YÊU MẾN (CN 31 QN.B)
(Đnl 6,
2-6; Dt 7, 23-28; Mc 12, 28b-34).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Thiên Chúa là tình yêu: Ai không
yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8). Yêu là cốt lõi của cuộc
sống. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ muôn loài. Tình yêu của Đấng Tạo
Hóa được thông ban tới mọi loại thụ tạo. Mỗi loài thụ tạo đều có dấu ấn của
tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Con người
có linh hồn, trí khôn, tự do và tình yêu. Mọi sinh vật đều chìm đắm trong biển
tình liên đới với nhau. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Đấng Vô Hình, chúng
ta có thể nhận biết Người qua muôn hình vạn trạng của vũ trụ vạn vật và con người.
Người là Thiên Chúa hằng hiện hữu và là Chúa của kẻ sống. Sách Đệ Nhị Luật kêu
gọi mọi con dân: Hãy
yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em (Đnl 6,
5).
Yêu mến Thiên Chúa là giữ
các chỉ thị và huấn lệnh của Người: Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Chúa,
Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ
thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu
(Đnl 6, 2). Những chỉ thị và huấn lệnh được tóm kết trong Mười Điều
Răn và mười điều này thu gọn thành hai điều quan trọng là yêu mến Thiên Chúa và
yêu thương mọi người. Như thế, tất cả luật lệ và các giới răn đều xoay quanh chữ
‘Yêu’.
Yêu là ái, bác ái, đức ái, nhân ái và tâm ái. Yêu là nền tảng của mọi sinh hoạt.
Yêu phát khởi từ tâm. Tâm thiện làm thăng hoa cuộc đời nên cao thượng và thành
tựu.
Chúng ta có thể suy về trái
tim yêu thương qua bốn điều: Từ, Bi, Hỉ và Xả.
- Tâm từ là lòng thương
xót. Thương tất cả mọi loài. Thương yêu không chỉ những người trong gia đình mà
tình yêu lan trải ra mọi người chung quanh. Yêu cả người ân, kẻ oán. Yêu cả người
gây thù dù chuốc oán.
- Tâm bi là xót thương
trước những khổ đau của người khác. Biết cảm thông và xoa dịu những nỗi đau và
sầu khổ của tha nhân.
- Tâm hỉ là vui vẻ trước
sự hạnh phúc và thành công của người khác. Biết chung vui và chúc mừng những
thành đạt và sự may mắn của người. Người có tâm hỉ thì không ích kỷ, hạn hẹp,
ghen tương và đố kỵ.
- Tâm xả là không luyến
ái hay chấp nhất. Giữ thái độ thanh thản và an vui tự tại trong tâm hồn. Từ bi
hỉ xả sẽ giúp cho tình yêu tha nhân được triển nở và hoan lạc.
Chúa Giêsu phát khởi đạo
tình yêu. Đạo của yêu thương: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em
hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em
(Ga 13, 34). Yêu nhau như Thầy đã yêu.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước và học theo vì Ngài hiền lành và khiêm nhượng
trong lòng. Còn tình yêu nào cao quý hơn tình của Chúa Giêsu hiến mạng vì chúng
ta. Tình yêu được minh chứng bằng giá máu và sự sống. Tình yêu của Chúa Giêsu thật
cao cả vĩ đại vì đã dâng hiến trọn vẹn. Chúa đã sống với tâm đại từ, đại bi, đại
hỉ, đại xả và dám chết cho tình yêu.
Trong bài phúc âm, Chúa
Giêsu lập lại hai giới răn nồng cốt của đạo:
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Mc 12, 30). Thiên Chúa hiện diện nhưng con người không thể
diện kiến và đụng chạm bằng giác quan trần tục. Để biểu hiện tình yêu, Chúa mở
một cửa ngõ để chúng ta cùng cảm thông: Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như
chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó (Mc 12, 31).
Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại được gắn liền với nhau như đồng
tiền hai mặt. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà ghét đồng
loại. Vì mỗi con người được tác tạo đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Yêu người
cũng như yêu chính mình.
