MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: quê hương & giáo hội việt nam :: giáo hội việt nam (more ...)
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết.
Thứ Hai, Ngày 21 tháng 1-2013
Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết.

     Thời gian: 21-26/01/2013

     Chủ đề:    LINH MỤC SỐNG ĐỨC TIN

 

Giảng phòng: Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ,

                        Nguyên Giám mục Giáo phận Phú cường.

-         Huấn từ khai mạc của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống

            Lời đầu tiên gửi đến linh mục đoàn chúng ta là lời chào mừng. Chào mừng các cha các thầy đã thu xếp công việc để chu toàn phận vụ thiêng liêng hằng năm của đời dâng hiến. Tòa Giám Mục hân hạnh chào đón tất cả về lại trong ngôi nhà chung của mình. Chúc tất cả mọi người từ giám mục, linh mục đến phó tế gặt hái được nhiều thành quả thiêng liêng, mong tăng thêm nhiệt tình phục vụ khi về lại các giáo đoàn được trao phó cho mình. Trước khi bước vào phần chủ đề tĩnh tâm, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám Mục Giáo Phận Phú Cường, xin chia sẻ vài ý tưởng tổng quát về “Tuần tĩnh tâm linh mục tại Tòa Giám Mục để tìm lại sức sống mới cho niềm tin vươn lên”.

1. Tuần tĩnh tâm linh mục 

Mặc dù Giáo Luật điều 276 triệt 4 liên quan đến việc trọn lành của đời “người phân phát các mầu nhiệm thánh” chỉ “buộc giáo sĩ tham dự các cuộc tĩnh tâm” mà không nói rõ phải kéo dài bao lâu, nhưng vì mở ngỏ bằng câu đi liền “theo quy định của luật địa phương”, người ta hiểu thời lượng của các cuộc tĩnh tâm tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi giáo hội địa phương. Tuy nhiên theo thói quen và nhu cầu, thể hiện trong Kim Chỉ Nam đời sống linh mục, thời gian này được quy định là một tuần. Các Giáo Phận Việt Nam hiện nay đang duy trì thời lượng này, nhưng được tổ chức vào những thời điểm thích hợp với nhịp sống của địa phương mình: GP Sàigòn vào kỳ nghỉ hè; một số GP vào dịp giáp Tết; một số GP khác vào dịp mừng bổn mạng… 

Đây là một thời gian không quá ngắn, kẻo chỉ như cỡi ngựa xem hoa mà không để lại chút dấu ấn thiêng liêng nào trong đời sống; và cũng không quá dài, có thể gây gián đoạn những việc mục vụ khác; nhưng phải được xem như đậm đặc đến từng phút giây. Thật vậy, quanh năm làm việc mục vụ tại các giáo xứ với bộn bề lo toan nhiều việc, việc có tên việc không tên, linh mục giáo sĩ cần phải có một nhịp dừng hay dấu lặng, tạm thời gác lại những chương trình và công việc thường nhật vốn đều đặn thuộc “mùa thường niên” để sống tuần tĩnh tâm một cách thanh thản và bình an. Nếu các nhà lãnh đạo tinh thần dân Chúa năm xưa và chính Chúa Giêsu cũng thế, đã cần đến 40 ngày tĩnh tâm để có thể thi hành sứ vụ một cách bền bỉ và hiệu quả, thì giáo sĩ linh mục hôm nay cũng cần phải có một thời gian “ắt có và đủ” để sống sứ vụ đời mình một cách tương thích, nhắm vun bồi hạnh phúc cho chính mình và đem lại ích lợi cho dân Chúa.

Nói là “Tuần tĩnh tâm” cho tròn chứ trên thực tế chỉ có năm ngày. Thời gian đi mau lắm, vì thế xin chúng ta vui lòng tận dụng và vận dụng hết công xuất để sinh lời. Thời gian không chỉ là thông số đo lường mà còn là vốn liếng góp phần đầu tư vào chứng khoán phần rỗi các linh hồn. 

