THIÊN CHÚA GIỮ CHÂN CON KHỎI SA VÀO CẠM BẪY!
... Một gia đình Công Giáo người Pháp sống tại Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ. Gia đình gồm 6 người: cha mẹ và 4 con, hai trai hai gái, tuổi từ 15 đến 20. Xin nhường lời cho cô Ségolène 18 tuổi đại diện trình bày về phương thức đối thoại trong gia đình. Cô âu yếm và hãnh diện giới thiệu gia đình - không phải hỏa ngục cũng chưa hẳn thiên đàng - nhưng thật may mắn là một nơi chốn mà mọi người đều cảm thấy thoải mái dễ chịu. Ai ai cũng hít thở bầu khí ấm cúng và chan hòa yêu thương.
Trong gia đình, chúng tôi bàn thảo trao đổi với nhau về nhiều vấn đề. Chẳng hạn như: học đường, thể thao và các cuộc đi chơi với bạn hữu bên ngoài gia đình. Cũng không thiếu những vấn đề phức-tạp tế-nhị và nhạy-cảm liên quan đến các lãnh vực chính trị và tôn giáo. Rồi đến các các vấn đề dành riêng cho chúng tôi như tìm hướng đi cho tương lai, thời gian ngồi trước máy vi-tính và truyền hình, v,v.
Ngay giữa lòng gia đình, chúng tôi không hề có chuyện dấu diếm nhau. Nhưng trong đại gia đình nới rộng gồm ông bà nội ngoại và chú bác cô dì anh chị em hai họ thì thường chúng tôi giữ riêng câu chuyện gia đình và cũng tránh đi vào chi tiết kín đáo của các gia đình họ hàng khác. Chúng tôi tôn trọng tính cách riêng tư của mỗi gia đình.
Đối với tôi thì gia đình tôi quả là mái ấm lý tưởng, tuy không phải mọi sự luôn luôn dễ dàng và trôi chảy. Bởi lẽ, làm sao có thể tìm được sự đồng thuận toàn vẹn trăm phần trăm với con số 6 người??? Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh chúng tôi luôn đặt trọng tâm nơi thiện chí. Và khi nào vấn đề đối thoại trở nên căng thẳng hoặc bị bế tắc thì chúng tôi tìm cách khai thông bằng sự khôi hài, chan hòa bầu khí vui tươi. Đặc biệt nơi gia đình tôi, mỗi người đều tự do trình bày ý kiến riêng. Tâm tình cởi mở và tinh thần lắng nghe người khác là một bài học quý giá cho tất cả các phần tử trong gia đình chúng tôi.
Thế rồi, cũng có những khi đối thoại bỗng trở nên quá khó khăn gần như thất bại. Lúc ấy chúng tôi lại dùng đến phương thế đối thoại qua phương tiện truyền thông, nghĩa là chúng tôi trao đổi tư tưởng, tâm tình và ý kiến qua điện thư hoặc bằng các cánh thư nho-nhỏ, viết nắn-nót những sứ điệp ngăn ngắn bằng chính chữ viết của chúng tôi. Thế nhưng, trên hết và trước hết, chính lòng quảng đại, tâm tình trìu mến yêu thương giữa cha mẹ với con cái hoặc giữa anh chị em với nhau mới là liều thuốc thần diệu nhất giúp chúng tôi hiểu nhau, lắng nghe nhau và chấp nhận ý kiến của nhau.
Thật ra nói cho cùng thì gia đình của chúng tôi cũng giống như bao gia đình Công Giáo bình thường khác. Nghĩa là cũng có những khó khăn những căng thẳng, những hiểu lầm và va chạm, nhưng rồi tất cả được giải quyết bằng TÌNH YÊU.
... ”Này con, đừng xao lãng, nhưng hãy cố gắng sống khôn ngoan và thận trọng: đó sẽ là sức sống cho tâm hồn, là đồ trang sức đeo nơi cổ. Rồi bước đường con đi sẽ an toàn, và chân con sẽ chẳng bao giờ vấp. Khi ngả lưng, con không khiếp sợ. Nằm xuống rồi là an giấc thảnh thơi. Đừng sợ chi khi kinh hãi bất thần ập xuống, hay kẻ ác xông vào tấn công. Vì THIÊN CHÚA sẽ ở bên con, giữ chân con khỏi sa vào cạm bẫy. Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ”Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho bạn”. Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ phân bì với ai tàn bạo, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi. Vì đối với THIÊN CHÚA, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Ngài nhận làm bạn tâm giao. THIÊN CHÚA giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh” (Sách Châm Ngôn 3,21-33).
(”Annales d'Issoudun”, Revue de Notre Dame du Sacré Coeur, Septembre 2009, trang 8-9)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|