Hiến Chế Tín Lý
Về Giáo Hội
Lumen Gentium
Bản dịch Việt
Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for
Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương VII:
Ðặc Tính Cánh Chung Của Giáo Hội Lữ
Hành Và Sự Hiệp Nhất Với Giáo Hội Trên Trời
61*
48. Ðặc tính chung của ơn gọi
chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập
Giáo Hội trong Chúa Kitô, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta
nên thánh trong Giáo Hội. Và Giáo Hội chỉ kết thúc trong vinh
quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến (CvTđ 3,21) và khi
toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn
trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và
nhờ con người đạt được cùng đích của mình (x. Eph 1,10; Col
1,20; 2P 3,10-13).
Thực vậy, Chúa Kitô, khi bị treo lên khỏi đất, đã kéo mọi người
đến với mình (x. Gio 12,32, bản Hy lạp). Khi từ kẻ chết sống lại
(x. Rm 6,9), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn
đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo Hội như bí
tích phổ quát cứu rỗi. Nay đang ngự bên hữu Chúa Cha, Người
không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa mọi người về với
Giáo Hội, và qua Giáo Hội, kết hợp họ với Người khắng khít hơn;
Người còn lấy chính Mình Máu Người nuôi họ, cho họ tham dự vào
cuộc sống vinh hiển của Người. Vì vậy, sự cải tạo Chúa đã hứa và
chúng đang mong đợi đã khởi sự nơi Chúa Kitô, được xúc tiến khi
Thánh Thần đến và nhờ Ngài được tiếp diễn trong Giáo Hội. Nhờ
đức tin trong Giáo Hội, chúng ta còn hiểu được ý nghĩa cuộc sống
ở trần thế, ngay khi chúng ta lo hoàn tất công việc Chúa Cha
trao phó ở đời này trong niềm hy vọng hạnh phúc mai sau cũng như
khi chúng ta lo phần rỗi của mình (x. Ph 2,12).
Như thế thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy (x. 1Cor
10,11). Việc canh tân thế giới được thiết lập một cách bất khả
phục hồi và thực sự đã bắt đầu một cách nào đó ngay từ bây giờ
vì Giáo Hội đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực,
tuy chưa hoàn toàn. Dù vậy, cho tới khi có trời mới và đất mới,
nơi công lý ngự trị (x. 2P 3,13), Giáo Hội lữ hành mang khuôn
mặt chóng qua của đời này, qua các bí tích và định chế là những
điều thuộc thời đại này. Và Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ sinh
tới nay còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh
con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện (x. Rm 8,19-22).
Bởi vậy, được nối kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội và được in
dấu của Thánh Thần là "bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta" (Eph
1,14), chúng ta thực sự được gọi là con Thiên Chúa và chúng ta
là con Chúa thật (x. 1Gio 3,1); nhưng chúng ta chưa được xuất
hiện với Chúa Kitô trong vinh quang (x. Col 3,4), trong đó chúng
ta sẽ nên giống Thiên Chúa, vì trông thấy Ngài như Ngài có thật
(x. 1Gio 3,2). Vì thế, "đang khi chúng ta còn ở trong thân xác
này, là phải lưu đày xa Chúa" (2Cor 5,6) và được hưởng hoa quả
đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta âm thầm than vãn (x. Rm 8,23)
và khao khát được ở với Chúa Kitô (x. Ph 1,23). Chính đức ái đó
thúc bách chúng ta sống cho Người hơn nữa, vì Người đã chết và
sống lại cho chúng ta (x. 2Cor 5,15). Do đó chúng ta gắng sức
làm đẹp lòng Chúa trong mọi việc (x. 2Cor 5,9) và mặc lấy binh
giáp Thiên Chúa, hầu có thể đứng vững trước những cạm bẩy của ma
quỉ và kháng cự chúng trong ngày gian truân (x. Eph 6,11-13).
