NIỀM TIN (CN 30
QN.B)
(Gier 31,
7-9; Eph 5, 1-6; Mc 10, 46-52).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Giêrêmia loan
báo tin vui ngày trở về quê hương xứ sở. Ai đi đâu xa, cũng mong có ngày trở về.
Nhất là những người bị đi lưu đầy, tù tội hay xa xứ đều mong có ngày được trở về
quê hương. Sự trở về mang lại niềm vui lớn. Cuộc sống là một cuộc nối kết những
chặng đường trở về. Chúng ta cùng đang lữ hành trên trần gian đầy chông gai thử
thách. Mọi cuộc lữ hành cần có cùng đích để hướng tới. Mỗi người được sinh ra đời
đều có cội có nguồn, có cha có mẹ, có quê hương xứ sở và có cùng đích để trở về.
Cuộc sống vô thường và thay đổi, đổi thay mỗi ngày. Cũng như thời gian đắp đổi,
có hợp có tan, có vui có buồn, có đi có về, có xuất có nhập, có sáng có tối và
có sinh có tử. Không có ra đi thì cũng không có trở về. Sinh ký tử qui. Cuộc sống con người kết nối bởi những biến cố nhỏ
to. Đời sống thiên nhiên cũng thế, vòng xoay bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và hai
mùa mưa nắng.
Dân Do-thái nhiều năm bị
lưu đầy xa xứ sắp được trở về quê hương. Trong niềm vui mừng hân hoan, tiên tri
Giêrêmia đã xướng lên: Vì Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Gia-cóp, hãy hoan
hô dân đứng đầu chư dân!(Gier 31, 7). Niềm vui ngày trở về là ngày
vui của sự xum họp trong tự do và hạnh phúc. Người Do-thái được giải thoát khỏi
làm nô lệ tôi đòi cho ngoại bang. Niềm mơ ước được giải phóng trở về quê hương
là một niềm mong ước vượt qúa sức của họ. Thiên Chúa đã yêu thương an bài để mọi
người cùng được trở về sống chung, không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ tàn tật
và người bất hạnh: Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ
tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ:
tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo (Gier 31, 8).
Thánh Phaolô mời gọi mọi
người hãy sống đúng với tư cách của mình là Kitô hữu, ngài nhắn nhủ rẳng: Chuyện gian dâm,
mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới
xứng đáng là những người trong dân thánh (Eph 5, 3). Sự xấu có mặt
trong đời sống của con người mọi thời, xưa cũng như nay. Những bản năng thú
tính kéo lôi con người trở về với cách sống hoang dã. Con người dễ rơi vào những
dịp tội của sự ghen tương, thù ghét, oán hờn và gian tham. Sống buông thả theo
bản năng thì rất dễ dàng như bèo trôi theo dòng nước. Đi vào con đường hẹp để
tu tâm luyện tính đòi hỏi sự ý thức và luyện tập chuyên cần. Tu tâm là xa tránh
dịp tội, cải thiện đời sống, giảm bớt tham sân si và tập tành các nhân đức. Muốn
nên người tốt, chúng ta phải chuyên tâm tu luyện và thực hành điều thiện trong
ý tưởng, lời nói và hành động.
Chúng ta đang sống trong
thời đại ‘bấm nút’. Mọi phương tiện khoa học kỹ thuật xử dụng nút bấm và sờ chạm
rất thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Chúng ta mất dần sự kiên nhẫn và sự kiên
trì phấn đấu. Cái gì cũng muốn có kết qủa ngay lập tức như ơn chữa lành các bệnh
tật. Vì thế, có sự xuất hiện giữa chúng ta những đáp ứng “mì ăn liền” trong cả
niềm tin trong đời sống đạo. Khi xưa thánh Phaolô đã cảnh báo các tín hữu: Đừng để ai lấy lời
hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên
Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục (Eph 5, 6). Chúng ta đừng
dễ cả tin những cách thế trà trộn lẫn lộn thực hư để đưa dẫn chúng ta vào những
sự hão huyền. Chúng ta đừng mắc mưu
chạy theo các thần tượng và nghĩ rằng họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu tâm linh khao
khát của chúng ta.