2. Tại Tòa giám Mục

Tòa Giám Mục, nơi diễn ra cuộc tĩnh tâm năm của hàng giáo sĩ chẳng có gì khác với ngày thường, có chăng chỉ là thêm xe cộ nhộn nhịp và ít tấm bảng thông báo, nhưng thực chất đã trở thành một không gian hoàn toàn đặc biệt. Đây không còn là một địa chỉ của thư tín hay công việc nữa mà đúng nghĩa là một mái nhà chung, nơi mọi giáo sĩ của Giáo phận tìm thấy vị trí của mình, từ chỗ đứng dưới sân, chỗ ngồi trên hội trường và nhà ăn, chỗ quỳ trong nhà nguyện tới chỗ nằm nghỉ tại các dãy nhà. Không gian Tòa Giám Mục có thể chưa đủ rộng phù hợp với con số thành viên hàng giáo sĩ mỗi năm mỗi gia tăng, nhưng cũng dư để mỗi người nhìn rõ mặt nhau và hít thở khí trời trên đầu. Như thế là đủ để thi thố tình huynh đệ trong đời sống giáo sĩ rồi, nghĩa là gặp nhau chào hỏi trao đổi, chia sẻ cảm thông, tâm sự góp ý, khuyên nhủ hun đúc, tĩnh tâm hay đôi khi cũng điểm xuyết bằng chọc ghẹo vui cười…

Nhưng tuyệt vời hơn cả, cuộc tĩnh tâm hằng năm với sự tham dự và tham gia của toàn bộ hàng giáo sĩ, từ giám mục, linh mục tới phó tế tại Tòa Giám Mục còn thể hiện sống động tình hiệp thông trong giáo hội địa phương. Nếu việc đồng tế trong lễ Truyền Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh là thể hiện tình hiệp thông linh mục đoàn trong cùng một thánh chức, thì việc họp mặt đông đủ dịp tĩnh tâm năm cũng là thể hiện tình hiệp thông ấy dẫu nặng về phương diện giáo luật hơn. Mấy anh em linh mục trẻ thích đùa, thấy Tòa Giám Mục viết tắt TGM, cứ đọc là “Trại Giam Mới”, vì về đây cấm phòng cũng đồng nghĩa với “cấm trại, cấm ra ngoài, cấm lai rai”; nhưng tôi nghĩ kiểu chơi chữ này cũng không dở, nếu trong không gian ấy dịp tĩnh tâm năm lại đậm đà việc thể hiện giới răn mới là huynh đệ và hiệp thông cao độ. Chính vì chi tiết này, có người đề nghị thay vì ngôn ngữ nhà tù, nên sử dụng ngôn ngữ nhà tu cho có vẻ tích cực: TGM là “Thánh Gia Mới”. 

3. Để tìm lại sức sống 

Thời điểm tĩnh tâm đã được chọn lựa, địa điểm tĩnh tâm đã được khẳng định, nhưng mục đích tĩnh tâm mới làm nên thành quả. Đó là sự tĩnh lặng thuộc về tâm hồn, vì thế mới có chữ “tĩnh tâm”, nghĩa là người ta xa lánh những sinh hoạt ít nhiều ồn ào để rút lui vào sự tĩnh lặng, trút bỏ những cồng kềnh vướng víu ngay cả của bổn phận, mong hồi tâm suy niệm, quyết chí, thanh luyện, hun đúc, mong có một bước đi thênh thang hơn làm điều kiện đón nhận sức sống Chúa ban một cách phong phú hơn. Đừng quên tiền thân của chữ “tĩnh tâm” chính là chữ “cấm phòng”, một kiểu nói gợi lên hình ảnh của một căn phòng khóa kín, cách ly với thế giới bên ngoài, để khi đã bước vào bên trong người ta chỉ chuyên chú vào mỗi một việc là đời sống thiêng liêng (thuộc linh) thể hiện qua việc cầu nguyện. “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha các ngươi, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha các ngươi, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ nghe lời các ngươi” (Mt 6,6).

