TRÁI THẠNH THÌ ĂN CỦ LĂNG THÌ BỎ
Tác giả: Bửu Uyển
Năm 1970, Giáo Xứ Phú Cam ở Huế tổ chức một lớp Giáo lý đặc biệt dành cho những người lớn tuổi muốn theo đạo Công Giáo. Lớp giáo lý đó qui tụ gần 30 người. Các học viên phần lớn,tuổi từ 18 đến 25, cũng có vài người tuổi xấp xỉ 60. Ngày khai giảng, Cha Trinh, cha Sở của giáo xứ đã đến với lớp. Sau khi chào mừng các học viên, cha nói:
- Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với Ngài, nhưng mỗi người được Chúa kêu mời một cách khác nhau. Xin anh chị em cho biết, lý do nào đã đưa anh chị em đến với lớp giáo lý này.
Nhiều học viên tâm sự lý do đã đưa họ đến với lớp giáo lý, phần lớn họ theo người bạn đời của họ, học đạo để được rửa tội hầu lãnh nhận bí tích hôn phối sau nầy.
Nhưng anh Thạnh, một thanh niên khoảng 27, 28 tuổi, là một quân nhân, anh tâm sự như sau :
- "Thưa cha, thưa anh chị em, cách đây 5 năm tôi và Yến quen nhau, chúng tôi yêu nhau, và kết hôn với nhau. Hơn một năm sau, chúng tôi có con trai đầu lòng, đó là cháu Huy. Tôi quên kể cho anh chị em nghe là khi đã sinh cháu Huy, tôi mới biết là nhà tôi có Ðạo. Sau đó nhiều lần, nhà tôi khuyên tôi theo đạo, cho thuận vợ thuận chồng. Nhưng tôi luôn gạt ngang: ‘Trên thế giới, cả tỷ người không theo đạo công giáo có sao đâu!’.
"Phần cháu Huy, tôi đồng ý để cháu rửa tội. Mỗi ngày Chúa nhật, nhà tôi và cháu Huy dắt nhau đi nhà thờ. Nhưng tôi hoàn toàn hững hỡ với việc giữ đạo của nhà tôi và cháu Huy. Không có tối nào nhà tôi và cháu Huy quên đọc kinh trước khi đi ngủ. Có nhiều lúc tôi thấy nhà tôi đứng trầm ngâm thật lâu trước bàn thờ Ðức Mẹ.
"Một hôm, nhà tôi đi làm chưa về, tôi đang ngồi đọc báo, bỗng thấy cháu Huy đùa nghịch với cái bật lửa của tôi. Trong một thoáng nóng giận, tôi nhảy đến giật cái bật lửa khỏi tay cháu Huy, và tát cho nó một cái thật đau. Vẫn chưa hả giận, tôi với tay lấy cái chổi lông gà, bước về phía cháu Huy. Nó hoảng sợ lùi dần. Tôi giơ cao cái chổi định quất nó. Bỗng tôi thấy nó đưa tay lên làm dấu thánh giá và kêu lên: ‘Ðức Mẹ ơi cứu con, Ðức Mẹ ơi cứu con!’
"Những tiếng cầu cứu nho nhỏ của Huy, khi lọt vào tai tôi lại vang lên thật to ‘Ðức Mẹ ơi cứu con, Ðức Mẹ ơi cứu con!’. Tôi bàng hoàng đứng sựng lại, tay mặt cầm chổi từ từ hạ xuống, người tôi như có một gáo nước lạnh tạt vào. Trước mặt tôi, cháu Huy vẫn đứng đó. Nhưng tôi tưởng tượng như có một ‘bà áo trắng’ đang dang hai tay ôm nó vào lòng để bảo vệ nó. Tôi sững sờ, hối hận, pha một chút sợ hãi. Tôi quỳ xuống và thầm thỉ: ‘Xin Ðức Mẹ tha tội cho con.’
