Thái độ trốn chạy Giáo Hội của các phụ nữ lứa tuổi 40
Phỏng vấn Linh Mục thần học gia Armando Matteo về thái độ trốn chạy Giáo Hội của các phụ nữ lứa tuổi 40
Trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc Âu châu ngày nay Giáo Hội đang phải đương đầu với một thách đố lớn: đó là thái độ trốn chạy Giáo Hội của lớp phụ nữ ở lứa tuổi 40. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị vả các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Armando Matteo, thần học gia, giáo sư tại đại học Urbaniana của Bộ Truyền Giáo về vấn đề này.
Cha Matteo cũng là giáo sư học viện thần học Calabria nam Italia. Cha còn là tuyên úy Liên hiệp sinh viên công giáo toàn quốc Italia. Cha là tác giả nhiều sách khá nổi tiếng như: ”Đức tin của giáo dân. Kitô giáo trước tâm thức thời hậu tân tiến”; ”Sự hiện diện bị đập tan. Đối thoại thời hậu tân tiến của Kitô giáo”. Sau cuốn ”Thế hệ thứ nhất không tin”, cha mới cho xuất bản cuốn ”Sự trốn chạy của các phụ nữ lứa tuổi 40. Tương quan khó khăn giữa nữ giới và Giáo Hội”. Sách đã bắt đầu được bán trong các nhà sách Italia từ ngày 18-4-2012.
Liên quan tới vấn đề rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ ngày nay, cha Matteo ghi nhận sự kiện tại Italia cũng như các nước âu châu khác, người trẻ chỉ tham gia các đại hội lớn trong một số trường hợp như Ngày quốc tế giới trẻ hay đại hội quốc gia. Các nhà thờ ngày càng trống vắng, hầu như không có người trẻ tham dự các buổi cử hành Thánh Thể hay các lễ nghi phụng vụ. Các bí tích như rửa tội và hôn nhân đạo ngày càng ít được lãnh nhận. Nhất là nền văn hóa kitô từ từ biến mất, tín hữu không thuộc và hiểu biết giáo lý nữa, và rất thường khi không biết Thánh Kinh. Chính tình trạng hiểu biết và sống đạo què quặt này khiến cho người trẻ xa rời việc sống đức tin và tránh né Giáo Hội. Sau khi chịu phép Thêm Sức số người trẻ tham dự các lớp giáo lý rất ít. Các hội đoàn và phong trào truyền thống không còn sức hấp dẫn người trẻ như xưa nữa.
Hỏi: Thưa cha Matteo, cha đã nhận ra rằng thế hệ các phụ nữ sinh năm 1970 là thế hệ tách rời khỏi Giáo Hội. Nghĩa là thời điểm gần với cuộc nổi loạn của giới trẻ năm 1968, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, cuốn sách của tôi nảy sinh từ hai nhận xét. Trong các cuộc gặp gỡ của tôi đó đây trong nước Italia giữa các giáo xứ, hiệp hội, giáo phận, tôi đã nhận ra sự vắng bóng của các phụ nữ lứa tuổi 40 trong cuộc sống Giáo Hội. Nhận thức này của tôi đã được minh xác bởi một cuộc thăm dò của nguyệt san Nước Trời, do hai ông Paolo Segatti và Gianfranco Brunelli thực hiện. Trong đó xuất hiện một dữ kiện có ý nghĩa: sau năm 1970 người ta không nhận ra sự khác biệt giữa số nam giới và nữ giới xa rời cuộc sống Giáo Hội. Nghĩa là nếu trước năm 1970 việc xa rời Giáo Hội đa số là từ phía nam giới, thì sau đó sự kiện không còn như thế nữa. Lý do có phải là vì họ thuộc lớp người gần cuộc nổi loạn của giới trẻ toàn thế giới hồi năm 1968 hay không? Không ai biết được. Chỉ biết rằng ngoài thời điểm trùng hợp, nơi lớp người 40 tuổi hiện nay có thể nhận ra các dấu chỉ của cuộc nổi loạn thời bấy giờ. Giới trẻ nổi loạn vì họ muốn có các thay đổi, thay đổi cả các từ thông thường như cha, mẹ, con cái và muốn tạo dựng mọi sự trở lại từ hư vô.
Hỏi: Như vậy thì sự kiện phụ nữ lửa tuổi 40 xa rời Giáo Hội có phải là lỗi tự Giáo Hội không thưa cha?
Đáp: Sự kiện hiện diện trong suy tư của tôi đó là các phụ nữ trẻ thuộc lứa tuổi 40 ngày nay đánh giá Giáo Hội thấp hơn đối với trước đó. Từ sự kiện này tôi đánh bạo đưa ra vài giải thich, mà không cho chúng là các giải thích rốt ráo. Trái lại tôi chỉ muốn là một góp phần vào suy tư chung. Vì thế tôi đón nhận tất cả các phản bác liên quan tới vấn đề này. Theo thiển ý tôi so sánh với thế giới ”hồng”, trong cộng đoàn tín hữu thiếu thái độ lắng nghe hòa giải. Nhất là trong giới tu sĩ còn tồn tại một loại bất động nào đó về sự tưởng tượng nữ tính. Rất thường khi người ta còn nghĩ tới người phụ nữ trong các phạm trù kiểu Đức: ”Kinder, con cái, Kueche bếp núc, Kirche nhà thờ”, là ba lãnh vực mà người ta cho là của nữ giới, hay cố ý giam cầm nữ giới trong đó. Trong Giáo Hội đã không luôn luôn có một thái độ tiếp đón cởi mở đối với tính cách chủ thể chiếm hữu được của phụ nữ trong kỷ nguyên hiện nay. Nền thần học và huấn quyền, nhất là từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở đi, đã thắng vượt mọi hình thức kỳ thị có thể có đối với nữ giới và đã minh giải các nghi ngờ và các hàm hồ không rõ ràng đối với phụ nữ. Trái lại trên bình diện Giáo Hội hạ tầng, tôi nghĩ tới việc đào tạo trong các chủng viện, xem ra vẫn còn vất vả ì ạch trong viếc ý thức đối với thế đứng mới của nữ giới trong xã hội.
