Năm Đức Tin - Kết
Đọc lại những trang sử trong thời bình minh của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta dám tự hào vì cha ông của chúng ta đưa nhiều người ngoại trở về với đức tin Công Giáo không theo một khoa sư phạm truyền giáo nào ngoài việc hăng say phục vụ người khác theo tinh thần Tin Mừng. Thống kê sau đây là một thí dụ: tại Cochinchina (Đàng Trong) năm 1631 có 5.727 tân tòng, đến năm 1641 con số tân tòng lên tới 108.000[19]; tại Tongking (Đàng Ngoài) năm 1630 có 7.942 tân tòng, đến năm 1646 con số tân tòng lên đến khoảng 200.000[20]. Một điều chắc chắn sự phát triển nầy là nhờ công lao của các nhà Thừa sai, nhưng lịch sử cũng không thể phủ nhận công lao to lớn của người giáo dân cộng tác với các cha Thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng. “Khi nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là với số ít ỏi nhà Thừa sai, làm sao mà con số trở lại đạo công giáo càng ngày càng đông. Câu trả lời thật rõ ràng: chính nhờ việc cảm nhận được sự cao quí hồng ân đức tin đã lãnh nhận, và lòng ước muốn thông truyền đức tin thúc bách người giáo dân mạnh dạn nói cho dân ngoại về sự sống mà đức tin mang lại”[21]. Nhà Thừa Sai Cardim cũng công nhận: người giáo dân Việt Nam hăng say trong việc giúp đỡ người nghèo và bệnh hoạn. Họ muốn sống theo lời Chúa dạy. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để xây cất những bệnh xá. Đứng trước tấm lòng bác ái của họ nhiều người ngoại giáo đã xin gia nhập đạo công giáo[22]. Quả thật, “yêu mến Thiên Chúa dẫn đến sự dự phần trong công lý và trong sự quảng đại của Thiên Chúa đối với tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi một tự do nội tại vượt lên trên tất cả những của cải và mọi thứ vật chất: tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ nơi trách nhiệm của ta đối với tha nhân[23]. Truyền giáo là thế đó, là thông truyền cho người khác cảm nghiệm về niềm vui mình đang có nhờ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Việc thực thi đức ái bắt nguồn từ niềm vui gặp gỡ này.
Từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, đức tin dẫn đưa chúng ta tiến tới sự hiệp thông thâm sâu với Người, và qua đó, chúng ta được dẫn vào lối sống của Người là “sống cho mọi người”. Sự hiệp thông với Đức Kitô luôn thúc đẩy chúng ta sống cho tha nhân[24], hay nói cách khác, đức tin tự bản chất luôn là động lực thúc đẩy chúng ta truyền giáo bao gồm “việc làm chứng và dấn thân công khai. Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài… Chính vì đức tin là một hành vi tự do, nên cũng đòi hỏi một trách nhiệm xã hội về những gì ta tin. Giáo Hội, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đã chứng tỏ rõ ràng chiều kích công khai ấy của việc tin tưởng và loan báo không chút sợ hãi về niềm tin của mình cho mỗi người. Đó là một hồng ân của Chúa Thánh Linh làm cho ta có khả năng thi hành sứ mạng và củng cố việc làm chứng tá của chúng ta, biến chứng tá ấy thành điều thẳng thắn và can đảm”[25].
Vì vậy, việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là ngồi chờ đợi những chỉ dẫn của Ủy Ban Truyền giáo, hay là phó mặc cho hàng giáo sĩ, hoặc cho các cán bộ truyền giáo, nhưng phải là công việc của từng Kitô hữu, và phải được thực thi từng giây phút trong đời sống với khát vọng giới thiệu Tin Mừng đến với mọi người, để họ gặp được Chúa Giêsu, gặp được ơn cứu độ. Vì thế “các gia đình cần phải trở thành những dấu chỉ đích thực của tình yêu và sự chia sẻ, với khả năng hi vọng vì sự cởi mở của họ đối với cuộc đời”[26]. Người kitô hữu chúng ta cần có trái tim nhạy cảm để phục vụ cho những mảnh đời bất hạnh theo tinh thần của Tin Mừng, đưa ra các sáng kiến cho công bằng xã hội và tình liên đới. Một yếu tố không thể thiếu của việc truyền bá đức tin là “lòng dũng cảm để lên tiếng chống những bất trung và gương xấu nảy sinh trong các cộng đoàn Kitô hữu” và “can đảm nhìn nhận lỗi lầm”[27] .
Lm Antôn Hà văn Minh – Mùa Giáng Sinh 2011
|