"Thấy tôi bỗng dưng quỳ xuống, cháu Huy vội chạy đến bên tôi." Ba sao vậy, ba đau chân hả, để con bóp chân cho ba’. Cháu Huy tưởng tôi đau đớn gì đó nên cuống quít, lo lắng cho tôi. Ôi con tôi, tôi có một đứa con thật đáng yêu. Tôi âu yếm ôm Huy vào lòng, tôi bồng Huy trên tay như lúc nó chưa đầy một tuổi. Hai cha con tôi đến trước bàn thờ Ðức Mẹ, tôi chân thành xin Ðức Mẹ cho tôi theo Ðạo. Tôi bồng cháu Huy trên tay, mãi không thấy chán, đến nỗi vợ tôi vào nhà lúc nào tổi chẳng hay biết. ‘Ơ hay chưa, bữa nay có chuyện gì mà hai cha con vui thế!’ Nhà tôi reo lên.
"Tôi kể lại sự việc vừa xảy ra cho nhà tôi nghe. Nhà tôi mừng lắm, khi nghe tôi có ý định xin theo đạo. Nhà tôi bảo: ‘Anh với em và Huy sang bên nhà thờ để chúng ta tạ ơn Ðức Mẹ.
"Tôi như một đứa bé, ngoan ngoãn đi theo nhà tôi và cháu Huy. Ðây là lần đầu tiên tôi bước chân vào nhà thờ. Ngước mắt nhièn lên bàn thờ, tôi rùng mình đứng khựng lại khi nhìn tượng Ðức Mẹ, tôi nhớ lại cơn nóng giận vừa qua, và ‘bà áo trắng’ che chở cho Huy.. .
"Nhà tôi ngạc nhiên: ‘Sao vậy anh?’
" Tôi thành thật trả lời: ‘Nhìn tượng Ðức Mẹ, anh sợ quá!’
" Nhà tôi liền trấn an: ‘Sao lại sợ? Ðức Mẹ chẳng quở phạt ai bao giờ, Ðức Mẹ chỉ yêu thương mà thôi!’
"Chúng tôi quì trước bàn thờ Ðức Mẹ, nhà tôi thưa với Ðức Mẹ: ‘Lạy Ðức Mẹ, con vui mừng quá, suốt 4 năm nay con kêu xin, nay Mẹ đã nhậm lời, cho nhà con quyết định xin theo Ðạo. Chúng con tạ ơn Ðức Mẹ.’
"Trên đường từ nhà thờ về nhà, vợ tôi vui như chưa bao giờ vui như thế.
"Và hôm nay, tôi đến lớp giáo lý nầy để xin theo học, hy vọng một ngày gần đây, tôi sẽ được rửa tội để trờ thành người Công giáo."
* * *
Một năm sau, Thạnh và Yến làm phép hôn phối, cũng tại nhà thờ Phú Cam.
Vợ chồng Thạnh sống đầm ấm bên nhau cho đến 30-4-1975. Cũng như hàng triệu quân nhân, công chức của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, Thạnh bị đưa đi tập trung cải tạo. Thạnh là sĩ quan quân báo của Sư Ðoàn I Bộ binh, nên đầu năm 1976, anh bị đưa ra Trại Phong Quang (tỉnh Hoàng Liên Sơn). Khi mới đến Trại cải tạo, họ bắt các trại viên học tập chính trị suốt mấy tháng. Sau đó thì lao động cật lực. Mỗi bữa ăn, trại viên được phát một chén bắp nấu, hoặc vài củ sắn lớn hơn ngón tay, hoặc một chén bo bo. Có lúc ăn rau dền thế cơm cả tuần lễ. Cho nên đói, đói triền miên. Nhưng dù đói khổ, thương nhớ vợ con, Thạnh vẫn giữ được thói quen đọc 3 kinh Kính Mừng trước khi đi ngủ.