Bài phúc âm, kể câu truyện
Chúa Giêsu chữa cho anh mù thành Giêricô. Anh bị mù cả hai mắt và phải đi ăn
xin. Anh nghe nói về Đức Giêsu Nazarét, anh đã nhận ra Chúa qua con mắt đức
tin: Vừa nghe
nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông
Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "(Mc 10, 47). Có
lẽ nhiều lần anh đã lảng vảng nơi đám đông tụ họp để ăn xin và nghe ngóng. Anh đã
nghe và nhận diện ra Đấng có đầy lòng thương xót. Anh biết Đấng đó có uy quyền chữa trị bệnh cho anh. Anh bị mù chứ
không phải quáng gà hay loạn thị. Các bác sĩ không thể chữa trị những chứng bệnh
như mù, điếc, câm và què từ bẩm sinh. Anh đã chạy đến xin Chúa chữa. Người hỏi:
"Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho
tôi nhìn thấy được." (Mc 10, 51). Chúa đã chữa lành cho anh ta.
Chúa chữa lành cho anh
mù và tức khắc anh nhìn thấy. Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!
" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi
(Mc 10, 52).
Ngày nay xuất hiện nhiều
thầy lang chữa bệnh nhưng chỉ chữa những bệnh cảm cúm, đau nhức và phong thấp
thường ngày. Thời tiết đổi thay, nay khỏe mai yếu. Hằng ngày người bệnh dùng cả
thuốc bắc, thuốc nam, thuốc tây và thuốc bổ đủ loại, hiệu qủa sớm muộn tùy
duyên. Thật khó bề mà lường được nguyên nhân và hậu qủa của các hiện tượng chữa
lành xảy ra. Như lời thánh Phaolô phát biểu: Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh
em. Thời nay có rất nhiều người cả tin, dễ tin và mê tín dị đoan. Những
cảm giác, ảo tưởng, tâm sinh lý, ước muốn và môi trường chung quanh cuốn hút
chúng ta vào những mê hoặc và giả tưởng. Chúng ta cần thức tỉnh tâm linh và trải
nghiệm những diễn tiến thật sự trong thân xác mình. Chúa Giêsu nói với anh mù: Lòng tin của anh
đã cứu anh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần một niềm tin tuyệt
đối vào danh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
Là Kitô hữu, chúng ta
tin vào quyền năng của Chúa Giêsu Kitô. Niềm tin cần được hun đúc, trau dồi học
hỏi và thực hành trong đời sống. Tin là sự phó thác hoàn toàn vào việc Chúa
quan phòng. Chúng ta bắt đầu Năm Đức Tin (the Year of Faith), Đức giáo hoàng
Bênêđictô thứ 16 mời gọi các tín hữu hãy ý thức và sống niềm tin của mình cách
chân thành. Chúng ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính. Tin vào những mầu
nhiệm được mạc khải trong đạo. Tin vào những điều Giáo Hội truyền dạy về sự sống
đời này và đời sau. Củng cố niềm tin của mình bằng cách học hỏi lời Chúa, suy gẫm
gương của các thánh nhân và thực hành sống đạo. Đức tin cần thấm nhập vào tâm
trí, ý chí, ý thức và tuyên xưng qua lời nói và việc làm. Thánh Giacôbê nói về
đức tin: Cũng
vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Giac 2, 17).
Chúng ta đang trở về với
cội nguồn của niềm tin. Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta tuyên xưng đức tin
trong Kinh Tin của Công Đồng Nicêa năm 325 (The Nicene Creed).
Niềm
tin mà chúng ta đã tuyên hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Cậy dựa vào
gương sáng của các vị tiền bối đã dám sống chết vì niềm tin vào Đức Kitô. Chúng
ta cũng phải củng cố và hun đúc niềm tin sống đạo mỗi ngày. Chúa Giêsu phán
cùng các môn đệ: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em:
nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này:
"rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà
anh em không làm được (Mt 17, 20). Đức tin là nhân đức đối
thần. Trong cuộc sống đạo, chúng ta còn yếu đức tin và nhiều ngờ vực. Trau dồi qua tri thức chưa đủ mà cần kết
hợp với Chúa Kitô trong nguyện cầu: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng
con." (Lc 17, 5).
Lạy Chúa, đức tin của
chúng con rất hời hợt và nông cạn, xin thêm lòng tin cho chúng con. Đã nhiều lần
chúng con mê hoặc chạy theo những lời mời gọi mơ hồ, giả trá, ảo tưởng và mê
tín. Chúng con đã đặt niềm tin vào con người và phương tiện khoa học kỹ thuật
trần gian hơn là đặt niềm tin nơi Chúa Kitô. Giờ đây, chúng con xin phó thác trọn
vẹn cuộc đời trong tay Chúa, xin Chúa nâng đỡ phù trì.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.
*******************************
|