CHÚA GIÊ-SU VÀ BIẾN CỐ XỨC DẦU THƠM Ở BÊ-TA-NI-A
Phụng vụ Lời Chúa: Ga 12, 1-11
Khoảng
sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su biết giờ của Ngài sắp đến để
hoàn thành Sứ mệnh Cứu độ nhân loại mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã ấn
định từ thuở đời đời. Có thể nói đây là Thánh Ý của Thiên Chúa
Cha. Chúa Giê-su biết rõ Ngài sắp phải làm gì. Và trước khi bước
vào cuộc khổ nạn cực kỳ đau khổ ấy, Ngài đã đến nhà chị em Martha,
Maria và Ladarô, những người mà Ngài thương yêu cách đặc biệt. Các
thượng tế, kinh sư và biệt phái biết người đang ở đó, nên cho người
theo dõi sát nút.
Các đám
đông người Do-thái tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, “kẻ
đã chết được Người cho sống lại”. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả
Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.
Ýđịnh giết Chúa tuy đã có từ trước, nhưng đã bắt đầu xuất hiện rõ
ràng từ đây.
Chúa
Giê-su biết mình không còn nhiều thời giờ, nên Ngài ghé thăm những
người mà Ngài vốn yêu mến cách đặc biệt, để động viên họ, an ủi họ
và quan trọng nhất là để củng cố NIỀM TIN của họ vào Ngài và vào
Ơn Cứu Độ mà Ngài mang đến cho họ sắp sửa hoàn thành theo Ý định
của Đức Chúa Cha.
Maria
quả là một phụ nữ có linh tính tuyệt vời, cô đã thủ sẵn một cân dầu
cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Một việc
làm quả là đầy ý nghĩa khiến cho Chúa Giê-su hết sức cảm động,
Ngài nói: “Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp
thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô" Mc
14,9.
Trong
câu chuyện Chúa Giêsu được "xức dầu thơm", hình ảnh tiêu biểu cho hai
thành phần: (1) “so đo tính toán kiểu người lớn” và (2)"đơn sơ chân
chất như trẻ nhỏ" cũng được diễn xuất qua hai vai trò: Maria xức dầu thơm cho Chúa Giêsu, và Giuđa lên tiếng trách
móc việc làm của Maria.
Nếu Giuđa là hình ảnh tiêu biểu cho thành phần người lớn
đầy“so đo toan tính”ở đây, thì Maria chính là hình ảnh sống động của thành
phần "đơn sơ, chân chất như trẻ nhỏ".
Đối với "Chúa Giêsu, (Đấng) đã rất yêu thương ba chị em
Matta, em cô (là Maria) và Lazarô" (Gioan 11, 5), riêng Maria lúc nào cũng
sống với Người "cách đơn sơ hồn nhiên" nhất. Chẳng hạn những lần sau đây:
* Lần thứ nhất, lần "Maria đã chọn phần tốt hơn"
(Luca 10, 42) là "ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người" (Luca 10,
39), trong khi bà chị Matta lại"bận bịu tíu tít với các tiết mục tiếp
đón" Chúa Giêsu (Luca 10,40).
* Lần thứ hai, lần Chúa Giêsu nghe tin Lazarô chết "đến
để đánh thức anh ta dậy" (Gioan 11,11), trong khi bà chị "Matta nghe
thấy Chúa đến đã ra đón Người, còn Maria cứ ngồi ở nhà" (Gioan 11,20).
Rồi sau đó, Matta phải tuyên xưng Đức Tin của mình với Chúa Giêsu để xin Người
làm cho Lazarô sống lại (xem Gioan 11,21-27), trong khi đó, Maria, chỉ đến sau khi
nghe thấy chị mình nói "Thày đến rồi đang hỏi em đó" (Gioan 11,28)
thì mới "đến gặp Người, quì xuống dưới chân Người mà thưa Người rằng:
'Thày ơi, nếu Thày có mặt ở đây em con đâu có chết được'" (Gioan 11,32).
