Tông Thư Dưới Hình Thức Tự Sắc - Năm Đức Tin - Phần 5
14. Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở : "Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là đức tin, đức cậy và đức mến. Nhưng lớn hơn cả là đức mến (1 Cr 13,13). Và Thánh Giacôbê Tông Đồ, với những lời càng mạnh hơn nữa, luôn thúc đẩy các tín hữu Kitô, quả quyết rằng : "Hỡi anh chị em, nếu một người nói mình có đức tin mà lại không có việc làm thì ích gì ? Đức tin ấy có thể cứu họ được không ? Nếu một người anh em, chị em, không có y phục và lương thực hằng ngày và một người trong anh chị em nói : "Hãy đi bình an, hãy sưởi ấm và ăn no" nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân thể họ, thì hỏi có ích gì ? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm đi kèm, thì tự nó là đức tin chết. Trái lại một người có thể nói : "Anh có đức tin và tôi có việc làm ; hãy tỏ cho tôi đức tin không có việc làm của anh, và tôi, qua việc làm tôi chứng tỏ cho anh đức tin của tôi" (Gc 2,14-18).
Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1).
15. Vào cuối đời, thánh Phaolô tông đồ yêu cầu môn đệ Timôthê hãy "tìm kiếm đức tin" (x. 1 Tm 2,22), với cùng một sự bền chí như hồi còn nhỏ (x. 2 Tm 3,15). Chúng ta cảm thấy lời mời gọi này được gửi đến mỗi người chúng ta, để không ai trong chúng ta trở nên lười biếng trong đức tin. Đức tin là bạn đồng hành trong cuộc sống, giúp nhận thức với một cái nhìn luôn mới mẻ về những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta. Đức tin nhắm đón nhận những dấu chỉ thời đại trong hiện tại của lịch sử, và thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong thế giới. Điều mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến, đó là chứng tá đáng tin cậy của những người được Lời Chúa soi sáng trong tâm trí, có khả năng mở tâm trí của bao nhiêu người mong ước Thiên Chúa và sự sống chân thực, sự sống không tàn lụi.
"Ước gì Lời Chúa hoàn tất hành trình của mình và được tôn vinh" (2 Ts 3,1) : ước gì Năm Đức Tin này làm cho quan hệ với Chúa Kitô ngày càng vững chắc hơn, vì chỉ trong Ngài mới có sự chắc chắn để hướng nhìn về tương lai và bảo đảm một tình yêu chân thực và lâu bền. Những lời thánh Phêrô Tông đồ chiếu dọi một tia sáng cuối cùng trên đức tin : "Vì thế, anh chị em tràn đầy vui mừng, cho dù hiện nay anh chị em còn phải chịu ưu sầu ít lâu, bị nhiều thử thách, để đức tin của anh chị em được tôi luyện, quí hơn vàng, vàng là thứ sẽ phải hư nát mà còn được thanh luyện bằng lửa, mang lại lời ngợi khen, vinh quang và vinh dự cho anh em khi Chúa Giêsu Kitô tỏ hiện. Tuy không thấy Ngài, nhưng anh chị em vẫn yêu mến Ngài, và tuy không thấy Ngài, anh chị em vẫn tin nơi Ngài. Vì thế, anh chị em hãy vui mừng khôn tả và vinh quang, trong khi đạt tới mục đích đức tin của anh chị em là ơn cứu độ các linh hồn" (1 Pr 1,6-9). Cuộc sống của các tín hữu Kitô cảm nghiệm niềm vui và đau khổ. Bao nhiêu vị thánh đã sống nỗi cô đơn! Bao nhiêu tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì sự im lặng của Thiên chúa trong khi họ muốn nghe lời an ủi của Ngài ! Những thử thách của cuộc sống, trong khi giúp hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và tham gia vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1,24), là tiền đề báo trước niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến : "Khi tôi yếu đuối, đó là lúc tôi mạnh mẽ" (2 Cr 12,10). Chúng ta mạnh mẽ tin chắc rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự ác và sự chết. Với niềm tín thác chắc chắn ấy, chúng ta tín thác nơi Ngài : Chúa hiện diện giữa chúng ta, chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11,20) và Giáo Hội, cộng đồng hữu hình của lòng từ bi Chúa, ở lại trong Chúa như dấu hiệu hòa giải chung kết với Chúa Cha.
