Chứng Nhân Tình Yêu
Tác giả: Bửu Uyển
Trong dịp về thăm quê hương, tháng 6 năm 2008, chúng tôi đi thăm Trại Cùi Bến Sắn. Vì đã báo trước với trại, nên khi vừa xuống xe, đã thấy 2 sơ và vài người nữa đứng đón chúng tôi. Một sơ đến gần chúng tôi và giới thiệu:
- Tôi là sơ Ngân, mời các bác vào. Tôi sẽ hướng dẫn qúi bác đi thăm trại.
Ngay lúc đó, một người đàn ông khoảng 40+ tuổi đến hỏi sơ Ngân việc gì đó; sơ Ngân giới thiệu ông ấy với tôi: “Xin giới thiệu với bác, đây là bác sĩ Quang, bác sĩ điều trị của Trại.” Tôi đưa tay ra để bắt tay bác sĩ Quang, nhưng ông ấy không bắt tay tôi, ông nhỏ nhẹ nói: “Xin lỗi ông, tay tôi không được sạch.” Nói xong, ông ta chào tôi và đi về phiá một dãy nhà gần đó.
Thấy tôi ngạc nhiên về sự việc vừa xảy ra, sơ Ngân giải thích với tôi: “ Thưa ông, bác sĩ Quang là vị bác sĩ đầu tiên tình nguyện về đây phục vụ bệnh nhân phong cùi. Sau gần 6 năm tận tụy với bệnh nhân, bác sĩ Quang đã bị lây nhiễm bệnh phong. Vì vậy, ông ta không muốn cho ông bắt tay, thế thôi.
Sơ Ngân đưa chúng tôi đến thăm khu A. Khi chúng tôi bước vào một nhà ngủ rộng, nhiều bệnh nhân đang nằm liền ngồi dậy chào chúng tôi. Sơ Ngân nói với họ: “Bác này ở xa lắm, tận bên Mỹ, cũng lặn nội về thăm bàn con đấy, sướng chưa.”
Sơ Ngân giải thích với tôi: “Bệnh nhân ở đây cần thuốc trị bệnh, cần cơm aó….nhưng họ cần nhất là tình thương.”
Trước khi vào đây, sơ Ngân có dặn chúng tôi: Bác chỉ nói chuyện với bệnh nhân, không được bắt tay hay đụng chạm đến người của họ; họ không bằng lòng đâu. Vì vậy chúng tôi chỉ đứng xa xa nói chuyện với các bệnh nhân mà thôi.
Sơ Ngân tiếp tục hướng dẫn chúng tôi đi thăm một khu khác xa hơn. Trên đường đi, tôi nhớ đến trường hợp của bác sĩ Quang mà sơ kể vắn tắt cho tôi nghe lúc mới đến. Tôi nói với sơ Ngân, “Thưa sơ, sơ có thể cho tôi biết thêm về bác sĩ Quang được không ạ?”
Sơ Ngân kể: Năm 1977, anh sinh viên Nguyễn Huy Quang đang học năm thứ 4 Đại Học Y Khoa Hà Nội, anh theo gia đình vào Sai Gòn, tiếp tục học y khoa ở trường Đại Học Y Dược Sài Gòn. Một năm sau, anh được chỉ định đi thực tập ở đây, anh sinh viên Quang bắt đầu cảm thông, xót xa cho những bệnh nhân bất hạnh ở đây qua những sự việc anh chứng kiến hằng ngày. Có lần anh tâm sự với tôi: “Khi mới đến tập sự ở đây, tình cờ vào một buổi chiều, một gia đình đem đến trại một bà lão mắc bịnh phong khá nặng – có lẽ lâu nay gia đình dấu bà ở nhà – bà không còn một ngón tay nào cả, các ngón chân cũng mất hết, mùi hôi thối từ các vết thương xông nên nồng nặc. Sau khi làm thủ tục nhập trại cho bà lão, tất cả thân nhân của bà lão vội vã ra về. Sơ Mùi đến dìu bà lão ấy về khu B, là nơi dành cho những người bệnh nặng. Khi đã đưa bà ấy đến giường nằm, sơ Mùi nói với bà, để sơ rửa các vết thương và làm thuốc cho bà. Nhưng bà ấy tỏ dấu không tin, vì ngay những người thân trong gia đình cũng xa lánh bà. Sau khi sơ diụ dàng, kỹ lưỡng rửa các vết thương, rồi băng bó cho bà một cách trìu mến, bà ấy đã hoàn toàn thay đổi cảm nghĩ của bà đối với sơ Mùi. Bà cảm đông nói: “Sao sơ có thể hy sinh cho tôi như vậy? Từ ngày mắc bệnh, đây là lần đầu tiên tôi được chùi rửa, sức thuốc và băng bó một cách đàng hoàng, tôi cám ơn sơ.” Sơ Mùi mỉm cười: “Tôi sẽ băng bó, làm thuốc cho bà mỗi ngày nhé.”
