương quan cũng bị liên lụy hay phá hủy, tội lỗi làm hư hỏng tất cả. Giờ đây nếu cấu trúc tương quan của nhân loại bị vẩn đục ngay từ đầu, thì mỗi người đều bước vào trong một thế giới đã bị ghi dấu bởi sự vẩn đục các tương quan, bước vào trong một thế giới bị vẩn dục bởi tội lỗi và nó bị ghi dấu một cách riêng rẽ; Tội lỗi khởi đầu tấn công bản tính nhân loại và gây thương tích (x. SGLGHCG, 404-406). Và con người một mình thì không thể nào ra khỏi tình trạng này, và tự cứu rỗi mình. Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể tái lập lại các tương quan đúng đắn mà thôi. Chỉ nếu Đấng mà chúng ta đã lìa xa đến với chúng ta và giơ tay ra cho chúng ta với tình yêu, thì các tương quan đúng đắn mới có thể được tái lập. Điều này xảy ra nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đi ngược lại con đường của Ađam, như miêu tả trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê (2,5-11). Trong khi Ađam không thừa nhận mình là thụ tạo và muốn chiếm chổ của Thiên Chúa, thì Đức Giêsu Con Thiên Chúa, đã tự hạ trở thành tôi tớ đi theo con đường tình yêu, hạ mình cho tới chết trên thập giá để tái lập trật tự các tương quan với Thiên Chúa. Thập giá Chúa Kitô trở thành cây mới của sự sống.
Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ các ngày hành hương sốt sắng, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
|