Thân phận của một Chúa Kitô homeless tân thời giữa thế giới văn minh và xã hội nhân bản
(Phải chăng ngôi mộ trống của Chúa Kitô Phục Sinh ngày xưa là nơi an táng những người anh chị em homeless ngày nay?)
Cảm xúc về một người anh em vất vưởng bên cái chòi hoang trống ở một khu phố xá…
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Trên đường tôi đi lễ hằng ngày, từ nhà đến nhà thờ Sacred Heart ở Rancho Cucamonga, cách nhà khoảng 10 phút lái xe, thì ở góc đường Foothill và Etiwanda, bên phía nhà thờ và trước khi tới nhà thờ một chút, có một khoảng đất trống chưa xây cất gì, dù khu này đang là khu phát triển nhưng bị ngưng lại từ sau thời điểm kinh tế khủng hoảng vào cuối năm 2007 tới nay.
Ở khoảng đất trống này, phía bên trong, cách đường xe (từ đường Foothill) đi vào khoảng 60 feets, gần một cái hàng rào thép gai, cạnh một gốc cây trụi lá có một "cái chòi" trống trơn, giống như cái sàn nhà vừa trống nóc vừa không tường, diện tích vuông vức khoảng 10 feet. Thế nhưng, ở ngay bên cạnh "cái chòi" hoang vu giữa lòng thành phố phồn thịnh đang phát triển này, lại có một thân mình của một người anh em nằm ngủ ở đó, như tôi thấy khoảng 1 tuần nay.
Tôi đã có ý định ngay hôm Lễ Chúa Tình Thương, 15/4/2012, hai vợ chồng tôi đến tận nơi để chia sẻ với người anh em này, và nếu không gặp, sau lễ sáng Thứ Hai 16/4/2012, tôi dừng xe ghé lại để tặng tiền và đồ vật cho người anh em ấy.
Ôi, nếu so sánh với những người anh chị em tội nghiệp đáng thương khác, trong các trường hợp thương tâm được chuyện kể đến. Chẳng hạn như gia đình có 5 người con, trong đó có 3 đứa đều bị chứng về cơ bắp - muscle deficiency, trong đó có 1 đứa chết cách đây 3 năm và hôm qua 1 đứa khác an táng, còn 1 đứa đang ngồi trong xe lăn. Hoặc trường hợp một người chồng ở Việt Nam, được kể lại trong một email ngay hôm Lễ Chúa Tình Thương 15/4/2012, chuyển từ nhóm Cursillo ở Virginia, kèm theo lời kêu gọi giúp đỡ, vừa bị điện giật phải cưa cụt cả 2 tay, trong khi đó nhà rất nghèo, với một người vợ và một đứa con nhỏ kèm theo một đứa sắp sinh.
Hai trường hợp trên đây đều đáng thương nhưng còn có người thân yêu đùm bọc lấy nhau và cộng đồng trợ giúp về vật chất hay tinh thần. Còn trường hợp của người anh em tôi thấy đây, theo tôi, tội nghiệp hơn nhiều, nên càng đáng giúp đỡ hơn ai hết.
Trước hết, người anh em homeless ở giữa một xã hội văn minh nhất thế giới và được mệnh danh là thiên đường Mỹ quốc này không được ai biết đến để được hô hào giúp đỡ như người anh em ở Việt Nam nghèo khổ và bất hạnh trong email hôm nay. Đúng thế, còn ai nghèo hơn một con người như người anh em homeless mà tôi thấy xa xa mấy sáng hôm nay. Bởi vì người anh em vô gia cư này:
- không có địa chỉ để được liên lạc và đón nhận thư từ hoặc quà tặng...,
- không có số điện thoại để liên lạc khi cần, nhất là vào những lúc nguy cấp 911...,
- không có bảo hiểm sức khỏe để được khám bệnh và uống thuốc mỗi khi đau yếu...,
- không có một người thân yêu để được săn sóc chăm nom...,
- không có tiện nghi tối thiểu để được hưởng thụ cho bằng ít là để giải quyết vấn đề hạ tầng cơ sở như vệ sinh tiểu tiện, tắm rửa...,
- không có tương lai vì không biết ngày mai sẽ ăn gì, uống gì, và có đủ hay chăng, hoặc lại nằm co nhịn đói, ngủ quên...,
- không biết chết lúc nào và khi nhắm mắt lìa đời cũng chẳng ai hay biết ...!