Ở một góc nhìn khác, có thể bảo mục đích tĩnh tâm là gặp gỡ Đức Kitô, thông qua đó mỗi người mang chức thánh tìm về cội nguồn của mình, gặp gỡ Đấng cho mình hiện hữu độc đáo trên hành trình cứu rỗi qua danh xưng “Kitô hữu”, thuộc về và hướng về Đức Kitô; cũng là Đấng cho mình tham dự vào “Chức tư tế duy nhất” của Người trong thánh chức và trong tác vụ linh mục, để kịp thời so nắn lại nẻo đi nếu vô tình có những bước loạng choạng, khai thông mạch nguồn nếu chẩn đoán có những bế tắc, khai quang góc dâng hiến nếu tâm hồn bị phủ rợp bởi dây leo tính mê và nết xấu. Gặp gỡ Đức Kitô như thế sẽ nhận được ánh sáng xua đi tăm tối, sức sống vượt lên sự chết và nguồn tốt gột đi điều tà.

4. Cho niềm tin vươn lên

Chủ đề tĩnh tâm năm nay mang tính thời sự của năm Đức Tin, Đức Cha giảng phòng sẽ trình bày về đức tin trong đời linh mục qua đề tài “Linh mục sống đức tin” như chúng ta thấy xuất hiện trên bức phông hội trường. Đề tài thuộc loại muôn thuở, nhưng thật sự hữu ích cho những người lãnh đạo dân Chúa là chúng ta, bởi “không ai có thể cho đi điều mình không có”. Trước khi thúc giục người khác “rà soát lại đức tin, đào sâu đức tin và làm chứng đức tin”, thì chính mình phải kiên vững trong đức tin. Tưởng cũng nên nhắc lại: đức tin là một hồng ân Chúa ban. Không ai tự mình, dù khả năng tri thức đỉnh cao hay trình độ tư duy thượng thặng, có thể đến với đức tin, nhưng phải được níu kéo bởi ơn thánh. Chả thế mà nhà bác học Louis Pasteur đã nhắn gửi: “Hãy quỳ xuống cầu nguyện, rồi đức tin sẽ đến với bạn”. Cũng thuận lý thôi, vì đức tin là nhân đức đối thần nhắm đến Thiên Chúa: người ta không chỉ tin có Thiên Chúa, mà còn tin vào Ngài, tin theo Ngài và tín thác cho Ngài nữa (Credo Deum, Credo in Deum).

Có được đức tin là do Chúa ban, nhưng làm cho đức tin được triển nở lại là do nỗ lực không ngừng của đời tín hữu. Có thể hình dung đức tin như một vốn liếng khởi đầu, bổn phận của tín hữu dù ở bậc sống nào hay đang đảm nhận trách vụ nào, là phải góp sức sinh lời, làm cho vốn liếng kia được nhân tăng thêm mãi. Chúa chúng ta thật lạ, Ngài có thể một mình làm nên mọi sự hoàn hảo từ đầu, nhưng Ngài không thích làm thế mà lại mở ngỏ, để con người có thể góp phần nhỏ nhoi công sức của mình mà lâng lâng hạnh phúc khi việc hoàn thành. “Chúa dựng nên con không cần đến con, nhưng để cứu độ con Ngài cần con đáp lời” cộng tác chung xây. Hình như mọi công trình thiêng liêng cũng được kiến tạo theo mô hình “Thiên Chúa và con người cùng làm”. Chính trong ý tưởng này, một tác giả đạo đức đã cô đọng thành công thức: “Hãy làm mọi sự như chỉ có mình làm, nhưng hãy đợi chờ kết quả như chỉ do một mình Chúa ban”. 

Đó là vài ý tưởng định hướng xin gửi đến các cha các thầy phút khởi đầu Tuần tĩnh tâm linh mục, vừa như một khích lệ vừa như một gửi gắm. Chúc Tuần tĩnh tâm mang lại những thành quả mong muốn. Chúng ta có thể biểu lộ sự đồng tình qua bài hát “Gặp gỡ Đức Kitô”. Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô, nẩy sinh tình đệ huynh.

-         Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ triển khai chủ đề “Linh mục sống và thông truyền đức tin” qua 7 bài giảng:

1.            Đức tin của Linh Mục.

2.            Đào sâu đức tin.