Chúng ta hãy phó thác thời điểm hồng phúc này cho Mẹ Thiên Chúa, được tuyên xưng là "người có phúc" vì Mẹ "đã tin" (Lc 1,45).
Ban hành tại Roma, nơi Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 10 năm 2011, năm thứ 7 triều đại Giáo Hoàng.
Biển Đức XVI, Giáo Hoàng
(Lm. G. Trần Đức Anh OP chuyển ý từ nguyên bản tiếng Ý 17/10/2011)
[1] Bài giảng thánh lễ khởi đầu tác vụ Kế nhiệm Thánh Phêrô của Giám mục Rôma (24/4/2005) : AAS 97 (2005), 710 ; DC 102 (2005) p.547.
[2] Cf. Benoît XVI, Homélie de la messe sur le Terreiro do Paço, Lisbonne (11 mai 2010) : Insegnamenti VI, 1 (2010), 673; DC 107 (2010), p. 515.
[3] Cf. Jean-Paul II, Tông hiến Fidei depositum (11/10/1992) : AAS 86 (1994), 113-118 ; DC 90 (1993) p. 1-3.
[4] Cf. Rapport final du second Synode extraordinaire des Évêques (7 décembre 1985), II, B, a, 4 in Enchiridion Vaticanum, vol. 9, n. 1797 ; DC 83 (1986), p.39.
[5] Paul VI, Exhort. Apost. Petrum et Paulum Apostolos, à l’occasion du XIXème centenaire du martyre des saints Apôtres Pierre et Paul (22 février 1967) : AAS 59 (1967), 196 ; DC 64 (1967) col. 484-485.
[6] Ibid 198.
[7] Paul VI, Solennelle Profession de foi, Homélie pour la concélébration du XIXè centenaire du martyre des saints Apôtres Pierre et Paul, en conclusion de l’Année de la Foi (30 juin 1968) : AAS 60 (1968), 433-445 ; DC 65 (1968) col. 1249-1258.
[8] ID., Audience générale (14 juin 1967) : Insegnamenti V (1967), 801 ; DC 64 (1967) col. 1162.
[9] Jean-Paul II, Tông thư Novo millennio ineunte (6/01/2001), n. 57 : AAS 93 (2001), 308 ; DC 98 (2001), p. 88.
[10] Diễn văn với Giáo triều (22/12/2005) : AAS 98 (2006), 52 ; DC 103 (2006), p. 63.
[11] Công đồng chung Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, n. 8.
[12] De utilitate credendi, 1, 2.
[13] Cf. Augustin d’Hippone, Confessions, I, 1.
[14] Công đồng chung Vat. II, Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 10.
[15] Cf. Jean-Paul II, Tông hiến Fidei depositum (11/10/ 1992) : AAS 86 (1994), 116 ; DC 90 (1993), p. 1-3.
[16] Sermon 215, 1.
[17] Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, n. 167.
[18] Cf. Công đồng chung Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin Dei Filius, chap. III : DS 3008-3009 ; Công đồng chung Vat. II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, n. 5.
[19] Benoît XVI, Discours au Collège des Bernardins, Paris (12/9/2008) : AAS 100 (2008), 722 ; DC 105 (2008), p. 827.
[20] Cf. Augustin d’Hippone, Confessions, XIII, 1.
[21] Jean-Paul II, Tông hiến Fidei depositum (11/10/1992) : AAS 86 (1994), 115 et 117; DC 90 (1993), p. 1-3.
[22] Cf. ID., Thông điệp Fides et ratio (14/9/1998), nn. 34 et 106 : AAS 91 (1999), 31-32, 86-87. DC 95 (1998), pp. 913 et 938.
|