Trong khi đi lao động, đốn tre, trồng sắn trên các sườn đồi, Thạnh thấy một loại trái cậy, trông vừa giống trái sim, vừa giống trái "bồ quân" mà lũ chim rừng rất thích ăn. Anh hái một nắm đem về trại, báo cho anh Trưởng phòng biết, nên thử xem loại trái cây đó ăn được hay không. Anh em tù cải tạo có qui định, bắt thăm xem ai là "vật thí nghiệm." Thật bất ngờ, Thạnh lại bắt trúng thăm "làm vật thí nghiệm." Tối hôm đó, trước mặt các bạn tù, Thạnh đã ăn hết nắm trái cây lạ đó. Nó có vị ngọt nhưng hơi chua chua chát chát. Thạnh lo sợ đó là trái cây độc; các anh em khác cũng lo âu cho Thạnh. Nhưng sáng hôm sau, Thạnh vẫn bình thường, nghĩa là trái cây đó ăn được. Từ đó anh em trại viên bắt đầu ăn trái cây ấy, và đặt tên cho nó là "trái Thạnh." Suốt thời gian ở trại Phong Quang, "trái Thạnh" đã giúp cho anh em trại viên đỡ đói phần nào.
Hằng ngày đi lao động, anh em phải lội băng qua một con suối cạn. Dọc hai bên bờ suối, một loại củ như củ môn, mọc rất nhiều, có củ to như bắp chân. Một vài anh em lại muốn thí nghiệm xem loại củ đó có ăn được không. Vì nếu ăn được, anh em trại viên sẽ no ấm! Thế là một màn bắt thăm chọn người làm "vật thí nghiệm" lại diễn ra. Lần này anh Lăng bắt trúng thăm. Từ chiều, một số anh đã đem loại củ ấy luộc chín. Tối hôm đó "cuộc thí nghiệm" cũng diễn ra trước mặt anh em trại viên. Anh Lăng bắt đầu ăn. Nhưng Lăng mới nhai được miếng thứ nhì, anh phải nhổ ra, đôi môi của anh sưng vù lên, anh hoàn toàn tắc tiếng, không nói được. Nước mắt chảy ràn rụa, phút chốc cả người anh nổi lên những mụn đỏ như "nổi mề đay." Anh em trại viên cuống quít "người thì thoa bóp, người thì cho Lăng uống nước nóng, người chọc cổ cho sái ra.. . Lăng nằm thin thít, đôi môi sưng vù, mặt mày tay chân vừa sưng to vừa đỏ. May mắn thay, đến nửa đêm thì anh ói được.
Sáng hôm sau, anh dậy không nổi nữa. Gần bốn năm ngày sau, môi của anh mới bớt sưng, nhưng giọng nói vẫn chưa bình thường. Thế là củ môn lạ đó bị liệt vào loại độc, không ăn được. Và củ đó được mang tên "củ Lăng."
Anh em trại viên thường nói cho luôn vần: "Trái Thạnh thì ăn, củ Lăng thì bỏ ."
Thấm thoát, Thạnh đã ở trại Phong Quang được gần hai năm. Ðói khát, lao động khổ sai, nhớ thương, đã làm cho cơ thể của Thạnh mòn mỏi. Giờ đây thân thể của anh chỉ còn da bọc xương. Một buổi sáng nọ, tiếng kẻng quái ác của Trại đánh thức trại viên dậy như thường lệ. Nhưng hôm đó, Thạnh không ngồi dậy nổi. Cơ thể của anh rã rời, miệng khô khốc. Anh nằm liệt từ đó. Mỗi bữa ăn, nhà bếp đem cho anh lưng chén cháo bắp, có lẫn vài hạt gạo.