Ngày qua ngày, anh sinh viên Quang chứng kiến những hy sinh đầy thương mến mà các sơ dành cho bệnh nhân. Anh tự hỏi, động lực nào đã thúc đẩy các sơ có đời sống hy sinh như vậy? Do tiền tài ư? Không phải. Do danh vọng ư? Cũng không phải. Vậy do đâu? Anh tạm kết luận: “Quí sơ là người Công Giáo, mà đạo Công Giáo dạy tín hữu phải yêu thương kẻ khác, đẹp nhất là yêu thương những người cùng khổ.” Anh thấy quí sơ luôn luôn tươi cười, lạc quan, chứng tỏ cuộc sống quí sơ rất lý tưởng.
Vì vậy năm 1981, khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, anh Quang tình nguyện về phục vụ ở Trại Cùi Bến Sắn. Quyết định của anh làm cho gia đình, bạn bè và Sở Y Tế Sài Gòn hếst sức ngỡ ngàng. Anh giải thích: “anh muốn đem sự hiểu biết về Y Học và tấm lòng của anh phục vụ những bệnh nhân phong cùi. Cuối cùng Sở Y Tế Sài Gòn chấp nhận cho anh phục vụ ở Trại Cùi Bến Sắn với cương vị bác sĩ điều trị.
Từ ngày về phục vụ bệnh nhân phong tại Bến Sắn, anh tận tụy hết lòng với bệnh nhân. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn tất cả bệnh nhân đều thương mến anh.
Nhiều lần bác sĩ Quang hỏi tôi: “Vì sao quí sơ có thể hy sinh trọn vẹn cuộc đời của mình cho bệnh nhân như thế?” Tôi cười: ”Thưa bác sĩ, chúng tôi yêu Chúa, mà Chúa, chính là những bệnh nhân phong mà chúng tôi săn sóc hằng ngày đó.”
Bác sĩ Quang đã bắt đầu tìm hiểu về “CHÚA” mà chúng tôi kính yêu. Thật kỳ diệu, chỉ một thời gian ngắn tìm tòi, học hỏi về Thiên Chúa tình yêu, bác sĩ Quang xin theo đạo. Sự kiện ấy làm mọi người trong trại hết sức ngạc nhiên.
Sau hơn 5 năm phục vụ ở Trại Cùi Bến Sắn, hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, đụng chạm đến những vết thương của bệnh nhân khi làm thuốc cho họ…. Bác sĩ Quang đã lây nhiễm bệnh phong. Nhờ phát hiện sớm, nên tạm chận đứng sự phát triển của bệnh, nhưng trong tương lai không biết sẽ ra sao.
Tôi hỏi sơ Ngân: “Khi biết mình bị lây bệnh phong, bác sĩ Quang có than oán gì về hoàn cảnh khiến cho ông lây bệnh không?” Sơ Ngân trả lời ngay: “Thưa không, hoàn toàn không. Ông ấy vẫn bình thản phục vụ các bệnh nhân.” Ông tâm sự: “Trước đây tôi xem việc săn sóc bệnh nhân là một nghề, như trăm ngàn nghề khác, một công việc chuyên môn, vô tri vô giác. Nhưng từ lúc có Chúa trong lòng, nhất là khi biết mình mắc bệnh phong, tôi đã cảm nghiệm được một cách sâu sắc những đau đớn, những buồn khổ của bệnh nhân phong, nên tôi phục vụ họ một cách có hồn, có tình thương trong công việc của mình. Và nói như quí sơ “Tôi đang săn sóc, phục vụ chính Chúa.”
Nghe sơ Ngân kể, tôi vô cùng cảm động. Nhờ đến đây, tôi mới gặp được những người sống quên mình vì lòng yêu mến Chúa: Họ là những chứng nhân đích thực của tình yêu.
Sơ Ngân đưa tôi đến khu Trại C, là khu dành cho những người bệnh nặng và gìa cả. Vừa bước vào phòng ngủ của bệnh nhân, tôi đứng sựng lại, tôi sững sờ nhìn các bệnh nhân, kẻ nằm, người ngồi. Hình dáng của họ không còn là con người nữa. Chân tay tôi run lên, tôi cắn chặt môi lại nhưng vẫn không thể ngăn nổi cơn xúc động tột cùng của tôi, tôi oà nên khóc nức nở như một đứa trẻ. Không biết bao lâu, tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, và quan sát chung quanh: một người ngồi ở trên giường gần tôi nhất, nhờ đầu tóc rối mà tôi nhận ra được đó là một người đàn bà. Bà ta không còn tay, không còn chân, chỉ còn một lỗ tai, gương mặt của bà sứt mẻ, không còn là gương mặt của người đàn bà nữa. Bên cạnh bà là một ông lão tóc bạc phơ, tay chân của ông cũng mất hết, căn bệnh nan y ác nghiệt này đã tàn phá gần hết khuân mặt của ông, vì vậy hàm răng của ông nhô ra một cách rất tội nghiệp. Tôi nhìn khắp phòng, hầu hết bệnh nhân ở đây không còn hình dạng bình thường nữa. Tôi không nói gì được, tôi không thể có một lời nào đủ để an uỉ họ. Tôi im lặng nhìn họ mà nước mắt tuôn trào. Thấy tôi qúa xúc động, sơ Ngân bảo tôi: “Mời bác đi thăm một nơi khác.”