Để rồi, "khi Chúa Giêsu thấy Maria khóc, và những người Do Thái theo cô ta cũng khóc, thì Người xúc động sâu xa... đến nỗi
cũng khóc" (Gioan 11,33-34)
* Lần thứ ba chính là lần Maria xức dầu thơm hảo hạng
"vào chân Chúa Giêsu. Đoạn lấy tóc mà lau khô, làm cho cả nhà thơm phức
mùi dầu thơm" (Gioan 12,3)., để "sửa sọạn
cho việc mai táng (Chúa)" (Marcô 14,8).
Không giống như lần Chúa Giêsu được người phụ nữ nổi tiếng tội lỗi trong thành
xức dầu. Lúc đó là tại nhà của một người biệt phái tên là Simon, ông mời
Người dùng bữa tối với ông ( Luca 7,36-50). Lần này, là chính một trong những
môn đệ cao cấp được liệt vào hàng tông đồ của Người. Đó là
Giuđa.
Lần tại nhà ông Simon biệt phái, vấn đề đặt ra, đó là vấn đề Chúa Giêsu để cho
một con người tội lỗi chạm đến Người.
Lần này qua câu phát biểu của Giuđa, lại là vấn đề phí phạm của cải vào những
việc bất xứng.:
"Tại sao lại không đem bán dầu thơm này đi lấy
300 quan tiền mà phân phát cho kẻ nghèo khó" (Gioan 12,5).
Ở đây, tông đồ Giuđa cũng giống như gia chủ Simon người
biệt phái, mà lần trước mời Người đến nhà, đã không coi trọng Chúa. Ông
Simon không coi trọng Chúa ở chỗ ông đã không "hạ mình xuống" rửa
chân cho Chúa vì không coi Người là vị thượng khách đáng được như vậy. Còn Giuđa
ở đây đã không coi trọng Chúa là Thày của mình, ở chỗ, coi của cải hơn Thày,
cho rằng Thày không bằng những kẻ nghèo khó, không xứng đáng được xức dầu thơm
hảo hạng mà Maria chẳng những không tiếc xót "xức lên đầu Người"
(Marcô 14,3) mà còn cả lên "chân Người" (Gioan 12,3).
Thật ra, đúng như thánh sử Gioan nhận định về con người và tâm tưởng thâm độc
của tông đồ Giuđa, khi thánh sử mở ngoặc đơn cho chi tiết đặc biệt sau đây:
"(Hắn nói như thế không phải vì quan tâm đến kẻ nghèo
khó đâu, mà vì hắn là tên biển thủ. Hắn giữ túi bạc và thường tự lấy
tiêu xài riêng tư)" (Gioan 12,6)
Phần
Chúa Giêsu, khi nghe thấy lời người môn đệ của mình nói ra có tính cách dương
đông kích tây, (ở chỗ coi thường Người và trách Maria), trước mặt quan khách dự
tiệc như thế, làm cho một số người cũng bị ảnh hưởng theo, (căn cứ vào chủ từ
ở số nhiều trong Phúc Âm thánh Marcô đoạn 14, câu 4: "một số nói với
nhau" cùng một câu nói tương tự như của Giuđa ở trong Phúc Âm thánh Gioan
được trích dẫn trên đây), Người đã, trước hết, bênh đỡ cho Maria, sau đó, sửa
sai cho Giuđa, và sau hết, đề cao Maria.
Về việc
bênh đỡ cho Maria, Chúa Giêsu không ngần ngại lên tiếng:
"Chớ đả động đến cô ta. Cứ để
cô ta giữ lấy nó cho ngày họ sửa soạn mai táng Ta" (Gioan 12,7).
Ở đây,
không biết tự Maria thật sự có ý xức dầu thơm trên thánh thể của Chúa Giêsu là
đễ sửa soạn cho việc táng liệm Người hay chăng (?), hay vì Chúa Giêsu hết sức
mãn nguyện về việc cô làm cho mình, nên đã thánh hóa việc làm của cô, bằng cách
lồng vào đó một ý nghĩa tuyệt diệu như vậy.