- không biết sau khi chết có được chôn cất đàng hoàng hay đem thiêu thành tro cốt rồi đổ đi như mọi thứ rác rưỡi khác.
Nếu người anh em homeless của tôi đây, hay những người anh chị em homeless khác nghèo khổ bần cùng đến cả sau khi chết như thế, đến độ không có lấy được một nấm mộ an nghỉ cuối cùng, thì họ không nghèo khổ hơn Chúa Kitô đâu, Đấng cần được chôn táng trong một ngôi mộ để làm dấu chứng phục sinh của Người khi Người ra khỏi đó, và vì thế nó đã trở thành một ngôi mộ trống, một ngôi mộ trống dường như đã được tiền định trở thành một nơi an táng ưu tiên và đặc biệt giành riêng cho những người anh chị em homeless của chúng ta là hiện thân thời đại của Người.
Ở một nghĩa nào đó, chính những người anh chị em homeless bần cùng chẳng có gì của chúng ta ấy là hình ảnh về những ngôi một trống của Chúa Kitô Phục Sinh, dấu chứng phục sinh của Người, nơi Người tỏ mình ra chẳng những cho chính bản thân họ mà còn cho những ai đang tìm kiếm để gặp gỡ Người, ở chỗ, chưa tin rằng Người đã phục sinh, chưa chấp nhận ngôi mộ trống, (được biểu hiện nơi thân phận của thành phần homeless), Đấng quả thực ẩn mình nơi họ là những người anh chị em hèn mọn nhất của Người, đến nỗi nếu không giúp đáp họ là phủ nhận chính Người (x Mt 25:42-43).
Đêm hôm Thứ Sáu, 13/4/2012, trời mưa to, thậm chí có lúc mưa đá, ở vùng của tôi như vậy, không biết người anh em này trú ẩn nơi đâu? Đồ đạc (thường được thành phần homeless nhét cả vào một cái cart hay xe mua đồ trong siêu thị) cất ở chỗ nào? Có ghé đến những tiệm ở gần đó trú ngụ thì chắc chắn cũng bị ướt như chuột lột thôi, bởi đâu được vào bên trong những cánh cửa khóa kín và còn được gài máy móc an toàn báo động trộm cướp nữa... Càng lạnh càng đói... càng đói càng lạnh... Cứ thế mà sống...
Cáo có hang chim có tổ, ôi một con người như người anh em này không có chỗ dựa đầu (x Mt 8:20). Quả thực người anh em hèn mọn nhất ấy là hình ảnh của một Chúa Kitô cần được giúp đỡ và phải được giúp đỡ hơn ai hết và hơn bao giờ hết, bằng không chúng ta đã neglect chính Chúa Kitô rồi vậy!
Có thể nói, bề ngoài, người anh em này còn nghèo hơn cả các vị tu sĩ khấn sống thanh bần. Bởi vì các tu sĩ này còn có nhà để ở, cơm để ăn, áo để mặc, cộng đoàn để sống v.v. Có thể ví người anh em này chẳng khác gì một vị ẩn tu trong rừng vắng hay ở chốn hoang vắng ngày xưa, chỉ thua các vị về tinh thần tình nguyện sống nghèo khổ và cô đơn, nhưng không khác các vị về hoàn cảnh, ở chỗ, cũng ở một mình trong nơi hoang vắng, ở một nơi có thể nói còn rừng rú hơn cả ngày xưa nữa, bởi vì ngày nay người ta văn minh vật chất và nhân bản hầu như đã lên đến tột đỉnh đấy nhưng họ lại sống bằng những thứ luật rừng “mạnh được yếu thua”, ở cả thế giới cộng sản lấy quyền hành võ lực đàn áp dân chúng, lẫn thế giới tư bản với những thứ luật như cho phép phá thai (người mẹ mạnh hơn người con), cho phép trợ sinh an tử hay trợ tử (người khỏe giết người yếu), như chính sách toàn cầu hóa về kinh tế (nước giầu càng giầu trên nước nghèo càng nghèo)…, chưa kể đến thế giới Ả Rập Hồi giáo với những khủng bố sát hại nhau ác độc và dữ dội còn hơn thú rừng v.v.
