Chết để sống.
Trong khi đưa chúng ta tới gần
Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta đọc bài Tin Mừng
hôm nay cùng với những lời ngôn sứ Giêrêmia loan báo
giao ước mới và lời thư gửi tín hữu Do
Thái nói về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên
thập giá, là để bảo cho chúng ta biết: chúng ta
phải nhìn vào cái chết của Chúa, không phải chỉ
như một biến cố đã qua trong lịch sử,
cũng không phải chỉ như một biến cố
đau buồn đưa tới tuyệt vọng. Chúa Giêsu
chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và
trở thành Đấng ban sự sống, Chúa chịu treo
lên thập giá là để trở thành nguồn ơn
cứu độ, để chúng ta nhìn lên Ngài và
được cứu sống.
Trước hết, bằng một
lời mạc khải long trọng, Chúa Giêsu lấy thí
dụ hạt lúa gieo xuống đất, phải qua con
đường nào để sinh ra những hạt lúa khác:
hạt lúa phải chết đi, nghĩa là nó phải
đánh đổi cái dạng hiện thời của nó
để trở thành cây lúa, Chúa nhấn mạnh vào sự
đánh đổi cái hiện tại của hạt lúa. Ý
nghĩa của thí dụ này có lẽ chúng ta đều
đã hiểu, Chúa muốn nói rằng: Ngài phải đi vào
cõi chết để đem muôn người vào sự
sống mới. Tuy nhiên, Chúa không áp dụng ngay vào bản
thân Ngài mà lại nêu lên qui luật chung
để áp dụng cho tất cả những ai muốn
bước theo Ngài, phục vụ Ngài: “Ai yêu mạng
sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình
ở đời này thì sẽ giữ lại
được cho sự sống đời đời”.
Sự đối chọi giữa yêu và ghét ở đây,
chúng ta cần hiểu cho đúng, theo kiểu nói của
văn chương Kinh Thánh, cặp “yêu – ghét” có nghĩa là
khư khư giữ lấy và từ bỏ, coi nhẹ:
kẻ khư khư bám lấy mạng sống của mình,
bám lấy như một cái tuyệt đối, thì
giống như hạt lúa trơ trọi một mình, không
đánh đổi hiện tại để hướng
tới tương lai. Mạng sống hiện tại,
chẳng ai giữ được mãi nếu không chấp
nhận đánh đổi thì mất là mất luôn, trái
lại, ai không bám lấy mạng sống hiện tại,
nhưng coi nhẹ để dám đánh đổi thì
sẽ giữ được, vì nó được biến
đổi thành cuộc sống vĩnh cửu. Như vậy, đánh đổi ở đây có
nghĩa là qui hướng cuộc sống hiện tại
về cuộc sống mới mà Chúa Giêsu đem đến.
Gương mẫu tuyệt vời
về sự đánh đổi này là Chúa Giêsu. Nhìn vào cuộc đời Chúa, chúng ta
thấy Ngài đã đánh đổi trọn vẹn,
trước hết, Ngài đã từ bỏ mọi cách
thức ưu đãi, sang giàu, ngay từ giai đoạn
đầu tiên của một con người: sinh ra trong
hoàn cảnh nghèo hèn nhất, thiếu thốn nhất và
bị đe dọa nhất, Ngài đã từ bỏ
để chọn một cuộc sống tầm
thường, âm thầm, khiêm hạ trong một gia đình
lao động ở xứ Nagiarét cũng vô danh. Vào giai
đoạn công khai, Ngài cũng chọn một đời
hoạt động bấp bênh, với hai bàn tay
trắng, và suốt ba năm, Ngài thực sự trải qua
mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của một
người tay trắng đó: bị công kích, bị từ
khước, bị chụp mũ. Cuối
cùng, cách thế để đi đến chiến
thắng vinh quang cũng lại là một cách thế đau
thương, khốn cực nhất của trần gian.