3.            Nuôi dưỡng đức tin.

4.            Thực hành và tuyên xưng đức tin.

5.            Cử hành đức tin.

6.            Đức tin và tân Phúc Âm hoá.

7.            Linh mục với sứ vụ Phúc Âm hoá và tân Phúc Âm hoá

-         Chương trình mỗi ngày tĩnh tâm đầy ắp sinh hoạt đạo đức.

 

Ban sáng: Kinh Sáng, Nguyện Gẫm, Thánh Lễ, Bài Giảng, Thinh Lặng Xét Gẫm.

Ban trưa: Kinh Sách, Lần Chuỗi.

Ban chiều: Kinh Trưa, Bài Giảng, Thinh Lặng Xét Gẫm, Kinh Chiều.

Ban tối: Chầu Thánh Thể, Kinh Tối.

 

Thánh lễ:

                   -   Nguyện gẫm trước Thánh Lễ: Cha Tổng Đại Diện.

                   -   Giảng lễ: Đức Cha Giuse.

Chủ sự và suy niệm các giờ thánh:

-          Thứ hai:Cha Hạt Trưởng Hạt Bắc Tuy: Sám hối.

-          Thứ ba:Cha Hạt Trưởng Hạt Hàm Tân: Tuyên xưng đức tin.

-          Thứ tư:Cha Hạt Trưởng Hạt Hàm Thuận Nam: Làm chứng.

-          Thứ năm:Cha Hạt Trưởng Hạt Phan Thiết: Sai đi.

 

   Linh mục là con người của lòng tin. Được tham dự vào sứ vụ trung gian cứu độ của Chúa Kitô, linh mục hết lòng tin tưởng và gắn bó với Người để nhiệt thành đem ơn cứu độ đến cho con người. Được tham dự vào sứ vụ trung gian chân lý, linh mục kết hợp với Chúa Kitô, học biết sâu rộng về chân lý Tin Mừng để thông truyền chân lý ấy cho con người. Được tham dự vào sứ vụ trung gian sứ sống, linh mục sốt sắng cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể để thông truyền sự sống thiêng liêng cho con người. Linh mục phải là người có đức tin sống động để rao giảng Tin Mừng và thông truyền đức tin cho mọi người. Tuần tĩnh tâm trong Năm Đức Tin giúp các linh mục “rà soát lại đức tin, đào sâu đức tin và làm chứng đức tin” để chia sẻ niềm tin cho dân Chúa trong hành trình sứ vụ hàng ngày.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Các Giám Mục Công Giáo Việt Nam Nhận Định Và Góp Ý Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp Năm 1992 (sửa Đổi Năm 2013) (3/2/2013)
Bản Phỏng Vấn Đức Hồng Y Gb. Phạm Minh Mẫn Về Sự Kiện Đức Giáo Hoàng Bênêđictô Xvi Từ Nhiệm. (2/24/2013)
Thư Ngỏ Xuân Quý Tỵ : Năm Mới Và Công Cuộc Đổi Mới ( Gioan B. Phạm Minh Mẫn Hồng Y Tổng Giám Mục) (2/24/2013)
Thư Của Hđgmvn Gửi Cộng Đoàn Dân Chúa (2/17/2013)
Thư Của Đức Tổng Giám Mục Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Kính Gửi Đức Thánh Cha Bênêđictô Xvi (2/17/2013)
Tin/Bài khác
Tượng Đài Chúa Ki-tô Vua Tại Vũng Tàu (12/17/2012)
Giáo Phận Phan Thiết - Lễ Phong Chức Phó Tế. (11/15/2012)
Linh Mục Đoàn Ba Giáo Phận : Lạng Sơn, Phát Diệm Và Thanh Hóa Tĩnh Tâm Năm 2012 (11/6/2012)
Hình Ảnh Đại Lễ Khai Mạc Năm Đức Tin Gh Việt Nam Và Cao Điểm Năm Thánh 80 Năm Gp Thanh Hóa (10/23/2012)
Đại Hội Legio Mariae Kỷ Niệm 64 Năm Hiện Diện Tại Việt Nam [xin Coi Video-photo Phía Cuối] (8/18/2012)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768