Bình thường, khi nhận khẩu phần ăn, ai cũng ăn ngấu nghiến. Nhưng lúc nầy, để chén cháo một bên, Thạnh không màng đến việc ăn uống. Anh đưa chén cháo cho người bạn nằm cạnh, bảo anh ấy ăn đi. Anh bạn thèm lắm, nhưng ái ngại, không nở ăn khẩu phần ít ỏi duy nhất của Thạnh. Ðã ba ngày qua, Thạnh không nuốt được một muỗng cháo nào, anh chỉ uống được vài hớp nước nóng do anh em đưa cho. Ai cũng lo âu cho mạng sống của anh, anh em cùng Trại ai cũng thương mến anh, nhưng chẳng ai có cách gì để giúp anh được. Anh cảm thấy không còn một chút hơi sức nào sót lại trong cơ thể của anh. Mấy con ruồi đậu trên mặt, anh cũng không thể giơ tay đuổi nó bay đi được. Anh nằm bất động, nửa tỉnh nửa mê. Anh miên mang nhớ đến gia đình, giờ nầy vợ chàng đang làm gì, thằng Huy chắc lớn lắm. rồi chàng nhớ lại ngày chàng nóng giận đánh Huy. . . rồi có "Bà áo trắng" đứng che chở cho Huy.. . anh như sực tỉnh, chàng lâm râm đọc kinh kính mừng và cầu xin Ðức Mẹ cho chàng qua khỏi cơn bạo bệnh này. Trong lòng anh bắt đầu nhen nhúm một chút hy vọng. Anh tiếp tục đọc kinh và cầu xin với Ðức Mẹ. Một hôm, sau một đêm ngủ yên giấc, sáng thức dậy chàng thấy đói. Trưa hôm đó Thạnh ăn hết chén cháo, buổi chiều cũng vậy. Chàng dần dần bình phục. Anh em ai cũng ngạc nhiên trước sự kiện đó, và không biết nguyên do từ đâu. Nhưng Thạnh biết, chàng biết, chính Ðức Mẹ đã cứu chàng. Thạnh tạ ơn Ðức Mẹ suốt ngày.
Mấy tuần sau, Thạnh bắt đầu đi lao động trở lại.
Năm 1979, Việt cộng chuyển toàn trại Phong Quang về Bắc Thái (vì Trung quốc đánh qua biên giới). Ở Bắc Thái khỏang ba năm, Thạnh bị đưa về trại Nam Hà. Dù ở trại cải tạo nào, thân phận của những tù cải tạo vẫn là đói khổ, nhớ nhung và mòn mỏi. Nhờ sống có Ðức tin, với lòng cậy trông vào Ðức Mẹ, Thạnh đã vượt qua được biết bao thử thách. Dù thân xác gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, nhưng tinh thần của Thạnh vẫn minh mẫn, chàng đặt hết hy vọng vào lòng từ bi của Ðức Mẹ. Chàng tin chắc Ðức Mẹ sẽ sớm cứu vớt chàng ra khỏi nơi tù đày khổ ải nầy. Lòng thành tâm, bền bĩ cầu xin của Thạnh đã được Mẹ chấp nhận: Vào một buổi sáng Chúa nhật, ban quản trại tập trung tất cả trại viên ra sân, đọc tên những trại viên được tha về, có tên Thạnh.
Chiếc "Honda ôm" vừa dừng lại, Thạnh đã chạy ùa vào nhà, vợ chàng và cháu Huy ngạc nhiên, vui mừng ôm chầm lấy chàng, cả 3 người đều khóc, vì cảm động, vì hạnh phúc. Thật lâu, Thạnh mới bừng tỉnh, qua cơn xúc động, được gặp lại vợ con, anh nói :
- Chúng ta đi qua bên nhà thờ để tạ ơn Ðức Mẹ đã cho vợ chồng cha con chúng ta đoàn tụ.
Quỳ trước tượng Ðức Mẹ Fatima, Thạnh thưa với Ðức Mẹ: "Lạy Mẹ, gia đình con tạ ơn Mẹ đã cho con sống sót trở về, sau 12 năm tù đày đói khổ. Con xin phú thác gia đình con trong tay Mẹ để tạ ơn Mẹ.. . "
Chung quanh Thạnh, nhiều tín hữu cũng đang sốt sắng cầu nguyện với Ðức Mẹ, họ xin Ðức Mẹ cứu giúp, hoặc tạ ơn Ðức Mẹ. Ngay lúc đó trên khắp thế giới, có lẽ cũng có hàng ngàn, hàng vạn tín hữu đang tạ ơn Ðức Mẹ hoặc xin ơn cùng Ðức Mẹ. Vì Ðức Mẹ là Mẹ Hằng-Cứu-Giúp, cho những ai biết chạy đến cùng Mẹ. (còn tiếp....)
|