Ðàng khác, vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời
Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta
ở trần gian chấm dứt (x. Dth 9,27), chúng ta xứng đáng vào dự
tiệc cưới với Người và được liệt vào số những người được chúc
phúc (x. Mt 25,31-46), chứ không như những tôi tớ khốn nạn và
lười biếng (x. Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (x. Mt
25,41), vào chốn tối tăm, nơi "khóc lóc và nghiến răng" (Mt 22,
13 và 25,30). Thật vậy, trước khi ngự trị với Chúa Kitô vinh
hiển, mọi người chúng ta đều phải trình diện "trước tòa Chúa
Kitô, để mọi người lãnh lấy những thành quả đời mình đã làm
trong thân xác hoặc lành hoặc dữ" (2Cor 5,10). Và ngày tận thế
"ai đã làm lành sẽ sống lại hầu được sống, còn ai làm ác sẽ sống
lại để chịu đoán phạt" (Gio 5,29; x. Mt 25,46). Bởi đó, tin rằng
"những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu với vinh quang sắp
tới sẽ được giải bày cho chúng ta" (Rm 8,16; x. 2Tm 2,11-12),
chúng ta mạnh mẽ tin tưởng trông đợi "niềm hy vọng hạnh phúc và
ngày trở lại vinh quang của Thiên Chúa cao cả và Ðấng cứu chuộc
chúng ta là Chúa Giêsu Kitô" (Tit 2,13). "Người sẽ cải tạo thân
xác hèn mạt ta ra giống thân xác sáng láng của Người" (Ph 3,21)
và sẽ ngự đến "để được vinh quang trong các Thánh của Người và
được thán phục trong mọi người đã tin" (2Th 1,10).
62*
49. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội
trên trời và Giáo Hội lữ hành.
63* Bởi thế, cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi,
có tất cả các Thiên Thần theo Người (x. Mt 25,31), và khi sự
chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người (x. 1Cor
15,26-27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp
tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc
sống này và đang được tinh luyện và có những kẻ được hiển vinh
đang chiêm ngưỡng "rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba
Ngôi như Ngài hằng có"
1. Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bậc và
cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa
yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên
Chúa chúng ta. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận
lãnh Thánh Thần Người, đều họp thành một Giáo Hội duy nhất và
liên kết với nhau trong Người (x. Eph 4,16). Bởi vậy, sự hiệp
nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã
yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng
trái lại, Giáo Hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn
vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải
thiêng liêng
2. Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn,
các người ở trên trời củng cố toàn thể Giáo Hội vững bền hơn
trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà hiện nay Giáo
Hội tại thế dâng lên Thiên Chúa, được cao cả hơn, và họ góp phần
phát triển Giáo Hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (x. 1Cor
12,12-27)
3. Ðược về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (x.
2Cor 5,8) nhờ Người, với Người và trong Người, các Thánh không
ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha
4, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi
còn ở dưới thế, nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và
loài người là Chúa Giêsu Kitô (x. 1Tm 2,5), khi họ đã phục vụ
Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì còn
thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân
Thể Người là Giáo Hội (x. Col 1,24)
5. Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ
chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn.
64*
50. Tương quan giữa Giáo Hội lữ
hành và Giáo Hội trên trời. Nhận biết đúng đắn sự
hiệp thông này trong toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ
buổi đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng
lời cầu cho những người đã chết
6, "vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát
khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh" (2Mac 12,46). Ðối với các
tông đồ và những vị tử đạo của Chúa Kitô, là những chứng nhân
cao cả đã đổ máu vì đức tin và đức ái, Giáo Hội luôn tin rằng,
các ngài liên kết với chúng ta khắng khít hơn trong Chúa Kitô:
với lòng yêu mến đặc biệt, Giáo Hội tôn kính các ngài cùng Ðức
Trinh Nữ Maria và các Thánh Thiên Thần
7, và sốt sắng nài xin các ngài trợ giúp và cầu bầu
cho. Sau đó không bao lâu, thêm vào số các vị trên, Giáo Hội còn
tôn kính những người đã nhiệt thành noi gương khiết trinh và khó
nghèo của Chúa Kitô
8; và sau cùng, có những người vì đã thực hành cách
phi thường các nhân đức Kitô giáo
9 và được Chúa ban nhiều ân điển, nên được các tín hữu
thành tâm tôn kính và noi theo
10.
Quả thực, khi ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành bước
theo Chúa Kitô, chúng ta khám phá ra một lý do mới thúc đẩy
chúng ta tìm kiếm Thành Thánh tương lai (x. Dth 13,14 và 10,11),
đồng thời chúng ta cũng biết con đường chắc chắn giúp chúng ta
đạt tới sự kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô, nghĩa là đạt tới sự
thánh thiện, giữa bao thăng trầm trần thế, tùy theo bậc sống và
hoàn cảnh riêng của mỗi người
11. Qua cuộc sống của những người cùng mang một bản
tính nhân loại như chúng ta, nhưng đã được biến đổi nên giống
hình ảnh Chúa Kitô hơn (x. Cor 3,18), Thiên Chúa tỏ lộ rõ ràng
cho con người thấy dung nhan và sự hiện diện của Ngài. Chính
Ngài nói với chúng ta qua các vị ấy và ban cho chúng ta thấy dấu
chỉ Nước Ngài
12, và mãnh liệt lôi cuốn chúng ta tới Nước ấy nhờ số
chứng nhân đông đảo như mây trời (x. Dth 12,1) và nhờ chân lý
Phúc Âm được chứng thật như thế.