Dầu sao, qua câu cắt nghĩa của Chúa Giêsu về việc làm của Maria ở đây, đã chứng
tỏ mối liên hệ vô cùng thân mật giữa Chúa Giêsu – Emmanuel - "Thiên Chúa ở
cùng chúng ta" (Gioan 1,14) và thành phần "đơn sơ bé mọn như trẻ
nhỏ" sẽ "được thấy vinh hiển của Người" (Gioan 1,14), mối liên
hệ mà Chúa Giêsu mục tử đã tuyên bố: "Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết
Ta" (Gioan 10,14).
Về việc sửa sai cho Giuđa, Chúa
Giêsu, Đấng tự nhận là "Ta biết những người mà Ta đã chọn" (Gioan
13,18), đã nói thẳng với Giuđa cũng như với những người bị ảnh hưởng của Giuđa
rằng:
"Các người luôn luôn có kẻ khó bên cạnh để cho các ngưòi tỏ ra rộng lượng
với họ bất cứ lúc nào các người muốn, nhưng các người không luôn luôn có Ta ở
với đâu" (Marcô 14,7) ... (để mà xức dầu thơm).
Ở đây, Chúa Giêsu chắc chắn không có ý coi thường thành phần nghèo hèn, thành
phần "anh em hèn mọn nhất của Người" (Mathêu 25,40) mà hễ làm ơn cho
họ là "làm cho chính Người" (Mathêu 25,40), nhưng Người lấy họ làm
mục tiêu để mà phán xét từng người và chung loài người trong ngày chung thẩm,
trước khi chung kết việc thuởng phạt công minh của Người.
Trong
Đức Ái, thành phần nghèo khó được Chúa Giêsu gọi là "anh em hèn mọn của
Ta" và được nên giống Người như thế, do đó, câu Chúa Giêsu sửa lưng Giuđa
và nhóm vào hùa với Giuđa, có thể được hiểu như thế này: Bao lâu Ta còn ở với
các người, tức còn ở trong thế gian, thì bất cứ khi nào các người làm gì
cho bản thân Ta, quả thật các người đã trực tiếp làm cho Ta; còn khi nào Ta
đã về cùng Cha Ta, không còn ở thế gian nữa, thì nếu các người muốn làm gì cho
Ta, thì hãy làm cho các anh em hèn mọn của Ta, hoặc ngược lại, bấy giờ, khi
các người làm gì cho các anh em hèn mọn của Ta là các ngươi làm cho chính Ta
vậy.
Về
việc đề cao Maria, hơn ở đâu hết và hơn ai hết, căn cứ vào lời Chúa nói, cũng
như vào những lần Maria tiếp xúc với Người được Phúc Âm thuật lại như đã trích
dẫn ở trên, phải thành thực mà công nhận là Maria đã sống với Chúa Giêsu
"đơn sơ như trẻ nhỏ" đích thực, gắn bó nhất và thân thiết nhất. Chúa Giêsu đã chẳng xác nhận mối thân
tình giữa Người với đứa con bé nhỏ của Người (là Maria) là hễ Tin Mừng
Cứu Rỗi của Thiên Chúa loan báo cho muôn dân đi đến đâu, thì Maria, hình ảnh
tiêu biểu cho thành phần "bé nhỏ hèn mọn", được Chúa yêu và
tuyên dương hay sao:
"Ta
bảo thật cho ngươi biết, khắp nơi trên thế giới hễ ở đâu Tin Mừng được rao
giảng thì ở đấy sẽ nhắc lại việc cô ấy làm mà nhớ đến cô" (Marcô 14,9)
Tóm lại, qua câu chuyện Maria "xức dầu thơm"
cho Chúa Giêsu để "sửa sọan cho việc táng liệm (Người)" (Marcô 14,8),
thì những thành phần đơn sơ bé mọn và có khi là hèn mọn nữa, đã
trở nên niềm an ủi cho Chúa Giêsu tử nạn bằng việc đền
tạ tội lỗi Người phải chịu.
Vậy
chúng ta hãy trở nên đơn sơ bé mọn như ba chị em Matta, Maria và Ladarô,
để cho Chúa một chút an ủi trong Tuần Thánh này. Chúng ta hãy hãy
khép vết thương cạnh sườn Chúa lại bằng cách đỗ thuốc thơm tình yêu chúng ta
vào....Từ thâm sâu của bản thể chúng ta, chúng ta hãy vươn mình lên Chúa
bằng những khát vọng tình yêu mạnh mẽ. Và phải chiếu tỏa tình yêu ra chung
quanh nữa.