Thánh Marcô so sánh tình
yêu cao quí hơn của lễ dâng: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và
yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ
(Mc 12, 33). Đối với chúng ta,
yêu người thân cận như chính mình là một đòi hỏi quá khó. Kinh nghiệm cuộc
sống cho chúng thấy tình yêu có mức độ. Trong cuộc sống dân gian, trái tim yêu
thương được diễn tả theo hình trôn ốc, từ trong cốt lõi ra ngoài. Yêu vợ chồng,
con cái, gia đình, họ hàng thân tộc, đồng môn, bạn bè, người thân, kẻ nghĩa,
yêu người cùng nhóm hội, cùng chí hướng, cùng tôn giáo, yêu đồng bào cùng quê
hương xứ sở và yêu đồng loại… Chúng ta có thể cảm nhận thế nào là tình yêu khi
chúng ta xa vắng, tam biệt, ly biệt hay vĩnh biệt người mình yêu. Càng yêu nhiều
càng nhớ thương nhiều. Chỉ có những tâm hồn đại ái biết quên mình mới có thể
yêu người thân cận như chính mình một cách vô điều kiện. Thánh Phaolô nói về đức
mến: Đức mến
tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor 13,
4-7)
Chúng ta hãy làm mọi việc
trong tình yêu, vì tình yêu và với tình yêu. Tình yêu sẽ thăng hoa ý nghĩa của
mọi hành động: Giả
như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1 Cor 13, 3).
Người ta thường nói rằng cách cho quí hơn của cho. Tình yêu là sự dâng hiến
vô vị lợi hay là tình
cho không biếu không, hiểu theo
nghĩa thiện hảo, tình yêu này không cần đáp đền. Chúng ta gọi là yêu vô điều kiện
như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Nhìn mẫu gương tốt lành thánh thiện của
mẹ Têrêxa thành Calcutta và các chị em nữ tu đã
xả thân một cách không tính toán và đã phục vụ hết mình. Mẹ Têrêxa và chị dòng
Nữ Tử bác Ái đã nhìn thấy hình ảnh yêu thương của Chúa trong tất cả mọi người.
Các chị đã nâng niu chăm sóc những tấm thân gầy gò, yếu ớt, hối thối, bệnh hoạn,
nghèo khổ của từng cá nhân và không phân biệt kẻ sang người hèn.
Trong thơ gởi tín hữu
Do-thái, tác giả đã diễn tả hình ảnh hiến tế của Chúa Giêsu linh mục thượng phẩm.
Ngài đã dâng hy lễ đền tội cho dân bằng chính sự sống của mình. Tình yêu dâng
hiến trọn vẹn để đền tội thay cho dân: Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải
dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân;
phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ (Dt 7, 27).
Các linh mục thay mặt Chúa dâng lễ tế hy sinh là một việc cử hành thánh thiện,
nhưng có nhiều khi bị lợi dụng và lạm dụng. Có nhiều linh mục đã cử hành thánh
lễ rất nghiêm trang sốt sáng nhưng cũng có linh mục cử hành theo thói quen chỉ để
chu toàn bổn phận hoặc vì thọ ơn trả nghĩa cho ai đó tại tư gia. Linh mục không
chịu đau khổ và không đổ máu, vậy mà đôi khi còn nóng nảy và bực bội chỉ vì vài
sơ xót nho nhỏ trong khi cử hành. Các linh mục hãy hòa trộn tình yêu trong việc
cử hành thánh lễ để sinh ích lợi cho mình, cho mọi người và cho các linh hồn
đang chờ mong ân phúc.
Đức mến là nồng cốt. Mọi
sự trên trần gian sẽ qua đi, chỉ có tình yêu tồn tại mãi. Thánh Phaolô trong
thơ gởi tín hữu Corintô đã nói: Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,
nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1 Cor 13, 13). Xin cho chúng con
biết chia sẻ và sống dấn thân trong tình yêu. Để khi mãn cuộc đời dưới thế, chúng con sẽ được hưởng nếm tình yêu
dịu ngọt của Chúa, vì Chúa là tình yêu.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
***************************************
|