Tuy nhiên, chúng ta kính nhớ các Thánh trên trời không chỉ vì
gương lành các ngài mà thôi, nhưng đúng hơn để sự hiệp nhất của
toàn thể Giáo Hội trong Thánh Thần được bền vững nhờ thực hành
đức bác ái huynh đệ (x. Eph 4,1-6). Thực vậy, cũng như mối hiệp
thông giữa các Kitô hữu còn sống trên dương thế đưa chúng ta tới
gần Chúa Kitô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng hiệp nhất
chúng ta với Người, là Ðầu và là Nguồn phát sinh mọi ân sủng và
sự sống của chính Dân Thiên Chúa
13. Do đó, điều hết sức thích đáng là chúng ta yêu mến
các bạn hữu và những người đồng thừa tự của Chúa Kitô, cũng là
anh em và ân nhân đặc biệt của chúng ta, cũng như chúng ta dâng
lời cảm tạ Thiên Chúa vì các ngài
14 và "thành khẩn van nài, chạy đến xin các ngài cầu
nguyện và trợ lực, giúp đỡ, hầu Chúa Cha ban cho nhiều ơn lành,
nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng ta, Ðấng Cứu Chuộc và
Giải Thoát duy nhất của chúng ta"
15. Thực vậy, mọi bằng chứng đích thực biểu lộ tình
yêu chúng ta đối với các Thánh trên trời, từ bản chất, luôn qui
hướng và kết thúc nơi Chúa Kitô là "triều thiên của toàn thể các
Thánh"
16, và nhờ Người qui hướng và kết thúc nơi Thiên Chúa,
Ðấng đáng ca tụng và tôn vinh trong các Thánh
17.
Hơn nữa, sự hiệp nhất của chúng ta với Giáo Hội trên trời được
thực hiện cách hết sức cao cả, đặc biệt trong Phụng Vụ, ở đó
quyền năng Thánh Thần hoạt động trên chúng ta qua các dấu chỉ bí
tích, ở đó chúng ta cùng lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa uy linh
18, và tất cả mọi người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ,
dân tộc và quốc gia được cứu chuộc trong máu Chúa Kitô (x. Kh
5,9), hợp nhau trong một Giáo Hội duy nhất, đồng thanh chúc tụng
một Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vậy, khi cử hành lễ hy tế tạ ơn,
chúng ta kết hợp rất mật thiết với việc thờ phượng của Giáo Hội
trên trời, vì hiệp cùng Giáo Hội, chúng ta kính nhớ trước hết
Ðức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, sau là Thánh Giuse,
các Thánh Tông Ðồ và Tử Ðạo cùng toàn thể các Thánh
19.
65*
51. Hướng dẫn mục vụ của Công
Ðồng. Thánh Công Ðồng kính cẩn đón nhận niềm tin
cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động
với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện
sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của các thánh Công Ðồng
Nicea II
20, Firenze
21 và Trentô
22. Ðồng thời, vì quan tâm đến mục vụ, Công Ðồng
khuyên nhủ tất cả những vị hữu trách hãy hết sức ngăn cản và sửa
dạy những ai lạm dụng, thái quá hay bất cập, và hãy tái lập mọi
sự để Thiên Chúa và Chúa Kitô được ngợi khen cách trọn hảo hơn.
Bởi vậy, các ngài hãy dạy cho tín hữu biết rằng, việc tôn kính
các Thánh đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài
bằng ở cường độ tình yêu tích cực của chúng ta. Tình yêu ấy giúp
chúng ta tìm thấy "một gương mẫu trong khi gặp gỡ các ngài, được
thông hiệp qua việc kết hợp với các ngài và được các ngài cầu
bầu trợ giúp"
23, để đem lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội và cho chúng
ta. Ðàng khác, ước gì các ngài cũng hãy giúp các tín hữu hiểu
rằng mối liên lạc giữa chúng ta và các Thánh trên trời, hiểu
theo ánh trọn vẹn của đức tin, không hề làm suy giảm sự tôn thờ
dành riêng cho Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh
Thần, nhưng trái lại còn làm cho sự tôn thờ ấy thêm phong phú
hơn
24.
Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một
gia đình trong Chúa Kitô (x. Dth 3,6), nên khi hiệp thông với
nhau trong tình yêu qua lời đồng thanh ca tụng Chúa Ba Ngôi chí
thánh, chúng ta cùng đáp lại lời mời gọi thân tình của Giáo Hội,
và được tham dự, cảm mến trước phụng vụ vinh hiển toàn hảo
25. Vì khi Chúa Kitô hiện đến và khi kẻ chết sống lại
trong vinh quang, ánh sáng Thiên Chúa sẽ chiếu soi Thành Thánh
trên trời và Con Chiên sẽ là đuốc sáng (x. Kh 21,23). Toàn thể
Giáo Hội các Thánh sẽ thờ lạy Thiên Chúa và "Con Chiên đã bị
giết" (Kh 5,12) trong hạnh phúc sung mãn của đức ái, và đồng
thanh ca tụng rằng: "Ngợi khen, danh dự, vinh hiển, quyền năng
muôn đời cho Ðấng ngự trên ngai và Con Chiên" (Kh 5,13-14)
66*.
Chú Thích:
61* Chương này được khai
sinh theo ước muốn của Ðức Gioan XXIII.
Ðược Ủy ban Thần học soạn thảo lại, chương này được mọi người
công nhận là một phần của hiến chế mới (lược đồ đệ trình bấy giờ
chỉ có 4 chương). Nội dung của chương được tổng hợp trong tựa
đề. Công Ðồng nhấn mạnh tới hành động tôn vinh Thiên Chúa của
tất cả Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội dưới đất cũng như trên
trời. Cơ cấu của chương như sau: số 48 nói lên hai giá trị của
Giáo Hội trong đó những thành phần dưới thế cùng tồn tại với
những thành phần cố định; các số 49 và 50 trình bày những mối
dây liên kết Kitô hữu còn ở trần gian với những người đã lên
trời hoặc ở trong luyện ngục: các Thánh trên trời cầu bầu cho
chúng ta là những kẻ lữ hành (số 49), mối tương quan giữa các
Ngài với chúng ta (số 50). Từ giáo lý này mà số 51 rút ra những
hậu kết có tính cách mục vụ.
62* Số 48: Ðặc tính cánh
chung của ơn gọi chúng ta.
Trong cuộc sống hiện tại, ơn gọi của chúng ta là: được Chúa Kitô
thánh hóa, chúng ta cùng với Người tiến về sự thánh thiện viên
mãn trong đời sống vĩnh cửu, khi chúng ta được chiêm ngưỡng
chính Thiên Chúa. Cuộc lữ hành đòi chúng ta phải ý thức về mối
liên hệ giữa đời sống hiện tại của chúng ta với đời sống vĩnh
cửu, để với lòng tin vững chắc vào Chúa Kitô Cứu Thế và hy vọng
một vinh quang mai hậu, chúng ta chịu đựng những nghịch cảnh đời
này, và chống lại ma quỉ. Ðời sống Kitô giáo có sự liên tục giữa
đời sống dưới thế và đời sống vĩnh cửu trên trời. Có ý thức sống
động được chân lý này, chúng ta mới nghĩ đến những người đã về
trời. Và điều đó làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn về chính mầu
nhiệm Giáo Hội: là thực hiện sự hiệp thông giữa mọi người trong
Chúa Kitô, là sự hiện diện sống động của các thực tại trên trời
giữa dòng đời trần gian. Như thế, khi tín hữu nhớ lại lời Chúa
và các Tông Ðồ đã nói, có thể nhận ra sự liên lạc mật thiết giữa
các chân lý này và tầm quan trọng nền tảng của chúng đối với đời
sống Kitô giáo.
63* Các số 49-50: Sự hiệp
thông giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời.
Ðây là nền tảng giáo lý của cả chương, nghĩa là Giáo Hội dưới
đất và Giáo Hội trên trời tạo thành một Dân Chúa, một Thân Thể
Chúa Kitô. Công Ðồng giải thích sự hiệp nhất này vì dựa vào căn
bản là những mối dây liên lạc sống động giữa chúng ta, những
người lữ hành trên dương thế, và những người đã đạt tới quê
trời. Trong số những hoạt động và những mối liên quan ấy, điều
đáng kể là việc các Thánh cầu bầu cho cả Giáo Hội.