Chúng
ta hãy dâng cho Chúa những đau khổ của chúng ta, để thực sự kết hợp
với những khổ đau mà Chúa đã gánh lấy trong những ngày này. Đó
chính là phước, là lộc, vì chúng ta sẽ được Ngài chấp nhận, như
bình dầu thơm cam tùng mà Maria đã làm dịu lòng Ngài trước cuộc khổ
nạn mà Ngài biết là sắp sửa phải chấp nhận theo Thánh Ý của Chúa
Cha đã định từ thuở đời đời.
Ngoài
ra chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có yêu anh chị em như chính mình
chúng ta không?
Chúng ta có chủ động tiên đoán những gì người khác mong ước để đáp ứng
không?
Chúng ta có giữ lòng thù hận về việc dữ mà người ta làm cho chúng ta không?
Chúng ta có cố gắng hy sinh mình cho kẻ khác không?
Chúng ta có giành lấy tất cả những thoải mái, ưu tiên, thuận lợi cho
lòng ích kỷ của chúng ta không?
Chúng ta có ý thức chúng ta là hư vô thực sự không?
Chúng ta có cảm thấy chúng ta thực sự bé mọn dưới mắt Chúa không?
Chúng ta có biết dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta nhận được
không?
Trong khi vui cũng như lúc buồn, chúng ta có biết thưa "tạ ơn Chúa"
không?
Chúng ta có thực sự phú thác mình trong tay Thiên Chúa không?
Chúng ta có sẵn lòng chia sẻ với những người có ít hơn chúng ta không?
Nếu chúng ta làm được những điều mà một người con đơn sơ bé mọn có
thể làm như Maria đã làm, chắc chắn trong những ngày này, Chúa sẽ
đến với chúng ta như đã đến với ba chị em Maria, để tìm một chút an
ủi dầu là nhỏ bé, và như vậy hễ lúc nào cứ đến Mùa Chay và Tuần
Thánh hàng năm, Chúa lại tìm đến với chúng ta để trái tim Người bớt
thổn thức và bồi hồi vì những bội bạc của toàn nhân loại đã, đang
và sẽ còn làm cho trái tim Người rỉ máu.
Đừng
bao giờ chúng ta quên rằng, nếu không cậy dựa vào Chúa, chúng ta không thể
nào tiến tới tình trạng như Maria đã trải qua với Chúa trên đây.
Suy Niệm:
Thầy trò
sống thân thiết gắn bó với nhau như "bát nước đầy", còn mấy ngày nữa
đâu, còn nhiều thời gian cho nhau nữa đâu mà người môn đệ thân yêu nỡ tiếc xót
với Thầy chút thời giờ nhỏ mọn chóng qua. Tình với nghĩa mà hẹp hòi vậy
sao?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, Giuđa là biểu tượng của mỗi người chúng con. Chúa có tiếc gì với chúng
con đâu? Có gì quý nhất trên đời mà Chúa chưa ban cho chúng con? Mọi sự trong
trời đất này đều là của Chúa mà sao Chúa như phải chờ đợi chúng con cho lại
Người? Phải chăng vì yêu thương chúng con quá khiến Chúa đã hy sinh tất cả để
ban tặng cho chúng con chính sinh mạng của Chúa?
Lạy Chúa
Giêsu, xin tha thứ sự bất kính và xúc phạm nặng nề của chúng con. Xin cho chúng
con biết chân tình cảm mến như Maria để đáp lại một chút tình yêu thương vô bờ
của Chúa. Amen.
Để tâm
hồn sâu lắng hơn và để áp dụng một cách thiết thực hơn những suy tư
và hành động trong tuần thánh này, xin mạnh dạn mở rộng thêm những
suy tư và đề nghị cầu nguyện như sau đây mong mang lại một chút ơn ích
cho chúng ta kẻo tuần thánh trôi qua vô ích.