Kể cả thành phần bị thiên tai trên thế giới, nhất là ở Mỹ, chẳng hạn bị biển động sóng thần (như trận Tsunami ở Nhật 11/3/2011), bão lốc (như trận Tornado ở Joplin Missouri 22/5/2011), bão lụt (như trận Katrina ở New Orleans Louisiana 29/8/2005) v.v. còn được chính phủ và các cơ quan từ thiện cứu trợ và tiếp tế tất cả những nhu yếu, còn người anh em homeless tôi thấy đây vẫn cứ lủi thủi một mình một cõi, đôi khi còn bị khinh bỉ hay nghĩ xấu rằng lười biếng không chịu đi làm v.v.
Người anh em homeless này đúng là hiện thân của đủ mọi trường hợp được Vị Thẩm Phán trong Cuộc Chung Thẩm nói tới: đói khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, tù đầy (xem Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25:37-38,42-43).
Người anh em homeless này đói khát là sự kiện không thể chối cãi, thậm chí có những lúc không biết lấy gì mà ăn, lấy gì mà uống, nhưng vẫn không gian lận trộm cướp như những người đã giầu mà vẫn còn lòng tham vô đáy. Trong khi đó, biết bao nhiêu là đồ ăn thức uống ở những party hay những bàn ăn trong các nhà hàng (nhất là những nhà hàng all you can eat) của thực khách dư thừa đổ đi. Thảm thương và mỉa mai hơn nữa là những con pets (chó hay mèo) nuôi trong nhà được nuôi bằng những thức đồ ăn riêng trong khi con người, như người anh em tôi thấy đây, lại quằn quại với đói và khát. Ở Los Angeles downtown, chính mắt tôi đã từng thấy những người anh chị em homeless đi đến từng trạm dừng của xe bus thành phố để lục thùng rác xem có gì ăn được hay uống được hay chăng, những thứ ăn uống dư thừa của đám người đứng chờ xe vứt vào hay vội vàng vứt vào để lên xe.
Người anh em homeless này khách lạ là điều hiển nhiên đối với tất cả mọi người qua đường có nhà, có cửa, có xe, có thân thuộc bạn bè. So với chính thành phần được gọi là homeless ở một số nơi khác. Chẳng hạn như ở một nhà thờ tại Nữu Ước tôi được thấy vào đầu năm 2010, có những anh chị em homeless được vào trong nhà thờ ngủ, và ngủ trên các băng ghế, cho dù sáng hôm sau cả nhà thờ dâng lễ Chúa Nhật. Hay như ở ngay downtown Los Angeles, những anh chị em homeless sống quay quần thành cộng đoàn ở những cái parks, nhất là ở một công viên gần Phố Tầu – China Town, nơi hai vợ chồng chúng tôi đã đến tặng 100 phần quà hay 100 gói thực phẩm cho họ mà không đủ. Cũng ở downtown Los Angeles , trong năm 2011, tôi cũng thấy vài người anh chị em homeless của tôi nằm quay lưng vào tường ở giữa đường phố như là một người khách lạ trước con mắt của bao nhiêu người anh chị em may mắn hơn của mình.
Người anh em homeless này trần truồng đến độ không biết chỗ nào thay đồ hay lén lút thay trong các bụi rậm nào đó, hay khi màn đêm buông xuống, không ai thấy được những gì cần phải che giấu đi, thậm chí không có đồ để thay, chỉ có một bộ duy nhất, như chiếc áo duy nhất của Chúa Giêsu bị tước lột trước khi Người bị đóng đanh. Trong khi đó, biết bao nhiêu là những người khác vẫn cứ tiếp tục mua sắm đồ dùng, nhất là quần áo thời trang để mặc, nhiều đến độ không biết mình có bao nhiêu bộ hay mặc bộ nào cho từng ngày, từng dịp, rồi có mang cho bớt đi là vì những bộ ấy lỗi thời để mua những bộ thời trang hơn hay để có chỗ cho những bộ mới hơn v.v. Tôi đã từng thấy 1 người anh em homeless ở downtown Los Angeles mặc một chiếc áo đen bóng như được nhúng vào nhớt xe cần phải thay vậy.