Hỏi: Vậy từ phía chị em nữ giới thì có sự tự phê bình nào không thưa cha?
Đáp: Đây là một câu hỏi tế nhị. Có lẽ cần phải có ý thức lớn hơn liên quan tới vấn đề này, xét vì tại Tây Phương việc thông truyền đức tin là do các bà mẹ nhiều hơn là từ phía các người cha. Nhưng nếu chúng ta đánh mất đi sự trợ giúp nhau này thì sẽ còn lại cái gì trước mắt? Vấn đề đức tin gắn liền với gương mặt của phụ nữ trong hai chiều kích: chính các chị em phụ nữ đã là những người đầu tiên rao giảng Tin Mừng. Trong khi ngày nay họ chịu áp lực của một xã hội liên tục đặt để sứ điệp của Giáo Hội và của huấn quyền chống lại họ.
Hỏi: Thưa cha Matteo, trong sách cha ghi nhận một dấu chỉ hy vọng trong số các ơn gọi ổn định của các đan viện, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi tích cực đối với các dữ kiện ấy. Cuộc sống tôn giáo của nữ giới tại Italia không phải là điều dễ dàng. Nhưng trong các đan viện, nữ giới vẫn còn cầm cự được, vì có tới 7.000 chị. Một phần cuộc khủng hoảng của các dòng nữ truyền thống gắn liền với sự biến mất của vài tình trạng sống, chẳng hạn như cảnh nghèo túng hay không được học hành giáo dục, là các thực tại không còn đè nặng trên xã hội của chúng ta như ngày xưa nữa. Đàng khác, càc dòmg đan tu chú ý rất nhiều tới nền văn hóa và việc chuẩn bị tri thức cho nữ giới. Các dòng tu cổ điển gặp khó khăn trong xã hội hiện nay.
Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội đã nhiều lần chỉ cho thấy một vài chinh phục của xã hội như việc cho thụ thai trong ống nghiệm, phá thai, lựa chọn trẻ em trước khi sinh đều là những điều chống lại nữ giới. Lam thế nào để tiếng nói của huấn quyền có thể vang lên như từ phía nữ giới?
Đáp: Theo thiển ý tôi, liên quan tới các vấn đề luân lý sinh học, một đàng cần phải trung thành với các đề tài và các giá trị mà qúy vị đã nêu lên, đàng khác cần phải có một thứ từ vựng ít trừu tượng hơn và gắn bó với cuộc sống cụ thể của nữ giới hơn. Rất thường khi kiểu nói của chúng ta như là Giáo Hội bị coi như là tới từ một thế giới nam tính, không nhìn vào cuộc sống cụ thể. Dầu sao đi nữa, có rất nhiều đề tài trong đó có thể có một liên minh mới giữa nữ giới và Giáo Hội. Chẳng hạn tôi nghĩ tới sự chống đối chủ thuyết duy nam giới thống trị xã hội của chúng ta ngày nay, là xã hội vẫn kỳ thị nữ giới, dùng hình ảnh thân thể nữ giới để quảng cáo trên truyền hình báo chí hạ nhục coi nữ giới như một đồ chơi. Trong khi đáng lý ra, xã hội chúng ta phải biết trân trọng phụ nữ vì thế đứng và phần đóng góp của họ cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội. Một vài dữ kiện và con số có thể giúp chúng ta thay đổi kiểu suy tư và hành xử của chúng ta đối với chị em phụ nữ: chẳng hạn như số phụ nữ có bằng tiến sĩ đông hơn số nam giới rất nhiều. Thế nhưng các chỗ dậy trong các đại học đa số đều dành cho nam giới, chứ nữ giới không được thu dụng. Ngoài ra còn có các vấn đề như số sinh giảm sút vì sự kiện sinh con có thể khiến cho nữ giới mất công ăn việc làm; phải hòa giải giữa công ăn việc làm và chức làm mẹ của nữ giới làm sao để mữ giới đi làm việc mà vẫn có thời giờ lo lắng cho con cái và săn sóc gia đình và nhất là có được đồng lương xứng đáng bình đẳng; địa vị của nữ giới trong lãnh vực chính trị. Đa số các giới chức trong các guồng máy chính quyền đều là nam giới, hay có nữ giới nắm vài trọng trách nhưng rất ít so với nam giới. Nói chung chị em phụ nữ vẫn bị kỳ thị, chịu rất nhiều thiệt thòi và bất công trong cuộc sống thường ngày. Tất cả đều là các vấn đề có thể tìm ra sự đồng thuận đễ tái lập và thực thi quyền của nữ giới trong xã hội và trong Giáo Hội.
(Avvenire 17-4-2012)
Linh Tiến Khải
|