Hơn nữa, Ngài còn phải trải
qua những giây phút giằng co, đau khổ vì quyền
tự do tuyệt đối của Ngài. Tự do của
con người thường bị hạn chế bởi
nhiều yếu tố: hoàn cảnh, xã hội, thiên nhiên… nhưng
tự do của Chúa thì trọn vẹn, không bị hạn
chế gì hết, chính sự tự do tuyệt đối
này mà cái bi thiết nhất của Ngài là Ngài có thể
từ chối với Chúa Cha con đường thập
giá, nghĩa là Ngài có thể nhảy xuống khỏi
thập giá, có thể sai thiên thần đến diệt
bọn lý hình, có thể thâu hồi về tay Ngài tất
cả những bất công, bạo tàn của tòa án… nhưng
Ngài đã không làm, Ngài đã không thay đổi ý kiến vào
những giờ phút cuối cùng. Thực vậy, sau
những giờ phút giằng co quyết liệt, Ngài
thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể, xin
cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con mà chỉ theo ý Cha mà thôi”. Tóm lại,
Chúa Giêsu đã hoàn toàn hy sinh, từ bỏ, hoàn toàn đánh
đổi cuộc đời mình, đánh đổi
đến cấp độ thực sự bị dìm vào cái
kinh hoàng của một con người không còn một chút
gì, đến nỗi như hoàn toàn rơi vào cái trần
trụi đau thương khủng khiếp. Nhưng
tất cả chỉ vì một lý do này, là Ngài muốn mình
phải chết đi, như một hạt lúa, để
trổ sinh vô số bông lúa vàng.
Nhìn về chúng ta, chúng ta hãy nhớ: Thiên
Chúa muốn chúng ta trong khi sống ở đời này,
một đàng chúng ta phải ân cần
làm việc để tận hưởng hoan lạc, thì
đồng thời chúng ta cũng phải lo thu tích công
nghiệp cho đời sau. Và hơn thế
nữa, phải nghĩ đến tương lai vĩnh
cửu hơn là hiện tại chóng qua, phải biết
biến đổi những kết quả đời này thành
hạt giống để gieo vào đất ở trên
trời. Như vậy là tạm thời chịu
thiệt thòi, nhưng sẽ được lợi lãi vô
kể và nếu điều đó không luôn luôn bảo
đảm hoàn toàn việc rỗi linh hồn dưới
mọi khía cạnh, thì ít là cũng bảo đảm
số phận đời đời, bởi vì nếu hy
sinh là định luật của hạt lúa, thì nó càng là
định luật của con người: hạ mình
để lên cao, chết để sống lại, hy sinh để
làm ích, làm mất đời sống thấp kém, mau qua, nghèo
nàn để chinh phục đời sống cao quý,
đầy đủ, vinh quang và bất diệt. Đó là bổn phận thiết yếu của
tất cả mọi người.
Mỗi người hãy tự nhủ:
tôi là một giấc mơ yêu thương của Thiên Chúa,
vì thế, tôi phải trở thành một người lý
tưởng, tốt đẹp như ý Chúa muốn.
Đời tôi là một tấm vải, tôi dệt
đời tôi, sợi này đến sợi khác, ngày này qua
ngày khác, tôi phải dệt làm sao để trở thành
tấm vải tuyệt đẹp, nghĩa là chúng ta
phải sống, làm việc, sinh hoạt, giao tiếp và chu toàn
những bổn phận tầm thường hằng ngày
với một tâm hồn phi thường, một tinh
thần trách nhiệm và một lương tâm ngay lành,
đồng thời trung thành cải thiện chính mình
mỗi ngày một chút, bằng cách mỗi ngày tự
kiểm điểm lại những khuyết điểm,
và đề ra những quyết định cho ngày hôm sau,
với châm ngôn: “Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua”,
hoặc như một giám mục đã nói: “Chấm này
nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một
đường dài, phút này nối tiếp phút kia, muôn
triệu phút thành một đời sống. Chấm
mỗi chấm cho đúng, đường sẽ
đẹp, sống mỗi phút cho tốt, đời
sẽ thánh”.