UỐNG CHÉN THẦY
Suy
niệm CN 29 TN B 2012
Sách Giáo Lý Thêm Sức
cho các em cấp 2, bài 12 có câu hỏi thưa số 31:
H. Vì sao con Thiên
Chúa xuống thế làm người ?
T. Con Thiên Chúa
xuống thế làm người vì bốn lẽ này:
- Một là để cứu chuộc
ta khỏi tội lỗi,
- Hai là để tỏ cho ta
biết tình yêu của Thiên Chúa,
- Ba là để làm mẫu mực
cho ta sống thánh thiện,
- Bốn là để ta được
kết hợp với người mà trở nên con cái Thiên Chúa.
Sau khi các em đọc câu
hỏi thưa 3 lần, cô Giáo Lý Viên hỏi: “Có em nào biết chữ “chuộc” nghĩa
là gì không ?” Một em nhanh nhẹn giơ tay xin trả lời: “Thưa
cô, chuộc là xin lại. Ví dụ như mình mất cái điện thoại, biết người lượm được,
tới xin lại”. “Đúng chưa các em”. “Thưa cô chưa đúng. Tới xin không chắc gì
người ta cho lại. Phải đưa tiền chuộc cô ạ !”
…Con người sa ngã phạm tội phản nghịch Thiên Chúa, con người thuộc về
Satan, sự dữ, bị Satan làm chủ, thống trị. Thiên Chúa Cha “chuộc tội” cho
thiên hạ, tức là, cho con người tái thuộc về Thiên Chúa, thuộc quyền sở hữu
của Thiên Chúa, trở lại làm con Thiên Chúa không bằng tiền, không bằng vàng,
không bằng ngai tòa Thiên Chúa cao sang quyền quí, nhưng bằng chính Con Một
Mình, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Ngài đến để yêu thương và phục
vụ cho đến chết.
Cảm ơn cô Giáo Lý
Viên.
Vâng, bài đọc 1 hôm
nay, Ngôn Sứ Isaia loan báo về Đức Giêsu: "Chúa đã muốn hành hạ
người trong đau khổ Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một
dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu" ( Is 53, 10 –
11 ).
Chúa Giêsu là Lễ Vật
Đền Tội đẹp lòng Thiên Chúa Cha nhất, nhờ lễ vật ấy, mà Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa Cha mở ra, đón nhận lại con người tội lỗi đã được rửa sạch nhờ máu
Con Của Ngài.
Chúng ta, những
Kitô hữu, được ghi danh vào “dòng dõi trường tồn” nhờ ơn cứu chuộc của Chúa
Giêsu Kitô. Và khi đã được ghi tên mình vào danh sách ấy, hẳn phải cộng tác
vào Ơn Cứu Chuộc bằng việc noi gương yêu thương phục vụ của Chúa. Đó là đức
tin của chúng ta. Hơn nữa phải “giữ vững việc tuyên xưng Đức Tin của chúng
ta”, nhờ đức trông cậy, vì lòng khiêm tốn nhận biết mình mỏng dòn yếu đuối (
x. Dt 4, 14 – 16 ).
Ai dám nói mình
không hèn mọn yếu đuối trước những cám dỗ của lòng kiêu ngạo về quyền bính, để
được phục vụ hơn là phục vụ ? Người càng chiều theo những khát khao phù du của
lòng kiêu ngạo, càng chứng tỏ sự yếu đuối về Đức Tin về Đức Cậy và cả về Đức
Kính Mến Thiên Chúa.
Chuyện hai anh em nhà
Dêbêđê: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi
bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy" là chuyện thường tình rất
con người của chúng ta.
Chúng ta có khác gì ?
Đôi khi còn tệ hơn nữa. Tệ hơn ở chỗ, không xin nhưng dùng mọi thủ đoạn hạ bệ
người khác mà đưa mình lên cao. Chuyện ở đời, người ta thanh trừng nhau để
kiếm một địa vị xã hội đã đành, trong Giáo Hội, tâm trạng khắc khoải bồn chồn
vì sợ ảnh hưởng của người khác hơn mình vẫn cứ đeo bám.
