Ơn
cứu chuộc.
Chúa
Giêsu đã chịu nạn chịu chết vào ngày Thứ
Sáu, chúng ta quen gọi là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hay ngày
Thứ Sáu chịu nạn. Xưa kia
người ta cho ngày thứ sáu chịu nạn là một
ngày đáng ghét hơn bất cứ ngày nào khác trong năm,
bởi lẽ ngày hôm đó có một người vô tội
đã bị kết án tử hình và đã bị giết
chết một cách rất tàn nhẫn, bất công. Vì sự
kiện đó người ta đã định nghĩa ngày
Thứ Sáu chịu nạn là “Thêm một người vô
tội được ghi tên vào trang sổ dài trong lịch
sử nhân loại, cuốn sổ của biết bao nhiêu
người bị tố cáo một cách oan uổng, bị
đánh đập, bị hành hạ tàn nhẫn, và có khi
bị giết chết”. Theo ý nghĩa này thì
quả thật ngày Thứ Sáu chịu nạn là một ngày
xấu xa, một ngày đen đũi.
Nhưng
đối với chúng ta, ngày Thứ Sáu chịu nạn
không phải là một ngày đáng ghét, chúng ta phải
nghĩ ngược lại, ngày đó là một ngày đáng
ghi nhớ, một ngày có ý nghĩa thật tốt
đẹp và hoàn toàn cao cả, một ngày tốt
đẹp hơn hết mọi ngày, bởi vì ngày đó là
ngày Chúa Giêsu đã chết để cứu chuộc chúng
ta, là ngày mở ra một trang sử mới của loài
người.
Quả
thực, không phải Chúa Giêsu đã chịu thua
trước bạo lực, trước rủi ro hay
số phận, cái chết của Ngài không phải là
một sự thất bại, thua cuộc, nhưng là
một sự nghiệp anh hùng và cao quý, vì chỉ có cái
chết của Ngài mới có đủ khả năng
đền bù tội nguyên tổ và mọi tội lỗi
của con người một cách cân xứng, bởi vì
tội phạm đến trời thì chỉ trời
mới tha được. Hơn nữa, muốn cứu
chuộc chúng ta, thật ra Chúa Giêsu đâu có cần phải
xuống thế, phải nghèo khổ, phải nhục nhã,
phải bị giết chết một cách tức
tưởi như vậy, nhưng tất cả những
sự ấy Ngài đã lãnh nhận chỉ vì Ngài yêu
thương chúng ta, yêu thương đến cùng, yêu
thương không bờ bến.
Như vậy, không gì chắc chắn
bằng Chúa Giêsu đã đổ máu ra chết cho tất
cả chúng ta, nhưng cũng không gì chắc chắn
bằng Chúa Giêsu đã chết một cách vô ích cho chúng ta
nếu chúng ta không muốn tham dự vào công lênh cứu
chuộc của Ngài bằng nỗ lực riêng của
mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã làm bật lên mạch
nước, nhưng chúng ta cần cúi xuống mà uống,
nguồn mạch Chúa Giêsu sẽ vô ích nếu chúng ta không
muốn uống. Nói rõ hơn, ơn cứu chuộc
đòi hỏi chúng ta một nghĩa vụ, đó là chúng ta
phải cộng tác với ơn Chúa, như thánh Âu tinh
đã nói: “Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài không cần
hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc
chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta”.