1 CÐ Firenze, Decretum
pro Graecis: Dz 693 (1305).
2 Ngoài những tài liệu
xưa hơn có từ thời Ðức Alexandrô IV ngăn cấm mọi hình thức chiêu
hồn (27-9-1258), xem Tđ. của Bộ thánh vụ De magnetismi abusu,
4-8-1856: ASS (1865) trg 177-178; Dz 1653-1654 (2823-2825); câu
trả lời của Bộ thánh vụ, 24-4-1917: AAS 9 (1917), trg 268, Dz
2182 (3642).
3 Xem bài đúc kết học
thuyết này của T. Phaolô, trong Tđ. Piô XII, Mystici Corporis:
AAS 35 (1943), trg 200 và nhiều nơi khác.
4 Xem T. Augustinô,
Enarr. in Ps. 85, 24: PL 37, 1099. T. Hieronimô, Liber contra
Vigilantium, 6: PL 23, 344. T. Tôma, In Ivm Sent., d. 45, q. 3,
a. 2. T. Bonaventura, In Ivm Sent., d. 45, a. 3, q. 2; v.v...
5 Xem Piô XII, Tđ.
Mystici Corporis : AAS 35 (1943), trg 245.
64* Số 49: Nền tảng giáo
lý và sự liên hệ giữa các Thánh trên trời và Giáo Hội.
Nền tảng tín lý được trình bày rõ ràng và chính xác để tránh
những khuynh hướng cực đoan và để giúp cho nhu cầu hiệp nhất
được dễ dàng hơn. Công Ðồng dạy rằng, cho tới khi Chúa lại đến
trong vinh quang, một số người đã ở trên Nước Trời, một số khác
ở trong luyện ngục, một số khác nữa đang trên đường tiến về đời
sau, nhưng tất cả đều kết hiệp với Chúa Kitô làm nên một Giáo
Hội duy nhất. Công Ðồng cũng dạy rằng, các Thánh trên trời lấy
tình thương phù trợ đặc biệt cho những người anh em khác, và
củng cố cũng như làm làm đẹp Giáo Hội trần gian.
6 Xem rất nhiều bi ký
trong các hầm mộ cổ ở Roma.
7 Xem Gelasiô I, giáo
lệnh De libris recipiendis, 3 : PL 59, 160; Dz 165 (353).
8 Xem Methodiô, Symposion
VII, 3 : GCS (Bonwetsch), trg 74.
9 Xem Benedictô XV,
Decretum approbationis virtutum in Causa beatificationis et
canonizationis Servi Dei Joannis Nepomuceni Neumann: AAS 14
(1922), trg 23. Nhiều diễn văn của Ðức Piô XI về các thánh:
Inviti all'eroismo, trong Discorsi e Radiomessaggi bộ I-III,
1941-1942, và nhiều nơi khác. Ðức Piô XII, Discorsi e
Radiomessaggi, bộ 1949, 37-43.
10 Xem Piô XII, Tđ.
Mediator Dei : AAS 39 (1947), trg 581.
11 Xem Dth 13,7; Hđ
44-50; Dth 11,3-40.
Xem thêm Piô XII, Tđ. Mediator Dei: AAS 39 (1947), trg 582-583.
12 Xem CÐ Vat. I, Hiến
chế về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1794 (3013).
13 Xem Piô XII, Tđ.
Mystici Corporis : AAS 35 (1943) trg 216.
14 Về sự biết ơn đối với
chính các thánh, xem E. Diehl, Inscriptiones latinae veteres, I,
Berlin, 1925, các số 2008, 2382 và nhiều nơi khác.
15 CÐ Trentô, sắc lệnh De
invocatione... sanctorum: Dz 984 (1821).
16 Sách nguyện Roma, Tiền
xướng trong lễ các Thánh.
17 Xem ví dụ: 2Th 1,10.
18 CÐ Vaticanô II, Hiến
chế Phụng vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, ch. 5, số 104 : AAS
56 (1964), trg 125-126.
19 Xem Sách lễ Roma, Lễ
qui.
65* Số 50: Sự liên hệ
giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời.