Giáo Sĩ phải được
trọng vọng, được kính nể hơn Giáo Dân, bất kể cuộc sống của ngài như thế nào
đi nữa. Linh Mục phải là người lãnh đạo, là người quyết định tối hậu mọi
chuyện trong Giáo Xứ, không phải Giáo Dân. Giáo dân biết gì ? Bởi vậy có Linh
Mục đã từng tuyên bố không cần Hội Đồng Giáo Dân cho đông người, chỉ cần hai
người biết nghe gì làm nấy là đủ.
Cái ảo tưởng quyền
bính thế gian đã xâm nhập vào Giáo Hội từ lâu rồi, đến mức Giáo Dân phải mang
lấy những cái ách nặng nề không đáng có, rồi dù có thấp cổ bé miệng cách mấy
cũng phải la toáng lên: Chúa ơi, đây là thời kỳ thống trị của Giáo Sĩ, thời kỳ
Giáo Sĩ trị. Thời kỳ ấy có vẻ như vẫn còn kéo dài tới hôm nay
!
Không dừng lại ở các
Giáo Sĩ, mà bệnh quyền bính còn lây lan sang những Giáo Dân cộng tác, gần gũi
với Giáo Sĩ, học đòi cách ăn cách nói cách ứng xử quyền bính mà xem thường kẻ
khác cách quá đáng.
Một ông mới được cha
sở chỉ định làm Trùm một họ lẻ, đã có thể đập bàn quát tháo với anh em rằng:
“Tôi đã bảo không thể là không thể”, hoặc hù dọa bà con rằng: “Sao ? Có muốn
chôn trong Đất Thánh không đấy ?”
Tội nghiệp cho ai bây
giờ ?
Theo tôi thì thật là
tội nghiệp, thật là đáng thương cho những người tưởng mình có quyền bính và
dùng quyền bính ấy khiến cho mọi người phải vâng dạ cả những chuyện sai trái,
mọi người phải phục vụ mình xứng đáng.
Chúa Giêsu nào muốn
cho các môn đệ của Ngài có lối hành xử như vậy ? Có Chủng viện nào có đường
lối đào tạo linh mục như vậy ? Chẳng là vì con người ấy chỉ tu thân cho đến
lúc đạt được chức linh mục thôi sao ? Đạt được rồi, không cần tu thân nữa sao
?
Chúa Giêsu trả lời cho
người xin địa vị, quyền bính mà không xin hiến mình phục vụ
rằng: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén
Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không
?”
“Uống chén Thầy
sắp uống” hẳn không phải uống chén quyền bính, nhưng là uống
chén yêu thương, phục vụ, và yêu thương, phục vụ cho đến
chết.
Năm Đức Tin mở ra, để
mọi người nhìn lại mà sám hối cải thiện cách sống đức tin của mình. Tin vào
Chúa Giêsu là phải sống như Chúa Giêsu đã sống. Nếu không sống như Chúa Giêsu
đã sống yêu thương phục vụ, thì việc chúng ta rao giảng Ơn Cứu Chuộc của Thiên
Chúa trở nên mất tác dụng, đôi khi còn phản tác dụng và trở nên trò cười hổ
danh Thiên Chúa của chúng ta.
Tin Mừng hôm nay thiết
thực mời gọi cách sống Đức Tin của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội,
kể cả những Giáo Dân được tham dự vào những công việc của Giáo
Hội:
"Các con biết
rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông
chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như
thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và
ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.
Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban
mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người" ( Mc
10, 42 – 45 ).
Lạy Chúa Giêsu, Đấng
Cứu Chuộc chúng con bằng lòng yêu thương phục vụ cho đến chết. Xin cho chúng
con biết cộng tác vào ơn cứu chuộc bằng lòng yêu thương phục vụ hết mọi người.
Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG,
19.10.2012
|