GIUDA HAY LÀ TÔI?
Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Ông là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình. Nhưng khi tranh luận về Giuđa thì nhiều thắc mắc được nêu lên: Giuđa là kẻ có công hay có tội? Là bậc ái quốc đại trượng phu hay là kẻ phản bội tiểu nhân? Giuđa lên thiên đàng hay xuống hoả ngục?
Mùa Chay lại đến, một lần nữa, tôi và bạn cùng nhìn lại gương mặt nhiều màu sắc ấy của một người từng là môn đệ Chúa. Mùa Chay là dịp thuận tiện để tôi và bạn soi mình vào “tấm gương Giuđa” mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người mình chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa. Để rồi từ đó, tôi và bạn xin ơn biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn lối đường chúng ta đang chọn, đang dấn thân, cũng như xin ơn nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho ơn gọi của tôi và bạn.
Thường khi nói đến Giuđa, người ta nghĩ ngay đến một người mặc đồ đen từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, tưởng tượng Giuđa với cặp mắt dữ dằn, gương mặt phản trắc của một tên lưu manh… Thật ra, rất có thể tôi và bạn đang sánh vai với Giuđa trong đám đông, đang bàn bạc với Giuđa trong mọi kế hoạch, và có những lúc, tôi và bạn đã quỳ bên cạnh Giuđa trong nhà thờ… vì Giuđa trước hết là một tông đồ mà!
Có người đồng hoá Giuđa với Satan, và hơn một người đã nâng Giuđa lên hàng thánh nhân, vì lý do: Giuđa là điều kiện không thể thiếu được trong chương trình cứu rỗi của Chúa!
Thật ra, Giuđa ở giữa hai thái cực đó, giữa một thằng quỷ và một ông thánh, giữa một tên lưu manh và một vị anh hùng. Vì Giuđa là một con người. Có một điều chắc chắn: Giuđa không phải là kẻ đốn mạt, mất trí. Bởi nghi ngờ điều này là nghi ngờ sự khôn ngoan và đường hướng của Chúa và của Thiên Chúa Cha.
Trong Lc 6, 12-16 viết: Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Ngài kêu các môn đệ lại và chọn lấy trong họ nhóm 12, Ngài gọi họ là Tông đồ: Simon, Anrê… và Giuđa Iscariot.
- Suốt đêm, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để rồi chọn Tông đồ Giuđa. Điều ấy thật rõ ràng. Giuđa đã được chọn sau một đêm Chúa thức trắng cầu nguyện.
- Giuđa đã được chọn để trở nên một Tông đồ. Giuđa được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philip và những Tông đồ khác. Giuđa được nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy.
- Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ.
- Giuđa không được chọn để quay lưng với Chúa, để phản bội Ngài.
Chúa Giêsu có lầm khi chọn Giuđa không? Tại sao Thiên Chúa lại chọn Giuđa dù biết rõ con người Giuđa?
Chúa không lầm khi chọn Giuđa. Chúa không lầm khi chọn những Tông đồ khác. Chúa không lầm khi chọn gọi tôi và bạn. Bởi vì, Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như tôi và bạn, đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao lên, để nên xứng đáng hơn.
Giuđa đã nhanh chóng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô. Ông muốn trở nên môn đệ Chúa. Ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa không một chút do dự và Giuđa đã được cả nhóm đón nhận. Họ đã chọn ông làm thủ quỹ, vì họ tôn trọng tài năng của ông. Họ quý mến và tin cẩn ông, dù ông là người miền Nam duy nhất trong số 12 Tông đồ.
Thật ra Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội. Giuđa không thay trắng đổi đen đầu hôm sớm mai, mà ông đã bước dần đến hố thẳm, ông bước đi từng bước một… và mỗi lần Giuđa bước thêm một bước gần đến hố thẳm là mỗi lần ông được Đức Giêsu nhắc nhở, cảnh báo một cách kín đáo nhưng thật rõ ràng. Tin Mừng có ghi lại cách rõ ràng những bước chân sai phạm đó của Giuđa.
Lần 1: khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Ngài, Chúa đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?”. Và trước lời xác quyết chắc nịch của Phêrô Simon: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống”. Chúa nói một câu mà chỉ có Giuđa hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao? Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6, 67). Như thế, Chúa biết trước về Giuđa như Thánh Vịnh 41, 10 tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”.
Chúa Giêsu biết rõ lời tiên báo ứng nghiệm nơi chính con người Giuđa, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ: sự suy giảm nhiệt tình, sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì. Chính vì thế có lần Chúa đã nhắc nhở: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”. Và hơn một lần, trước lời trầm trồ của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy, và phúc cho vú nào đã cho Thầy bú mớm”, thì Chúa xác quyết: “Ai nghe và làm những điều ta nói đây, thì ví như người khôn xây nhà trên đá”. Chúa Giêsu đã nói nhưng Giuđa nào đâu có biết! Giuđa không nghĩ rằng kẻ tội nghiệp đó chính là mình. Như David xưa cũng không nhận ra tên nhà giàu tham lam, độc ác trong câu chuyên của Nathan lại là chính mình. Giuđa vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, an tâm với công việc mà ông gọi là dấn thân, phục vụ!
Lần 2: Khi gặp Giuđa, thì ông đã trở nên một tên ăn cắp mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra. Lúc Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo ?”. Nhưng Thánh Gioan sau này giải thích: “Giuđa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6).
Giuđa cũng như tôi và bạn đi theo Chúa, ngay từ đầu đều có mục đích, một chí hướng. Nhưng tiếc thay, ý hướng ngay lành đó có thể đang bị méo mó, bị cám dỗ dưới quá nhiều hấp dẫn của sự đời.