Người anh em homeless này đau yếu là tình trạng bất khả tránh, đối với một thân xác chẳng những không đủ ăn, hay ăn bậy bạ từ những của hư dư vứt vào thùng rác của người ta, mà còn chịu mưa nắng nóng lạnh hành hạ liên tục quanh năm suốt tháng. Những người bị bệnh nạn tật nguyền ở trong các bệnh viện và dưỡng lão hoặc cơ quan phục hồi còn sung sướng hơn người anh em này, vì những người ấy còn được người chăm sóc, được có giường nằm, có thuốc uống, có nhà ở v.v.
Người anh em homeless này tù đầy ở chỗ không thể đi đâu khác ngoài những chỗ không ai thèm ở, và dù có tự do hơn những tù phạm nhưng cũng chẳng làm được những gì mình mong muốn và khao khát, ít là được có và có được những nhu cầu tối thiếu hằng ngày. Và những tù nhân cũng còn sướng hơn người anh em này, vì họ còn có nơi ăn, chốn ở, có người chăm sóc và thậm chí còn được học nghề ở trong một thế giới Tây phương có vẻ quan tâm đến nhân bản.
Thứ Hai 16/4/2012, sau Thánh Lễ 7 giờ 30 sáng, tôi đã đích thân đến tận nơi thăm viếng người anh em mà tôi chợt thấy xuất hiện ở chỗ đó mấy ngày hôm nay mỗi khi lái xe đến nhà thờ dự lễ ban sáng. Lúc đi lễ, tôi thấy người anh em ấy vẫn đang ngồi ở vị trí quen thuộc, với hy vọng rằng sau lễ người anh em vẫn còn ngồi đấy để tôi được hân hạnh gặp.
Trước khi rời nhà, tôi có ý định mang theo máy ảnh để chụp cả người lẫn cảnh ở đây, nhưng tôi đã bỏ ngay ý định đó, vì tôi cảm thấy rằng làm như thế không hay cho lắm, như thể phơi bày những cảnh tồi tệ về người anh em tôi, giống như chính bản thân tôi có những gì xấu đâu có muốn khoe ra. Vả lại, tôi đâu có muốn sử dụng những hình ảnh thương tâm về người anh em này để làm bằng cớ quyên góp đâu. Thế nhưng, cho dù không có các hình ảnh lưu niệm đi nữa, tôi vẫn không thể nào và không bao giờ quên được về những gì tôi gặp sau lễ ấy.
Tôi cũng bỏ ý định lái xe đến gặp người anh em này, thay vì đi bộ xa cả 1 cây số, từ nhà thờ đến đó. Tôi không thể oai vệ bước xuống khỏi chiếc xe mini van MPV 2002 và đậu ở ngay bãi trống gần đấy như một người nhà giầu để tiến đến gặp một người nhà nghèo.
Người anh em tôi gặp bấy giờ trạc hơn ngũ tuần, với bộ râu xồm xoàm và đầu tóc rối bời, trong bộ y phục ấm cúng hai ba lớp, chung quanh ngổn ngang những áo quần và rác rưởi. Tôi hỏi thăm người anh em của tôi bằng tiếng Mỹ về của ăn và cách sinh sống hằng ngày, thì được trả lời như thế này: về của ăn, người anh em chỉ vào một bao rác, trong đó có sẵn một gói hamburger được ai đem đến cho, và về quần áo cũng thế, có một số bộ đồ được cho biết là từ người nào đó mang đến cho; ngoài ra, để có "lương thực hằng ngày", người anh em của tôi phải ngồi ăn xin ở bên vệ đường và chờ lòng hảo tâm bố thí từ những người qua đường, có những lần ghé đến xin ăn ở tiệm Del Taco gần đó, nhưng không phải ngày nào họ cũng cho.
Trong lần giao tiếp đầu tiên này với người anh em homeless và là người homeless đầu tiên tôi trực tiếp gặp gỡ và trao đổi trong đời, tôi không dám đi sâu vào đời tư của họ…. Chẳng hạn hỏi thăm họ về gia cảnh hay công ăn việc làm của họ, vì chỉ sợ khợi động những đắng cay chất ngất của cuộc đời họ. Tôi đến với người anh em này là để trợ giúp chứ không phải như một phóng viên báo chí, nên tôi chỉ cần đáp ứng những gì trước mắt hơn là tìm hiểu những cái không cần, hơn là đặt vấn đề tại sao còn hai tay (ít là hơn người anh em ở Việt Nam mới cụt hai tay không thể chăm lo cho gia đình một vợ cùng với gần hai đứa con mọn được nữa), ở ngay Mỹ quốc này lại có thể sống bơ vơ vất vưởng như hoang đường như vậy?