Số này trình bày cách thức mà Giáo Hội lữ hành phải có, để trong
thực hành, tạo được sự hiệp thông đã nói trong đoạn trước. Công
Ðồng đưa ra những động lực chính yếu giúp xây dựng và phát huy
sự hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội trên trời. Những động
lực đó như sau: những người đã về trời nêu gương cho chúng ta
một đời sống đạo chính thực; sự liên lạc với họ sẽ đưa chúng ta
tiến tới việc kết hợp khắng khít hơn với Chúa Kitô; sự hiệp
thông với họ làm cho việc phụng tự qui về Chúa Kitô nơi Giáo Hội
trần gian được sung mãn. Ở nhiều nơi, Hiến Chế ám chỉ tới lịch
sử Giáo Hội, để làm sáng tỏ hơn những nền tảng thần học của giáo
lý đã trình bày và cũng để cho sự trình bày này được sống động
hơn, tương xứng hơn với nhu cầu mục vụ.
Ðoạn nhất nói lên những cách thức hiệp thông tổng quát với các
người anh em không thuộc về Giáo Hội trần gian: kính nhớ và vọng
độ cách chung, tôn kính và nài xin cầu bầu. Ðoạn hai nhấn mạnh
tới gương mẫu các Thánh nêu ra cho đời sống Kitô giáo chúng ta,
hoặc dưới khía cạnh sư phạm hoặc dưới khía cạnh minh giáo. Ðoạn
ba chúng ta thấy việc tôn kính các Thánh chính thực sẽ thúc giục
chúng ta thực thi bác ái huynh đệ và liên kết chúng ta với Chúa
Kitô bền chặt hơn. Tình bác ái huynh đệ nơi chúng ta là những
khách lữ hành không bị suy giảm, trái lại còn làm gia tăng đặc
tính qui về Chúa Kitô của Kitô giáo. Cũng vì lý do đó, sự liên
lạc và hiệp thông với các Thánh trên trời đã không làm cản trở
nhưng còn giúp đỡ cách lạ lùng cho tình yêu và sự kính thờ Ba
Ngôi Thiên Chúa. Ðoạn bốn có xác quyết căn bản như sau: việc tế
tự phụng vụ của Giáo Hội thực hiện tất cả những gì đã nói về sự
liên hệ với các Thánh trên trời.
20 Xem CÐ Nicea II, văn
kiên VII : Dz 302 (600).
21 Xem CÐ Firenze,
Decretum pro graecis : Dz 693 (1304).
22 Xem CÐ Trentô, sắc
lệnh De invocatione, veneratione et reliquiis Sanctorum et
sacris imaginibus: Dz 984-988 (1821-1824), sắc lệnh De
Purgatorio: Dz 983 (1820); sắc lệnh De justificatione, khoản 30:
Dz 840 (1580).
23 Sách lễ Roma, kinh
Tiền tụng, dùng trong các giáo phận Pháp.
24 Xem T. Phêrô Canisiô,
Catechismus Maior seu Summa Doctrinae christianae, ch. III, x.b.
F. Streicher, phần I, trg 15-16, số 44 và trg 100-101, số 49.
25 Xem CÐ Vat II, Hiến
chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, ch. I, số 8: AAS
56 (1964), trg 401.
66* Số 51: Hậu kết mục
vụ.
Một vài hậu kết có tính cách mục vụ theo sau những nguyên tắc đã
đề ra. Hậu kết đó bao gồm một số ý hướng căn bản để việc tôn
kính các Thánh được thực hiện trong tinh thần đúng đắn và để có
thể ngăn ngừa những hình thức thái quá hay bất cập ở một vài
nơi. Một đàng Công Ðồng chủ trương rõ ràng giá trị việc tôn kính
các Thánh không cốt tại gia tăng các hành động bên ngoài, nhưng
do cường độ tình yêu của chúng ta; đàng khác Công Ðồng quả quyết
việc tôn kính ấy không đi ngược với tình yêu Thiên Chúa, với
việc tôn thờ dành cho mình Ngài. Số này chứa đựng nhiều điều có
thể cổ võ cho việc hiệp thông với các anh em ly khai, đặc biệt
với anh em Ðông Phương, vì giáo lý thuộc đức tin của chúng ta
đây đối với họ hết sức quan trọng, làm nên một di sản chung về
đức tin và về sự kính nhớ.
Phần kết luận cho toàn chương (51, đoạn hai) quả quyết rằng hiện
đại hóa sự hiệp thông của tất cả những người thuộc về Chúa Kitô
là đã bắt đầu cuộc sống vinh quang, và như vậy là ngay ở chốn
lưu đày này đã thực hiện được cùng đích của đời ta vì đã được
tham dự và thưởng thức phụng vụ vinh hiển trên trời.
|