Xin gợi ý
cho anh em bằng một câu chuyện nhỏ nhưng hết sức tâm tình sau:
Cha Louis,
một tu sĩ dòng Ða Minh, người Pháp, mặc dù dấn thân hoạt động nhiều, nhưng cha
không bao giờ quên canh tân chính cuộc sống thiêng liêng của mình. Cha đã dọn
ra một lời nguyện sau đây để hằng ngày dùng đến mà kiểm điểm đời sống:
Lạy Chúa, lỗi
tại con; tại con không chân thành yêu thương anh chị em. Tại con không cảm thấy
đau khổ trước những cảnh khốn cùng của anh chị em. Tại con thờ ơ lãnh đạm bên
cạnh người xấu số. Tại con khinh dễ nhiều người, nhất là những người mang thân
phận nghèo hèn, những người có kiến thức kém cỏi hơn con.
Tại con đã
để cho kẻ khác phải chờ đợi. Tại con đã quên hay thất hứa khi con đã hẹn với
người khác. Tại con không giữ đúng những lời cam kết. Tại con không ăn ở dễ dãi
với kẻ khác, không sẵn sàng với người khác. Tại con không biết tìm hiểu những
hoàn cảnh của người ta. Tại con đã từ chối giúp đỡ họ do tính ích kỷ của con.
Tại con đã không ra tay xoa dịu một vết thương mà đáng lẽ con phải làm. Tại con
đã làm thương tổn cho người ta nhiều, vì lời ăn tiếng nói của con. Tại con đã
hạ bệ những kẻ đối nghịch với con. Tại con đã láo xược và ăn ở bất công. Tại
con đã làm gương xấu quá nhiều, nên anh chị em con đã bị tổn thương nhiều vừa
hồn vừa xác. Lạy Chúa, lỗi tại con. Xin Chúa thương tha thứ cho con. Và con
cũng xin Chúa tha thứ cho những anh chị em đã vì lỗi của con mà sống bất xứng.
Trong bài
Tin Mừng hôm nay, chúng ta được dịp nhìn thấy thái độ bênh vực người nghèo của
tông đồ Giuđa phản bội Chúa. Giuđa tuyên bố như thể mình muốn phục vụ người
nghèo, nhưng thực ra chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư.
Nhưng về
phần Maria, chị không thuộc nhóm 12 tông đồ được chọn sống luôn bên cạnh Chúa
để lắng nghe Ngài chỉ dạy, nhưng Maria đã hướng về Chúa với hết tâm hồn của
mình và đã thực hiện một việc được Chúa xem như là có giá trị tiên tri loan báo
mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Trong khi đó thì Giuđa Iscariot, một trong số 12
tông đồ đã được chọn lại có tâm địa khác, ông chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư.
Ông sống bên cạnh Chúa nhưng đã không thực sự gặp được Ngài.
: Lâu nay, chúng
ta đi kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không gặp Chúa, không suy tư với Chúa,
không đối thoại với Chúa, không hành động với Chúa. Chúng ta không an vui
trong tâm hồn và chúng ta dấn thân một mình ngoài Chúa. Chúng ta đã mời Chúa
lui về nhà thờ. Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội là nguyên
tố tai hại nhất trong thời đại chúng ta. Cả cuộc sống chúng ta phải loan
truyền và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô Cứu độ với hết tâm hồn thống hối và
yêu thương. Và sẵn sàng với một hành động (như Maria) mà người ngoài có thể
cho là một hành động điên khùng uổng phí, nhưng trước mặt Chúa, đó là một hành
động nêu gương sáng cho kẻ khác.
Lạy
Chúa, xin ban ơn thanh luyện tâm hồn con khỏi mọi hình thức vụ lợi, ích kỷ, để
con yêu mến Chúa thật lòng và phục vụ anh chị em xung quanh mỗi ngày một thiết
thực, hữu ích hơn. Amen.
(Xin tặng
các anh em đang xông pha trên cánh đồng truyền giáo và đặc biệt các
tông đồ giáo dân, các anh em trong ban đại diện CCSLSQN trong cũng như
ngoài nước. Chúc anh em một Tuần Thánh thật Thánh. Amen.)
In Christo,
PM.HXT
|