Chính tôi là người đã từng có kinh nghiệm làm việc hơn 1 phần tư thế kỷ mà cũng không thể tìm được việc làm hơn 3 năm nay nên tôi thông cảm với người anh em này của tôi hơn bao giờ hết. Nếu cứ đặt hết vấn đề này tới vấn đề kia với những người anh chị em đáng thương của mình thì chẳng bao giờ chúng ta có thể tiến tới với họ và giúp đỡ họ. Nếu Thiên Chúa cũng đặt vấn đề với hai nguyên tổ rằng chúng nó đâu có xin lỗi Ta sau khi sa ngã phạm tội thì đâu bao giờ có ơn cứu chuộc, và như vậy Vị Thiên Chúa xuống thế làm người cũng chẳng bao giờ dạy chúng ta phải tự động tha cho những ai phạm đến chúng ta (cho dù họ không hề xin chúng ta tha lỗi) khi chúng ta đến dâng của lễ cho Người (x Mt 5:23-24).
Đúng thế, không phải bất cứ người nghèo nào cũng được cứu rỗi như Lazarô và tất cả mọi người giầu đều bị hư đi như người phú hộ trong dụ ngôn được Thánh Ký Luca thuật lại (x Lk 16:19-31). Thế nhưng, qua mấy phút giao tiếp với người anh em homeless này, tôi cảm thấy một Lazarô bần cùng tái hiện. Bởi vì, người anh em này không hề than thân trách phận hay uất ức với đời, với một thái độ bình thản chấp nhận thân phận bất hạnh của mình.
Tôi cảm thấy người anh em này, với cuộc đời cùng khổ như thế, cùng với một tâm hồn "đói cho sạch rách cho thơm" và bình thản như vậy, chắc chắn chẳng những sẽ được rỗi, mà còn mặc nhiên (cho dù người anh em này không ý thức nhưng vẫn được Thiên Chúa quan phòng yêu thương sử dụng một cách nào đó) cứu được nhiều người anh chị em khác sống vô tâm với một cuộc đời đầy đủ, sung túc và thậm chí ích kỷ và hoang phí của họ nữa.
Trước khi từ giã, tôi đã lấy từ túi áo ở vùng ngực/tim của tôi ra, (chứ không phải móc từ túi ở đằng sau mông quần, một tác động không được trân trọng cho lắm vào lúc bấy giờ trước mặt người anh em của tôi), để trao tặng tất cả số tiền tôi có bấy giờ, không phải như một vật bố thí hay cho mà là trao tặng người anh em này, đúng hơn là để trả về cho Chúa qua người anh em này một chút những gì Ngài đã thương ban cho tôi và đòi tôi phải sinh lợi gấp trăm (x Mt 25 20-23). Sau đó, tôi đã tự động giơ tay ra thân ái nắm lấy bàn tay cằn cỗi nhăn nheo của người anh em homeless ấy, với ý định sẽ trở lại, lần thì tặng thực phẩm, lần thì tặng vật dụng v.v.
Ôi, Chúa Giêsu ơi, xin Chúa tha tội cho con vì con được rất nhiều ơn lành phần hồn phần xác Chúa ban cho riêng con cũng như cho gia đình con, nếu con không biết dùng những ơn ấy cho nên đúng như ý của Chúa.
Xin cho chúng con biết trả về cho Chúa tất cả những gì Chúa đã ban tặng cho chúng con, để chúng con có thể sẵn sàng, mau mắn và quảng đại chia sẻ cho những người anh chị em đáng thương của Chúa, những con người bề ngoài hết sức bất hạnh hơn chúng con, bằng một con tim nhân ái khát khao yêu thương như Chúa, bằng một cặp mắt thương cảm từ bi nhân hậu như Chúa, và bằng một đôi tay thập giá mở rộng như Chúa.
Xin Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là nơi nương náu cho những người anh chị em bần cùng đáng thương của chúng con, và là đường dẫn con đến cùng Chúa qua những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa. Amen.
Giáo Phận San Bernadino Califonia 17/4/2012
|