Cầu nguyện cho và cầu nguyện với Đức Thánh Cha Lm Gioan TC Nguyễn Phước, Ofm – chuyển tiếp
NGUON: TAMLINHVAODOI Các tín hữu trên toàn thế giới không những được mời gọi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mà còn cầu nguyện với ngài. Vào thời điểm Đức Thánh Cha đang đau buồn vì những vụ việc không tốt mới xảy ra tại Vatican, các tín hữu công giáo người Đức tại Rôma đã đưa ra lời mời gọi này. Sáng kiến này bắt đầu từ ngày 7 tháng Sáu với bài viết của Paul Badde, chủ bút tạp chí Vatikan tại Rôma. Được biết đây hoàn toàn là sáng kiến riêng của nhóm tín hữu công giáo Đức chứ không do Đức Thánh Cha khởi xướng. Mỗi buổi chiều, vào lúc 18g45, Đức Thánh Cha đi bách bộ trong khu vườn Vatican, vừa đi vừa lần chuỗi chung với linh mục thư ký của ngài là Đức ông Georg Gänswein. Nếu trời mưa, ngài lần chuỗi trong nhà. Các tín hữu được mời gọi cùng lần chuỗi với Đức Thánh Cha cũng vào giờ đó. Họ tin tưởng rằng nếu Đức Thánh Cha biết rằng đang có nhiều người cùng cầu nguyện với ngài thì ngài sẽ cảm thấy được nâng đỡ rất nhiều trong lúc thử thách này: “Chúng ta có thể làm việc này trong gia đình, trong nhóm nhỏ, nơi hội dòng, trên website. Có thể làm ở bất cứ đâu, ở nhà, ở nhà thờ, ngồi trên xe, đi dạo trong vườn. Đơn giản chỉ là vào 18g45, bắt đầu bằng dấu Thánh giá rồi lần chuỗi”. Trong thực tế, Đức Thánh Cha đã được thông báo về sáng kiến này và ngài hết sức cảm động. Sự kiện này nói với người công giáo nhiều điều. Đối diện với những khó khăn thử thách trong đời sống – không ai không có và càng làm lớn lại càng nhiều thử thách – người công giáo cầu nguyện. Cầu nguyện không có nghĩa là chạy trốn thực tại. Cầu nguyện cũng không miễn chước suy nghĩ và hành động thích hợp để giải quyết vấn đề. Nhưng cầu nguyện để được Chúa đưa chúng ta vào thế giới của Ngài, học lấy tầm nhìn của Chúa, mang lấy tâm tình của Trái tim Chúa, nhờ đó tìm đường hướng giải quyết các vấn đề theo tinh thần của Phúc Âm hơn là theo phản ứng của con người tự nhiên và những tính toán của thế gian. Hình ảnh vị giáo hoàng nổi tiếng thông thái lại cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi cũng làm cho những ai coi thường phương pháp cầu nguyện này phải hồi tâm nghĩ lại. Có chuyện kể về một sinh viên khoa học, trên chuyến xe lửa, ngồi cạnh một ông già đang lần chuỗi. Chàng thanh niên tội nghiệp cho ông già nhà quê ít học, nên hỏi: “Đến bây giờ mà ông vẫn còn phí thời giờ vào những chuyện như thế này sao?” Cụ già trả lời rất tự tin “Tại sao không?” Nghĩ rằng nếu trả lời ngay, có thể làm cho ông cụ bị tổn thương, chàng thanh niên nói: “Cụ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi thư giải thích cho cụ hiểu”. Ông già lục trong túi, lấy ra tấm danh thiếp đưa cho anh ta. Nhìn vào tấm danh thiếp, anh ta im lặng cúi đầu, vì trên tấm danh thiếp ấy ghi tên tuổi của ông già: Louis Pasteur, nhà khoa học hàng đầu của nước Pháp. Cuộc sống hiện đại khiến con người đánh giá mọi sự dựa vào hiệu quả vật chất. Quả là phí thời giờ vào việc đọc đi đọc lại một câu kinh, thứ đạo đức chỉ dành cho đàn bà và trẻ con! Người ta quên mất rằng việc lần chuỗi Mân Côi dẫn người đọc vào tình trạng chiêm niệm để tâm được tĩnh. Khi tâm được tĩnh thì trí cũng sáng hơn và lòng cũng rộng hơn. Vì tâm chưa tĩnh nên lòng vẫn hẹp và trí cũng tối, nên con người đến với nhau bằng quá nhiều xung đột và tính toán, khiến cuộc sống thêm nặng nề. Lời mời gọi cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha còn làm sáng lên vẻ đẹp của sự hiệp thông trong Hội Thánh, sự hiệp thông ở chiều sâu và làm nền móng cho mối hiệp thông đích thực giữa con người với nhau. Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ của Người “để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Như thế, hiệp thông là để thi hành sứ vụ loan báo “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Cầu nguyện cho nhau và với nhau là phương thế kiến tạo sự hiệp thông đích thực vì sự hiệp thông ấy đặt nền trên sự hiệp thông với Chúa và soi sáng cho sự hiệp thông với nhau, nhằm phục vụ Tin Mừng và những giá trị Nước Trời. Khi kêu gọi các tín hữu cầu nguyện với Đức Thánh Cha, Paul Badde nhắc đến thị kiến của thánh nữ Juliane de Liège. Từ năm 26 tuổi, thánh Juliane đã nhiều lần thấy thị kiến về mặt trăng thật đầy đặn nhưng lại có một chấm đen trên đó. Ngài không hiểu ý nghĩa của thị kiến. Sau nhiều năm cầu nguyện, ngài hiểu rằng chấm đen ấy nói đến sự thiếu vắng một ngày lễ trọng thể kính Mình Máu Thánh Chúa trong lịch phụng vụ của Giáo Hội. Vì thế, thị kiến của ngài được coi như bước khởi đầu dẫn đến việc thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi) vào thế kỷ 12. Và Paul Badde lập luận rằng ngày nay, trong Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội, cũng có một chấm đen như thế, là những đau khổ mà Đức Bênêđictô XVI phải chịu vì sự phản bội và những toan tính xấu của con cái trong Giáo Hội. Vì thế vào đúng ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa năm nay, ông đưa ra lời kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Mỗi người công giáo có thể đáp lại lời mời gọi này tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mình. Điều chủ yếu là cầu nguyện với Đức Thánh Cha, lời cầu nguyện của hiệp thông và sứ vụ.
|