- Ông tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi.
- Ông đưa ra bên ngoài khuôn mặt nhân ái, để che giấu bên trong lòng ganh ghét đố kỵ.
- Trên môi ông là những lời lẽ vị tha nhân ái, nhưng trong tâm tư là những nguyên do vị kỷ thấp hèn.
- Ông là kẻ luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.
- Ông là người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Và cứ thế mà tiến, những bước chân của Giuđa đã đưa ông đến bờ vực của sự phản bội. Câu hỏi được đặt ra: vì sao Giuđa lại làm thế? Lại trở nên một kẻ chỉ điểm, ám hại, bán đứng Chúa Giêsu? Có nhiều cách giải thích, nhưng Kinh Thánh trả lời: “Satan đã nhập vào Giuđa, gọi là Iscariot”. (Ga 13,2/ Lc 22,3-4)
Dĩ nhiên, Satan không thể tự tông cửa mà vào, nhưng chính Giuđa đã vui lòng tự ý mở cửa. Giuđa đã phản bội Thầy mình. Thật ra, ông có thể chỉ cho họ biết nơi ở của Chúa Giêsu, có thể mô tả cách ăn mặc của Chúa để giúp họ nhận diện. Nhưng không, chính ông đã đến tố giác Chúa, tố giác bằng một cái hôn. Với Giuđa, dấu chỉ của yêu thương trở thành hành động của sự phản bội.
Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông. Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông.
Chúa Giêsu biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng một cái hôn. Ngài còn biết rất rõ rằng: Giuđa có nhiều khả năng, Giuđa có thể đổi đời và Ngài hy vọng ông sẽ đổi đường đi để đời ông đơm hoa kết trái. Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuđa. Chúa chọn Giuđa không vì Giuđa xứng đáng mà để ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn.
Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến rợn người. Chúa rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa. Ngài rửa chân cho Giuđa để ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương Giuđa. Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu… biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương. Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông nhìn ra tình thương của Ngài. Nếu Giuđa bắt được cái nhìn đó, có lẽ ông đã có một “sức bật” như Phêrô và sẽ không đi đến vực thẳm tuyệt vọng.
Trao tấm bánh cho Giuđa, Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này. Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm 12. Chúa vẫn rất thương ông dù ông có đốn mạt đến đâu đi chăng nữa. Ngài hy vọng ông sẽ thay đổi và sẽ lại là một tông đồ. Vì Thiên Chúa là Đấng “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
Nhưng khốn nỗi, trong bữa tiệc ly hôm ấy, chỉ một mình Gioan là hiểu được tấm lòng của Ngài. Và Chúa Giêsu biết Gioan hiểu mình. Gioan hiểu Chúa muốn anh em đừng làm khổ Giuđa, Gioan hiểu: Chúa muốn ông đứng ra làm chứng nếu sau này anh em có làm phiền Giuđa. Cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Chúa (Mt 27,3-10). Ông hối hận, ông xưng thú tội công khai và sẵn sàng đền tội. Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa. Ông đã để lỡ cơ hội của Chúa, vì ông không thể tin rằng ông lại có thể được tha thứ, lại có cơ hội để sửa đổi. Ông đã để lỡ cơ hội của đời mình, vì ông không tin rằng Chúa lại có thể thương mình đến như thế!
Cái chết của Giuđa vén tỏ một chân lý: quỷ dữ và con người chỉ khác nhau có mỗi một điều: cả hai cùng có thể sa ngã, nhưng quỷ dữ thì sa ngã luôn, còn con người vẫn có cơ hội chỗi dậy, phục hồi và đi tới. Cái chết của Giuđa cho tôi và bạn nhận ra rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù có chậm chạp, té ngã nhiều đến đâu, nếu biết chỗi dậy trong hành trình đi theo Chúa, chúng ta không bao giờ trễ cả.
Một ai đó đã ví von: “hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn”. Như thế trở về với Chúa cũng là một cuộc chọn lựa, gạn đục khơi trong, bóc hết lớp vỏ bề ngoài mau qua, để dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi tâm hồn. Ơn gọi dấn thân, phục vụ của tôi và bạn không phải chạy theo nghi lễ bề ngoài, hay những nhu cầu giả tạo mau qua, cũng không sa lầy vào thói phô trương công đức, hay bằng lòng với một vài hoạt động rình rang nhưng rỗng tuếch vì thiếu sức sống, thiếu tình người. Nhưng là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Đức Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tối tăm, những thân phận hẩm hiu, sao cho dung mạo nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh. Như thế, tôi và bạn đang cộng tác vào việc biến đổi thế giới, đang theo chân Đức Kitô để cùng với Ngài đưa nhân loại vào hành trình phục sinh, khởi đi từ chính những đổi thay ngay từ hôm nay trong lối sống, trong cách nhìn, trong nếp nghĩ của chính mình.
Mùa Chay là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của tôi và bạn. Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương con người.
Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm, tương tự như cuộc “lột xác” của tôi và bạn, gỡ bỏ mọi khuynh hướng xấu của đam mê và tội lỗi để có thể gặp Chúa nơi tha nhân, là cuộc hành trình của hạt mầm đâm chồi vươn lên cho vụ mùa tốt tươi. Hãy cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn với ân sủng Chúa ban qua những biến cố, những thành công, niềm vui và cả những thất bại, rã rời của tôi và bạn, vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho tôi và bạn những cơ hội mới. Bởi dù sao đi nữa, tôi và bạn không bao giờ thất vọng vì tin rằng Chúa luôn bên chúng ta và Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng ta.
TuGiaVi
|