Tôi hỏi sơ Ngân: “Thưa sơ, bệnh phong đã tàn phá cơ thể của bệnh nhân như vậy, họ có oán trách gì Thiên Chúa không?” Sơ Ngân qủa quyết: “Dạ không, tôi phục vụ ở đây đã trên 10 năm, tôi chưa bao giờ nghe bệnh nhân than oán hay trách móc gì Thiên Chúa. Trái lại, tôi biết có nhiều bệnh nhân Công Giáo đã hiến dâng sự đau khổ của họ cho Chúa, để cầu nguyện cho những người chung quanh. Tôi học hỏi nhân đức “Xin Vâng” từ những bệnh nhân thánh thiện đó.”
Sơ Ngân đưa tôi đến viếng nhà nguyện của Trại. Một nguyện đường nho nhỏ, nằm cạnh khu nhà ở của bệnh nhân. Trên bàn thờ, ở giữa là một Thánh Giá bằng gỗ đơn sơ, bên cạnh là một bức ảnh Đức Mẹ, một bình hoa bằng nylon rẻ tiền, và 2 chân đèn. Tôi cúi chào bàn thờ rồi nhìn xung quanh, nhiều bệnh nhân đang hiện diện nơi đây. Ở các nhà thờ, nhà nguyện khác, khi tín hữu vào cầu nguyện, họ thường qùy, đứng, hoặc ngồi để đọc kinh, lần hạt. Nhưng ở nhà nguyện này, các tín hữu vào đây đều nằm vì họ không còn bàn chân để đứng, họ cũng không thể quỳ được, thậm chí họ cũng không thể ngồi cách bình thường được. Nhưnh họ đều thành khẩn, sốt sắng cầu nguyện. Chắc chắn những lời cầu nguyện của họ, đẹp lòng Chúa biết bao.
Sơ Ngân nhắc tôi: “Chúng ta thăm trại cũng tam đủ, mời bác về văn phòng Trại. Nếu bác muốn biết gì thêm, chúng tôi sẽ giải thích.”
Tôi nhờ Sơ Ngân cho tôi gặp bác sĩ Quang. Sơ Ngân đưa tôi đến trước một căn phòng đơn sơ, cạnh văn phòng Trại, rồi gọi lớn “Bác sĩ Quang ơi, có người muốn gặp ông.” Bác sĩ Quang ra đón chúng tôi: “Mời bác vào đây.” Tôi theo bác sĩ Quang vào phòng làm việc, cũng là chỗ ở của ông. Ông kéo chiếc ghế duy nhất trong phòng mời tôi ngồi, còn ông ngồi trên giường ngủ.
Ông vui vẻ hỏi tôi: “Có lẽ ông từ xa đến đây thăm các bệnh nhân?”
Tôi trả lời: “Dạ chúng tôi từ Mỹ về.”
Ồ quí hóa quá, các bệnh nhân ở đây cũng còn có người quan tâm đến. Bác thấy đó, họ là những người bất hạnh nhất trên thế gian này. Xin bác cầu nguyện cho họ.
Sau vài câu trò chuyện xã giao, tôi vui vẻ hỏi bác sĩ Quang:” Thưa bác sĩ, hình như bác sĩ được rửa tội ngay tại trại này phaỉ không ạ?”
Ông cười:”Dạ đúng rồi, tôi nhớ rất rõ hôm ấy là Chúa Nhật ngày 6 tháng 12 năm 1992, một ngày hạnh phúc nhất của đời tôi. Sáng hôm đó, trong nhà nguyện của Trại, chật ních các bệnh nhân. Nhiều bà con, bạn bè của tôi ở xa cũng đến tham dự thánh lễ Rửa Tội của tôi. Cha Thuần ở Bình Dương lên cử hành Thánh Lễ. Bố đỡ đầu của tôi là Bác Đức, một bệnh nhân lớn tuổi, bác đã sống ở trại này trên 20 năm. Từ một người bình thường, khô khan, vật chất, tôi đã trở thành con cái Chúa, con cái của tình thương.
Rồi ông kể tiếp:”Sau Thánh Lễ, Sơ Ngân niềm nở noí với tôi:”Chúc mừng bác sĩ, hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ của bác sĩ.”
Tôi thưa với sơ:”Cám ơn sơ, hôm nay qủa thật là một ngày trọng đại của đời tôi. Từ hôm nay tôi được sống trọn vẹn trong tình yêu của Chúa, để chuẩn bị cho một ngày trọng đại khác: NGÀY TÔI ĐƯỢC CHÚA GỌI VỀ VỚI CHÚA.”
(còn tiếp....)
|