Thực
vậy, khi bị treo trên thập giá, trước khi
thở hơi cuối cùng, Chúa Giêsu đã kêu lớn
tiếng: “Mọi sự đã hoàn tất”. Như vậy,
công việc cứu chuộc của Chúa đã xong, nhưng
công việc của chúng ta thì chưa xong, chúng ta còn phải
luôn luôn kiện toàn đời sống của mình, từ
đó chúng ta mới hiểu câu nói của thánh Phaolô: “Tôi
bổ khuyết nơi tôi những gì còn thiếu trong
cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”. Vì thế, chúng ta hãy
nhớ hai điều: Thứ nhất, người thế
gian thường xét đoán theo hiệu
quả, còn Chúa thì đoán xét theo cách thức người ta
chu toàn và kiện toàn bổn phận Chúa trao. Nói
cách văn hoa, ở đời này, tất cả chúng ta
đều là những diễn viên trên sân khấu trần
gian, khi màn bi hài kịch cuộc đời hạ xuống,
Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã giữ vai trò gì mà chỉ
hỏi chúng ta đã diễn xuất thế nào về vai trò
được trao cho. Thứ hai, khi chấm dứt
cuộc sống ở trần gian, có hai câu hỏi
được đặt ra: người đời
sẽ hỏi: “Người ấy để lại những
gì?”, Còn thiên thần thì hỏi:
“Người ấy đem đi được những
gì?”. Điều đó có nghĩa là trong cuộc hành trình trên
trần gian, chúng ta có thể đem theo
mình nhiều thứ, nhưng khi đến trước tòa
Thiên Chúa, chỉ còn những việc thiện đi theo chúng
ta mà thôi.
Tất
cả những điều tìm hiểu trên nhắc nhở
chúng ta: hãy ý thức hơn về ơn cứu chuộc, hãy
thấm nhập ơn cứu chuộc vào chính tâm hồn
mình, và hãy sống ơn cứu chuộc trong đời
sống hằng ngày. Ước mong chúng ta hãy
dành nhiều thời giờ trong Tuần Thánh này để
suy nghĩ về ơn cứu chuộc của Chúa và sự
cộng tác của mỗi người chúng ta để hoàn
thành cuộc đời mình. Cụ thể, trong
những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, ngoài việc
cầu nguyện, suy ngắm sự thương khó Chúa,
ăn chay để tỏ lòng thống hối, chúng ta còn phải
xưng thú tội lỗi để tháo những chiếc
đinh nhọn ra khỏi tay chân Chúa.
Đinh nhọn đây có thể là
những thù hận và vu cáo bất công như những
người đầu mục Do Thái đã làm. Đinh nhọn cũng có thể là
sự khiếp nhược chối bỏ Thầy hay
phản bội nộp Thầy như các môn đệ Chúa
đã làm. Đinh nhọn cũng có thể là
những sự độc ác vô lương tâm như tên
trộm bên trái Chúa đã chê trách Chúa trên cây thập giá.
Đinh nhọn cũng còn là những sự dửng
dưng, thậm chí hùa theo kẻ mạnh
để làm khổ người thân yếu cô thế
như đám đông dân chúng đã la to: “Đóng đinh nó
vào thập giá…”
Ngày
nay chung quanh chúng ta không thiếu những
người đau khổ là hiện thân của Chúa Giêsu
trên thập giá. Họ chính là những người mắc
bệnh nan y mà không tiền chữa
trị, hoặc là những người đang chịu
đựng những lời khích bác và vu khống bất
công của những kẻ thù giấu mặt mà không ai
động viên an ủi. Họ cũng chính là những
người đang gặp đau khổ như què
quặt, đui mù, đi xin ăn mà không
biết ngày mai sẽ ra sao…
Chúng ta có thể làm gì? Hãy cảm thông với họ như các
phụ nữ gặp gỡ Chúa trên đường
thập giá, hãy giúp đỡ họ như ông Si-mon vác
đỡ thập giá Chúa, như bà Vêrônica trao khăn cho Chúa
lau mặt, hãy bênh vực công lý như người trộm
lành bên hữu Chúa, hãy giải thoát họ khỏi những
đau khổ ấy như hai môn đệ xưa đã
tháo đinh và cất xác Chúa xuống khỏi thập giá…
Tóm lại, chỉ có tình yêu mới làm
cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ,
vậy chúng ta hãy cảm nếm thật sâu xa nỗi
khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng
đừng quên nhận ra những khổ đau của anh
em chung quanh. Càng suy niệm về cuộc khổ nạn, chúng
ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu
thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của
người khác hơn.